Lời nguyền Phòng 610: Nhiều quan chức hệ thống viện kiểm sát ĐCS Trung Quốc ngã ngựa hoặc bị kết án

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Tập Cận Bình liên tục thanh trừng hệ thống chính trị và pháp luật Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 năm nay, đã có 3 phó viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh ngã ngựa hoặc bị kết án. Ngoài ra, hôm 15/10, cựu phó Chánh án Toà án Trung cấp Nội Mông cũng bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”. Cả 4 quan chức trên đều bị Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công hoặc Minghui liệt vào "Danh sách kẻ hành ác" vì bức hại Pháp Luân Công.

Chính quyền Tập thanh trừng hệ thống viện kiểm sát

Hôm 12/10, trang web chính thức của Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo rằng, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Hồ Nam, ông Lưu Kiến Khoan, phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Hồ Nam, hiện đang bị điều tra vì tình nghi vi phạm nghiêm trọng “kỷ luật và pháp luật”.

Trong cùng ngày, ông Giả Tiểu Cương, Phó Bí thư, phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hải, đã bị kết án 7 năm tù vì tội nhận hối lộ. Ông Giả bị điều tra vào ngày 22/7/2020, và bị “song khai” (khai trừ đảng và công chức) vào ngày 28/11/2020.

Ngày 8/10, ông Sử Bảo Long, phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát, thành viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Thành phố Thiên Tân bị điều tra.

Ba phó viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh nêu trên đều bị Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) hoặc trang web hải ngoại Minghui liệt vào danh sách điều tra vì tham gia cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Theo Minghui đưa tin ngày 20/3/2015, ông Lưu Kiến Khoan phải chịu trách nhiệm về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công địa phương, bao gồm Lã Tùng Minh, Hoàng Đoá Hồng, Phù Tiên Hoa trong nhiệm kỳ của ông tại Sở Cảnh sát Lâu Để, Vĩnh Châu và Tương Đàm.

Do tích cực trong việc theo gót tập đoàn Giang Trạch Dân tham gia bức hại Pháp Luân Công, ông Giả Tiểu Cương đã bị Minghui liệt vào “Danh sách điều tra bức hại Pháp Luân Công" vào ngày 29/3/2015.

Ông Sử Bảo Long bị WOIPFG liệt vào “Danh sách kẻ hành ác” vì tích cực tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Ngoài ba quan chức cấp cao của hệ thống viện kiểm sát ĐCSTQ nêu trên, theo một thống kê chưa đầy đủ, năm viện trưởng Viện Kiểm sát hoặc phó viện trưởng Viện Kiểm sát ĐCSTQ đã ngã ngựa kể từ tháng 5 năm nay, bao gồm:

Ngày 30/9, ông Lý Tự Dân, cựu phó Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Hà Nam, đã bị điều tra chỉ hai tháng sau khi nhậm chức Phó giám đốc Ủy ban Công tác Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam;

Ngày 7/9, ông Trần Kỳ Công, Viện trưởng Viện kiểm sát của Phân khu Lâm nghiệp thuộc Viện kiểm sát tỉnh Cam Túc, đã bị điều tra;

Ngày 6/7, ông Lưu Thủ Kiệt, phó Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bị điều tra;

Ngày 2/6, ông Mông Vĩnh Sơn, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hải bị điều tra;

Ngày 12/5, Lý Dương, Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên bị điều tra.

Thông tin công khai cho thấy trong số 5 quan chức cấp cao của hệ thống viện kiểm sát, ông Lưu Thủ Kiệt - phó Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Cát Lâm, phải chịu trách nhiệm về vụ bức hại học viên Pháp Luân Công Lưu Chí Thân tại địa phương và bị liệt vào danh sách điều tra của Minghui. Hiện chưa rõ liệu 4 người còn lại có tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công hay không.

Danh sách trên chỉ là những đối tượng của hệ thống viện kiểm sát bị thanh trừng gần đây. Trên thực tế, toàn bộ hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ luôn bị chính quyền Tập Cận Bình thanh trừng trên quy mô lớn kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, bao gồm cả các quan chức “Phòng 610” - một cơ quan chuyên bức hại học viên Pháp Luân Công, được thành lập dưới thời cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Ví dụ, vào ngày 2/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo rằng ông Phó Chính Hoa - cựu Giám đốc Phòng 610 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ bị điều tra; ngày 30/9, ông Tôn Lực Quân - cựu Phó Giám đốc Phòng 610 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, bị song khai (khai trừ đảng và công chức) và bị lập án điều tra; ngày 26/8, ông Bành Ba - cựu Phó Giám đốc Phòng 610 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ bị điều tra và khởi tố.

Ông Tôn Lực Quân bị điều tra vào ngày 19/4/2020; ông Bành Ba bị điều tra vào ngày 13/3 năm nay và bị “song khai” vào ngày 17/8.

Cựu phó Chánh án Tòa án Trung cấp Nội Mông ngã ngựa, từng đàn áp Pháp Luân Công

Vào ngày 15/10, ông Kim Trụ, cựu phó Chánh án Tòa án Trung cấp Nội Mông bị điều tra vì tình nghi "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”. Ông Kim bị WOIPFG và Minghui liệt vào danh sách điều tra vì bức hại Pháp Luân Công.

Ông Kim Trụ (64 tuổi), từng nhiều năm đảm nhiệm chức Chánh án, phó Chánh án Toà án Trung cấp thành phố Xích Phong; phó Chánh án Toà án Trung cấp Nội Mông, Đại biện chính quyền Khu tự trị Nội Mông, v.v. và nghỉ hưu vào tháng 3 năm nay.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin rằng ông Kim "chủ động đầu hàng", nhưng không đề cập đến lý do ông “ngã ngựa”.

Vào ngày 24/4 năm nay, ông Vương Quảng Âm, Vụ trưởng Vụ Hành chính của Tòa án Cấp cao Nội Mông cũng bị điều tra.

Ngoài ra, trong thời gian dài đảm nhiệm chức Chánh án Toà án Trung cấp thành phố Xích Phong, ông Kim Trụ đã tích cực theo gót tập đoàn Giang Trạch Dân tham gia bức hại học viên Pháp Luân Công, bị Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công đưa ra thông báo truy xét và bị Minghui điểm danh.

Theo Minghui đưa tin ngày 21/2/2019, bà Lý Ngọc Lam, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Bairin, thành phố Xích Phong, đã bị Sở Cảnh sát Bairin bắt cóc vào ngày 25/12/2017, sau đó bà bị Toàn án Bairin kết án 3 năm phi pháp vào ngày 17/12/ 2018.

Ông Kim Trụ, lãnh đạo Tòa án Trung cấp thành phố Xích Phong đã bị điểm danh trong vụ án này.

Minghui đưa tin vào ngày 25/7/2019 rằng, sau khi bà Lý Ngọc Lam kháng cáo, tòa án thành phố Xích Phong đã giữ nguyên bản án ban đầu đối với bà. Bà Lý bị giam giữ bí mật tại nhà tù nữ thành phố Hohhot.

Bà Lý Ngọc Lam bị ĐCSTQ bức hại nhiều lần. Vào giữa tháng 10/2000, bà Lý bị Sở Cảnh sát Bairin bắt cóc, bị cải tạo lao động bất hợp pháp trong 3 năm và bị bức hại trong trại lao động cưỡng bức Tumuji ở Nội Mông.

Vào tháng 12/2005, bà Lý bị bắt cóc đến trại giam Bairin và bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Vài ngày sau, bác sĩ nhà tù Vương Cát Lạp và một số cảnh sát đã sử dụng thuốc kích thích thần kinh để bức hại bà.

Sau khi được thả, bà đã phải chuyển nơi ở để tránh tiếp tục bị bức hại. Trong khi phiêu bạt khắp nơi, vào tháng 7/2007, bà lại bị cảnh sát thành phố Tứ Bình, Cát Lâm bắt cóc và bị tòa án quận Thiết Tây, thành phố Tứ Bình kết án phi pháp 6 năm. Bà bị giam giữ bất hợp pháp tại nhà tù Heizuizi ở thành phố Cát Lâm (Trường Xuân) và bị ngược đãi.

Báo cáo của Minghui cho biết, 12 năm tù đày, bị giam giữ phi pháp đã gây ra vô vàn đau khổ cho bà Lý và gia đình bà.

Ông Lý Yên Minh, nhà bình luận chính trị sống lâu năm tại Mỹ, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, cuộc bức hại Pháp Luân Công luôn là tâm điểm trong “ván cờ đấu đá chính trị” của các quan chức cấp cao ĐCSTQ, cũng là “tử huyệt” của tập đoàn nợ máu Giang Trạch Dân - kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tập Cận Bình liên tục thanh trừng những kẻ trong hệ thống chính trị và luật pháp có liên quan trực tiếp đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Điều này cho thấy hoạt động thanh trừng đang ngày càng tiến gần đến cốt lõi của tội ác - Giang Trạch Dân.

Mai Hạ

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lời nguyền Phòng 610: Nhiều quan chức hệ thống viện kiểm sát ĐCS Trung Quốc ngã ngựa hoặc bị kết án