Lo sợ xảy ra biểu tình, Bắc Kinh tăng cường đàn áp Tây Tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức người Tây Tạng ở nước ngoài cảnh báo hôm thứ Ba (25/5) rằng, sắp tới dịp 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và năm nay cũng năm thứ 62 Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ chiếm đóng Tây Tạng, chính quyền Bắc Kinh lo ngại rằng người dân Tây Tạng sẽ tổ chức các hoạt động kháng nghị trong thời gian này nên đang gia tăng mức độ đàn áp lên Tây Tạng.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Tổ chức Tây Tạng Tự do (Free Tibet) đã đưa ra một tuyên bố hôm 25/5, nêu rõ rằng ĐCSTQ đang thực hiện một loạt hành động ở Tây Tạng để cảnh báo người dân Tây Tạng không được tiến hành bất kỳ cuộc biểu tình nào trong lễ kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ.

Theo một báo cáo của “Quan sát Tây Tạng” (Tibet Watch), một tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc ĐCSTQ hạn chế người dân Tây Tạng.

Các vụ việc đàn áp gần đây

Theo Tibet Watch, gần đây có 6 nhà hoạt động Tây Tạng đã bị bí mật bắt giữ. Trước đây những người này từng bị ĐCSTQ bắt giam, và trong đợt bắt giữ mới nhất này chưa rõ họ bị giam ở đâu. Cũng có thông tin cho rằng, có 2 người Tây Tạng đã bị bắt vì liên lạc với người thân ở nước ngoài thông qua WeChat.

Ngoài ra, gần đây, chính quyền huyện Sog, một huyện nằm ở miền trung Tây Tạng, đã ban hành thông báo cấm người dân mang các biểu tượng Phật giáo như bánh xe cầu nguyện, chuỗi tràng hạt và kinh văn... vào trong trường học.

Vụ việc thứ ba là vào ngày 30/4, quy mô hoạt động liên quan đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ được mở rộng, Tu viện Sera ở Lhasa đã buộc phải tổ chức cuộc thi viết thư pháp dành cho các nhà sư. Các nhà sư bị buộc phải tham gia cuộc thi và phải tiếp nhận các bài học giáo dục yêu nước của ĐCSTQ, thể hiện sự ủng hộ đối với các chính sách của ĐCSTQ và lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng những người đề xướng nền độc lập cho Tây Tạng.

Các nhà chức trách cũng đã triển khai một lượng lớn cán bộ tạm thời đến các thị trấn và làng mạc, yêu cầu các gia đình và trường học cũng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ, phải được giáo dục về lịch sử ĐCSTQ, và buộc phải bày tỏ lòng biết ơn và trung thành với chính quyền Bắc Kinh.

Tổ chức Tibet Watch cũng cho biết, vào đầu tháng 5, mọi người đã phát hiện ra rằng các nhà sư ở 5 tu viện ở Lhasa đã bị buộc phải làm bài kiểm tra lịch sử và luật pháp của ĐCSTQ, với ý đồ sử dụng hệ tư tưởng của chính quyền Trung Quốc để làm suy yếu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng.

Lên tiếng vì Tây Tạng

Ông John Jones, người quản lý các hoạt động của Free Tibet, cho biết: "Thủ đoạn cưỡng ép của chính phủ Trung Quốc nhằm bóp nghẹt sức sống của văn hóa truyền thống Tây Tạng. Nếu Tây Tạng từ từ bị xóa khỏi bản đồ, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không thể bỏ mặc làm ngơ".

Ông Jones tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ không nên "đặt thương mại lên trên mạng sống của người Tây Tạng" và dung túng cho sự tàn bạo của ĐCSTQ.

Ông Penpa Tsering, người vừa được bầu làm Chủ tịch chính phủ Tây Tạng lưu vong, cho biết hôm 21/5 rằng, Tây Tạng đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Ông Penpa Tsering nói: "Mỗi một xã hội đều trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, và Tây Tạng cũng trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng chưa bao giờ nó lại tồi tệ như bây giờ, dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản".

Ông nói rằng trước khi ĐCSTQ vào Tây Tạng, người dân Tây Tạng rất hạnh phúc, "có tự do tín ngưỡng tôn giáo và có thể giữ được nền văn hóa của riêng mình. Bây giờ, không còn những thứ đó nữa. Chỉ dựa vào tiền thì không thể mang lại hạnh phúc".

Ông Tsering kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tây Tạng, đặc biệt là sự tàn phá văn hóa Tây Tạng.

Ông nói: "Tôi vẫn luôn nói rằng chúng tôi không phản đối đa văn hóa. Đa văn hóa xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nếu một nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số muốn triệt để đàn áp một nhóm thiểu số, thì đây là sự tuyệt chủng văn hóa, đặc biệt là khi việc đàn áp này được thực hiện thông qua lực lượng của nhà nước”.

Trong nhiều thập kỷ qua, Tây Tạng được coi là một trong những khu vực hạn chế và nhạy cảm nhất trên thế giới. Các nhà báo nước ngoài, nhà ngoại giao và những người nước ngoài khác không được phép tự do vào Tây Tạng, trừ khi họ được ĐCSTQ cho phép tham gia vào các đoàn khách du lịch bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Trong những năm qua, cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người Tây Tạng. Vào tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng (Tibet Policy and Support Law), kêu gọi người Tây Tạng bầu chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo và yêu cầu thành lập lãnh sự quán ở Lhasa, Tây Tạng.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Lo sợ xảy ra biểu tình, Bắc Kinh tăng cường đàn áp Tây Tạng