Liên tục điều máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan, Trung Quốc có ý đồ gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào không phận Đài Loan 6 lần trong vòng hai tuần và buộc Đài Loan phải điều máy bay xua đuổi.

Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan ngày 18/6 cho biết có một tiêm kích J-11 và một tiêm kích đa nhiệm J-10 Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận diện phòng không trong buổi sáng cùng ngày.

Máy bay chiến đấu Đài Loan đã cảnh báo máy bay Trung Quốc qua vô tuyến. Sau đó, hai máy bay quân sự Trung Quốc đã rời khỏi vùng nhận diện phòng không.

Chính quyền Đài Bắc chỉ trích Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan trong vài tháng qua. Đây là lần thứ 6 trong vòng 14 ngày qua, máy bay quân sự Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan.

Ngoài ra, đầu tháng này, một con tàu nạo vét từ đại lục cũng hoạt động gần đảo Bành Hồ do Đài Loan kiểm soát để hút cát. Tàu này sau đó bị lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan ngăn chặn.

Theo lực lượng bảo vệ bờ biển, đây chỉ là một trong số 1.200 tàu từ đại lục hoạt động ở vùng biển do Đài Loan kiểm soát kể từ tháng 1 năm nay.

Hoạt động của các tàu từ đại lục gần đảo Bành Hồ khiến Đài Loan đặc biệt lo ngại vì đây là khu vực được xem là cửa ngõ giúp hải quân Trung Quốc tiến vào Đài Loan.

“Nếu cứ tiếp tục nạo vét cát, các tàu đại lục thậm chí có thể tạo một khu vực đủ sâu, rộng để tàu ngầm hoạt động”, nghị sĩ Đài Loan Chen Po Wei bày tỏ lo ngại.

Chiến thuật mới của chính quyền Trung Quốc?

Theo các chuyên gia, động thái này được cho là chiến thuật mới của Bắc Kinh nhằm uy hiếp Đài Loan và thăm dò hệ thống phòng vệ của hòn đảo, theo South China Morning Post.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần không thể tách rời thuộc lãnh thổ nước này và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết, họ không loại trừ bất kỳ động cơ chính trị hoặc quân sự nào đằng sau việc triển khai chiến đấu cơ và tàu hút cát từ đại lục.

Alexander Huang Chieh Cheng – chuyên gia nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Tam Khang – nhận xét, sự xâm nhập của các chiến đấu cơ có thể mang nhiều mục đích.

“Đây có thể coi là đòn tâm lý nhằm vào người dân Đài Loan để gây tâm lý rối loạn. Quan trọng hơn, quân đội Trung Quốc đang muốn thăm dò khả năng phản ứng của lực lượng phòng không Đài Loan, thu thập thông tin về hệ thống phòng thủ của hòn đảo”, ông Cheng nhận xét.

William Chung – chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu an ninh Đài Loan – cho rằng, Bắc Kinh dự kiến sẽ còn thực hiện nhiều hành động tương tự trong thời gian tới.

“Chiến thuật thăm dò đã được quân đội Trung Quốc sử dụng trong cuộc tập trận ở Bột Hải và đổ bộ chiếm đảo Đài Loan”, ông Chung nhận xét.

Hai chuyên gia khác làm việc với ông Chung là Paul Huang và Hung Ming Te cho biết, đại lục đang sử dụng các tàu đánh cá trang bị vũ khí để thực hiện mục tiêu quân sự.

Chuyên gia Paul Huang dẫn báo cáo công bố hôm 5/6 cho biết, tàu cá vũ trang đại lục đã nhiều lần quấy rối, thậm chí là tấn công tàu Đài Loan.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, Trung Quốc liên tục điều chiến đấu cơ xâm nhập không phận Đài Loan nhằm nhắc nhở chính quyền hòn đảo đừng nên can dự vào việc xây dựng luật an ninh mới cho Hong Kong.

Hôm 18/6, chính quyền Đài Loan cho biết đang lên kế hoạch thành lập một văn phòng đặc biệt để giúp đỡ người từ Hong Kong muốn chuyển sang định cư ở hòn đảo.

Bắc Kinh tỏ ra vô cùng không hài lòng trước động thái này của Đài Loan.

“Cung cấp nơi ẩn náu cho những kẻ bạo loạn sẽ chỉ mang đến rắc rối cho người dân Đài Loan. Âm mưu của những lực lượng ủng hộ ly khai cho Hong Kong và Đài Loan cũng như làm tổn hại chính sách “Một quốc gia hai chế độ” sẽ không bao giờ thành công”, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh tuyên bố.

Trung Quốc gây hấn với nhiều nước láng giềng khác

Không chỉ với Đài Loan, gần đây Trung Quốc còn gia tăng hoạt động tại các khu vực biên giới khác và gây ra nhiều vụ việc.

Hôm 12/6, tàu hải cảnh Trung Quốc đã truy đuổi và đâm hỏng một tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam) tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Hôm 16/6, Trung Quốc còn gây hấn tạo nên vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới khiến hai bên có hàng chục lính thương vong.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng gửi công hàm cho Trung Quốc phản đối việc 4 tàu chính phủ của nước này hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 17/6. Nhật Bản còn cho biết, tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động liên tục 65 ngày qua trong hoặc gần vùng lãnh hải bao quanh nhóm đảo.

Như vậy, dường như chính quyền Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự tại các khu vực tranh chấp và cố ý tạo ra các sự cố khác nhau?

Xem thêm:

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Liên tục điều máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan, Trung Quốc có ý đồ gì?