Lật đổ Tập Cận Bình liệu có khả thi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào hôm 30/4, nhà ngoại giao Anh Roger Garside từng có 2 nhiệm kỳ tại Trung Quốc đã đưa ra luận điểm trong một bài báo trên tờ Globe and Mail với nhan đề: “Thay đổi chế độ ở Trung Quốc không chỉ là điều khả dĩ, nó là điều bắt buộc”. Trong bài báo, ông bày tỏ quan điểm làm thế nào để thay đổi đường lối của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Garside viết rằng: “Phần lớn giới tinh hoa Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đường lối mà ông Tập đã đề ra. Họ nhận ra rằng cải cách kinh tế không đi đôi với thay đổi chính trị đã tạo ra các rắc rối gây thiệt hại cho Trung Quốc và mang lại rủi ro cho lợi ích của chính họ”.

Nhưng hiện tại, dưới chế độ toàn trị của ông Tập, cải cách chính trị dường như không thể xảy ra. Phải làm gì đây? Ông Garside tin rằng có hai lựa chọn khả thi: một là lật đổ ông Tập thông qua một cuộc đảo chính, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Trung có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát động một cuộc đảo chính chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là ngăn ông Tập trở thành lãnh đạo Đảng một lần nữa tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20. Các đối thủ của ông Tập có thể nhân cơ hội này hướng Trung Quốc theo một đường lối mới. Hoa Kỳ và các đồng minh có thể tận dụng những tiến bộ về kinh tế, tài chính và công nghệ để “tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi chế độ ở Trung Quốc”.

Xét tổng thể bề mặt thì quan điểm của ông Garside có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tôi tin rằng ông vẫn chưa có sự hiểu biết thấu đáo về tình trạng hiện tại của ĐCSTQ và mấu chốt của các vấn đề.

Hai phương án để lật đổ ông Tập do Garside đề xuất về cơ bản là giống nhau. Hiện tại, ông Tập thực sự đã nghiêng về phía cánh tả, và các hành động của ông ta ở trong và ngoài nước đã khiến nhiều người chán ngán. Ý tưởng phế truất ông Tập thật sự rất hấp dẫn đối với một số người. Điển hình như Cai Xia, một cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ, ông Cai đã nhiều lần tuyên bố rằng ông Tập phải từ chức.

Tuy nhiên, dựa trên quan sát của tôi về ĐCSTQ, các đảng viên khó có khả năng tiến hành một cuộc đảo chính chống lại ông Tập.

ĐCSTQ tôn thờ cụm từ do Mao Trạch Đông đặt ra, “quyền lực chính trị nảy sinh từ nòng súng”. Người sở hữu vũ khí (sức mạnh quân sự) mới là người cai trị thực sự.

Ông Tập hiện đang sở hữu sức mạnh quân sự.

Ông Tập đã thay thế tất cả các vị trí chủ chốt trong Cục An ninh của Văn phòng Trung ương (Cục An ninh) bằng các cấp dưới thân tín của mình. Cục An ninh chịu trách nhiệm về an ninh cho Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Thủ tướng và các thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị.

Một thân tín của ông Tập là Vương Tiểu Hồng, nguyên thứ trưởng điều hành Bộ Công an, đồng thời là giám đốc Cơ quan mật vụ của Bộ Công an (Cơ quan mật vụ). Cơ quan mật vụ chịu trách nhiệm về an ninh cho các Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Chánh án Tòa án Tối cao và Trưởng Công tố Viện Kiểm sát Tối cao.

Việc ngăn cản ông Tập tái đắc cử vị trí lãnh đạo Đảng vào năm tới cũng là điều khó có thể xảy ra. ĐCSTQ chưa bao giờ tiến hành một cuộc bầu cử thực sự. Các ứng viên

trong đội ngũ lãnh đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 đều đã được chỉ định từ trước. Ai sẽ là người dẫn đầu trong cuộc bầu cử Đại hội toàn quốc lần thứ 20? Đó chính là ông Tập, không phải đối thủ chính trị của ông ta.

Xét từ lịch sử của ĐCSTQ, trong suốt 27 năm dưới sự cai trị độc tài của Mao Trạch Đông cho đến khi ông ta qua đời vào ngày 9/9/1976, chưa từng có một cuộc đảo chính nào đã thành công. Sau khi Mao qua đời, cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã có 4 lần thay đổi quyền lực tương tự như các cuộc đảo chính: Lần đầu tiên là vào ngày 6/10/1976, khi Hoa Quốc Phong, khi đó là Phó chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã bắt vợ của Mao là Giang Thanh với sự hỗ trợ của nguyên soái Diệp Kiếm Anh của ĐCSTQ. Sau đó, ông Hoa đã trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ. Lần thứ hai là khi Tổng Bí thư Hoa bị lật đổ vào năm 1981. Lần thứ ba là khi Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang bị lật đổ vào năm 1987. Lần cuối cùng là khi Tổng Bí thư Triệu Tử Dương bị lật đổ vào năm 1989.

Lý do chính của ba lần hoán đổi quyền lực bất thường sau cùng có liên quan đến Đặng Tiểu Bình, một người có thế lực trong ĐCSTQ, và ông Đặng có được sự hỗ trợ từ quân đội.

Hiện tại, nhiều đảng viên cấp cao của ĐCSTQ không hài lòng với ông Tập và họ muốn cách chức ông ta. Nhưng tất cả bọn họ đều có chung một điểm yếu - họ đều là những phần tử tham nhũng nghiêm trọng và không có đạo đức.

ĐCSTQ đã mục ruỗng đến tận xương tủy

Theo tôi, những vấn đề cơ bản của ĐCSTQ không nằm ở phẩm chất cá nhân của ông Tập, mà ở chỗ ĐCSTQ là một Đảng phái đi theo đường lối của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác là linh hồn của ĐCSTQ, và tất cả các vấn đề của ĐCSTQ trong việc đối nội và đối ngoại đều bắt nguồn từ đó.

Vào ngày 24/6 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đó là Robert C. O'Brien đã có một bài phát biểu tại Arizona, ông phản ánh về việc Hoa Kỳ đã cố gắng mở rộng hợp tác kinh tế và công nghệ với ĐCSTQ trong nỗ lực dân chủ hóa nước này những năm gần đây, nhưng kết quả thu về lại hoàn toàn trái ngược.

Ông nói, “Chúng ta không thể mắc sai lầm thêm nữa - tính toán sai lầm này là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ những năm 1930. Làm thế nào mà chúng ta lại mắc phải một sai lầm như thế? Chúng ta đã không hiểu rõ bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là như thế nào?

Câu trả lời rất đơn giản: "bởi vì chúng ta đã không lưu tâm đến hệ tư tưởng của ĐCSTQ”.

“Cần nói rõ ràng là Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tổ chức theo chủ nghĩa Mác. Tổng Bí thư Tập Cận Bình tự xem mình như người kế nhiệm Josef Stalin”, ông O’Brien nói.

Quan điểm này nắm bắt được điểm mấu chốt các vấn đề của ĐCSTQ. Cho dù bề ngoài chúng nghe có vẻ hấp dẫn đến mức nào, thì chủ nghĩa Mác về bản chất vẫn là sự dối trá, gian ác và tranh đấu. Ba từ này là chìa khóa vàng mở ra các bí ẩn trong 170 năm lịch sử của phong trào cộng sản quốc tế, 100 năm lịch sử của ĐCSTQ và 72 năm lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cái được gọi là dối trá chính là luôn nói dối; gian ác nghĩa là đạt được mục đích một cách vô lương tâm, bất chấp đạo đức và pháp luật; Cái gọi là tranh đấu chính là đấu với trời, với đất và với cả nhân loại. ĐCSTQ đã luôn dối trá, gian ác và tranh đấu trong suốt 100 năm qua và nó đã biến ĐCSTQ trở thành một Đảng tham nhũng nhất thế giới.

Nhiều học giả phương Tây bị mắc kẹt trong hy vọng hão huyền rằng việc cải cách chính trị sẽ xảy ra với đội ngũ lãnh đạo mới. Họ không thấy rằng ĐCSTQ đã mục ruỗng đến tận xương tủy. Quả thật, đó là một sai lầm chết người và phổ biến của một số học giả phương Tây, với suy nghĩ ngây thơ và cảm tính một chiều khi mong muốn coi ĐCSTQ như một Đảng phái chính trị thông thường, một Đảng phái thậm chí không có một chút nhân tính nào.

Lấy trường hợp quan tham Từ Tài Hậu, là cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương làm ví dụ.

Vào ngày 15/3/2014, dinh thự của ông Từ tại Bắc Kinh đã bị khám xét sau khi ĐCSTQ nghi ngờ ông ta nhận hối lộ. Tầng hầm căn dinh thự rộng 6.562 mét vuông của quan tham họ Từ đầy ắp tài sản hối lộ : hơn một tấn tiền mặt gồm đô la Mỹ, euro và nhân dân tệ; vô số vàng bạc châu báu, ngọc bích Hetian (Tân Cương), còn được gọi là quốc bảo của Trung Quốc, một số nặng tới 100kg và có những viên nặng hơn 200kg; gỗ quý và đồ thủ công được tạo tác bằng ngọc bích quý hiếm, và rất nhiều đồ cổ, thư pháp và tranh vẽ từ các triều đại Đường, Tống, Nguyên và Minh. Phải huy động đến hơn 10 xe tải quân sự để vận chuyển số tài sản bị tịch biên này.

Đây chỉ mới là khối tài sản trong dinh thự của quan tham này. ĐCSTQ chưa bao giờ dám công khai tổng số tài sản bất chính mà ông Từ đã tham nhũng. Tôi tin rằng ĐCSTQ lo ngại rằng số tiền này nhiều đến mức có thể gây ra một cuộc binh biến trong quân đội.

Ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng trong hơn 8 năm kể từ khi lên nắm quyền, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Điển hình như chỉ trong năm nay, quan tham Lại Tiểu Dân đã bị tử hình vào ngày 29/1, đã nhận hối lộ khoảng 270 triệu đô la. Vào ngày 27/2, truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng quan tham Lý Kiến Bình đã nhận hối lộ hơn 460 triệu đô la. Ngày 28/3, truyền thông nhà nước lại đưa tin ông Từ Trường Nguyên, một quan tham khác của Trung Quốc, cũng đã thu lợi bất chính lên tới hơn 1,55 tỷ đô la.

Vấn nạn tham nhũng của ĐCSTQ đã tiến triển đến độ như ung thư giai đoạn cuối. Không có phương pháp nào có thể chữa trị được, cho dù là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc bất kỳ biện pháp khắc phục nào khác.

Sự tan rã của ĐCSTQ là lựa chọn duy nhất

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ cộng sản Đông Âu là một thất bại thảm hại đối với chủ nghĩa Mác.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2011, ông Mikhail Gorbachev, cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết và là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải thể nền cộng hòa vào năm 1991, đã được yêu cầu nêu ra những điều mà ông hối tiếc nhất sau 20 năm. Ông trả lời không do dự rằng, "Sự thật là tôi đã cố gắng quá lâu trong việc cải tổ Đảng Cộng Sản".

Trong một bài phát biểu trước các sinh viên Đại học Columbia vào năm 2002, ông Gorbachev cũng thừa nhận rằng “các chính trị gia Liên Xô hoạt động bằng sự dối trá”.

"Chúng tôi, kể cả tôi, đã nói rằng," Chủ nghĩa tư bản đang đứng trên bờ vực thẳm, trong khi chúng ta đang trên đà phát triển thuận lợi". Tất nhiên, đó chỉ là lời tuyên truyền sáo rỗng. Trên thực tế, đất nước của chúng tôi đã tụt hậu rất nhiều'', Gorbachev cho biết.

Ông nói với các sinh viên rằng; tại thời điểm ông lên nắm quyền, trong khi vệ tinh của Liên Xô đã được đưa vào không gian, thì các chính trị gia cầm quyền lại ''đang thảo luận về vấn đề như kem đánh răng, chất tẩy rửa, và họ phải thành lập một ủy ban của Bộ Chính trị để đảm bảo rằng phụ nữ phải có quần tất", theo như báo cáo cho biết.

Liên Xô đã mất 69 năm để chứng minh sự thất bại và dối trá của chủ nghĩa Mác-Lênin. Việc Liên Xô sụp đổ chỉ là vận mệnh và là xu thế của lịch sử.

Sự thật là, trước khi Liên Xô tan rã, Boris Yeltsin, cựu tổng thống đầu tiên của Nga, cùng với 2,7 triệu đảng viên đã ra khỏi Đảng vào năm 1990.

Trong sáu tháng đầu năm 1991, hơn 4 triệu đảng viên đã rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc bị khai trừ khỏi Đảng vì có các quan điểm chống đối Đảng này, không tuân theo mệnh lệnh của Đảng, hoặc từ chối thanh toán Đảng phí.

Ngày nay, một mô hình tương tự đang diễn ra ở Trung Quốc. Tính đến ngày 14/5, có hơn 377 triệu người Trung Quốc đã tuyên bố thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên quan của nó, theo ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc chế độ ĐCSTQ sụp đổ chỉ còn là vấn đề trong nay mai.

Ông Vương Hữu Quần đã tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng làm trợ lý và viết bài quảng bá cho Ngụy Kiến Hưng (1931–2015), thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ từ năm 1997 đến năm 2002.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Khải Anh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Lật đổ Tập Cận Bình liệu có khả thi?