Kỳ thị người da đen ở Quảng Châu vì virus Corona Vũ Hán, quan hệ ngoại giao Trung Quốc - châu Phi căng thẳng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh đại dịch virus Corona Vũ Hán, tình trạng lạm dụng và phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi ở miền nam Trung Quốc đã làm cho các nước châu Phi có phản ứng dữ dội, khiến quan hệ ngoại giao của các nước này và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, trong tháng qua hầu như không có ca nhiễm mới nào ở trong nước, nhưng lại nhấn mạnh các trường hợp nhiễm do nhập khẩu từ nước ngoài vào. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu và thông tin chia sẻ từ người dân địa phương và các tài liệu nội bộ, ngoại giới nghi ngờ về tính xác thực của dữ liệu công bố chính thức của chính quyền nước này.

Quảng Châu, một trung tâm công nghiệp ở phía nam tỉnh Quảng Đông, là một tỉnh có lượng người châu Phi sinh sống và làm việc nhiều nhất khu vực châu Á, đã “nổi đóa” sau khi một số ca nhiễm virus được báo cáo là từ những người di cư châu Phi. Người châu Phi sớm nhận ra mình là mục tiêu của sự phân biệt đối xử liên quan đến virus. Video đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy người châu Phi bị buộc phải rời khỏi khách sạn họ đang ở vì chủ khách sạn sợ rằng họ có khả năng nhiễm virus. Họ bị từ chối cung cấp dịch vụ tại các nhà hàng và cửa hàng, phải nộp lại hộ chiếu và bắt buộc cách ly. Một số phải ngủ trên đường phố. Trong một video, một nhóm người quốc tịch châu Phi đang kéo hành lý của họ trên đường phố sau khi bị đuổi khỏi nơi tạm trú.

Một video khác chú thích rằng “Đây là cách đối xử với người da đen ở Trung Quốc”, trong đó cho thấy hai người đàn ông mặc đồng phục ngăn một phụ nữ da đen trẻ tuổi vào trung tâm mua sắm. "Chỉ chúng tôi mới bị cấm vào đây thôi sao?", người phụ nữ hỏi. Một trong hai người đàn ông đó đã ra dấu bằng tay rằng người da trắng đi sau có thể được vào còn cô thì không.

Một chuỗi cửa hàng McDonald tại Quảng Châu gần đây đã thông báo rằng người da đen không được phép vào nhà hàng. Sau đó họ đã phải nhanh chóng đăng lời xin lỗi trên tài khoản Weibo chính thức của mình và cho biết họ đã đóng cửa hàng vào ngày 12/4 để đào tạo nửa ngày cho nhân viên.

Tại một tiểu khu ở tỉnh Quảng Đông, ngày 5/4, một chủ nhà đã có thông báo và liên lạc với những người thuê nhà da đen yêu cầu họ rời đi, nói rằng tiểu khu này không cho phép người nước ngoài sinh sống, đặc biệt là người da đen.

Ông Anders Corr, nhà phân tích chính sách và Tổng biên tập của Journal of Political Risk cho biết: Trong khi việc bài ngoại do sự lan rộng của virus đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, nhìn chung người nước ngoài đều bị cách ly, thì ở Trung Quốc, tình trạng phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở cấp chính phủ.

“Đây là kịch bản thực tế của Trung Quốc: Họ tuyên bố rằng không còn ca nhiễm nào nữa, rằng họ đã đánh bại được đại dịch tại chính đất nước họ. Và như vậy, về mặt logic, bất kỳ trường hợp nhiễm mới nào ở Trung Quốc đều phải đến từ ‘bên ngoài’”, ông Patrick Corr nói.

Một số người da đen đứng trước khu "Tiểu Châu Phi" ở Quảng Châu (Photo credit should read FRED DUFOUR/AFP via Getty Images)

Người châu Phi ở Trung Quốc bị kỳ thị

Ngày 12/4, thị trưởng thành phố Quảng Châu cho biết, có khoảng 86.475 người nước ngoài sống ở Quảng Châu năm vừa qua, 13.652 người trong số đó là người gốc Phi.

Chính quyền Trung Quốc đã cấm hầu hết các công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này kể từ cuối tháng Ba.

Căng thẳng leo thang tại Quảng Châu sau khi một nhóm 16 người châu Phi bị nhiễm virus vào ngày 7/4. Sau đó, giới chức địa phương đã yêu cầu các cư dân người châu Phi phải xét nghiệm và sau đó tự cách ly bằng tiền của mình dù họ có nhiễm virus hay không.

Hơn 4.550 người châu Phi tại Quảng Châu phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt kể từ đầu tháng 4, và ít nhất 111 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính, thị trưởng của thành phố cho biết.

Ông Anders Corr cho biết việc chính quyền Trung Quốc phân biệt chủng tộc cho thấy rằng Trung Quốc không phải là nơi an toàn để kinh doanh.

“Những gì Trung Quốc đang làm là thực sự tự bắn vào chân mình bởi vì mọi người đang nhìn vào điều này và nhận ra rằng Trung Quốc không thực sự là một nơi an toàn để đi, đó không phải là một nơi an toàn để kinh doanh”, ông Corr nói.

Anh Zhou, người dân địa phương Quảng Châu, nói với The Epoch Times rằng một cặp vợ chồng người châu Phi đang quản lý một nhà hàng cách làng anh ấy 1,5 km đều bị nhiễm virus Vũ Hán.

“Bây giờ, người châu Phi có thể bị cảnh sát bắt giữ bất cứ khi nào họ xuất hiện trên đường phố”, Zhou nói trong một cuộc phỏng vấn.

Anh Asita Awovie, người Nigeria hiện đang học ngành kỹ thuật dân dụng tại Đại học Trường An ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, dự kiến trở về nước sau chưa đầy một năm học ở đây.

“Bố mẹ tôi lo lắng vì họ nghĩ rằng cuộc sống ở đây không còn an toàn nữa”, anh Awovie nói với The Epoch Times. “Ở chỗ tôi không phân biệt đối xử và trường đại học vẫn cố gắng giữ an toàn cho sinh viên nhưng cá nhân tôi không còn thực sự tin tưởng Trung Quốc nữa”.

Quan hệ song phương rỗng

Chính quyền Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của châu Phi, đã cho các quốc gia châu Phi vay khoảng 143 tỷ đô la từ năm 2000 đến 2017, theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins.

Theo nhóm vận động của Chiến dịch Nợ Jubilee có trụ sở tại Vương Quốc Anh, vào năm 2018, khoảng 1/5 khoản nợ các nước bên ngoài của châu Phi là nợ Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc với các nước châu Phi hiện phải đối mặt với những thách thức sau hậu quả của các sự cố phân biệt chủng tộc ở Quảng Châu.

Ông Anozie Maduabuchi Cyril, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Nigeria tại Quảng Châu, đã đả kích các quan chức Trung Quốc vì đối xử không công bằng, lưu ý rằng chính phủ Nigeria không hề phân biệt đối xử với người Trung Quốc trong quá trình xử lý dịch ở Nigeria.

“Nếu bạn chiếm giữ hộ chiếu Nigeria, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang nắm giữ toàn bộ Nigeria”, ông nói trong một video đã được phát tán.

Các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh tuần trước đã viết một lá thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức “việc cưỡng bức xét nghiệm, cách ly và các hành vi đối xử vô nhân đạo khác đối với người châu Phi”.

Chủ tịch Hạ viện Nigeria, ông Femi Gbajabiamila cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tới một cuộc họp vào ngày 10/4. Ông đã cho vị đại sứ này xem một video về cáo buộc lạm dụng ở Trung Quốc và yêu cầu quan chức Trung Quốc giải thích về sự việc.

“Cách tôi nói chuyện [với các quan chức của Trung Quốc] không được ngoại giao cho lắm, nhưng cũng do tôi bực mình vì những gì đang diễn ra”, ông Gbajabiamila nói.

Đại sứ quán Sierra Leone tại Trung Quốc, trong một thông báo ngày 10/4, cho biết đại diện của các đại sứ châu Phi đã gặp gỡ các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc để phản đối vì việc công dân của họ bị sỉ nhục, quấy rối, và nhắc nhở phía Trung Quốc về sự hỗ trợ của người châu Phi.

Đối mặt với áp lực quốc tế, chính phủ Trung Quốc cho rằng họ không khoan nhượng đối với các trường hợp phân biệt đối xử. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo ngày 12/4 cho biết: “Trung Quốc và châu Phi là những người bạn, đối tác và anh em tốt”.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo vào ngày 13/4 khuyên người Mỹ gốc Phi nên tránh khu vực đô thị Quảng Châu cho đến khi có thông báo mới, do các nhà chức trách nghi ngờ rằng họ có thể có liên hệ với công dân châu Phi.

“Việc lạm dụng và ngược đãi người châu Phi sống và làm việc tại Trung Quốc là một lời nhắc nhở đáng buồn về việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực sự là như thế nào”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 11/4.

“Vào thời điểm chúng ta cần hỗ trợ nhau để khắc phục tình hình sau đại dịch, các quan chức Trung Quốc đã ngang nhiên lẩn tránh thế giới, họ đang bận rộn đuổi các sinh viên châu Phi ra đường trong tình trạng không có thức ăn hay nơi trú ẩn nào”.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ thị người da đen ở Quảng Châu vì virus Corona Vũ Hán, quan hệ ngoại giao Trung Quốc - châu Phi căng thẳng