Virus hay sự nguy hiểm của ĐCSTQ? (Kỳ 3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

So với những thách thức chính trị khác đã thu hút sự chỉ trích, giận dữ trong suốt 2 năm qua, từ việc sửa đổi Hiến pháp (2018) cho đến cuộc khủng hoảng tại Tân Cương, Hồng Kong (2019), thì có vẻ con virus nhỏ xíu Corona đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều đối với tính hợp pháp của ĐCSTQ.

Dịch bệnh Corona đã tiến đến điểm giới hạn mấu chốt của dân chúng Trung Quốc sau những “chu kỳ” chịu đựng trước đó bởi Đại dịch AIDS và SARS, dẫn đến sự thất vọng và cuồng nộ lan rộng trong lòng Đại lục. Thêm một lần nữa, người ta đã nhận rõ rằng, bản chất dối trá và tàn bạo của ĐCSTQ vĩnh viễn không thay đổi…

Đại dịch AIDS: Khởi phát từ một thương vụ “mua-bán”

ĐCSTQ đã táo bạo khi che giấu “thành công” đại dịch AIDS xảy ra rất nghiêm trọng ở tỉnh Hà Nam, nơi có rất nhiều nông dân nghèo mắc AIDS trong những năm 1990 từ việc bán huyết tương của họ. Dịch AIDS khởi nguồn từ việc Giám đốc Sở Y tế Hà Nam khi đó là Lưu Toàn Hỷ đã thúc đẩy phong trào “Kinh tế huyết tương”, động viên hàng triệu nông dân trong tỉnh tham gia “bán máu để làm giàu”. Thời điểm đó, các trung tâm thu mua máu mọc lên như nấm tại tỉnh Hà Nam. Các quan chức tham gia “đường dây” mua máu này tuyên truyền rằng, chỉ mua huyết tương để làm chế phẩm sinh học, còn hồng cầu thì sẽ "trả lại" cho khổ chủ nên đã thu hút rất người dân muốn bán máu.

Tuy nhiên, các cơ sở thu gom máu đã tái sử dụng kim tiêm nhiều lần và trộn máu của những người cùng nhóm máu để lấy huyết tương rồi chia đều phần hồng cầu còn lại cho người bán máu. Hậu quả là hàng trăm ngàn người đã bị lây nhiễm HIV chéo, trong đó riêng làng Wenlou có đến 678 trong tổng số 3.000 dân làng bị nhiễm HIV và khoảng 200 người tử vong.

Phản ứng ban đầu của chính quyền là từ chối mọi vấn đề, và nhằm che giấu sự việc, các quan chức tỉnh Hà Nam đã cô lập, phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch AIDS, khiến hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh bị mắc kẹt trong những ngôi làng nghèo khó của họ mà không có bất kỳ biện pháp chữa trị, chăm sóc và bị bỏ mặc cho đến chết. Đây chính là mô hình ban đầu lặp lại khi dịch SARS bùng phát ở nước này.

Chính quyền địa phương ra lệnh cấm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại các ngôi làng bị nhiễm bệnh, đàn áp bất cứ ai có ý vi phạm lệnh cấm, quấy rối các nhà hoạt động y tế công cộng hòng kiểm soát thông tin, và hầu như dành rất ít nguồn lực để giáo dục người dân về căn bệnh này. Trên các tấm bản đồ mới in của tỉnh Hà Nam, các ngôi làng nhiễm HIV biến mất dạng như thể bị ẩn khuất sau màn khí u ám.

Anh Cao Xiaonian và vợ Zhou Xiaoneng bế đứa con 9 tháng tuổi là những nạn nhân dương tính với HIV từ cuộc mua bán huyết tương diễn ra vào những năm 1980 tại phía nam của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Anh Cao Xiaonian và vợ Zhou Xiaoneng bế đứa con 9 tháng tuổi là những nạn nhân dương tính với HIV từ cuộc mua bán huyết tương diễn ra vào những năm 1980 tại phía nam của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Dù vậy, thảm họa này vẫn được lan truyền ra bên ngoài và sau áp lực gia tăng của truyền thông thế giới, ĐCSTQ đã ra lệnh cấm buôn bán máu vào cuối năm 2000, chính thức thừa nhận sự tồn tại của dịch AIDS tại Trung Quốc. Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục che giấu nhiều hơn là giúp đỡ người dân nhiễm bệnh.

Năm 2005, khi cựu Tổng thống Bill Clinton đến tỉnh Hà Nam để phân phát thuốc chữa bệnh AIDS do Tổ chức từ thiẹn của ông cung cấp, ĐCSTQ đã ngăn cản không cho Bill Clinton đến thăm những ngôi làng nhiễm bệnh. Thay vào đó, tại thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, các quan chức Đảng đã sắp xếp cho ông cựu Tổng thống chụp ảnh với một số trẻ mồ côi nhiễm bệnh do Đảng lựa chọn. Đó là cuộc đánh bóng hình ảnh khi ĐCSTQ đưa ra “tín hiệu” với truyền thông quốc tế: Trung Quốc - với sự giúp đỡ của phương Tây - đã giải quyết triệt để dịch AIDS! Tuy nhiên bức hình chụp Clinton đứng tươi cười cùng đám trẻ không phải là bi kịch thực sự của dịch AIDS tại Hà Nam.

Nhiều tháng sau khi bức ảnh xuất hiện tràn lan trên mặt báo thế giới, một nhà đấu tranh dân chủ có nick là Hu Jia đã cùng một nhà báo nước ngoài “đột nhập” thành công vào một trong những ngôi làng tại tỉnh Hà Nam mà Bill Clinton đã bỏ lỡ: Làng Nandawu với số dân 3.500 người.

Bằng cách trốn dưới một tấm bạt sau xe đầu kéo để vượt qua trạm kiểm soát gắt gao của cảnh sát tại lối vào, Hu Jia có thể tự do đi lại trong làng mà không sợ bị cảnh sát bắt vì chính giới cầm quyền luôn lo sợ bị nhiễm bệnh do số người mắc AIDS trong làng này quá nhiều. Virus HIV đã tấn công ít nhất 80% số dân làng Nandawu. Tại mỗi ngôi nhà đều có ít nhất một người chết “không rõ nguyên nhân”. Hầu hết những người nhiễm bệnh đều không có thuốc chữa. Chẳng mấy chốc, chỉ còn lại những đứa trẻ mồ côi ở Nandawun. Không có trường học, và các giáo viên ngoài làng từ chối nhận những đứa trẻ này. Một tổ chức từ thiện đã cố gắng mở một trường học dành cho trẻ mồ côi AIDS, nhưng chính quyền đã bắt phải đóng cửa. Những đứa trẻ mồ côi này là một lời nhắc nhở đau đớn ngay trong thời nay khi ĐCSTQ vẫn cố tình bưng bít để che giấu ký ức đen tối này.

Đại dịch SARS: Hy sinh tính mạng người dân để ổn định Kinh tế

12 năm sau, trớ trêu thay Trung Quốc lại phải đối diện với một căn bệnh nhiễm trùng do một loại virus bí ẩn gieo rắc đầu tiên tại thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) vào giữa tháng 11/2002, mà sau này được gọi là SARS. Bệnh lạ này đã được một bác sĩ ở bệnh viện thủ phủ Quảng Châu phát hiện và nhanh chóng báo cáo cho Trạm chống dịch bệnh địa phương. Một nhóm chuyên gia được cử đến Quảng Châu vào ngày 20/1/2003 và chính quyền tỉnh Quảng Đông đã ra lệnh điều tra bệnh lạ này cùng thời điểm.

Ngày 27/1/2003, báo cáo đã được gửi đến văn phòng y tế tỉnh và Bộ Y tế tại Bắc Kinh. Báo cáo được cộp dấu tuyệt mật, nghĩa là chỉ những quan chức y tế hàng đầu của tỉnh và Bộ mới có thể mở nó. Việc chỉ định bảo mật của báo cáo Quảng Đông về căn bệnh này có nghĩa là các cơ quan y tế Quảng Đông không được phép thảo luận về căn bệnh này với các sở y tế tỉnh khác ở Trung Quốc. Do đó, các bệnh viện và nhân viên y tế ở hầu hết các địa phương của Trung Quốc có rất ít thông tin về SARS và hoàn toàn không chuẩn bị cho sự bùng phát dịch bệnh này. Và các cơ sở y tế của Hồng Kong cũng không ngoại lệ. Ngay sau đó, căn bệnh đã phát triển thành một bệnh dịch ở Hồng Kông - nơi được cho là tuyến “vận chuyển” SARS ra thế giới.

Một nhân viên bệnh viên mặc áo bảo hộ cùng khẩu trang để bảo vệ cô khỏi sự lây nhiễm virus SARS vào ngày 14/03/2003, ở Hong Kong.
Một nhân viên bệnh viên mặc áo bảo hộ cùng khẩu trang để bảo vệ cô khỏi sự lây nhiễm virus SARS vào ngày 14/03/2003, ở Hong Kong. (Ảnh: Getty Images)

Khi virus lây lan mất kiểm soát, phản ứng của chính quyền đối với căn bệnh này là trì hoãn công bố thông tin và rất ít nhân viên y tế được cảnh báo về sự nguy hiểm của nó. Dân chúng Trung Quốc lại càng không được biết về căn bệnh này. Bất chấp việc bưng bít thông tin và cấm thảo luận công khai về dịch bệnh của chính quyền, 40,9% cư dân Quảng Châu đã nghe nói về căn bệnh này thông qua các tin nhắn lan truyền vào đầu tháng 2/2003.

Tối ngày 8/2, những tin tức về bệnh cúm gây chết người được truyền qua tin nhắn trên ĐTDĐ tại Quảng Châu cùng một số khuyến cáo phòng ngừa như rửa tay khử trùng và dùng thuốc cảm cúm....Người dân thành phố Quảng Châu và các thành phố khác đã đổ xô đi mua thuốc kháng sinh và thuốc cảm cúm, dẫn đến sự hoảng loạn lan rộng toàn tỉnh Quảng Đông và mức độ gia tăng sang cả các tỉnh lân cận.

Ngày 11/2, truyền thông phương Tây bắt đầu đưa tin mạnh mẽ về bệnh lạ ở Trung Quốc, buộc chính quyền tỉnh Quảng Đông phải tổ chức một cuộc họp báo thừa nhận dịch bệnh, với tổng cộng 305 trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân. Các quan chức cũng thừa nhận rằng không có thuốc hiệu quả để điều trị và trấn an là dịch chỉ bùng phát tạm thời. Trong thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đã giảm nguy cơ mắc bệnh, thậm chí chính quyền thành phố Quảng Châu còn đi xa hơn bằng cách thông báo căn bệnh này đã được kiểm soát một cách toàn diện.

Kết quả là sự hoảng loạn tạm thời trong dân chúng được xoa dịu nhưng đã dẫn đến việc người dân buông lơi cảnh giác về căn bệnh này. Khi báo chí đặt câu hỏi về việc xử lý các ổ dịch, cơ quan tuyên truyền của tỉnh Quảng Đông đã lập tức dừng báo cáo về căn bệnh này. Họ cũng không đưa ra các biện pháp và cảnh báo phòng ngừa nghiêm ngặt, điều này lý giải vì sao vào cuối tháng 2, gần một nửa trong số 900 trường hợp nhiễm bệnh tại Quảng Châu là nhân viên y tế.

Ngày 15/3, WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu đầu tiên về SARS trong khi truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát đã bị cấm đưa thông tin này. Ngày 25/3, lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận sự lây lan của SARS bên ngoài Quảng Đông. ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để thảo luận về SARS sau khi Tạp chí Phố Wall đăng bài xã luận kêu gọi các nước trên thế giới đình chỉ các mối liên kết hợp tác du lịch với Trung Quốc cho đến khi nước này phải thực hiện chiến dịch y tế minh bạch.

Cùng ngày, WHO đã đưa ra khuyến cáo đầu tiên trong lịch sử 55 năm tồn tại, khuyến cáo người dân không nên đến Hồng Kong và Quảng Đông du lịch. Động thái này khiến Bắc Kinh nhanh chóng tổ chức họp báo, khi đó Bộ trưởng Y tế Zhang Wen Khang tuyên bố Trung Quốc an toàn và SARS đã được kiểm soát.

Không có gì ngạc nhiên, SARS không phải là mối bận tâm hàng đầu của ĐCSTQ. Mà động lực hướng tới tăng trưởng kinh tế - “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề bất ổn trong nước, đem lại sự ỔN ĐỊNH cho ĐCSTQ - đã làm cho các vấn đề liên quan đến Sức khỏe cộng đồng trong đó tính mạng người dân chỉ đứng ở hàng thứ yếu.

Trước sự bùng phát mất kiểm soát của đại dịch SARS, các quốc gia trên thế giới đều tạm thời dừng các chuyến bay tới Trung Quốc và Hong Kong. Để đảm bảo cho sự ỔN ĐỊNH của ĐCSTQ, hướng tới tăng trưởng kinh tế, chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố dịch SARS đã được kiểm soát.
Trước sự bùng phát của đại dịch SARS, nhiều nước trên thế giới đều tạm thời dừng các chuyến bay tới Trung Quốc và Hong Kong. Để đảm bảo cho sự ỔN ĐỊNH của ĐCSTQ, hướng tới tăng trưởng kinh tế, chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố dịch SARS đã được kiểm soát và Trung Quốc an toàn. (Ảnh: Getty Images)

Tức giận vì sự bưng bít che giấu thảm họa của chính quyền, Jiang Yanyong, một bác sĩ phẫu thuật đã nghỉ hưu tại Bệnh viện quân đội 301 của Bắc Kinh đã gửi e-mail đến đài truyền hình quốc gia, cáo buộc Bộ trưởng Y tế Zhang Wen Khang nói dối. Trong khi truyền thông Nhà nước “lờ tịt” e-mail này của ông thì tạp chí Time đã chọn đăng nó lên trang web của mình vào ngày 9/4, đã gây ra một trận “động đất” chính trị kinh hoàng ở Bắc Kinh.

Ngày 17/4/2003, các phương tiện truyền thông Nhà nước bắt đầu công khai số lượng các trường hợp nhiễm SARS ở mỗi tỉnh, cùng lúc Hội đồng Nhà nước họp báo tuyên bố: SARS thật sự bùng phát ở Trung Quốc, gián tiếp thừa nhận với người dân Trung Quốc và thế giới rằng ĐCSTQ che giấu dịch bệnh. Từ đang bưng bít che giấu dịch bệnh chỉ ít ngày trước đó, ĐCSTQ quay ngoắt sang một “cuộc chiến” huy động toàn quốc: Hội đồng Nhà nước đã cử các đoàn kiểm tra đến 26 tỉnh để truy quét hồ sơ của chính quyền địa phương đối với các trường hợp không báo cáo và sa thải các quan chức vì những nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh lỏng lẻo.

Ngày 20/4, Bộ trưởng Y tế Zhang Wen Khang và Thị trưởng Bắc Kinh là Xuenon đã bị cắt chức vì tội quản lý yếu kém. Ngày 8/5, truyền thông Nhà nước đưa tin chính quyền Bắc Kinh đã cắt chức, sa thải hoặc xử phạt hơn 120 quan chức vì phản ứng chậm chạp đối với dịch SARS. Người ta ước tính đến cuối tháng 5/2003, gần 1.000 quan chức chính phủ đã bị kỷ luật vì lý do tương tự này.

Sự mạnh tay này của giới lãnh đạo Bắc Kinh đã khiến các quan chức địa phương - những người đã từng do dự bỏ qua những cảnh báo về bệnh dịch ban đầu do lo sợ bị Trung ương cắt chức, tước bỏ quyền lợi - nay đã cùng hùa vào “cuộc chiến tổng lực” chống SARS cùng với quan thầy.

Được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành chính trị, các quan chức đã phong tỏa các ngôi làng, khu chung cư, các trường đại học, cách ly hàng chục ngàn người và thiết lập các trạm kiểm soát để đo nhiệt độ. Một chiến dịch phong tỏa cách ly “đậm mùi” thời Mao Trạch Đông dấy khởi khắp nơi. Riêng tại Bắc Kinh, có khoảng 18.000 người bị cách ly và ở Thượng Hải, nhiều người dân bị cưỡng bách cách ly ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Theo một báo cáo năm 2003 từ hãng tin Trung Quốc The People’s News có trụ sở tại Hoa Kỳ, khi các bệnh nhân SARS được gửi đến các bệnh viện kiểm dịch được chỉ định, họ đã bị bỏ mặc một cách cố ý. Nói cách khác, họ không nhận được bất kỳ sự điều trị nào, vì mục đích của việc kiểm dịch chỉ là để cho họ chết nhanh chóng nhằm “xóa sổ” dịch SARS. Chính quyền Trung Quốc đã đặt các bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm SARS trong cùng địa điểm cách ly, để tìm cách loại bỏ virus SARS một cách triệt để.

Ở nông thôn của các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang, hầu như mọi ngôi làng cảnh sát đều dựng lên những trạm cảnh báo SARS, để kiểm soát tất cả những người ra vào. Họ cắt đường dây điện thoại và cấm người dân địa phương rời đi. Sau đó, họ đợi cho đến khi người dân trong làng chết để đưa các chuyên gia vào khử trùng toàn bộ ngôi làng.

Chỉ riêng ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc, khoảng 10.000 người đã chết vì SARS hoặc vì bị “giam giữ“ trong làng. Chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn nghiêm ngặt các luồng thông tin. Theo Bộ Công an, các sở an ninh công cộng đã điều tra, bắt giữ 107 trường hợp sử dụng Internet và ĐTDD để truyền bá tin đồn liên quan đến SARS. Một chiến dịch tổng vệ sinh yêu nước kiểu Maoist đã được hồi sinh. Ở Quảng Đông, 80 triệu người dân đã bị huy động để dọn dẹp nhà cửa và đường phố.

Việc chính phủ che giấu bệnh dịch và sự thay đổi “biện pháp” nhanh chóng đã làm xói mòn niềm tin của người dân. Vào cuối tháng 4, hàng ngàn nông dân ở một thị trấn tại tỉnh Thiên Tân đã lục soát một tòa nhà vì nghi ngờ chính quyền đang sử dụng để chứa các bệnh nhân mắc SARS. Cũng vậy, ở một thị trấn ven biển thuộc tỉnh Chiết Giang, hàng ngàn người đã tham gia vào một cuộc biểu tình bạo lực nhằm ngăn cản 6 người bị cách ly sau khi từ Bắc Kinh trở về.

Cách ứng phó với dịch Corona của ĐCSTQ hiện nay đang lặp lại chính mô hình tàn bạo khét tiếng của hai thảm họa trên.

Xuân Trường

Xem thêm: Kỳ 1; Kỳ 2 & Kỳ 4



BÀI CHỌN LỌC

Virus hay sự nguy hiểm của ĐCSTQ? (Kỳ 3)