Kiên định trước ĐCSTQ: Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa bên ngoài Trung Nam Hải làm nên lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày tháng u ám ở Bắc Kinh luôn hiện về trong ký ức của bà Trương Dật Kiệt. Ngày 25/4/1999 lịch sử đó ở bên ngoài Trung Nam hải, cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không là ngoại lệ.

Ngày 25/4/1999, bà Trương Dật Kiệt, một trưởng phòng trong Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc trở về nhà sau chuyến công tác dài ở Đức. Bà cảm thấy bất an và nóng lòng muốn được giao lưu với nhóm bạn vẫn cùng bà học các bài giáo lý Pháp Luân Công và luyện tập năm bài công pháp.

Bà đã nhanh chóng biết được rằng, ​​khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên đất nước Trung Quốc đang tập trung dọc theo các bức tường đỏ bao quanh khu phức hợp của chính phủ trên phố Fuyou để thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền tự do tu luyện Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Hai ngày trước đó, có hàng chục học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và đánh đập ở Thiên tân do họ kiến nghị về một bài báo nói xấu và phỉ báng Pháp Luân Công trên tờ báo địa phương.

Pháp Luân Công là môn tu luyện của Phật gia theo nguyên lý đạo đức Chân - Thiện - Nhẫn. Lần đầu tiên được truyền ra công chúng vào năm 1992, đến năm 1999, Pháp Luân Công có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo tập trên khắp đất nước Trung Quốc. Mọi người có thể nhìn thấy các học viên luyện các bài tập thiền định chậm rãi và an hòa vào mỗi sáng trong các công viên trên khắp đất nước. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, các học viên cảm thấy áp lực ngày càng gia tăng từ phía chính quyền: sách tu luyện bị cấm phát hành, truyền thông nhà nước bôi nhọ thanh danh của pháp môn, đồng thời Sở công an cũng ra lệnh điều tra kỹ lưỡng đối với môn tập này.

ĐCSTQ sau đó đã miêu tả sự kiện ngày 25/4 như một cuộc bạo động để biện minh cho một chiến dịch bức hại toàn diện nhắm vào Pháp Luân Công, được phát động ngày 20/7 cùng năm và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Nhưng bà Trương, người đã ngay lập tức đến Trung Nam Hải, không thấy có bất kỳ biểu hiện đe dọa nào từ phía các học viên Pháp Luân Công vào ngày 25/4 đó. Với niềm tự hào, bà và những học viên khác có mặt ở đó đã xếp hàng dài, thẳng tắp, ngay ngắn dọc theo con phố. Nhiều người vừa xếp hàng vừa đọc sách. Nhiều người ngồi thiền trên vỉa hè. Một số người khác cầm túi nhựa đi quanh để thu gom rác từ những người thỉnh nguyện.

Các học viên Pháp Luân Công tập hợp ở Trung Nam Hải, thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền được đối xử công bằng vào ngày 25 /4/1999. (Ảnh được sự đồng ý của Minghui.org)

Bà Trương cho biết, ai ai cũng thấy một sự khác biệt khi chứng kiến một đám đông yên bình như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bà Trương, người hiện đang ở Hoa Kỳ, bày tỏ: "Bạn đã bao giờ thấy một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa như thế bao giờ chưa?. Đường dành cho người đi bộ và đường chính vẫn luôn thông thoáng, không một tiếng la ó, không một mẩu giấy vụn trên mặt đất”.

Ông Shi Caidong, người vào thời điểm đó đang học thạc sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc, là một trong ba đại diện của những người thỉnh nguyện đã gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ vào sáng ngày hôm đó để bày tỏ lý do thỉnh nguyện của họ.

Thủ tướng Chu Dung Cơ tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với quyền tự do tín ngưỡng và uỷ quyền cho bốn quan chức gặp họ, bao gồm Phó tổng thư ký của ông, Giám đốc văn phòng khiếu kiện nhà nước. Ba người đại diện đưa ra 3 nguyện vọng chính: (i) thả hàng chục học viên từ thành phố Thiên Tân đã bị đánh đập và giam giữ hai ngày trước đó; (ii) cho phép xuất bản và lưu hành sách của môn Pháp Luân Công; và (iii) khôi phục một môi trường mà họ có thể luyện tập công khai mà không phải che dấu, không phải sợ hãi.

Các quan chức đã nhận một số bản sao cuốn sách chính của môn tu luyện, cuốn “Chuyển Pháp Luân”, và hứa sẽ trình bày vấn đề này với lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Buổi tối, khi nghe tin các học viên Thiên Tân đã được thả tự do, người thỉnh nguyện lần lượt ra về.

“Nếu thật sự đó là cuộc bao vây vũ trang thì liệu Thủ Tướng Chu Dung Cơ có thể xuất hiện một cách bình hoà như vậy không”, ông Shi bác bỏ mô tả của các phương tiện truyền thông nhà nước rằng sự kiện này là một cuộc bạo loạn.

Một trong số các đại diện, ông Kong Weijing, cho biết, căng thẳng gia tăng vào buổi chiều khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện, mang theo súng trường, nhưng không có người biểu tình nào kích động cả.

Bà Trương ở lại cho đến khi trời tối và lặng lẽ ra về sau khi hầu hết những người thỉnh nguyện đã rời đi.

Sau đó một số học viên có thông tin nội bộ nói với bà rằng, lúc đầu nhà cầm quyền đã chuẩn bị sử dụng bạo lực đối với những người thỉnh nguyện vào tối hôm đó. Nhưng sự an hòa phi thường của họ đã tránh được một cuộc thảm sát có thể tương tự như vụ thảm sát Thiên An Môn - cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Trung Quốc đối với những sinh viên biểu tình một thập kỷ trước đó vào năm 1989.

Kiên định với lẽ phải

Ngày thứ hai sau cuộc thỉnh nguyện, các lệnh chính thức đã được gửi đến các tổ chức trên toàn quốc, cảnh báo tới người dân về những gì đã xảy ra.

Đó là lần đầu tiên bà Luan Shuang, giám đốc nhân sự của một công ty vận tải tại thành phố Thâm Quyến, được nghe nói đến Pháp Luân Công.

Nhiều năm trước đó, khi còn là một sinh viên đại học, bà đã bị sốc khi biết chính quyền Trung Quốc đã nã súng vào những thanh niên tay không vũ khí ở Quảng trường Thiên An Môn. Việc giết người vô cùng tàn bạo vẫn còn nguyên trong ký ức của bà, vì thế sự dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công đã khiến bà chấn động.

Cũng như các phong trào chính trị khác, cũng như bao người khác, bà Luan phải viết cam kết với cấp trên rằng không tham dự sự kiện như vậy trong tương lai và tuyên bố rằng cuộc biểu tình ở Bắc Kinh là sai, bà nói.

Bà hồi tưởng lại suy nghĩ lúc đó, "họ có cho tiền mình cũng không đi. Đi như vậy chẳng phải đồng nghĩa với đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình sao".

Học viên Pháp Luân Công, bà Luan Shuang ở New York vào ngày 19/4/2021. (Ảnh: Chung / Ho / The Epoch Times)

Quyết định tìm hiểu xem tại sao mọi người lại mạo hiểm như vậy, bà đã xin một cuốn sách của môn Pháp Luân Công từ một đồng nghiệp, người tình cờ cũng là một học viên. Sau khi đọc một lần, bà quyết định sẽ bắt đầu tu luyên.

Bà mô tả rằng những giá trị mà cuốn sách mang lại như một tia sáng chiếu rọi vào cuộc sống “đầy hỗn độn” của bà.

Đề cập đến các nguyên lý cốt lõi của việc tu luyện, bà khẳng định, “Bây giờ tôi hiểu rằng, tôi có thể dùng tiêu chuẩn ‘chân, thiện, nhẫn’ để đánh giá mọi việc. Vì vậy, miễn đó là điều đúng đắn, tôi sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng".

Trả thù

Bất chấp lập trường hòa giải của các quan chức vào ngày 25/4/1999, ĐCSTQ coi sự phát triển rộng lớn của pháp môn tu luyện theo nguyên lý ‘Chân - Thiện - Nhẫn' là một mối đe dọa và bắt đầu một chiến dịch đàn áp toàn quốc chỉ ba tháng sau đó, nhằm xóa sổ pháp môn này. Kể từ ngày 20/7/1999, hàng triệu học viên đã bị bắt giam vì kiên định với đức tin của mình, theo ước tính từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, rất nhiều học viên đã bị sát hại bằng nhiều hình thức tra tấn và bức hại khác nhau.

Sau khi gặp thủ tướng trong buổi thỉnh nguyện, ông Shi đã trở thành mục tiêu của chi bộ đảng tại nơi làm việc, họ bắt đầu theo dõi các hoạt động của ông. Các nhân viên pháp lý đã xem xét các hồ sơ về quá khứ của ông ngay trong đêm hôm đó, đương nhiên, họ không tìm thấy bất kỳ vấn đề nào.

Học viên Công Shi Caidong ở Flushing, New York vào ngày 18/4/2021. (Chung I Ho / The Epoch Times)

Bà Trương, một quan chức Bộ ngoại thương, đã phải chịu bức hại tàn khốc hơn. Trong vòng hơn 7 năm, bà đã bị bắt 7 lần và bị giam giữ phi pháp 28 tháng tại một trại lao động, nơi bà bị đánh đập, bức thực và cấm ngủ - thời gian bà bị tra tấn dài nhất là 42 ngày liên tiếp. Khi những chuỗi ngày tháng bị bức hại kết thúc, tóc bà đã bạc trắng còn răng chiếc nào cũng lung lay. “Sự thật tôi vẫn còn sống đến ngày nay là bằng chứng cho sự kỳ diệu của Pháp Luân Đại Pháp”, bà nói.

Sau khi bị bức hại, cuộc sống của bà hoàn toàn bị đảo ngược. Trước đó, bà giữ một chức vụ bao người thèm muốn trong chính phủ, có một gia đình hoàn hảo với một cô con gái và một cậu con trai đều sắp vào đại học.

“Nhiều người có thể làm việc cả đời mà không đạt được vị trí của tôi”, bà nói. "Vào thời điểm đó, nếu tôi đồng ý ngừng tu luyện, tôi sẽ không mất bất kỳ điều gì".

Bà Luan, lúc đó là một học viên mới, cũng phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Ở tuổi 34, bà là một người giàu có và thành đạt, sở hữu một biệt thự rộng gần 2 ngàn mét vuông bên bờ biển.

Bà có thể bí mật luyện công tại nhà của mình mà không cho ai biết, hoặc sẽ nói lên sự thật về môn tu luyện và cuộc bức hại của ĐCSTQ và mạo hiểm tất cả. Bà Luan đã chọn điều thứ 2.

Năm 2001, bà đã đến Quảng trường Thiên An Môn để phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ- chính là nơi mà hai năm trước đó, bà nói rằng “họ có cho tiền bà cũng sẽ không đi”.

Bà Luan đã bị đưa vào nhiều trại giam khác nhau, ngủ trên những tấm chăn mà bà nghĩ là không bao giờ được giặt vì chúng có mùi hôi nồng nặc. Mặc dù không bị đánh đập, nhưng bà bị buộc phải làm việc nhiều giờ liền không ngừng nghỉ để làm ra những chiếc đèn Giáng sinh khiến những ngón tay của bà không thể duỗi thẳng sau khi ca làm việc kết thúc.

Bà đã thoát ra khỏi trại lao động gần như nguyên vẹn, nhưng những người khác không may mắn như vậy. Một tù nhân đã kể với bà rằng một học viên Pháp Luân Công khác, là giáo viên ngoại ngữ ở cùng thành phố, đã phát điên ngay khi còn ở trong tù.

Bà bị khai trừ đảng, bị cắt bỏ các đặc quyền kinh tế và chính trị liên quan đến đảng. Công ty cũng đã tổ chức một "cuộc họp đấu tố" để thông báo bà bị đuổi việc. Trong suốt cuộc họp, bà Luan đã phải hứng chịu vô số lời chỉ trích về đức tin của bà từ các cấp trên của công ty.

Bà đã giữ nụ cười rạng rỡ khi cấp trên công bố quyết định đuổi việc trước hàng chục đồng nghiệp của mình.

“Đảng tà ác này không thể dung chứa được những người tốt. Ngay cả khi các ông không sa thải tôi, thì tôi cũng sẽ ra khỏi đảng”, bà nhớ lại những gì đã tự nói với mình vào thời điểm đó.

Không hối tiếc

Sau khi định cư tại Hoa Kỳ một khoảng thời gian dài, những học viên Pháp Luân Công đã kể lại cuộc hành trình của mình. Họ đều có phong thái bình thản trước những đau khổ trong quá khứ của họ.

Họ nói họ đã lựa chọn đúng.

Bà Trương, người đã trốn thoát qua Thái Lan vào năm 2006 nói, "Niềm tin vào chân lý, khi vượt qua mọi đau khổ, được nâng lên thành lý trí.”

Zhang Yijie (giữa) người đeo kính dâm lớn,ở giữa, ảnh chụp khi cô còn là thư ký của bà Chen Muhua, người sau này trở thành phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa. (Truyền hình NTD)

Bà Trương coi cuộc đời của mình như một "huyền thoại". Bà nói, “bất kể thử thách và hoàn cảnh nào, tôi cũng đều đã chứng kiến và vượt qua”.

Vào ngày 18/4/2021, các học viên cho biết họ đã tập họp với khoảng 1.000 học viên ở New York để tham gia một cuộc diễu hành và mít tinh tưởng niệm cuộc biểu tình lịch sử - cuộc thỉnh nguyện ôn hòa và “nói không” với việc ĐCSTQ tiếp tục đàn áp đức tin của họ.

Mỉm cười như 20 năm trước, bà Luan nói rằng, “Nếu tất cả mọi người đều hòa ái giống như những người đã tham gia thỉnh nguyện ngày 25/4, thì xã hội Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn. Bởi vì ngày 25/4 ấy đã khiến tôi đã trở thành một trong số những người tốt đứng lên vì chính nghĩa, điều mà tôi đã khao khát thực hiện từ khi còn trẻ”.

Bảo Vân



BÀI CHỌN LỌC

Kiên định trước ĐCSTQ: Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa bên ngoài Trung Nam Hải làm nên lịch sử