Khủng hoảng Evergrande: ‘Nạn nhân’ biểu tình, chính phủ ra tay giúp đỡ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande Group đã khiến ngoại giới chú ý. Hôm 19/9, cảnh sát Thâm Quyến đã bắt giữ 5 người vì “tung tin thất thiệt”, vụ việc khiến người dân đại lục thảo luận sôi nổi.

Sở cảnh sát Phú Điền, thành phố Thâm Quyến đã đưa ra một thông báo vào tối ngày 19/9, cho biết gần đây một số cư dân mạng đăng bức ảnh trên Internet có tên "Thông báo về các khoản đền bù chu kỳ dịch vụ tài chính của Evergrande", đã được sở này và cơ quan quản lý giám sát thị trường xác minh là tin giả, cảnh sát đã bắt giữ 5 người bị tình nghi sử dụng thông tin sai sự thật để lừa đảo.

Về việc này, Tập đoàn Evergrande cũng đưa ra thông báo vào tối ngày 19/9, cho biết “Thông báo triệu tập hội nghị nhà đầu tư giàu có Evergrande toàn quốc” được lan truyền trên mạng gần đây là tin giả, và nhắc nhở các nhà đầu tư không nên tin những tin đồn này. Công ty này sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người tạo và lan truyền tin giả.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021 của Evergrande công bố vào đầu tháng 9, khoản nợ của Tập đoàn này đã lên tới hơn 300 tỷ USD. Con nợ bao gồm các ngân hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư, v.v. Do đó, người dân không khỏi nghi ngờ thông tin tập đoàn này “vỡ nợ” là giả.

Theo các báo cáo trước đó, sau khi một lượng lớn nhân viên mua các sản phẩm tài sản nội bộ của Evergrande Wealth, một công ty trực thuộc Tập đoàn Evergrande, công ty này không thể trả gốc và lãi cho họ. Từ ngày 12/9, rất đông nhân viên đã tập trung tại trụ sở của Tập đoàn Evergrande ở Thâm Quyến, yêu cầu công ty hoàn tiền các sản phẩm mà họ đã mua. Kết quả là chính quyền đã điều động một lượng lớn cảnh sát chống bạo động đến để giải phóng hiện trường, các cuộc đụng độ đã xảy ra và một số người đã bị bắt giữ.

Nhiều đoạn video cho thấy, đông đảo người dân tập trung trước trụ sở của Tập đoàn Evergrande ở quận Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến để biểu tình. Một người phụ nữ đứng trong đám đông nói lớn: "Bây giờ tôi đang ở Evergrande Wealth. Tôi cảm thấy mình giống như một người ăn xin. Tôi thậm chí còn không bằng người ăn xin, vì họ còn được đường đường chính chính ở đây ăn xin, bây giờ tôi còn không có tư cách ăn xin vì bát cũng không cho mang ra". Cũng có những lời buộc tội đẫm nước mắt, “Người dân kiếm tiền dễ lắm sao?”; Một phụ nữ khác ngồi trên sàn nói, "Bây giờ đến tiền ăn tôi cũng không có”; một người đàn ông khác nói, "Tôi không thể về nhà nữa!".

Ngoài ra, các nạn nhân của Evergrande Henan đã qua đêm ở hành lang của công ty này vào ngày 13/9. Sáng ngày 14/9, rất đông nạn nhân đã tập trung trước sảnh công ty để đòi hoàn tiền và xuống đường hô khẩu hiệu.

Tuy nhiên, cảnh sát đã phớt lờ yêu cầu của những nạn nhân này và hướng dẫn nhân viên bảo vệ đưa họ đi. Một số người còn dùng ô hoặc cơ thể để ngăn các phóng viên chụp ảnh và lớn tiếng quát: “Đừng chụp nữa, đừng chụp nữa!” Hiện trường hỗn loạn, nhưng vẫn có thể nghe thấy những người bảo vệ quyền lợi hô lớn “Evergrande Wealth hoàn tiền”!

Ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Evergrande, trước đó đã thừa nhận rằng, Evergrande thực sự đã gặp phải “khó khăn chưa từng có”, nhưng sẽ dốc toàn lực để tiếp tục xây dựng, đảm bảo việc bàn giao nhà, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các khách hàng. Tuy nhiên, tuyên bố của Evergrande không thể xua tan những nghi ngờ của người dân và các hành động bảo vệ quyền lợi vẫn liên tục diễn ra.

Một quản lý cấp cao của Evergrande tiết lộ với Financial Times của Anh rằng, nếu ngân hàng Trung Quốc không gia hạn thời gian cho vay, Evergrande sẽ lập tức sụp đổ, và “mớ hỗn độn” này cuối cùng có thể sẽ do chính quyền địa phương hoặc các doanh nghiệp nhà nước lớn tiếp quản. Ngoài ra, vào ngày 23/9, Evergrande có hai khoản lãi trái phiếu phải trả.

Theo dữ liệu, Evergrande Wealth, một công ty quản lý tài sản thuộc Tập đoàn Evergrande, được thành lập vào năm 2015. Hiện tại, trụ sở chính ở Thâm Quyến, cũng như các chi nhánh ở Thượng Hải, Giang Tây Thiểm Tây, v.v. của Evergrande đều có các nhà đầu tư đến đòi quyền lợi, trong đó có nhiều nhân viên bị nợ lương. Capital Economics, một công ty nghiên cứu đầu tư có trụ sở tại London, ước tính tính rằng đến cuối tháng 6/2021, Evergrande đang nhận thầu xây dựng 1,4 triệu đơn vị nhà ở với tổng giá trị 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Mai Hạ

TheoVision Times



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng Evergrande: ‘Nạn nhân’ biểu tình, chính phủ ra tay giúp đỡ?