Hong Kong bị cấm tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân cuộc thảm sát Thiên An Môn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 1/6, cảnh sát Hong Kong đã cấm người dân không được tụ họp để tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân cuộc thảm sát Thiên An Môn với lý do vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Đây là lần đầu tiên trong ba thập kỷ qua sự kiện này bị cấm tại Hong Kong.

Đêm thắp nến ngày 4/6 tại Hong Kong thường hội tụ rất đông người dân và là nơi duy nhất trên đất Trung Quốc được phép tổ chức lễ tưởng niệm lớn như vậy.

Lễ tưởng niệm năm 2019 đặc biệt lớn và diễn ra chỉ một tuần trước khi bùng nổ cuộc biểu tình phản đối ‘dự luật dẫn độ’ kéo dài suốt 7 tháng.

Tuy nhiên, năm nay cảnh sát đã cấm tụ họp đông người với lý do việc này "tạo thành mối đe dọa lớn đối với cuộc sống và sức khỏe của công chúng", theo một bức thư từ chối được gửi tới các nhà tổ chức sự kiện mà AFP [hãng Thông tấn của Pháp] có được.

Hong Kong về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, với chỉ hơn 1.000 ca nhiễm và 4 ca tử vong. Trong những tuần gần đây, các quán bar, nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại.

Trong hai ngày qua, Hong Kong báo cáo 5 ca nhiễm sau gần hai tuần không có ca nhiễm mới.

Các nhà tổ chức buổi lễ cáo buộc cảnh sát sử dụng virus làm cớ để cấm tụ họp.

Ông Lee Cheuk-yan, chủ tịch Liên minh Hong Kong, nhà tổ chức lễ tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn thường niên từ năm 1990 đến nay, cho biết: “Tôi không hiểu tại sao chính phủ lại cấm tụ họp chính trị trong khi họ bật đèn xanh cho trường học và các dịch vụ khác, từ karaoke đến hồ bơi hoạt động trở lại”.

Liên minh kêu gọi cư dân thắp nến vào lúc 8h tối thứ Năm (4/6) và im lặng một phút để tưởng niệm ở bất cứ nơi nào họ có thể.

Ông Lee nói: "Nếu không được phép tổ chức sự kiện để thắp nến, thì chúng tôi sẽ thắp nến sáng khắp thành phố".

Ông Lee cũng tuyên bố rằng liên minh sẽ tiếp tục hô vang khẩu hiệu "chấm dứt chế độ độc đảng" trong lúc mặc niệm, bất chấp gần đây Bắc Kinh đã tuyên bố kế hoạch áp dụng luật hình sự hóa các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và can thiệp nước ngoài.

Bắc Kinh nói rằng luật pháp - mà không cần sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp Hong Kong - là cần thiết để giải quyết vấn đề "khủng bố" và "ly khai".

Những người phản đối lo ngại điều này sẽ mang lại áp bức chính trị theo mô hình Trung Quốc Đại lục cho đặc khu kinh tế có quyền tự do và tự trị trong 50 năm, kể từ năm 1997 khi Hong Kong được Vương Quốc Anh chuyển giao lại cho Trung Quốc.

Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đánh dấu việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc dùng xe tăng và quân đội đàn áp người biểu tình ôn hòa tới Thiên An Môn để kêu gọi dân chủ và chấm dứt tham nhũng.

Bao nhiêu sinh mệnh đã bị giết chết. Một số ước tính cho thấy con số này lên tới hơn 1.000 người.

Ba thập kỷ sau, cuộc thảm sát Thiên An Môn vẫn luôn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất và bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc Đại lục.

Nhưng ở Hồng Kông, những ký ức về vụ thảm sát này không thể phai nhạt.

Trong suốt 30 năm qua, buổi cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn diễn ra hàng năm tại Hong Kong đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhưng sự kiện này đang trở nên căng thẳng và bị đe dọa khi dưới sự cai trị của Bắc Kinh, gần đây có nhiều người dân Hong Kong bị sách nhiễu.

Ngày tưởng niệm năm nay có khả năng cũng là ngày chính quyền Hong Kong sắp xếp để Hội đồng Lập pháp thông qua Luật Quốc ca của Trung Quốc.

Nguyên Hương

 

Theo Straits Times



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong bị cấm tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân cuộc thảm sát Thiên An Môn