Hơn 10 năm sau bê bối sữa nhiễm độc của Trung Quốc, trẻ em vẫn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Hoa Kỳ, hàng năm, chính quyền và người dân tổ chức lễ tưởng niệm về vụ khủng bố ngày 11/9; còn người Trung Quốc đang dần quên đi những gì đã xảy ra ở Trung Quốc vào ngày 11/9 hơn một thập kỷ trước, một người dân Trung Quốc nói.

Đối với một số bậc cha mẹ ở Trung Quốc, ngày 11/9 là một ngày kỷ niệm đau thương, vì nó đánh dấu vụ bê bối an toàn thực phẩm tai tiếng nhất của Trung Quốc: vào năm 2008, một nhà sản xuất sữa lớn của Trung Quốc bị phát hiện sản xuất sữa bột nhiễm chất độc hóa học.

Cho đến nay, những trẻ em đã uống sữa bột đó khi còn là trẻ sơ sinh đang có các vấn đề về sức khỏe.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Epoch Times tiếng Trung, Wang Hong (bí danh) cho biết: “Con gái tôi năm nay 13 tuổi và sức khỏe cháu không được tốt”. Cô nói rằng con gái cô đã bị sỏi thận sau khi uống sữa bị nhiễm độc.

Cô Wang cho biết, khi con gái cô khoảng 6 tuổi, không còn bị sỏi thận nữa, nhưng những tác động khác đến sức khỏe lại xuất hiện. Sau đó cháu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng trưởng. Con gái cô thấp hơn và gầy hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Bé cũng bị sưng hạch bạch huyết, đồng thời chức năng gan và thận bất thường.

Cô Wang cũng cho biết thêm: “Sau đó cháu mắc chứng động kinh… và bây giờ thì bị chậm phát triển trí tuệ. Các bác sĩ cho biết, cô bé có trí thông minh của một học sinh lớp một hoặc lớp hai. Bây giờ lẽ ra cháu đang học trung học cơ sở. Nhưng cháu chỉ có thể học tại nhà”.

Cô Wang giải thích: “Tôi đã dạy cháu làm món trứng chiên cà chua và cách viết chữ trứng [bằng tiếng Trung Quốc], nhưng cháu thấy rất khó ghi nhớ chúng. Bố cháu hỏi 50 cộng 50 là bao nhiêu, cháu nói là 60".

Vào ngày 11/9/2008, nhà sản xuất sữa bột Trung Quốc Sanlu Group thông báo thu hồi một số sản phẩm của họ vì chúng bị nhiễm hợp chất hóa học độc hại melamine.

Cùng ngày, có thông tin cho rằng có 59 trường hợp trẻ sơ sinh bị sỏi thận và một trường hợp tử vong ở tỉnh Cam Túc, sau khi những trẻ này uống sữa bột của công ty Sanlu.

Melamine là một hợp chất tổng hợp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, chất này được chấp thuận sử dụng trong sản xuất một số dụng cụ nấu ăn, giấy, chất phủ công nghiệp...Tuy nhiên, nó không được phê duyệt là một chất phụ gia được thêm trực tiếp vào thức ăn cho người hoặc thức ăn chăn nuôi.

Sanlu đã thêm melamine vào trong sữa bột để làm tăng hàm lượng protein, vì hợp chất tổng hợp này rất giàu nitơ.

Với mô hình che đậy các vụ bê bối của Trung Quốc, rất khó để đánh giá số lượng trẻ em bị ảnh hưởng thực sự. Vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, ít nhất 30 triệu trẻ em bị ảnh hưởng từ sữa bột nhiễm độc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ dành ra 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 60 nghìn tỷ VNĐ) để bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nói không được bồi thường, và khi họ tìm cách khiếu nại lên các cơ quan chức năng đòi công bằng cho con mình thì đều không nhận được phản hồi.

Cô Wang cho biết, gia đình cô đang gặp khó khăn về tài chính và chính quyền Trung Quốc không trợ giúp đủ.

Cô cũng cho biết: “Con gái tôi bắt đầu dùng thuốc chống động kinh khi mới 5 tuổi, loại thuốc này khiến chúng tôi tốn gần 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu VNĐ) mỗi tháng”.

Là một người khuyết tật, cô Wang cho biết, con gái cô nhận được khoảng 200 nhân dân tệ (600 nghìn VNĐ) từ an sinh xã hội và 60 nhân dân tệ (200 nghìn VNĐ) từ trợ cấp khuyết tật của chính phủ mỗi tháng.

“Con cái là niềm hy vọng của bất kỳ gia đình nào. Sau khi cháu bị bệnh và sau đó được chẩn đoán là chậm phát triển trí tuệ, đó là một đòn giáng tâm lý rất lớn đối với tôi và chồng tôi”, cô Wang nói.

Một phụ huynh khác có bí danh là Jin Ning cho biết, con gái cô đang học trung học cơ sở rất ngoan và học giỏi. Tuy nhiên, cháu thường xuyên kêu đau ở thận và cũng gặp một số vấn đề với bàng quang.

Cô Jin nói rằng, ở Hoa Kỳ, có những lễ tưởng niệm hàng năm về vụ khủng bố ngày 11/9, còn người Trung Quốc đang dần quên đi những gì đã xảy ra ở Trung Quốc vào ngày 11/9 hơn một thập kỷ trước.

Cô Jin nói thêm rằng, các nạn nhân đôi khi mặc áo phông có dòng chữ “Nhớ đến 911 Trung Quốc” và chính quyền địa phương sẽ hỏi tại sao họ lại mặc chiếc áo đó.

“Xin đừng quên 911 Trung Quốc,” cô Jin nhấn mạnh.

Xiang Yu (một bí danh) cho biết, anh rất may mắn vì con mình vẫn khỏe mạnh sau khi uống phải sữa bột nhiễm độc.

“Mức bồi thường mà chính phủ đưa ra là không công bằng. Con tôi có các triệu chứng nhẹ và không đủ tiêu chuẩn để được bồi thường. Tôi đã đệ đơn kiện lên tòa án và tòa án đã bác bỏ trường hợp của tôi ”, anh Xiang nói.

Anh Xiang cho biết, anh biết được từ các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội của các thành viên trong gia đình nạn nhân rằng, các công ty bảo hiểm địa phương đã làm ngơ khi một số cha mẹ cố gắng đòi họ bồi thường.

Do chính quyền Trung Quốc khóa nhiều nhóm trò chuyện và các nạn nhân dần mất liên lạc với nhau, anh Xiang cho biết có vẻ như đất nước đang quên đi vụ việc này.

Zhao Lianhai, người sáng lập nhóm vận động “Ngôi nhà cho những em bé bị sỏi thận”, có một cậu con trai bị bệnh sau khi uống sữa nhiễm độc. Năm 2010, anh Zhao bị kết án 2,5 năm tù vì tội “gây rối trật tự xã hội” sau khi giúp tổ chức một buổi tụ họp gồm cha mẹ ở Bắc Kinh có con là nạn nhân của vụ sữa độc và nhận lời phỏng vấn của giới truyền thông.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 10 năm sau bê bối sữa nhiễm độc của Trung Quốc, trẻ em vẫn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe