Học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc học gì trong ngày tựu trường học kỳ mới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc đại lục đã lần lượt khai giảng bắt đầu từ ngày 22/2. Gần đây, các kênh truyền thông đại lục đã đưa tin rầm rộ về nội dung buổi học đầu tiên ở các trường tiểu học và trung học, thậm chí là cả ở trường mẫu giáo của nước này - “lịch sử đảng”.

Nhân dịp các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc đại lục khai giảng kỳ học mới, nội dung "Buổi học đầu tiên màu đỏ" đã xuất hiện trong bản tin của trang web chính thức của Bộ Giáo dục Trung Quốc. “Buổi học màu đỏ" chính là học về lịch sử ĐCSTQ.

Theo Tân Hoa Xã, một triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Bắc Kinh sẽ bắt đầu đi học vào ngày 1/3 và "Giáo dục Đỏ" sẽ bắt đầu ngay trong ngày đầu tiên của học kỳ mới, bao gồm "học lịch sử đảng", v.v.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Liêu Ninh, Sơn Tây, Sơn Đông, Quảng Đông và các tỉnh khác. Ví dụ, vào ngày tựu trường ở tỉnh Liêu Ninh ngày 1/3, "3,9 triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh đã đồng loạt tham gia tiết học đầu tiên tên là 'học lịch sử đảng và làm người mới của thời đại' ".

Các trường mẫu giáo cũng không thoát khỏi. Ví dụ, bài học đầu tiên của Trường mẫu giáo số 7 ở quận Diên Khánh, Bắc Kinh là "Cùng đảng xây dựng ước mơ về Thế vận hội Mùa đông"; bài học đầu tiên của trường mẫu giáo thành phố Thượng Hải là "Hậu duệ của các cựu chiến binh Tân Tứ quân ĐCSTQ đến trường kể chuyện cho các em nghe”.

ĐCSTQ giáo dục trẻ theo cách nhồi cổ vịt

Ông Lưu, một người làm trong ngành pháp luật ở Bắc Kinh, nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, việc ĐCSTQ truyền bá lịch sử của ĐCSTQ cho trẻ em mẫu giáo là một cách truyền dạy cưỡng bức. Ngay cả những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học cũng không thể hiểu được những nội dung này chứ đừng nói đến những đứa trẻ mẫu giáo.

Ông Lưu cho rằng kiểu giáo dục tẩy não này của ĐCSTQ sẽ khiến các bậc cha mẹ rất khó giáo dục con cái khi ở nhà. Ông nói rằng một mặt, các bậc cha mẹ có những đánh giá thực tế và biết rằng những gì ĐCSTQ tuyên bố là sai và dối trá; mặt khác, nếu cha mẹ hướng dẫn chỉ bảo con cái họ về các giá trị chân chính khi ở nhà, sẽ khiến con trẻ bị bối rối, không biết nghe theo ai. Vì vậy, dù là đối với cha mẹ hay con cái thì cách giáo dục tẩy não này đều dễ gây ra sự chia rẽ về mặt tình cảm và nhận thức, đó là một vấn đề nguy hại.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã phỏng vấn một số giáo viên đại lục vào ngày 1/3. Họ không phủ nhận, nhưng cũng không sẵn sàng bình luận về sự việc này.

Một phụ huynh của một học sinh ở tỉnh Hồ Bắc đề nghị được giấu tên cho biết, không chỉ tiết học đầu tiên của nhà trường, mà trong sách giáo khoa của học sinh toàn là những thứ này, sử dụng hình tượng "tiểu anh hùng" hư cấu để giáo dục lòng căm thù, hận thù chủ nghĩa đế quốc, hy sinh cho tổ quốc, v.v. Các tỉnh thành ở Trung Quốc đều dùng chung một loại sách giáo khoa và đều giáo dục trẻ nhỏ như vậy. Hầu hết phụ huynh thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và cũng sẽ không xác nhận xem nội dung sách giáo khoa có logic hay không.

Vị phụ huynh này nói rằng: "(ĐCSTQ) muốn mọi người làm nô lệ. Khẳng định là nó hy vọng rằng nô lệ sẽ là cha truyền con nối, tốt nhất là nên ăn sâu bén rễ tư tưởng nô lệ ngay từ ​​khi còn nhỏ, đây mới là điều mà họ (ĐCSTQ) yên tâm nhất. Khi một người bị giáo dục tẩy não trong môi trường khép kín, khi lớn lên người đó tự nhiên sẽ kháng cự lại xã hội văn minh".

Con của vị phụ huynh này đang học mẫu giáo và cũng được yêu cầu xem các bài hát ca ngợi ĐCSTQ, nhưng anh đã "phản tẩy não" cho đứa trẻ khi ở nhà. Anh nói: "Ngày nào tôi cũng phải phản tẩy não cho con. Tôi nói với thằng bé rằng thế giới được tạo ra bởi Thượng Đế, và trên thế giới còn có nhiều nơi văn minh hơn. Thằng bé chơi điện từ rồi nói rằng Trung Quốc lợi hại thế này thế kia, tôi nói với nó rằng đó toàn là khoác lác, tôi nói rằng lợi hại nhất là lính Mỹ".

Cách giáo dục tẩy não đầy nguy hại

Bà Lục, một giảng viên đại học ở Trung Quốc, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, cái gọi là giáo dục lịch sử đảng mà ĐCSTQ tiến hành ở các trường mẫu giáo và tiểu học là hành động đầu độc con trẻ và quay ngược bánh xe lịch sử. Bà Lục giải thích tác hại của kiểu giáo dục này từ ba khía cạnh sau đây.

Trước hết, giáo dục không phải là sự ép buộc vào tư tưởng của con người. Nếu một người nắm quyền có thể coi thường các giá trị phổ quát và các giá trị đạo đức truyền thống lâu đời của lịch sử nhân loại, thì cách mà họ nhân danh giáo dục để nhồi nhét tư tưởng vào tâm trí người dân không phải là giáo dục, chỉ có thể gọi là tẩy não.

Thứ hai, giáo dục là đào tạo ra những con người có đạo đức, có tài, có trí tuệ, có tầm nhìn, còn tẩy não kiểu này thì chỉ có thể nuôi dưỡng ra những công cụ mà nhà cường quyền ưa thích nhất, dễ bề thao túng nhất. Vì vậy, kiểu tẩy não này đều có hại cho xã hội này và đất nước này.

Thứ ba, hệ tư tưởng mà ĐCSTQ theo đuổi chưa một lần mang lại hạnh phúc và sự phát triển cho người Trung Quốc nói riêng và nhân dân thế giới nói chung, nó chỉ mang đến những tai họa và khiến nhân tính trở nên biến dị.

Ông Cung Dư Kiếm (Gong Yujian), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc đang sống lưu vong ở Đài Loan, nói rằng bất kể là ở thời đại của Tập Cận Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, các buổi học này của ĐCSTQ đều xuất hiện trong tất cả các trường học. Cách tẩy não này có thể hữu hiệu đối với học sinh tiểu học và học sinh cấp hai, nhưng không hiệu quả lắm đối với những thiếu niên cấp 3 đang trong độ tuổi nổi loạn. Người dân đại lục sống trường kỳ dưới chế độ chuyên chế của ĐCSTQ đã phát triển một nhân cách “trong ngoài bất nhất”, bên ngoài thì tỏ ra trung thành vô hạn với đảng và yêu nước, nhưng đằng sau họ lại có những toan tính riêng.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc học gì trong ngày tựu trường học kỳ mới?