Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc đàn áp nhân quyền vào Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã dẫn đầu một nhóm quan chức Hoa Kỳ chỉ trích việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền vào ngày 27/10, Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Ba trong số những nước đàn áp tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), Iran và Triều Tiên – đã thắt chặt các biện pháp cưỡng chế để bịt miệng người dân của họ".

“Tệ hơn nữa, CHND Trung Hoa đã tìm cách xóa bỏ mọi hình thức tín ngưỡng và đức tin không phù hợp với học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã xác định ngày 27/10 là Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế để kỷ niệm việc ký Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998. Việc này nhằm đảm bảo, thúc đẩy tự do tôn giáo là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Được cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ký thành luật vào tháng 10/1998, đạo luật này đã thành lập một ủy ban liên bang độc lập lưỡng đảng, với tên gọi là Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cũng như vị trí đại sứ nói chung về tự do tôn giáo quốc tế, hiện do ông Sam Brownback nắm giữ.

Để kỷ niệm sự kiện này, ông Brownback đã viết trên Twitter rằng, quyền tự do tôn giáo mà người dân Hoa Kỳ đang được hưởng phải được "thúc đẩy và bảo vệ trên toàn thế giới".

Đại sứ Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã dùng “hệ thống giám sát và giáo lý tinh vi nhất để đàn áp tự do tôn giáo mà chúng tôi từng thấy”.

Chế độ Trung Quốc gần đây được mệnh danh là kẻ lạm dụng tự do kỹ thuật số tồi tệ nhất trong năm thứ 6 liên tiếp, theo báo cáo thường niên của nhóm nhân quyền Freedom House.

Tuần trước, ông Brownback đã nêu bật “cuộc chiến vì đức tin” ở Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn đánh dấu Ngày Tự do Tôn giáo với ShareAmerica, một nền tảng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để truyền đạt chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Đại sứ Brownback nói: “Chúng tôi chia sẻ các báo cáo… rằng chính quyền Trung Quốc đã bắt các tù nhân lương tâm, bao gồm [học viên] Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng và những người theo đạo Thiên chúa ngầm, cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Điều này sẽ khiến lương tâm của mọi người bị sốc".

Xem thêm: Bằng chứng tuyệt mật từ 20 năm trước vạch trần tội ác diệt chủng của ĐCS Trung Quốc

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện thiền định với các giáo lý tập trung vào Chân - Thiện - Nhẫn, đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990. Vào tháng 7/1999, chính quyền Trung Quốc coi đây là một mối đe dọa và phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công toàn diện trên toàn quốc.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác, với hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Đã có hơn 4.000 trường hợp tử vong được ghi nhận do bị bức hại, mặc dù các chuyên gia nói rằng con số thực có thể cao hơn nhiều.

Vào tháng 6/2019, một tòa án nhân dân có trụ sở tại Luân Đôn đã kết luận rằng, hình thức trừng phạt do ĐCSTQ hậu thuẫn: cưỡng bức mổ cướp nội tạng, đang diễn ra ở “quy mô đáng kể” tại Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 10, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu quan ngại về sự tàn bạo của chế độ độc tài khát máu này, và kêu gọi những người có thông tin về các hoạt động như vậy ở Trung Quốc mạnh dạn lên tiếng.

Chủ tịch Gayle Manchin của USCIRF hoan nghênh các lệnh trừng phạt gần đây của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc và Iran chịu trách nhiệm về những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế, bà Manchin nói: “Các lệnh trừng phạt này gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, chính phủ Hoa Kỳ cam kết đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với những vi phạm quyền cơ bản nhất của chúng ta".

Chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt 6 quan chức Trung Quốc và một tổ chức của ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương hẻo lánh của Trung Quốc. Ước tính hiện có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở khu vực này.

Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ Eugene Scalia cũng nêu rõ các hoạt động cưỡng bức lao động của ĐCSTQ trong một tuyên bố.

Ông nhấn mạnh, các tín đồ của các tôn giáo và người thuộc dân tộc thiểu số bị ép buộc vào các trại cải tạo, trại lao động do nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc. Một báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ vào tháng Chín đã xếp Trung Quốc đứng đầu trong số 77 quốc gia có lượng hàng hóa do lao động trẻ em và lao động cưỡng bức sản xuất ra nhiều nhất.

Theo báo cáo, các nhà chức trách Hoa Kỳ phát hiện ra rằng, có 17 loại mặt hàng tại Trung Quốc được sản xuất bởi các nhóm nạn nhân của cưỡng bức lao động, bao gồm đồ trang trí Giáng sinh, đồ điện tử, giày dép, hàng may mặc, đồ chơi, găng tay và các sản phẩm làm tóc.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc đàn áp nhân quyền vào Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế