Hiệu ứng cánh bướm sau khi Tổng thống Trump ký Đạo luật Nhân quyền: Các quốc gia liên tiếp hành động vì Hồng Kông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, các quốc gia khác cũng đã có động thái tương tự. Điều này khiến ĐCSTQ thực sự lo ngại.

Từ ngày 17/11, cảnh sát Hồng Kông phong tỏa PolyU. 12 ngày sau cuộc bao vây, ngày 29 cảnh sát thông báo PolyU đã được gỡ bỏ phong tỏa. Cảnh sát đã rút lui khỏi khuôn viên và mọi người được tự do ra vào trường. Trong Cuộc bao vây PolyU này, cảnh sát xác nhận có tổng cộng 1.377 người đã bị bắt và 318 người bị ghi danh sách có độ tuổi dưới 18.

Cuộc bao vây PolyU chỉ là một mô hình thu nhỏ cho thấy sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông trong sáu tháng qua. Trừ những trường hợp bị cho là “tự sát”, hãm hiếp và hãm hiếp tập thể, kể từ tháng 6 tới nay, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 5.890 người trong đó có 4.368 nam và 1.522 nữ, độ tuổi từ 11 đến 83.

Trước sự tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông, các quốc gia phương Tây đã không thể làm ngơ. Sau món quà dịp Lễ tạ ơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới người dân Hồng Kông - ký duyệt Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có hiệu lực, các nước phương Tây khác cũng cho thấy động thái của mình. Điều ĐCSTQ lo ngại về hiệu ứng “cánh bướm”, các quốc gia sẽ học theo Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vì vi phạm nhân quyền, đang thực sự hiển hiện.

Món quà lớn dịp Lễ Tạ ơn từ Tổng thống Trump

Tổng thống Trump ký ban hành Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là sự cổ vũ rất lớn đối với người dân Hồng Kông. Đêm ngày 28/ 11, khoảng 100.000 người dân Hồng Kông đã bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với Hoa Kỳ tại Edinburgh Place, họ vẫy cờ Mỹ, vỗ tay hết sức phấn khích. Những người tham gia kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng áp dụng chế tài xử phạt cảnh sát Hồng Kông và các quan chức chính phủ liên quan.

Lãnh đạo đảng Công dân Dương Nhạc Kiều cho biết việc tổng thống Trump ký duyệt Dự luật phản ánh sự đồng tình và chú ý của cộng đồng quốc tế trước nỗ lực phản kháng của người dân Hồng Kông. "Trong xã hội quốc tế, Hồng Kông tuyệt đối không đơn độc."

Thủ lĩnh Hiệp hội sinh viên Hồng Kông, Hoàng Chi Phong tin rằng trong thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra, Tổng thống Trump ký ban hành dự luật, đã cho thấy rằng Hoa Kỳ rất coi trọng tình hình nhân quyền ở Hồng Kông. Hiệp hội sinh viên Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng cường tới các nước thuyết phục, thúc đẩy lãnh đạo các nước nhanh chóng khởi động cơ chế trừng phạt. Hoàng Chi Phong cho biết nếu chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt ở Hoa Kỳ là không đủ, và sẽ ra sức kêu gọi các quốc gia khác trên thế giới đều thiết lập các biện pháp trừng phạt như vậy.

Vào thời điểm Hồng Kông trong nguy cấp, động thái của tổng thống Trump như một sự ủng hộ vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ phù hợp với dân ý, mà còn phản ánh lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và sự tôn trọng của ông và nước Mỹ đối với các giá trị phổ quát.

Mặc dù nội dung của dự luật hiện hành không quá "nghiêm khắc", nhưng theo điều kiện quốc gia của Hoa Kỳ, nó có thể không ngừng "gia tăng tính nghiêm khắc" và mở rộng các điều khoản trong tương lai. Đối với Bắc Kinh, điều này là mối lo ngại vô tận.

Nguy cơ hiệu ứng cánh bướm nổi lên

Trong dự luật mới có một điều khoản: “làm việc cùng các đồng minh bao gồm Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác để thúc đẩy nền dân chủ và nhân quyền của Hồng Kông.”

Là đồng minh, tất cả đều có trách nhiệm đáp lại tiếng nói của Hoa Kỳ. Trên thực tế, ngay cả khi không có điều khoản như vậy, uy tín của Hoa Kỳ cũng có tác động cực kỳ to lớn đối với các nước phương Tây. Hiện tại, nhiều nước phương Tây đang đi theo Hoa Kỳ và hiệu ứng cánh bướm do Hoa Kỳ tạo ra đang thực sự hiển hiện.

Các quan chức EU ủng hộ Hồng Kông

Ngày 28/11,Gunnar Wiegand, giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (EEAS) của Liên minh Châu Âu, người có cuộc viếng thăm Hồng Kông, sau khi nói chuyện với Thẩm Phượng Quân, phó tổng thư ký của Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại của Chính phủ Hồng Kông, đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Hồng Kông

Tuyên bố của Wigan cho biết: "Những người bạn thật sự vẫn ở bên bạn vào thời điểm khó khăn, và về vấn đề này, Hồng Kông có thể dựa vào EU". Tờ South China Morning Post dẫn lời Wigan nói rằng mức độ quyền tự trị cao của Hồng Kông một quốc qia hai chế độ, một xã hội được cai trị bởi luật pháp và các quyền tự do nhân quyền cơ bản là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác của EU.

Lực sát thương của Anh không thua Mỹ

Sau khi Tổng thống Trump ký ban hành dự luật, nghệ sĩ nổi tiếng Hà Vận Thi đã đăng trên Facebook của mình, "Cuối cùng dự luật đã được thông qua! Bước tiếp theo đến nước Anh!"

Hoàng Chi Phong tin rằng nếu Vương quốc Anh hành động, nó sẽ gây ra nhiều áp lực cho các quan chức và cán bộ Hồng Kông.

Hồng Kông là một thuộc địa cũ của Anh. Nhiều cán bộ Hồng Kông có quan hệ chặt chẽ với Anh. Ví dụ, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chồng và các con của bà này đều có quốc tịch Anh. Chỉ là trước đó bà ta chủ động từ bỏ quyền công dân Anh của mình để tham gia tranh cử. Cũng có nhiều gia đình ưu tú ở Hồng Kông có con đang học ở Anh.

Nếu Anh cũng thực hiện một động thái tương tự với Hoa Kỳ, giống như Lâm Trịnh Nguyệt Nga, những quan chức đang ‘dẫm chân lên hai chiếc thuyền’, tâm lý sẽ vô cùng lo lắng. Nếu làm không đúng, gia đình họ sẽ bị liên lụy, quốc tịch Anh sẽ bị thu hồi và tài sản ở Anh sẽ bị đóng băng.

Vào ngày 31 tháng 10 năm nay, Chính phủ Anh đã ban hành "Báo cáo nửa năm" trong đó nhấn mạnh rằng tình hình ở Hồng Kông cần được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và tất cả các bên phải có một cuộc đối thoại "có ý nghĩa".

Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab cho biết Anh "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Hồng Kông. Mức độ tự chủ cao và luật pháp là sự bảo đảm cho sự thịnh vượng và thành công trong tương lai của Hồng Kông. Trung Quốc ca ngợi Tuyên bố chung Trung-Anh "là một tài liệu lịch sử" là không thể chấp nhận được.

Khi nào nước Anh sẽ chính thức ra tay, điều này rất đáng để quan tâm. Nhưng nó có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Canada cũng hành động

Ngày 28 tháng 11, Hong Kong Watch, một tổ chức phi chính phủ của Anh, đã đăng trên phương tiện truyền thông xã hội rằng 60 nghị sĩ và thành viên liên đảng của Canada đã tham dự hội thảo "Thời khắc quan trọng của Hồng Kông". Hầu hết các thành viên của Quốc hội đã chấp nhận các khuyến nghị của Aileen Calverley, ủy viên giám sát Hồng Kông và đồng ý khởi động luật nhân quyền Magnitsky, trừng phạt những quan chức và cảnh sát Hồng Kông vi phạm nhân quyền, và yêu cầu một danh sách các biện pháp trừng phạt.

Luật Magnitsky được đặt tên để tưởng nhớ kế toán người Nga Sergei Magnitsky. Năm 2009, anh ta bị cầm tù và tra tấn và chết trong tù sau khi vạch trần tham nhũng của các quan chức Nga.

Các biện pháp trừng phạt của luật này bao gồm cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản, cấm giao dịch tại Hoa Kỳ, v.v. Các nước Anh, Canada và 28 nước liên minh trong EU đều có phiên bản riêng của luật này.

Các nghị sĩ Ý sẽ đưa ra kiến nghị vào tuần tới

Ngày 28 tháng 11, Hoàng Chi Phong đã tham dự Phiên điều trần ngoại giao và nhân quyền của Quốc hội Ý qua video. Hoàng Chi Phong đề cập các công ty Ý nên ngừng xuất khẩu thiết bị vũ khí đàn áp cho cảnh sát Hồng Kông, đề nghị đã nhận được những tràng pháo tay đồng thuận tại phiên điều trần.

Hoàng Chi Phong nói rằng các thành viên của quốc hội Ý đã hứa sẽ đưa ra ý kiến tại Quốc hội vào tuần tới ủng hộ việc thực hiện quyền bầu cử dân chủ phổ thông ở Hồng Kông, đồng thời cũng sẽ tổ chức một cuộc tranh luận tại quốc hội về vấn đề này.

Người dân Nhật Bản yêu cầu quốc hội thảo luận về dự luật nhân quyền phiên bản Nhật

Người Nhật cũng cùng ký tên, yêu cầu Quốc hội thảo luận về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông phiên bản Nhật. Tính đến ngày 28 tháng 11, số người đồng ký tên đã vượt quá 110.000.

Các bên tham gia ký bao gồm các thành viên của quốc hội ở các cấp khác nhau, bao gồm Tokyo, Osaka, Shizuoka, Fukuoka và Hokkaido. Takahata Ninaki và những người khác đã khởi xướng việc cùng ký tên để kêu gọi các thành viên hiện tại của chính phủ Nhật Bản và các đảng thảo luận về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông phiên bản Nhật.

Hà Lan đã ban lệnh

Trước khi Tổng thống Trump ký dự luật, quốc hội Hà Lan đã thông qua một kiến ​​nghị vào ngày 22 tháng 11. Yêu cầu chính phủ bắt buộc phải thực thi Luật nhân quyền Magnitsky phiên bản Hà Lan vào ngày 31 tháng 1 năm 2020. Luật sẽ cấm người Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền nhập cảnh vào Hà Lan và đóng băng tài sản của họ.

Thư ngỏ có chữ ký của gần 10.000 người

Ngoài các hành động các quốc gia tiếp bước theo cùng Hoa Kỳ, đã có gần 10.000 người trên toàn thế giới gần đây đã đưa ra một bức thư ngỏ chỉ trích sự trấn áp bạo lực của cảnh sát Hồng Kông. Có hơn 3.700 học giả từ nhiều quốc gia khác nhau và nhiều học giả phe cánh tả.

Trong thư ngỏ được công bố trên trang web HK monitor, có rất nhiều học giả nổi tiếng. Bao gồm nhà lý luận nữ quyền Judith Butler, nhà tâm lý học thực nghiệm Steven Pinker, nhà triết học AC Grayling và Noam Chomsky, cha đẻ của ngôn ngữ học đương đại v..v

Liên kết phương Tây hạ gục ĐCSTQ

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn nói rằng các nước phương Tây đều đã nhìn thấy sự xâm nhập và vi phạm của ĐCSTQ đối với tự do thế giới, cảm thấy vô cùng bất an và đang thức tỉnh. Nhiều nước phương Tây nhìn vào những gì Hoa Kỳ làm, và sẽ làm theo. Đặc biệt là đối với ĐCSTQ, các nước phương Tây về cơ bản đã hình thành nhận thức chung.

Đường Tĩnh Viễn chỉ ra rằng mối đe dọa của ĐCSTQ đối với thế giới tự do ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tiếng nói chống ĐCSTQ hiện giờ chỉ là giai đoạn khởi đầu và trong tương lai sẽ ngày càng cao rõ hơn. Nếu các quốc gia kết thành một mạng lưới bao vây, đó chính là điều mà ĐCSTQ sợ nhất. ĐCSTQ càng có nhiều vấn đề, hy vọng cho người dân Hồng Kông càng lớn. Chừng nào họ còn kiên trì, sẽ có một ngày Hồng Kông quang phục.

Minh Thanh (biên dịch)

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hiệu ứng cánh bướm sau khi Tổng thống Trump ký Đạo luật Nhân quyền: Các quốc gia liên tiếp hành động vì Hồng Kông