Hàng chục nghìn người ở Nội Mông chống lại kế hoạch xóa sổ tiếng Mông Cổ của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự giận dữ bùng phát và lan rộng ở khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc vào tuần trước, sau khi chính quyền tuyên bố sẽ thực hiện việc giảng dạy chỉ bằng tiếng Quan Thoại trong các trường học địa phương và thay thế sách giáo khoa tiếng Mông Cổ bằng sách tiếng Trung tiêu chuẩn trong các tiết học lịch sử, chính trị và văn học.

Hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số tại khu vực Nội Mông đã ký vào một bản kiến ​​nghị chung, nhằm phản đối nỗ lực mới của Bắc Kinh trong việc quảng bá ngôn ngữ chính thức của nước này là tiếng Quan Thoại ở khu vực Nội Mông. Một số người đã gọi kế hoạch này của Bắc Kinh là “diệt chủng văn hóa”.

Sự giận dữ bùng phát và lan rộng ở khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc vào tuần trước, sau khi chính quyền tuyên bố sẽ thực hiện việc giảng dạy chỉ bằng tiếng Quan Thoại trong các trường học địa phương và thay thế sách giáo khoa tiếng Mông Cổ bằng sách tiếng Trung tiêu chuẩn trong các tiết học lịch sử, chính trị và văn học.

Quan Thoại là phương ngữ của đa số người Hán và là ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc. Chính sách mới đã làm dấy lên nỗi lo sợ của người dân tộc Mông trong khu vực Nội Mông về việc nền văn hóa của họ sẽ dần bị xoá sổ và ảnh hưởng đến bản sắc dân tộc của họ.

Trong tuần qua, nhiều video lan truyền trên mạng cho thấy, rất đông học sinh và giáo viên từ chối vào lớp học, cùng với phụ huynh học sinh tập trung tại sân trường địa phương, hát và hô khẩu hiệu bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Chỉ riêng tại thủ phủ Hohhot của Nội Mông, khoảng 20.000 người đã ký vào bản kiến ​​nghị phản đối các quy định giáo dục mới, theo thông tin từ nhóm vận động Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ (SMHRIC) có trụ sở tại New York. Các video do nhóm này đăng tải cho thấy, các tờ đơn kiến ​​nghị chứa đầy chữ ký và dấu vân tay màu đỏ - một phương pháp nhận dạng phổ biến ở Trung Quốc.

Enghebatu Togochog - giám đốc SMHRIC ước tính, hàng trăm nghìn người dân tộc Mông đã ký vào bản kiến ​​nghị, nhấn mạnh rằng đã có khoảng 2.700 chữ ký từ một “cộng đồng nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa”. Ông nói, số lượng học sinh từ chối vào lớp học có thể lên tới 300.000 học sinh.

Ông cho biết: “Xem xét tổng động lực của toàn bộ xã hội Nội Mông, có thể nói rằng gần như toàn bộ dân số Nội Mông… đã tham gia vào phong trào bất tuân dân sự bất bạo động lớn này bằng hình thức này hay hình thức khác”. Dữ liệu mới nhất của chính phủ từ năm 2010 đến năm 2015 chỉ ra rằng, có khoảng 4,2 đến 4,3 triệu người dân tộc Mông sống trong khu vực, chiếm khoảng 17,1% dân số.

Trong số những người ký vào bản kiến nghị, có khoảng 300 nhân viên từ đài truyền hình nhà nước Nội Mông, Đài Phát thanh và Truyền hình Nội Mông có trụ sở tại Hohhot. Trong đoạn video đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, mỗi người đều ký tên và đóng dấu vân tay mực đỏ.

Vào ngày 2/9/2020, hơn 300 nhân viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Nội Mông đã ký tên và ấn dấu vân tay để phản đối việc giảng dạy tiếng Hán thay tiếng Mông Cổ (Ảnh chụp màn hình video)
Vào ngày 2/9/2020, hơn 300 nhân viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Nội Mông đã ký tên và ấn dấu vân tay để phản đối việc giảng dạy tiếng Hán thay tiếng Mông Cổ. (Ảnh chụp màn hình video)

Chính quyền dập tắt làn sóng phản đối

Chính quyền Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng với các cuộc đình công bằng cách huy động cảnh sát địa phương và bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền.

Chỉ riêng tại một quận của thị trấn Tongliao, gần 140 người dân tộc Mông đã bị buộc tội “gây gổ và kích động rắc rối” - một cáo buộc mà chính quyền thường dùng với những người bất đồng chính kiến. Ảnh chụp mặt của những người này, dường như được chụp từ hình ảnh ghi lại bằng camera giám sát, đã được đăng trên các trang web của chính phủ với tuyên bố treo thưởng bằng tiền mặt cho bất kỳ ai có thể bắt giữ những người dân đó.

Các thông báo của chính phủ và trường học mà The Epoch Times đã xem được, cho thấy, các nhân viên chính phủ người dân tộc Mông ở nhiều vùng được yêu cầu đưa con cái của họ trở lại trường học và bị đe dọa sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc nếu không tuân thủ.

Từ ngày 29/8 đến ngày 2/9, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã đến các phòng cảnh sát khác nhau ở khu vực Nội Mông. Trong một bài phát biểu có ẩn ý như báo trước một cuộc đàn áp khắc nghiệt, ông nói với cảnh sát địa phương rằng hãy “tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bất kể hoàn cảnh nào” và “thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn khủng bố”. Họ phải chiến đấu với “trận chiến khó khăn” phía trước.

Theo Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, hai phụ huynh, một giáo viên và chồng của cô đã tự tử.

“Một cuộc săn lớn và bắt giữ người hàng loạt đang diễn ra. Nhưng, những người Nam Mông Cổ quyết tâm liều mạng đối mặt với mọi thử thách phía trước ”, giám đốc SMHRIC cho biết.

Truyền thông nhà đăng ảnh các học sinh mặc trang phục truyền thống trong lớp học của một trường tiểu học ở Nội Mông, nơi mà người dân địa phương cho rằng đó là một màn dàn dựng. (Ảnh chụp màn hình)

Truyền thông tuyên truyền giả mạo

Các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã đăng những bức ảnh cho thấy trẻ em mặc áo choàng truyền thống của người dân tộc Mông hoặc đồng phục học sinh, đang đọc hoặc chơi ở nhiều trường tiểu học ở thủ phủ Hohhot của khu vực Nội Mông, được cho là vào ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.

Tuy nhiên, người dân địa phương nói những cảnh như vậy đã được dàn dựng. Họ cho biết chính quyền đã “mượn” các sinh viên người Hán để làm diễn viên.

“Những đứa trẻ này sẽ ‘biểu diễn’ từ nơi này đến nơi khác,” Suwdaa (bí danh) từ Liên đoàn Xilingol ở mũi phía đông của khu vực Nội Mông nói với The Epoch Times. Cô nhấn mạnh rằng, một số trẻ em mặc quần áo dùng để biểu diễn chứ không giống trang phục hàng ngày.

“Nhiều trường học tiếng Mông Cổ ở khu vực Nội Mông vắng vẻ vì lũ trẻ chưa đến trường”, cô nói thêm.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng chính sách mới sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy tiếng Mông Cổ, [nhưng] đã có “những thay đổi lớn” trong sách giáo khoa mới khiến những lời cam kết đó trở nên vô nghĩa, cô Suwdaa nói.

Cô cho biết, một câu ca dao phổ biến thể hiện niềm tự hào về văn hóa và ngôn ngữ của người dân tộc Mông mà nhiều thanh niên dân tộc Mông có thể thuộc lòng, đã bị loại bỏ khỏi sách giáo khoa. Các bài hát ca ngợi những anh hùng lịch sử của họ cũng bị loại bỏ, và được thay thế bằng những bài hát của Trung Quốc.

Các giáo viên đã được hướng dẫn nói chuyện với từng phụ huynh để đưa các em trở lại trường. “Có vô số cuộc gọi và tin nhắn văn bản nhiều vô kể. [Nhưng] phụ huynh học sinh sẽ không chấp nhận điều đó”, cô nói.

Một giáo viên từ Xilingol League giấu tên nói rằng, một cảnh sát địa phương người Mông Cổ đã bị đình chỉ vì phản đối chính sách này. Các quan chức chịu trách nhiệm kỷ luật cũng đã xác định từng giáo viên ở các trường của họ để "nói chuyện". Một số giáo viên đã chuẩn bị cho trường hợp bị sa thải.

“Giờ đây, chúng tôi đều đồng lòng - phụ huynh, học sinh, giáo viên và người Nội Mông làm việc trong mọi lĩnh vực xã hội. Chưa bao giờ chúng tôi đoàn kết như vậy”, cô khẳng định.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hàng chục nghìn người ở Nội Mông chống lại kế hoạch xóa sổ tiếng Mông Cổ của Bắc Kinh