Gót chân Asin của hải quân Trung Quốc và vai trò kiểm soát ‘yết hầu’ biển của Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành xây dựng quân đội quy mô lớn, nhưng họ vẫn có một số điểm yếu khó khắc phục. Cựu sĩ quan quân đội Mỹ tiết lộ rằng một trong số đó là yếu tố địa lý. Các chuyên gia cũng cho rằng khi ĐCSTQ khơi mào chiến tranh, Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát yết hầu biển.

Ông Tom Shugart, một cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ, đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn "Trung tâm An ninh Mỹ mới" (Center for a New American Security), nói với Nikkei Asian Review: "Khi bạn nhìn thấy các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, (xung quanh) mỗi một căn cứ đều có khá nhiều vùng nước nông, và tàu ngầm của họ phải đi qua những vùng nước nông này mới có thể đến vùng nước sâu". Chỉ khi đi vào vùng nước sâu thì tàu ngầm mới gần như không thể được tìm thấy được.

Ngược lại, tàu ngầm của Nhật Bản và Đài Loan có thể trực tiếp đi vào vùng biển sâu, đây là một “điều kiện xa xỉ” mà ĐCSTQ không thể đòi hỏi. Nhìn trên Google Earth sẽ thấy rằng bao quanh bờ biển của Trung Quốc là màu xanh nhạt, có nghĩa nó là vùng biển nông, trong khi màu của bờ biển phía đông Đài Loan và Nhật Bản là màu xanh đậm.

Ông Shugart nói rằng nếu hải quân Trung Quốc muốn tiến vào vùng biển quốc tế, chắc chắn họ sẽ phải đi qua các eo biển “yết hầu” nằm giữa Chuỗi đảo đầu tiên. "Điều này sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ của Hải quân Trung Quốc, tức là lực lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta. Nếu chúng ta tham gia vào một cuộc xung đột hoặc khi xung đột sắp nổ ra, chúng ta có thể theo dõi chúng (tàu ngầm Trung Quốc) chặt chẽ hơn và có thể ngăn chặn chúng".

Chuỗi đảo đầu tiên bắt đầu từ các đảo của Nhật Bản, quần đảo Ryukyu (Nansei Islands) ở phía Bắc nối với Đài Loan nằm ở giữa, và đến Philippines ở phía Nam.

Nhật Bản sẽ đóng vai trò chính trong việc kiểm soát ‘yết hầu’ biển

Ông Jeffrey Hornung, một nhà khoa học chính trị tại tổ chức tư vấn Rand Corp của Mỹ, nói rằng trong một cuộc xung đột tiềm tàng với ĐCSTQ, việc kiểm soát yết hầu trên biển có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan" trong một tuyên bố chung sau hội nghị cấp cao ngày 16/4. Đây là lần đầu tiên Đài Loan được các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản đề cập đến trong một tuyên bố kể từ năm 1969. Điều này đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận về việc hai đồng minh sẽ hợp tác như thế nào nếu hòa bình ở eo biển Đài Loan bị phá vỡ.

Hôm 30/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có bài phát biểu chính sách quan trọng đầu tiên sau khi nhậm chức. Ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai, những xung đột này rất khác so với cuộc "chiến tranh cũ" vốn đã làm Bộ Quốc phòng tiêu tốn từ lâu. Ông Austin đề xuất một khái niệm mới là "Hợp nhất Ngăn chặn" (Integrated Deterrence), yêu cầu các đồng minh "làm việc cùng nhau" để chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Quần đảo Ryukyu ở Nhật Bản kéo dài từ cực nam của Kyushu đến phần phía bắc của Đài Loan. Nó bao gồm các đảo nhỏ theo thứ tự từ bắc xuống nam là Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama. Vào tháng 4 năm nay, tàu sân bay Liêu Ninh và năm tàu ​​khu trục nhỏ của ĐCSTQ đã đi qua eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km giữa Okinawa và Miyako. Sau đó, tàu Liêu Ninh đi về phía nam đến Đài Loan.

Hình ảnh eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km giữa 2 đảo Okinawa và Miyako. (Jpatokal/WikiMedia Commons/CC BY-SA 3.0)
Hình ảnh eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km giữa 2 đảo Okinawa và Miyako. (Jpatokal/WikiMedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Ông Jeffrey Hornung nói: “Vai trò của Nhật Bản nên là kiểm soát trọng đạo ‘yết hầu’. Nếu bạn nhìn vào quần đảo Ryukyu, có rất nhiều cứ điểm yết hầu, kết hợp với năng lực về tàu ngầm và khả năng phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ Biển (Nhật Bản), Nhật Bản có thể phong tỏa hoàn toàn các cứ điểm này. Điều này sẽ buộc người Trung Quốc (Hải quân Trung Quốc) hoặc là phải vòng xuống tận Đài Loan hoặc là trực tiếp tiến vào khu vực giao tranh ở Biển Hoa Đông. Còn Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có thể lập kế hoạch cho việc này và kiểm soát tình hình chiến đấu”.

Ông nói rằng Nhật Bản càng dồn tinh lực cho quốc phòng bao nhiêu, cho dù họ sử dụng tên lửa hành trình chống hạm hay là dùng máy bay tuần tra hàng hải P-3C để tìm tàu ​​ngầm của Trung Quốc, hoặc là tiêu diệt các tàu ngầm này, thì quân đội Mỹ càng có thể giải phóng nguồn lực và tập trung vào chiến đấu bấy nhiêu.

Cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ Tom Shugart là người có 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tàu ngầm. Ông cho biết, tàu ngầm diesel - điện của Nhật Bản đặc biệt thích hợp cho nhiệm vụ này.

“Các đồng minh của chúng ta, chẳng hạn như hạm đội tàu ngầm diesel - điện của Nhật Bản và Úc, sẽ rất hữu ích trong việc bảo vệ các con đường yết hầu trên biển”, ông Shugart nói.

Cuộc chiến ở eo biển Đài Loan liên quan đến sự an nguy của Nhật Bản

Một khi ĐCSTQ khai chiến với Đài Loan, nó cũng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của Nhật Bản. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, do vị trí địa lý, hành động xâm phạm Đài Loan của ĐCSTQ cũng sẽ mang lại rủi ro lớn cho người dân Nhật Bản, vì vậy Mỹ và Nhật Bản có thể thành lập một liên minh.

Tháng trước tờ Kyodo News của Nhật Bản dẫn lời nguồn tin tiết lộ rằng, tình hình ở eo biển Đài Loan ngày càng thu hút sự chú ý của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu chính thức thảo luận về luật liên quan đến các tình hình xấu có thể đột phát ở Đài Loan nhằm nỗ lực tăng cường các khả năng phòng thủ cần thiết.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Gót chân Asin của hải quân Trung Quốc và vai trò kiểm soát ‘yết hầu’ biển của Nhật Bản