Giới phân tích: Bắc Kinh tuyên bố đã đánh bại virus Corona Vũ Hán là để hoàn thành nghị sự chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố “chiến thắng” trước đại dịch virus Corona Vũ Hán vào ngày 8/9, bất chấp dịch bệnh vẫn đang bùng phát tại quốc gia này.

Giới quan sát tin rằng, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gấp rút tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng đại dịch này là nhằm chống lại những lời chỉ trích và áp lực từ cả trong nội bộ ĐCSTQ cũng như từ cộng đồng quốc tế, khi ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vì đã che đậy đợt bùng phát ban đầu và để virus Vũ Hán lây lan khắp toàn cầu.

Bảy thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ - cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ - đã tham dự một “lễ kỷ niệm” được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Ông Tập đã có một bài phát biểu, tuyên bố rằng, ĐCSTQ đã giúp đất nước “vượt qua một bài kiểm tra lịch sử và phi thường”. Ông cũng đã trao huy chương cho các nhân viên y tế bao gồm Zhong Nanshan - chuyên gia về bệnh hô hấp và viện sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc thuộc chính phủ; và Chen Wei - người đứng đầu Viện Kỹ thuật Sinh học thuộc học viện liên kết với quân đội Trung Quốc và là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu vũ khí sinh học của Trung Quốc.

Trong những tháng qua, dịch virus Corona Vũ Hán liên tục tái bùng phát tại các vùng ở Trung Quốc. Một đợt tái bùng phát tại Bắc Kinh vào tháng Sáu, sau đó lan sang các vùng khác của quốc gia này. Vào giữa tháng Bảy, một đợt tái bùng phát ở Urumqi, Tân Cương đã khiến chính quyền phải phong tỏa toàn khu vực. Vào cuối tháng Bảy, một đợt “tái bùng phát thứ ba" đã xảy ra ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Giới chuyên gia luôn đặt nghi vấn về số liệu thống kê các ca nhiễm virus Corona Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc và các tài liệu chính phủ bị rò rỉ cũng cho thấy các nghi vấn này.

Tại cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 7/9, Giám đốc Điều hành các Vấn đề Khẩn cấp của WHO, Michael Ryan nhấn mạnh rằng, cho đến khi đại dịch toàn cầu thực sự kết thúc, bất kỳ nơi nào cũng có nguy cơ tái phát.

Giới quan sát và các nhà hoạt động cho rằng, ông Tập muốn lợi dụng lễ kỷ niệm ăn mừng chiến thắng để giảm bớt áp lực từ các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ và củng cố vị thế cũng như quyền lực của bản thân với tư cách là người lãnh đạo ĐCSTQ.

Nhà hoạt động nhân quyền Hu Jia nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do: “Ông ấy (Tập Cận Bình) muốn giảm thiểu trách nhiệm của mình. Và thứ hai là, [ông Tập muốn] cho thấy rằng mô hình chính trị Trung Quốc có lợi thế trong việc chống lại đại dịch, cùng lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Điều này nhằm củng cố ý tưởng trong tâm trí của các công dân Trung Quốc, những người đang bị chính quyền này cai trị”.

Học giả chính trị Trung Quốc Wu Qiang nói với BBC rằng lễ kỷ niệm được tổ chức trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU sắp tới để chứng tỏ rằng “mô hình chống đại dịch của Trung Quốc đã thành công” và để chống lại những chỉ trích của quốc tế đối với ĐCSTQ.

Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích buổi lễ của Bắc Kinh là một buổi biểu diễn chính trị. Một cư dân mạng có tên “Quan Zhisheng” đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Dịch bệnh đã hết chưa? Thuốc phòng ngừa đã được phát triển chưa? Cả nước đã bày tỏ lòng thành kính với các nạn nhân chưa? Những quan chức bao che cho đại dịch đã bị xử lý chưa? Vậy mà… bữa tiệc ăn mừng đã được tổ chức!”

Cư dân mạng có tên RHBNg bình luận: “Đảng - nhà nước giỏi biến đám tang thành lễ kỷ niệm. Lễ tuyên dương lần này có thể là một cách lừa dối với các nước khác rằng Trung Quốc đã loại bỏ hoàn toàn đại dịch, và mọi người sau đó có thể đến đây để du lịch, kinh doanh hoặc du học như bình thường. Và [ĐCSTQ] có thể lừa dối các nước khác để mở cửa với Trung Quốc”.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giới phân tích: Bắc Kinh tuyên bố đã đánh bại virus Corona Vũ Hán là để hoàn thành nghị sự chính trị