Giới nghệ sỹ Hong Kong bất an vì Luật An ninh Quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lo sợ tác phẩm của mình có thể vi phạm luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt gần đây, một số nghệ sĩ Hong Kong đang chuyển sang chế độ tự kiểm duyệt trong khi những người khác chuyển tác phẩm của họ ra nước ngoài hoặc có kế hoạch rời thành phố này.

Đạo luật này được ban hành vào tháng Sáu, quy định mức án tù chung thân đối với các hoạt động mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cáo buộc là lật đổ, chủ nghĩa ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự xói mòn quyền tự do rộng rãi mà ĐCSTQ đã cam kết tiếp tục duy trì tại thành phố trong 50 năm sau khi được chính phủ Anh bàn giao năm 1997.

Chính quyền thành phố, vốn có tham vọng để Hong Kong sánh ngang với Paris hay New York trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cho biết, luật này không hạn chế các quyền [cơ bản] và tự do nhưng sẽ khôi phục trật tự và duy trì sự thịnh vượng sau một năm người dân biểu tình phản đối ĐCSTQ.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong thực tế cho thấy, luật này đang tác động đến các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hong Kong: các cuốn sách về dân chủ đã bị loại bỏ khỏi các thư viện, các đồ trang trí theo chủ đề biểu tình bị loại bỏ khỏi các cửa hàng, một bài hát phổ biến về dân chủ và các hoạt động khác đã bị cấm trong các trường học.

Gần 2.000 nghệ sĩ và nhân viên văn hóa Hong Kong và quốc tế cho biết trong một tuyên bố rằng luật an ninh đã tạo ra "một bầu không khí sợ hãi và tự kiểm duyệt [tại Hong Kong]".

Chủ đề của những bức tranh vẽ của họa sĩ Lau Kwong Shing không còn liên quan đến phong trào ủng hộ dân chủ trong khi anh tập trung vào việc chuyển sang nước khác.

“Tôi đã chọn rời đi. Hiện tại, tôi muốn bảo vệ bản thân mình”, anh Lau cho biết và nói thêm rằng anh sẽ tiếp tục vẽ sau khi anh rời khỏi Hong Kong. Lau không cho biết anh sẽ chuyển đến đâu.

Một nghệ sĩ khác tên là Him Lo, hiện tránh chủ đề chính trị, đã chuyển các tác phẩm của mình, trong đó có một biểu ngữ màu vàng có nội dung “Tái chiếm Hong Kong”, vào kho lưu trữ tại một bảo tàng châu Âu để bảo quản an toàn. Anh không thông tin tên của bảo tàng này.

“Tôi lo lắng các tác phẩm nghệ thuật [của tôi] sẽ bị thu giữ”, anh nói.

Vài tháng trước khi luật an ninh mới được áp dụng, một nghệ sĩ có bút danh Childe Abaddon đã xuất bản bộ sưu tập có tên “Voices” (tạm dịch: những tiếng nói) - gồm các tác phẩm phản đối [việc chính quyền siết chặt quyền tự do], trong đó có các biếm họa, của hầu hết những người đóng góp ẩn danh.

Nghệ sĩ này không có kế hoạch tái bản lần 2.

“Thật may mắn khi chúng tôi đã xuất bản cuốn sách trước đó. Cuốn sách đã bán rất chạy, nhưng chúng tôi sẽ không xem xét xuất bản thêm nữa”, anh nói.

Nghệ sĩ này không muốn dùng tên thật trên bài báo vì tính nhạy cảm của chủ đề.

'Tạo tác động'

Chính quyền thành phố nói rằng luật mới đề cao “các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người”.

“Khi thực hiện các quyền này, những người hoạt động nghệ thuật không cần phải lo lắng miễn là họ không vi phạm các hành vi vi phạm được quy định trong luật”, chính quyền nói.

“Các quyền hợp pháp của công dân Hong Kong để thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ, chẳng hạn như đưa ra các nhận xét chung chỉ trích các chính sách của chính phủ hoặc các quan chức, không nên bị xâm phạm”.

Hội đồng Phát triển Nghệ thuật Hong Kong thuộc chính phủ cho biết, các nghệ sĩ nhận được hỗ trợ phải đảm bảo các tác phẩm của họ “tuân thủ tất cả các luật, quy tắc, quy định và các yêu cầu theo luật định”.

Một họa sĩ vẽ về chủ đề chính trị có bút danh Ah To - có chuyên mục tranh biếm họa trên tờ Ming Pao Weekly nhưng đã bị tờ báo này dừng hợp tác hồi tháng trước, nói một cách kiên định: “Bạn phải quyết định và đánh giá giá trị của mình là gì, bạn có thể bị bắt bất cứ lúc nào hoặc hối hận vì bạn đã không làm đủ để cố gắng tạo ra ảnh hưởng đến xã hội”.

Ah To từ chối cho biết tên thật vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Anh nói: “Ở giai đoạn này, tôi đã quyết định tiếp tục và kiên trì”.

Tờ Ming Pao vốn đã đăng các các tranh của Ah To về chủ đề bị kiểm duyệt ở đại lục như cuộc đàn áp năm 1989 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở khu vực Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Tờ báo này cho biết, quyết định ngừng đăng tranh của Ah To là một phần của cuộc cải tổ tờ báo và không liên quan đến luật mới.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giới nghệ sỹ Hong Kong bất an vì Luật An ninh Quốc gia