Giám đốc Điều hành Huawei: Mạng 5G của Trung Quốc 'hữu danh vô thực'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Huawei là nhà cung cấp trạm gốc chính cho mạng 5G ở Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, ông Đinh Vân (Ding Yun), Giám đốc Điều hành của Huawei và là Chủ tịch của Nhà điều hành BG, đã thừa nhận rằng tốc độ mạng 5G ở Trung Quốc đại lục chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc và “hữu danh vô thực”.

Ông Đinh Vân đã đề cập trong bài phát biểu tại lễ khai mạc "Triển lãm Thông tin và Truyền thông Quốc tế Trung Quốc 2020" ở Bắc Kinh vào ngày 14/10 rằng, mặc dù đại lục đã xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới, nhưng so với nước ngoài, nó vẫn thua kém về mặt trải nghiệm người dùng, vùng phủ sóng và lợi nhuận, v.v.

Dịch vụ 5G của Trung Quốc là "hữu danh vô thực"

Ông Đinh Vân nói rằng, dịch vụ 5G của đại lục là "hữu danh vô thức", giả và kém chất lượng...

Mặc dù số lượng người dùng 5G ở Trung Quốc đại lục đã đạt 150 triệu người nhưng tỷ lệ tương thích giữa mạng lưới, điện thoại di động và gói 5G của người dùng rất thấp. Nhiều người dùng đã mua gói 5G nhưng điện thoại của họ vẫn là loại 4G.

Nhiều người dùng có điện thoại di động 5G, nhưng không nằm trong vùng phủ sóng 5G, nên thực tế là họ vẫn đang dùng 4G.

Mặc dù một số nơi có vùng phủ sóng 5G, cũng có trạm gốc 4G, nhưng các điểm 4G lại nằm ở nơi giao nhau của nhiều khu dân cư, khiến tín hiệu người dùng bị chuyển đổi liên tục giữa 4G và 5G, làm cho trải nghiệm người dùng rất kém.

Tốc độ 5G của Trung Quốc chậm, lợi nhuận kinh doanh thấp

Về tốc độ 5G, ông Đinh Vân lấy ví dụ về Hàn Quốc, tốc độ tải xuống (download) trung bình của đường truyền Internet 5G ở Hàn Quốc là khoảng 600Mbps, trong khi ở Trung Quốc đại lục chỉ là 270Mbps, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc.

Vào cuối tháng Chín, tỷ lệ người dùng 5G ở Hàn Quốc là 25%, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 8%.

Ngoài ra, từ góc độ lợi nhuận thương mại, sau khi Hàn Quốc ra mắt mạng 5G thương mại, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng của họ đã tăng khoảng 37%. Ba công ty viễn thông Hàn Quốc đã có mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong nửa đầu năm nay; trong khi hoạt động kinh doanh mạng 5G ở đại lục chưa có lợi nhuận rõ rệt.

Công nghệ 5G của Trung Quốc đã lạc hậu

Ông Đinh Vân cho rằng, thiết bị 5G sẽ làm tăng mức tiêu thụ điện của các trạm gốc và tăng gánh nặng cho hệ thống cung cấp điện. Tuy nhiên, khoảng 32% trạm gốc ở Trung Quốc đại lục hiện không đủ công suất điện, dung lượng pin của các trạm gốc ở một số khu vực cũng không đủ.

Theo các kênh truyền thông nước ngoài đưa tin gần đây, giới công nghiệp không mấy lạc quan về sự phát triển trong tương lai của công nghệ trạm gốc 5G của Huawei. Tờ Nikkei của Nhật Bản trích dẫn dữ liệu cho biết, trong số các bộ phận và linh kiện của thiết bị trạm gốc 5G của Huawei, các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ chiếm 30%, tiếp theo là được sản xuất tại Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 10%; hơn nữa, trong các bộ phận do đại lục thiết kế thì 60% là phụ thuộc vào TSMC của Đài Loan.

Trong khi đó, Huawei đang bị Hoa Kỳ trừng phạt vì làm gián điệp thương mại cho ĐCSTQ, TSMC đã thông báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp cho Huawei.

Ngoài các biểu hiện yếu kém ở đại lục, thiết bị 5G của Huawei cũng đang phải đối mặt với việc bị tẩy chay ở nước ngoài. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Canada, Vương quốc Anh, Ý, Bỉ và Hà Lan đều có các nhà mạng riêng hoặc chính phủ nước đó công khai tuyên bố rằng họ sẽ không còn hợp tác với Huawei trong lĩnh vực 5G nữa, mà thay thế Huawei bằng các công ty viễn thông như Samsung, Ericsson và Nokia.

Vương quốc Anh cũng đã thông báo vào đầu tháng này rằng, thời điểm gỡ bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi mạng 5G sẽ được đẩy nhanh lên năm 2025, kế hoạch ban đầu của họ là năm 2027. Nguyên nhân là do có bằng chứng cho thấy Huawei có mối liên hệ với ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc Điều hành Huawei: Mạng 5G của Trung Quốc 'hữu danh vô thực'