Giám đốc đầu tiên của ‘Phòng 610’ trung ương - tổ chức Gestapo của Trung Quốc - là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

'Phòng 610', tương tự như tổ chức Gestapo của Đức Quốc Xã, đứng trên cả hệ thống pháp luật và có nhiệm vụ đàn áp trên quy mô rộng những người tu Pháp Luân Công. Người đầu tiên đảm nhiệm vị trí đứng đầu tổ chức này là Vương Mậu Lâm, có ít nhất 740 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết dưới thời của ông ta.

19 tuổi, cô Sơ Tùng Duệ chết vào tháng 12/1999 trong nhà tù Hải Điến ở Bắc Kinh. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng của cô đều bị chảy máu.

32 tuổi, cô Triệu Hân tử vong vào tháng 6/2000, sau khi bị công an Hải Điến ở Bắc Kinh đánh gãy đốt sống cổ số 4, 5, 6. Khi đó, cô là giảng viên Khoa Kinh tế của Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh.

46 tuổi, ông Đào Hồng Thăng qua đời vào ngày 20/9/2000, chỉ sau 2 ngày được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế. Trước khi bị kết án lao động cải tạo 3 năm, ông là cán bộ phụ trách cấp thị thực xuất nhập cảnh Phòng An ninh tỉnh Hà Bắc.

Sơ Tùng Duệ, Triệu Hân và Đào Hồng Thăng là ba học viên Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại đến chết. Kẻ phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của họ chính là Vương Mậu Lâm - Giám đốc đầu tiên của "Phòng 610" Trung ương.

Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện tinh thần do Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất tại Trung Quốc từ tháng 5/1992, với nguyên lý chỉ đạo là Chân - Thiện - Nhẫn. Chính phủ Trung Quốc khi đó thống kê cho thấy, cho đến khi xảy ra cuộc bức hại vào tháng 7/1999, toàn Trung Quốc có từ 70 đến 100 triệu người đang theo tập môn này. Đến nay, môn tu luyện đã được phổ biến ở trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, người tu luyện đến từ các lứa tuổi, ngành nghề; nhưng vẫn đang bị đàn áp tại Trung Quốc.

Đây là cuộc bức hại vô cớ do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động. Ngày 10/6/1999, Giang đã hạ lệnh thành lập "Phòng 610" - một tổ chức chịu trách nhiệm đàn áp Pháp Luân Công, có quyền hạn vượt trên mọi quy định của pháp luật và không chịu bất cứ hạn chế nào. Tập đoàn họ Giang cũng là kẻ đứng sau tội ác mổ cướp nội tạng từ người còn sống ở Trung Quốc, mà nạn nhân chính là các tù nhân lương tâm như học viên Pháp Luân Công.

Tháng 7/2021, trong dịp kỷ niệm 22 năm phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công, Vương Mậu Lâm đã bị liệt vào danh sách những người đã tham gia bức hại. Học viên Pháp Luân Công từ 37 quốc gia đã đệ trình danh sách này lên chính phủ của nước mình, yêu cầu đưa ra chế tài đối với những người đã tham gia bức hại và thành viên trong gia đình họ, bao gồm cả cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.

Vương Mậu Lâm người chịu trách nhiệm chính trong việc đàn áp Pháp Luân Công

Từ tháng 9/1998 đến tháng 10/2002, Vương Mậu Lâm là Phó trưởng Nhóm lãnh đạo Trung ương về Tuyên truyền và Tư tưởng.

Vương Mậu Lâm người chịu trách nhiệm chính trong việc đàn áp Pháp Luân Công.
Vương Mậu Lâm người chịu trách nhiệm chính trong việc đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh web)

Từ tháng 6/1999 đến tháng 9/2001, ông ta là thành viên của Nhóm lãnh đạo Trung ương chuyên Xử lý các vấn đề Pháp Luân Công, kiêm Giám đốc "Phòng 610" của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Với tư cách là giám đốc đầu tiên của "Phòng 610", ông ta phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các hoạt động đàn áp hàng ngày trên toàn quốc.

Theo thống kê từ Minghui.org - trang chuyên đưa tin về cuộc bức hại, dưới chính sách bức hại của ĐCSTQ, có ít nhất 4.476 học viên Pháp Luân Công được xác minh là đã bị bức hại đến chết, trong đó có 740 người bị giết vào cuối năm 2001.

Trong nhiệm kỳ của mình tại "Phòng 610" Trung ương, Vương Mậu Lâm phải chịu trách nhiệm không thể chối cãi về những án mạng và thảm án xảy ra trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Sơ Tùng Duệ, Triệu Hân và Đào Hồng Thăng đã bị tra tấn đến chết, họ chỉ là 3 trong số rất nhiều án mạng do “Phòng 610” gây ra.

Đào Hồng Thăng bị nghi tử vong do tiêm thuốc độc

Đào Hồng Thăng, một học viên Pháp Luân Công
Đào Hồng Thăng, một học viên Pháp Luân Công. (Minghui.org)

Ông Đào Hồng Thăng là một cán bộ của Phòng An ninh Quốc gia tỉnh Hà Bắc và là một học viên Pháp Luân Công sống ở thành phố Thạch Gia Trang của tỉnh này.

Ngày 25/12/1999, ông Đào đến Bắc Kinh thỉnh nguyện ôn hòa và treo biểu ngữ "Pháp Luân Đại Pháp" ở quảng trường.

Vụ việc đã gây chấn động Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Bộ An ninh Quốc gia, các cơ quan an ninh quốc gia và hệ thống công an trên toàn Trung Quốc. Ông Đào trực tiếp bị đưa về tạm giữ tại Phòng An ninh tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ông bị khai trừ khỏi đảng, bị cách chức và bị kết án 3 năm cải tạo lao động. Ông bị giam trong trại lao động cưỡng bức tại thành phố Thạch Gia Trang.

Trong thời gian ở trại cưỡng bức, ông Đào bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân và có máu trong phân. Ông nằm trên giường gần 20 ngày, không thể ăn uống, khó thở, tiêu chảy và phù nề. Sau đó, mắt của ông bị sưng húp, hai mí mắt chỉ cách nhau một khe hẹp, tiểu và đại tiện ra máu.

Ngày 13/9/2000, ông Đào được đưa đến Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Số 2 tỉnh Hà Bắc. Vợ ông cho biết, khi đó nhìn thấy sắc mặt ông xanh xao, giọng nói thì thào và hơi thở yếu ớt.

Ngày 18/9, Phòng An ninh tỉnh Hà Bắc và trại lao động cưỡng bức đã buộc phải làm thủ tục "bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế" cho ông Đào trong nửa năm. Vào ngày 17/9, ông Đào trở về nhà của mình. Vào khoảng 1h10 sáng ngày 20/9 ông đã qua đời mang theo nỗi hàm oan.

Trại lao động cưỡng bức Thạch Gia Trang vô tình tiết lộ rằng ông Đào đã bị tiêm thuốc độc và dẫn tới tử vong.

Năm 2002, Đổng Tân Quốc (Dong Xinguo) - một cảnh sát thuộc Đại đội 2 của Trại lao động cưỡng bức Thạch Gia Trang - đã đe dọa một học viên Pháp Luân Công: "Đó là bởi vì ông ta (Đào Hồng Thăng) đã không làm theo những gì chúng tôi nói (không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công), nên đã bị chúng tôi tiêm thuốc độc và đánh chết. Nếu ông/bà không tuân theo yêu cầu của chúng tôi, không chuyển hóa, tôi sẽ cho người nâng ông/bà lên và đập vào tường đến chết, sau đó nói rằng ông/bà đã tự sát”.

Triệu Hân, giảng viên đại học bị đánh đập tàn nhẫn tới chết

Triệu Hân, giảng viên đại học bị đánh đập tàn nhẫn tới chết
Triệu Hân, giảng viên đại học bị đánh đập tàn nhẫn tới chết. (Minghui.org)

Cô Triệu Hân đến từ Cáp Nhĩ Tân. Năm 1992, cô là nghiên cứu sinh tại Học viện Kinh doanh Bắc Kinh (tiền thân của Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh ngày nay) và ở lại làm giảng viên sau khi tốt nghiệp vào năm 1995.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, cô Triệu bị đau tức ngực, có khi đau tới mức chảy nước mắt và cả đêm không thể ngủ được. Tuy nhiên, sau khi bước vào tu luyện, căn bệnh quái ác đã được chữa khỏi và thân tâm nhẹ nhàng.

Sau khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, cô Triệu đã nhiều lần đến Cơ quan Quản lý Khiếu nại và Đề xuất của Công chúng thuộc Quốc vụ viện và Đại hội đại biểu Nhân dân để phản ánh tình huống chân thực về Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe khiếu nại của cô, các bộ phận này đã giam giữ và bắt cô, sau đó yêu cầu ban bảo vệ của nhà trường đưa cô về trông giữ.

Vào ngày 19/6/2000, khi cô Triệu đang luyện tập ở công viên Tử Trúc Viện đã bị công an bắt đi và sau đó bị đưa đến trại tạm giam của Công an Hải Điến.

Vào ngày 22/6 (tức ngày thứ ba sau khi cô bị giam giữ), cô Triệu bị đánh gãy đốt sống cổ số 4, 5, 6. Mắt trái của cô bị sưng lên vì chấn thương, phổi không thở được và tính mạng gặp nguy hiểm, sau đó cô được đưa đến bệnh viện Hải Điến để cấp cứu.

Bệnh viện từng ra thông báo tình trạng nguy kịch nhưng cô lại vẫn có thể sống sót một cách thần kỳ. Tuy nhiên, do xương cổ bị thương nghiêm trọng đã khiến cô bị liệt toàn thân. Ngoại trừ phần đầu thì toàn bộ phần thân đều không thể cử động được.

Nỗi đau thể xác đã hành hạ cô Triệu trong nhiều ngày. Vào tối ngày 11/12/2000, cô đã qua đời một cách oan uổng ở tuổi 32.

Sơ Tùng Duệ tử vong do ‘thất khiếu’ xuất huyết

Học viên Pháp Luân Công Sơ Tùng Duệ
Học viên Pháp Luân Công Sơ Tùng Duệ. (Minghui.org)

Cô Sơ Tùng Duệ là một học viên Pháp Luân Công sống ở làng Từ Gia, xã Thiên Đức, thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm.

Ngày 1/12/2000, cô Sơ đến Bắc Kinh để đòi lại công bằng cho Pháp Luân Công và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn.

Vào ngày 17/12, gia đình cô Sơ được công an Hải Điến Bắc Kinh thông báo tới nhận xác. Nghe nói cô đã qua đời cách đó 4 ngày.

Theo cảnh sát, cô Sơ chết là vì tuyệt thực. Tuy nhiên, bác sĩ khám nghiệm tử thi đã bác bỏ thông báo này vì nhận thấy thi thể có nhiều vết thương, “thất khiếu” bao gồm hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng đều chảy máu, mặt sưng tấy, mũi bị gãy, môi sưng phù và hai tai nhét đầy bông gòn dính vết máu.

Trên đây chỉ là một số trường hợp bị bức hại đến chết xảy ra trong thời kỳ Vương Mậu Lâm nắm quyền lãnh đạo "Phòng 610" Trung ương.

Hiện tại, các học viên Pháp Luân Công đã đệ trình danh sách hơn 100.000 người liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Vương Mậu Lâm chỉ là một trong số đó.

Những kẻ bức hại Pháp Luân Công phải đối mặt với các chính sách trừng phạt của quốc tế

Từ năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho các học viên Pháp Luân Công rằng trong những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc đã bị từ chối cấp thị thực do bức hại nhân quyền, tất cả đều do họ tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Vào ngày 10/12/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với 17 quan chức chính phủ đương nhiệm và cựu quan chức của nước ngoài tham gia vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Một trong số đó là ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxong) - Trưởng đồn công an Ngô Thôn thuộc Công an thành phố Hạ Môn, người đã tham gia vào việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Vào ngày 12/5 năm nay theo giờ miền Đông Bắc Mỹ (trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5 một ngày), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công - ông Dư Huy (Yu Hui) - nguyên là cựu Giám đốc "Phòng 610" ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Vào tháng 7/2021, nhân kỷ niệm 22 năm ngày phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công cả ở trong và ngoài Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công từ 37 quốc gia đã đệ trình danh sách những kẻ bức hại lên chính phủ nước mình, để yêu cầu có các biện pháp trừng phạt theo quy định của pháp luật.

37 quốc gia được đệ trình lần này bao gồm:

  • Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes): Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và New Zealand;
  • 23 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU): Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Croatia, Slovenia, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Malta;
  • 9 quốc gia còn lại là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Brazil và Mexico.

Trong số đó, Indonesia và Brazil lần đầu tiên tham gia vào hoạt động chung này.

Theo Epoch Times tiếng Trung

Hải Đăng



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc đầu tiên của ‘Phòng 610’ trung ương - tổ chức Gestapo của Trung Quốc - là ai?