EU gây sức ép với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ hai (22/6), Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện lời hứa mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, thúc ép Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và cảnh báo về “những hậu quả rất tiêu cực” nếu Bắc Kinh vẫn tiến hành áp đặt luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong. Động thái này của Bắc Kinh khiến nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu quyền tự trị của thành phố.

Vào ngày 22/6, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu là ông Charles Michel, và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu là bà Ursula von der Leyen, cùng với Đại diện cấp cao EU là ông Josep Borrell đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sau đó là trao đổi với Tổng Bí thư và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông Tập Cận Bình.

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, ông von der Leyen nói. Nhưng mặc dù cả hai có kim ngạch giao dịch thương mại khoảng một tỷ euro (1,13 tỷ đô-la Mỹ) mỗi ngày, mối quan hệ thương mại và đầu tư đã không cân bằng, Michel nói tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.

“Để các mối quan hệ của chúng ta phát triển hơn nữa, họ phải ngày càng dựa trên nền tảng pháp luật và có đi có lại, để đạt được một sân chơi bình đẳng thực sự”, bà von der Leyen nói.

“Chúng tôi cần giải quyết các vấn đề cụ thể như tiếp cận thị trường, trợ cấp, các vấn đề pháp lý, mua sắm công, chuyển giao công nghệ bắt buộc, sân chơi bình đẳng và cải cách WTO [Tổ chức Thương mại Thế giới]”, ông Michel cho biết.

Ông cũng bổ sung thêm rằng: “Cam kết và hợp tác với Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là cần thiết. Nhưng, chúng ta phải hiểu rằng [Trung Quốc và EU] không chia sẻ các giá trị chung, [như] hệ thống chính trị hoặc cách tiếp cận chủ nghĩa đa phương. Chúng ta sẽ tham gia một cách rõ ràng và tự tin, bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích của EU và bảo vệ vững chắc các giá trị của chúng ta”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) đến phiên khai mạc Đại hội Nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 22/5/2020. (LEO RAMIREZ / AFP qua Getty Images)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) đến phiên khai mạc Đại hội Nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 22/5/2020. (LEO RAMIREZ / AFP qua Getty Images)

Nhìn nhận Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen nói rằng Bắc Kinh đã không tuân theo thỏa thuận song phương 2019 với yêu cầu cho phép các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc; Trung Quốc cũng không bỏ quy định yêu cầu các nhà đầu tư chia sẻ bí quyết của họ khi tham gia liên doanh với Trung Quốc .

Liên minh EU rất hoan nghênh khi Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các thỏa thuận trong Giai đoạn 1 của hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, trong khi tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của WTO và không phân biệt đối xử với các nhà xuất khẩu châu Âu.

Một hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ trước đó được lên kế hoạch vào tháng Ba đã bị hoãn lại do đại dịch virus Corona Vũ Hán, và một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU với ông Tập vào tháng Chín đã bị hoãn vì lý do tương tự.

EU đã đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc để giải quyết các thách thức đến từ ĐCSTQ cầm quyền kể từ mùa xuân năm 2019. Trong phân tích của mình về các chính sách Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Đức cho biết, đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã làm trầm trọng thêm các thách thức này.

Ngày 17/6, Ủy ban EU đã thông qua Sách trắng hướng dẫn việc ngăn chặn các công ty EU bị các công ty do chính phủ nước ngoài tài trợ tiếp quản, “để tránh làm giảm khả năng cạnh tranh và sân chơi bình đẳng ở thị trường EU”.

Các công ty EU bị suy yếu do đại dịch COVID-19 có thể đặc biệt dễ bị tác động bởi những hành vi không công bằng như vậy.

Vào ngày 3/6, Đảng Cộng hòa Nhân dân Châu Âu (EPP) thuộc khối liên minh EU đã kêu gọi bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban EU gửi thư để thực hiện hành động “ngăn chặn các công ty nước ngoài tiếp quản những công ty châu Âu đang yếu thế và phải vật lộn để vượt qua khủng hoảng”.

Trong một tuyên bố, bà Vestager, cũng là một ủy viên về vấn đề cạnh tranh, cho biết: “Nền kinh tế của Châu Âu vốn cởi mở và có liên kết chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi cần các công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp nước ngoài không làm méo mó thị trường của chúng tôi, giống như chúng tôi làm với các khoản trợ cấp quốc gia”.

Bà cũng nói thêm rằng: “Thị trường đơn lẻ là chìa khóa cho sự thịnh vượng của Châu Âu và nó chỉ hoạt động tốt nếu có một sân chơi bình đẳng”.

Ủy viên Thương mại EU là ông Phil Hogan cho biết trong một tuyên bố, “sự cởi mở của [EU] đang ngày càng bị thách thức thông qua các hoạt động thương mại nước ngoài, bao gồm các khoản trợ cấp làm biến dạng sân chơi bình đẳng dành cho các công ty thuộc khối EU”.

EU kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền, tự do

Người biểu tình tuần hành trên một con đường trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại một luật an ninh quốc gia mới được đề xuất tại Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Người biểu tình tuần hành trên một con đường trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại một luật an ninh quốc gia mới được đề xuất tại Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ mối lo ngại của họ về vấn nạn đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là cách đối xử hà khắc của nhà cầm quyền với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng, với những người đấu tranh vì nhân quyền và việc ĐCSTQ hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân tại quốc gia này.

EU đã đề cập với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về từng trường hợp các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, ví dụ như sự mất tích của những công dân can đảm lên tiếng cảnh báo hoặc đưa tin về sự lây lan của virus Corona Vũ Hán.

Bà von der Leyen khẳng định: “Đối với Liên minh châu Âu, quyền con người và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng”.

EU cũng nhắc đến các cuộc tấn công mạng vào các bệnh viện và trung tâm điện toán, cũng như sự gia tăng của tình trạng bóp méo thông tin trực tuyến, và cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng “điều này không thể dung thứ được”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói.

Ông Michel và bà von der Leyen cho biết họ đã trao đổi với ông Lý và ông Tập về những lo ngại của họ về luật an ninh quốc gia mà ĐCSTQ áp đặt đối với Hong Kong. Các nhà hoạt động dân chủ, nhà ngoại giao và một số doanh nghiệp cho biết điều luật này sẽ gây nguy hiểm cho chính quyền Hong Kong.

Quốc hội Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt hôm thứ Bảy (20/6) trước một nghị quyết của hội nghị EU nhằm phản đối luật an ninh quốc gia này.

Ông Michel nhấn mạnh, các chủ tịch EU bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc của họ về luật an ninh quốc gia cho Hong Kong”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực hiện lời hứa với người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế về “quyền tự trị cao và quyền tự do được bảo đảm của Hong Kong”.

Quyền tự trị này là điều đã giúp Hong Kong phát triển và thành công, bà von der Leyen nói. Bà cũng cảnh báo thêm rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hậu quả rất tiêu cực”, nếu “vẫn thực hiện việc áp dụng luật này”.

Mặc dù phía Trung Quốc có quan điểm khác về vấn đề này, nhưng các nhà lãnh đạo EU cùng với các đối tác G7 khác vẫn giữ vững lập trường rằng ĐCSTQ nên xem xét lại việc áp dụng luật an ninh đối với Hong Kong.

Du Miên

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

EU gây sức ép với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền