Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của Nike, Adidas vẫn được người dân đại lục ‘xếp hàng tranh mua’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù làn sóng tẩy chay do chính quyền Trung Quốc phát động đối với các thương hiệu lớn đã gây náo động trên Internet trong vài ngày qua, nhưng tình hình cụ thể khi đến các cửa hàng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Một số thương hiệu bị tẩy chay như Nike, Adidas được cho là đã tung ra một đợt giảm giá mới, kết quả là các sản phẩm của họ đã được giới trẻ đại lục "tranh mua". Có cư dân mạng châm biếm rằng: "Giảm giá 30% có thể giải quyết mọi vấn đề, kể cả việc yêu nước".

Việc thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M tuyên bố từ chối sử dụng các sản phẩm từ bông Tân Cương đã dẫn đến làn sóng tẩy chay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời nó cũng gây ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Nike, Adidas, Uniqlo, v.v. Ngoài ra, giới nghệ sĩ đại lục còn đồng loạt tuyên bố chấm dứt hợp đồng với các hãng này.

Tờ Basketball Journal đưa tin hôm 27/3 rằng, sau sự việc bông Tân Cương, Nike đã cho ra mắt hai mẫu giày mới trên cửa hàng điện tử chính thức Nike Tmall vào ngày 25/3 và ngày 26/3, đồng thời áp dụng mô hình bán hàng đặt trước. Điều đáng kinh ngạc là, hai mẫu giày này đã được người dân đại lục tranh mua hết ngay lập tức.

Theo bài báo, hai mẫu giày mới gồm: mẫu giày nam có giá 1.399 nhân dân tệ (khoảng 4,9 triệu VNĐ), dự kiến ​​bán ra vào lúc 18h chiều ngày 25/3. Mẫu còn lại là giày nữ, có giá 699 nhân dân tệ (khoảng 2,4 triệu VNĐ), dự kiến ​​bán ra vào lúc 20h đến 21h ngày 26/3. Trước khi hai mẫu giày chính thức được bán ra, đã có 337.000 người đặt mua mẫu giày nữ của Nike.

337.000 người đã đặt mua mẫu giày mới của Nike. (Ảnh chụp màn hình)
337.000 người đã đặt mua mẫu giày mới của Nike. (Ảnh chụp màn hình)

Ngay sau khi Nike mở bán chính thức, hai mẫu giày mới này đã nhanh chóng được mua hết sạch.

Bài báo cho biết, ngoài hai mẫu giày mới được bán hết trong “chớp mắt”, hàng loạt giày đá bóng Nike DUCK trên nền tảng đồ cũ (second-hand) cũng bị giới trẻ đại lục tranh mua một cách điên cuồng.

Ngoài ra, theo một số video và hình ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy, rất nhiều người trẻ tuổi đại lục xếp thành từng hàng dài trước cửa hàng Nike ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.

Theo một đoạn video khác cho thấy, nhiều người xếp hàng dài trước cửa hàng Adidas ở một địa điểm nào đó, tất cả khách hàng đều đeo khẩu trang. Người phụ nữ quay video giải thích rằng: "Tẩy chay cái này, tẩy chay cái kia, hãy nhìn những người này. Bên trong (cửa hàng) toàn là người, số người vào mua hàng bị hạn chế!”.

Gần đây, cũng có không ít cư dân mạng đăng tải các bài viết lên Weibo, nói rằng, dòng người đứng chờ mua hàng trước cửa hàng Adidas và Nike không hề suy giảm.

Một cư dân mạng cho biết vào ngày 27/3 rằng: "Đây là chuyện gì vậy? Trên mạng thì nổi lên làn sóng tẩy chay, thực tế là xếp hàng cả đêm chờ mua giày. Trong tay không cầm theo đồ gì, xem ra không phải là những người này đi trả lại hàng".

"Weibo ngày nào cũng hô to rằng những thương hiệu này sắp phá sản. Ngay khi đến cửa hàng Nike thực tế thì thấy rất nhiều người xếp hàng đợi mua. Thật thú vị phải không?"

Trước tình hình thực tế trái ngược với các tuyên bố công khai tẩy chay trên mạng, có cư dân mạng cho rằng: Làn sóng tẩy chay của các nghệ sĩ coi như uổng công rồi! Còn có cư dân mạng chế giễu: "Giảm giá 30% là có thể giải quyết mọi vấn đề, kể cả việc yêu nước!".

Một số thương hiệu lớn vẫn liên tục bán hết các sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng có nhiều tờ báo đưa tin rằng, làn sóng tẩy chay này đã khiến một số nghệ sĩ nổi tiếng chấm dứt hợp đồng bị thiệt hại nặng nề.

Được biết, trong làn sóng chấm dứt hợp đồng, Trần Dịch Tấn, người được mệnh danh là "Ông hoàng nhạc Karaoke" của làng nhạc Hoa ngữ, cũng là Người phát ngôn toàn cầu của thương hiệu "Cỏ ba lá" Adidas, có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 60 triệu nhân dân tệ vì vi phạm hợp đồng, đây là mức phạt cao nhất đối với những nghệ sĩ chấm dứt hợp đồng.

Một số kênh truyền thông Hong Kong đã chụp được ảnh Trần Dịch Tấn xuất hiện lần đầu tiên sau khi đưa ra tuyên bố chấm dứt hợp đồng, trông anh rất chán nản và buồn bã ngồi một mình trong xe.

Trong sự kiện này, Potter King, một Facebooker người Hoa nổi tiếng sống tại Đài Loan và cũng là người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan. Đối với câu hỏi liên quan đến làn sóng nghệ sĩ thân ĐCSTQ tuyên bố chấm dứt hợp đồng đối với những thương hiệu từ chối sử dụng bông Tân Cương, Potter King cho rằng, không nên dùng từ “thất vọng” với những nghệ sĩ này vì ngay từ đầu đã không nên ôm hy vọng vào họ. Potter King nói rằng, những người đó hành động vì lợi ích cá nhân chứ không quan tâm gì đến nhân quyền; con người của họ là “gió chiều nào theo chiều ấy”, vì vậy không nên ôm hy vọng gì…

Potter King không cho rằng những nghệ sĩ “ủng hộ bông Tân Cương” xứng đáng được cảm thông, vì họ giàu có nên phạm vi lựa chọn của họ là rất rộng, nhưng họ đã chọn quỳ gối trước cái ác: “Chẳng lẽ họ không biết chọn như vậy là ủng hộ các trại cải tạo của ĐCSTQ? Là chọn kỳ thị chủng tộc? Là chọn bức hại văn hóa và tôn giáo nhân danh chính trị?…”

Trong chia sẻ trên Facebook, Potter King cũng đăng lên bức ảnh anh cầm túi H&M và nhấn mạnh: “Mỗi hành vi tiêu thụ của chúng ta, đều đang chọn diện mạo của thế giới này”.

Facebooker nổi tiếng người Hoa Potter King cho biết anh từng bị giới dư luận viên ĐCSTQ tấn công trên internet vì không hùa theo chính quyền: “Mỗi chi tiêu của chúng ta là đang lựa chọn diện mạo của thế giới” (Nguồn: Chụp màn hình facebook).
Facebooker nổi tiếng người Hoa Potter King cho biết anh từng bị giới dư luận viên ĐCSTQ tấn công trên internet vì không hùa theo chính quyền: “Mỗi chi tiêu của chúng ta là đang lựa chọn diện mạo của thế giới” (Nguồn: Chụp màn hình facebook).

Mai Hạ

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của Nike, Adidas vẫn được người dân đại lục ‘xếp hàng tranh mua’