Du học sinh Trung Quốc ở Canada bị cảnh sát trong nước đe doạ vì tweet nội dung ‘xúc phạm’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Toronto Star của Canada đưa tin hôm 18/9 rằng, một du học sinh đến từ miền Tây Nam, Trung Quốc đã đăng lại 3 mẩu tweet trên Twitter, khiến anh - người chỉ có hai người theo dõi trên nền tảng xã hội này, bị cảnh sát mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đe doạ, cha mẹ của anh ở trong nước cũng bị cơ quan an ninh sách nhiễu.

Dan (bí danh) lần đầu tiên được truy cập mạng riêng ảo (VPN) thông qua ID sinh viên Canada vào tháng 9/2017. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời anh vượt tường lửa của ĐCSTQ.

Để đề phòng, Dan đã dùng tên giả và địa chỉ giả để đăng ký mạng xã hội nước ngoài Twitter, thậm chí đặt giới tính là nữ và bắt đầu lướt xem các chủ đề, bao gồm chủ đề về chính trị Trung Quốc.

Sau khi đến Canada, bắt đầu cuộc sống du học sinh, Dan chỉ dừng lại ở việc lướt Twitter, không bao giờ dám nói chuyện hoặc đăng bài trên đó, việc anh làm duy nhất là đăng lại 3 mẩu tweet, bao gồm: thông tin về cái chết của người đoạt giải Nobel Lưu Hiểu Ba, một đoạn video ngắn châm biếm ông Tập Cận Bình và một hình ảnh về sự hủ bại của chính quyền ĐCSTQ.

Tài khoản Twitter của Dan chỉ có 2 người theo dõi. Khi bài vở ngày càng nhiều, Dan dần bỏ theo dõi Twitter, anh cũng không bao giờ tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào trong khuôn viên nhà trường. Để có cơ hội ở lại, Dan đã học hành rất chăm chỉ.

Bỗng một ngày, Dan nhận được một cuộc gọi đầy lo lắng từ cha, ông nói rằng: "Con trai, con có nói gì về chính phủ Trung Quốc trên Internet không? Sở Công an đã gọi điện cho bố mẹ hai lần”.

Ngay sau đó, tài khoản WeChat (mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) của Dan đã nhận được yêu cầu kết bạn từ một cảnh sát ĐCSTQ. Dan không đồng ý kết bạn ngay, nhưng cảnh sát đó liên tục gửi cho anh những tin nhắn, thậm chí gọi điện cho anh.

Dan nói với phóng viên của Toronto Star rằng, “Tôi nói với anh ta có thể họ đã tìm nhầm người", nhưng cảnh sát đó vẫn kiên quyết muốn kết bạn.

Dan nói, “Cảnh sát đó nói với tôi rằng, Bộ Công an đã theo dõi tôi thông qua địa chỉ IP của tôi và biết nơi tôi sống ở Canada. Họ có bằng chứng cho thấy một tài khoản Twitter là của tôi”. Nhưng viên cảnh sát ĐCSTQ không nói rõ rốt cuộc Dan đã phạm sai lầm gì.

Ảnh chụp màn hình và đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với cảnh sát ĐCSTQ mà Dan cung cấp cho Toronto Star, cho thấy Dan đã cố gắng sử dụng chuyên môn pháp lý của mình để thu thập thông tin từ cảnh sát. Nhưng cảnh sát chỉ trả lời rằng đó là "bí mật" và ra lệnh cho Dan xóa những bài đăng có tính “xúc phạm” ngay lập tức.

Khi Dan hỏi, "Điều gì sẽ xảy ra nếu từ chối xóa nó?", cảnh sát đáp, "Bạn sẽ gặp rắc rối”.

Theo bài báo, "gặp rắc rối" là một cách nói phổ biến ở Trung Quốc, đại diện cho việc đàn áp của chính quyền ĐCSTQ; phạm vi của nó có thể từ việc liên tục đến nhà và gọi điện, đến cấm đi du lịch, không tìm được việc và giam lỏng. ĐCSTQ còn đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài bằng cách thường xuyên đe dọa người thân của họ ở Trung Quốc đại lục.

Dan nói với các phóng viên rằng, khi đó “tôi thực sự rất sợ hãi”.

Sau vụ việc, Dan đã tâm sự với một giáo sư người Canada ở trường anh, giáo sư này khuyến khích anh báo cảnh sát thành phố Quebec. Nhưng khi Dan báo cảnh sát với tất cả bằng chứng, cảnh sát nói rằng họ không thể xử lý những gì xảy ra ở Trung Quốc.

Dan cảm thấy rất buồn về việc này. Bởi vì mặc dù anh không chắc cảnh sát Canada có thể làm gì đó để giúp cha mẹ anh ở Trung Quốc, nhưng anh nghĩ ít nhất cảnh sát sẽ chấp nhận báo cáo của anh để nếu có chuyện gì xảy ra với anh hoặc gia đình anh, họ sẽ có một số hồ sơ.

Sau đó, Dan buộc phải xóa các bài đã đăng lại trên Twitter.

Sau khi trở về ký túc xá, Dan không khỏi thắc mắc bằng cách nào ĐCSTQ có thể theo dõi anh ở nước ngoài? Tại sao họ lại quan tâm đến ảnh hưởng của anh đối với hai người theo dõi như vậy? Và tại sao một quốc gia dân chủ như Canada lại không thể làm gì để bảo vệ anh.

Quan chức ĐCSTQ đến nhà quấy rối cử tri Canada gốc Hoa

Theo bài báo, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng họ có quyền hạn chế tự do ngôn luận đối với những người Trung Quốc đã sống ở nước ngoài trong nhiều năm, thậm chí đối với các thế hệ mai sau của họ.

Bài báo đề cập đến cuộc phỏng vấn với ông Brad West, Thị trưởng của thành phố Port Coquitlam, Canada. Hàng chục cử tri người Trung Quốc của ông West đã nhận được các cuộc gọi đe dọa từ quan chức ĐCSTQ, thậm chí những quan chức này còn đến tận nhà để cảnh báo, điều này khiến ông West rất sốc. Bởi vì những cử tri này đều không phải nhân vật của công chúng, hầu hết họ là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của những người di cư từ Trung Quốc và làm các ngành nghề phổ thông.

Các cử tri của ông nói rằng, quan chức ĐCSTQ đã “bày tỏ phẫn nộ trước một số việc nhỏ nhặt, chẳng hạn như đăng bài trên mạng xã hội hoặc tham gia một sự kiện”. Ông West nói rằng ông đã báo cáo chuyện này với cảnh sát và cơ quan liên bang, bởi vì những người Trung Quốc này quá sợ hãi và không dám báo cáo.

Ông West cho biết, điều khiến ông kinh ngạc nhất chính là, “Họ rất sợ hãi. Khi chúng tôi gặp nhau trong văn phòng của tôi, họ đã yêu cầu kéo rèm lại. Họ sợ đến mức như vậy".

Ông West cho rằng, kiểu hành vi quấy rối này xảy ra trên khắp Canada, các quan chức tình báo liên bang cũng nói như vậy. Nhưng điều khiến ông lo ngại là, rất nhiều người bị nhắm đến đều im lặng vì họ không dám yêu cầu giúp đỡ, hoặc nghĩ rằng nếu họ nói ra, chính phủ Canada sẽ không quan tâm.

Mai Hạ

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Du học sinh Trung Quốc ở Canada bị cảnh sát trong nước đe doạ vì tweet nội dung ‘xúc phạm’