Dù có ‘vẻ ngoài mạnh mẽ’, nền kinh tế Trung Quốc đang thúc đẩy theo hướng 'tự đào hố chôn mình’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự phục hồi của Trung Quốc dựa trên mô hình cũ là xây dựng, đầu tư và xuất khẩu chất lượng thấp, nhưng các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận này chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Theo phương thức này Trung Quốc sẽ tiếp tục đào sâu hơn hố nợ để... tự chôn chính mình trong tương lai gần.

Sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục vào tháng 7/2020, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng bản chất của sự phục hồi này là thể hiện “một bước lùi của thời gian”, với nền kinh tế một lần nữa phụ thuộc vào công nghiệp nặng, các dự án cơ sở hạ tầng, nợ, đầu tư và xuất khẩu cấp thấp.

Tâm lý kinh doanh phản ánh trong Chỉ số các nhà quản lý mua sắm (PMI) trong tháng 7/2020, do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Sáu (ngày 11/9), chỉ ra tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và xây dựng.

Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng xuất khẩu, cũng như các dự án xây dựng, với các chỉ số khác cũng cho thấy Trung Quốc đã quay trở lại “lối chơi cũ” là xây dựng và xuất khẩu để thoát khỏi khủng hoảng. Đầu tư của nhà nước vào Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 10 năm.

Các số liệu của Trung Quốc được đưa ra nhằm chứng minh Trung Quốc là nước đầu tiên có nền kinh tế “thoát khỏi” đại dịch.

Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu - khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 15% trong quý II/2020 so với một năm trước đó, theo dữ liệu mới vào ngày 11/9; trong khi GDP của Hoa Kỳ giảm với tốc độ là 32,9% so với cùng kỳ.

Trong khi dữ liệu của Trung Quốc so sánh quý đầu tiên năm nay với cùng kỳ năm trước đó; số liệu của Hoa Kỳ là sự thay đổi hàng năm trong quý thứ hai so với quý đầu tiên, nên sự thu hẹp của Hoa Kỳ lớn hơn.

Nó cũng chỉ ra thực tế rằng mô hình quản trị độc đoán của Trung Quốc cho phép nước này kích thích hoặc khóa chặt bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế, không giống như các nền kinh tế ở phương Tây. Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thật sự tăng trưởng?

Kích thích đầu tư công, Trung Quốc đào sâu hơn hố nợ để ‘tự chôn mình’?

Giáo sư Micheal Pettis, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về kinh tế Trung Quốc nhận định rằng chính quyền Trung Quốc đã nói điều này nhiều lần trước đây, nhưng mọi thứ liên tục trở nên tồi tệ hơn. Khoảng 45% tổng số nợ được tạo ra trên thế giới trong vài năm qua là ở Trung Quốc. Do Trung Quốc chiếm khoảng 15-16% GDP toàn cầu, nó tạo ra số nợ trên một đơn vị GDP cao gấp 4-5 lần so với phần còn lại của thế giới.

Số nợ đang tăng lên nhanh chóng, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, và trong nội bộ Bắc Kinh đang nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu có nên thực hiện các bước quyết liệt để kiểm soát nợ, ngay cả khi điều này dẫn đến tăng trưởng chậm hơn nhiều và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ví dụ như năm ngoái, đã có một cuộc tranh luận lớn về việc nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6% hay thấp hơn.

“Nếu họ không nghĩ rằng nợ là một vấn đề nghiêm trọng, và nếu họ tin rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc là lành mạnh, thực chất và có ý nghĩa, tại sao họ lại bận tâm đến cuộc tranh luận này?”, ông nói.

The Economist cho rằng chiến lược của ông Tập sẽ có thể tăng năng suất và tránh phân bổ sai nguồn lực trên quy mô lớn. Giáo sư Pettis cho rằng bất đồng lớn nhất mà ông có với tờ Economist là việc tờ báo đã không hiểu được nguồn gốc của Nợ của Trung Quốc và tại sao gánh nặng nợ lại quan trọng như vậy.

Việc Trung Quốc tránh được khủng hoảng tài chính không có nghĩa là nợ không phải là vấn đề lớn, ông Pettis lập luận rằng nếu Trung Quốc không bao giờ có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính, không phải vì "nợ không phải là vấn đề"; mà thay vì khủng hoảng tài chính là sự kiện của bảng cân đối kế toán, với hệ thống ngân hàng khép kín và các cơ quan quản lý mạnh mẽ, thì Bắc Kinh có thể cơ cấu lại các khoản nợ theo ý muốn và do đó dễ dàng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng bảng cân đối kế toán.

Liệu điều này có thể giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà không tăng nhanh những khoản nợ cho một lượng lớn đầu tư phi sản xuất. Tất nhiên, hai điều này có liên quan với nhau, bởi vì nếu hầu hết các khoản nợ được chuyển sang đầu tư tài chính, và nếu khoản đầu tư có hiệu quả, thì Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã không thể tăng nhanh và kéo dài lâu như vậy.

Tăng trưởng do đầu tư: Phép màu hay thuốc độc?

Trung Quốc đơn giản là không thể chịu đựng bất kỳ sự giảm tốc nào trong tăng trưởng nợ mà dẫn đến sự giảm tốc mạnh của tăng trưởng GDP. Chúng ta biết từ lịch sử của mô hình “Phép màu tăng trưởng do đầu tư" rằng vấn đề luôn phát sinh một khi tổng nợ ngừng tăng nhanh hơn GDP.

Trong trường hợp đó, quốc gia sẽ điều chỉnh dưới hình thức khủng hoảng hoặc dưới dạng "thập kỷ mất mát" với tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều (Bloomberg Economics cho rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể nhanh chóng xuống mức thấp là 1,6%/Năm), và một phần đáng kể của sự điều chỉnh đó bao gồm các khoản đầu tư bị phân bổ sai vốn đã được vốn hóa khi đáng ra phải tiêu hết (tương tự như cái mà Galbraith gọi là "lỗ hổng").

Đó là một trong những khác biệt chính giữa nợ ngày càng tăng ở Trung Quốc và nợ ngày càng tăng ở Mỹ, Châu Âu và các nơi khác. Trong trường hợp của Trung quốc, các khoản chi tiêu được vốn hóa và thể hiện là sự gia tăng tài sản, nhưng trong trường hợp của phương Tây thì không như vậy.

“Chúng tôi không biết Trung Quốc có thể duy trì mức tăng nợ này trong bao lâu, nhưng chúng tôi cũng biết rằng càng kéo dài thì việc điều chỉnh sẽ càng khó khăn. Cho đến lúc đó (điều chỉnh), sẽ không cải thiện được gì cả, theo ý kiến ​​của tôi“, giáo sư Pettis cho biết.

Thực lực quá yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Trung Quốc ‘lực bất tòng tâm’ dùng chiêu cũ

“Đối với tôi, không có gì ngạc nhiên, so với các nước khác Trung Quốc có nhiều đòn bẩy hơn để tăng GDP bằng cách tăng đầu tư hoặc bằng cách tích trữ than hoặc quặng sắt, hoặc các nguyên liệu thượng nguồn khác. Họ có thể tiếp tục làm điều này trong 2 hay 3 quý nữa”, Heiwai Tang - giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong cho biết.

Ông Tang cho biết thêm rằng về cơ bản, Trung Quốc đang quay trở lại mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, và đây có thể là điều phù hợp cần làm lúc này do môi trường bên ngoài quá yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Trung Quốc sẽ cố gắng dựa phần lớn vào thị trường nội địa, mặc dù nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích nghi ngờ liệu Bắc Kinh có khả năng tiến hành các cải cách cơ cấu sâu sắc cần thiết để đạt được mục tiêu hay không.

Bo Zhuang, trưởng nhóm phân tích về Trung Quốc tại TS Lombard, cho biết: “Có một xu hướng rõ ràng là Trung Quốc hướng tới tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Tôi sẽ tiến thêm một bước nữa để gọi đó là khởi đầu của sự ‘tự cô lập”.

Các lô hàng quặng sắt, nhập khẩu than tăng vọt và các nhà máy thép đi vào hoạt động quá mức cho thấy một đợt bùng nổ đầu tư khác đang được tiến hành. Các mặt hàng xuất khẩu cấp thấp cũng thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện không có cạnh tranh, trong khi các nhà xuất khẩu đối thủ đang chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng "sự lộn xộn" này sẽ chẳng đi đến đâu.

“Nhu cầu tăng cao có khả năng suy yếu, các đợt bùng phát lẻ tẻ của Covid-19 ở Trung Quốc có thể kìm hãm tốc độ phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ, việc xuất khẩu các sản phẩm y tế và thiết bị liên quan đến viễn thông có thể giảm dần, và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư sản xuất liên quan của Trung Quốc”, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty đầu tư Nomura cho biết.

Dù bề ngoài có vẻ mạnh mẽ, sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc không cân bằng và phụ thuộc vào chi tiêu kích thích

Các chính quyền địa phương luôn săn đón tín dụng giá rẻ trong thời gian qua, nổi bật là khoản nợ tích tụ 40 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD) trong khu vực Dushan, gấp khoảng 40 lần doanh thu tài chính hàng năm của khu vực này.

Áp lực đang đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong việc cân bằng chính sách "lưu thông kép" (tập trung tăng trưởng tiêu dùng nội địa) trong sáu tháng tới. Các nhà phân tích đang nghi ngờ rằng liệu “kế sách cũ” có thể duy trì mọi thứ mãi mãi hay không.

“Sự phục hồi của Trung Quốc bề ngoài có vẻ mạnh mẽ nhưng nó không cân bằng và phụ thuộc vào chi tiêu kích thích. Người tiêu dùng Trung Quốc phải bắt đầu chi tiêu trở lại nếu nền kinh tế muốn đạt được mức tăng trưởng vào cuối năm nay”, Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global cho biết.

Qua đó, tầm quan trọng của người tiêu dùng Trung Quốc với tư cách là “động lực tăng trưởng” càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, với việc gần 1 tỷ người Trung Quốc không có quyền tiêu dùng, mọi kế hoạch tăng trưởng của chủ tịch Tập có thể trở nên vô nghĩa và... phá sản.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Dù có ‘vẻ ngoài mạnh mẽ’, nền kinh tế Trung Quốc đang thúc đẩy theo hướng 'tự đào hố chôn mình’