Dù bắt tay với Big Tech Mỹ, ông Tập không thể 'trơ mắt' nhìn Big Tech Trung Quốc đe dọa sự độc tôn của đảng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhìn sang Mỹ, các ông lớn công nghệ (Big Tech) của Hoa Kỳ làm mưa làm gió với quyền lực vô song khi kiểm duyệt cả tổng thống Trump còn đang tại nhiệm, có thể góp phần làm thay đổi quan điểm công chúng và kết quả cuộc bầu cử tổng thống, ông Tập có lý do để giật mình khi nhìn vào Big Tech Trung Quốc vốn đang trên đà có ảnh hưởng cũng không kém Big Tech Mỹ. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể giải thích động cơ ông Tập không hài lòng với Big Tech Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện của ĐCSTQ trong nội bộ các tập đoàn này?

Trong kỷ nguyên Internet, không ai nghi ngờ rằng sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ là quá lớn. Tại Hoa Kỳ, Big Tech đã trở thành những ông chủ thực quyền theo nghĩa đen. Còn tại Trung Quốc những Big Tech như Alibaba, Tencent, cũng đã vươn lên rất mạnh, đang dần trở thành những đối thủ của Big Tech tại Mỹ. Tuy vậy, sức mạnh của những Big Tech này tại mỗi quốc gia là có sự khác biệt.

Có một câu nói nổi tiếng “Thông tin là chìa khóa của quyền lực”. Có nghĩa là khi ai có được thông tin thì người đó sẽ nắm chắc chìa khóa mở ra quyền lực. Nếu ai kiểm soát được thông tin, thậm chí tạo ra thông tin thì họ có thể thao túng hoặc gây ảnh hưởng lên những ai tiếp nhận những thông tin đó.

Đó là lý do, mọi nhà nước độc tài luôn phải kiểm soát gắt gao mọi kênh truyền thông nhằm thao túng dư luận theo định hướng của nhà cầm quyền. Và chế độ Bắc Kinh là minh chứng rõ ràng nhất vì nó nắm rõ nhất quyền lực của thông tin, đồng thời cũng là thể chế thao túng thông tin hiệu quả nhất, khắc nghiệt nhất, lớn nhất toàn cầu.

Cỗ máy kiểm duyệt tin của Bắc Kinh khét tiếng toàn cầu bởi nó có những đặc điểm sau: (i) kiểm tin gắt gao theo ý chí chủ quan của lãnh đạo ĐCSTQ, bất kể tin tức gì bất lợi hoặc không phù hợp với quyền lực của ĐCSTQ, tin tức đó phải bị loại bỏ ngay lập tức, kẻ loan truyền tin đó là tội đồ của đảng, của dân tộc, thậm chí là kẻ mất trí! (ii) kiểm tin gắt gao trong sự bảo hộ của pháp luật, vì ĐCSTQ vừa có quyền lực lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp.

Chính vì hai lý do này, thế giới ngoài Trung Quốc không ngừng chỉ trích và tin rằng điều đó không thể xảy ra ở những quốc gia không có độc đảng, không có độc tài.

Nhưng theo năm tháng, khi một thế lực chính trị đã vững chắc ở cả 3 ngôi nhà quyền lực lớn nhất nước Mỹ, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, các ông lớn công nghệ thông tin lại tình cờ thuộc nhóm quyền lực này. Khi đó, Mỹ khó có thể chối bỏ rằng ý chí chính trị của một thế lực chính trị cụ thể hoàn toàn có thể được kiểm duyệt mạnh mẽ ngay trong lòng nước Mỹ. Thực tế, một cỗ máy kiểm duyệt tin theo màu sắc Trung Quốc đã hình thành ở Mỹ.

Điều thú vị là, Bắc Kinh có mối quan hệ kinh tế, thậm chí cả nhân sự, đắc lực nhất với Big Tech của Mỹ. Các ông lớn công nghệ Mỹ này lớn hơn nhờ Bắc Kinh và không ngừng làm hài lòng Bắc Kinh khi họ thà kiểm duyệt tiếng nói tổng thống được dân bầu của Mỹ, chặn đứng các nghiên cứu khoa học, các bằng chứng khoa học về nguồn gốc virus Vũ Hán đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chứ không thể kiểm duyệt quảng cáo mô hình chủ nghĩa xã hội tươi đẹp của Bắc Kinh, quảng cáo người Duy Ngô Nhĩ đang sống trong niềm hạnh phúc to lớn vì có Bắc Kinh chăm sóc...

Bắc Kinh có ảnh hưởng tới các Big Tech Mỹ thông qua các quỹ đầu tư gián tiếp, rót tiền quảng cáo. Còn Big Tech Mỹ rất muốn thị trường béo bở 1,4 dân của Trung Quốc nên luôn chiều lòng chính quyền ĐCSTQ. Google dùng trình duyệt Dragonfly giúp chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt nội dung. Apple gỡ khỏi gian hàng ứng dụng của mình những ứng dụng có nội dung chỉ trích chế độ Bắc Kinh. Còn ông chủ Facebook thì cố gắng chiều lòng ông Tập khi học tiếng Trung, chạy bộ ở Bắc Kinh hoặc thậm chí xin ông Tập đặt tên cho con.

Nhưng dù Bắc Kinh đạt được thành tựu cực lớn với Big Tech Mỹ, không ngừng trông mong nhóm này lớn mạnh hơn, cường bá hơn trong lòng nước Mỹ, lại không hề muốn một lực lượng khó lường, khó kìm hãm như thế đe dọa quyền lực của ĐCSTQ. Một cuộc sát phạt, thanh trừng Big Tech Trung Quốc nhanh, gọn, triệt để và mang tính chiến lược là không thể không làm.

File:Big Tech companies.jpg - Wikimedia Commons
Nhưng dù Bắc Kinh đạt được thành tựu cực lớn với Big Tech Mỹ, không ngừng trông mong nhóm này lớn mạnh hơn, cường bá hơn trong lòng nước Mỹ, lại không hề muốn một lực lượng khó lường, khó kìm hãm như thế đe dọa quyền lực của ĐCSTQ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Big Tech Mỹ - Cỗ máy kiểm duyệt tin theo 'màu sắc Trung Quốc'

Vào những tuần cuối của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, khi cuộc đua đang diễn ra khốc liệt, trang web của tờ The New York Post đăng một thông tin sốc có thể bất lợi cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden. Bài báo nói về vụ làm ăn mờ ám và thông tin nhạy cảm khác của Hunter Biden, con trai của Joe Biden.

Do ngày bầu cử đang đến gần, thông tin này hiển nhiên sẽ gây bất lợi cho Joe Biden, khiến ứng cử viên này có nguy cơ bị thất cử. Tuy vậy, ông Joe Biden đã nhận được món quà bất ngờ, món quà đến từ những gã khổng lồ công nghệ, Big Tech.

Ngay lập tức, Facebook tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn thông tin về vụ làm ăn bê bối của Hunter Biden và viện dẫn chờ “bên thứ 3” kiểm chứng. Họ gắn nhãn cho thông tin trên là “thông tin sai lệch”.

Twitter đã chặn tất cả những liên kết đến bài báo của The New York Post, đồng thời khóa tài khoản của trang báo này. Công ty này còn khóa tài khoản của những ai chia sẻ bài báo này trên nền tảng của họ. Twitter liên tục thay đổi những lý do kiểm duyệt. Sau đó, Tổng giám đốc của Twitter đã thừa nhận rằng hành động này là sai lầm nhưng vẫn tiếp tục khóa tài khoản của The New York Post.

Với động thái của Big Tech, gần như tất cả truyền thông cánh tả như; Washington Post, Wikipedia, MSNBC, CNN, NBC News, CBS, Fox News, New York Times, Politico, NPR, ABC News...đã noi theo và nói bài báo trên là thông tin sai lệch.

Kiểm duyệt gắt gao

Sự việc trên chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc những ông lớn công nghệ kiểm duyệt thông tin. Tại sao họ có sức mạnh như vậy?

Big Tech nắm trong tay ảnh hưởng tới hành vi người dùng Internet. Chiếm lĩnh độc quyền thế giới Internet

Dĩ nhiên Big Tech quá mạnh. Tại thị trường Mỹ, Google và Facebook chiếm hơn 1 nửa thị trường quảng cáo, còn Apple thống trị hơn 1 nửa thị trường điện thoại thông minh. Báo cáo chống độc quyền Big Tech của Hạ Viện Hoa Kỳ chỉ ra rằng; hơn 50% doanh thu thương mại điện tử là qua Amazon, 99% điện thoại di động sử dụng hệ điều hành iOs của Apple hoặc Android của Google; 89% lượng tìm kiếm đến từ Google; ứng dụng di động của Facebook có trên 74% điện thoại di động.

Big Tech nắm trong tay ảnh hưởng tới hành vi người dùng Internet. Chiếm lĩnh độc quyền thế giới Internet. (Ảnh: Tổng hợp)

Với Big Tech, chỉ cần một thay đổi trong chính sách thông tin của họ, một thay đổi thuật toán, lập tức khiến thông tin được lọc, lựa chọn và quảng bá theo ý chí của họ mà không còn theo quy luật tự nhiên. Mà ý chí của con người vốn luôn bị thao túng mạnh mẽ bởi dục vọng, lòng tham, cũng như lý tưởng mà mỗi cá nhân theo đuổi. Ý chí ấy sẽ méo mó và bại họai khôn cùng, bại hoại một cách đặc biệt khi nó nằm ngoài hoặc được dung túng bởi khuôn khổ luật pháp lỏng lẻo, nhân danh sự tự do.

Đó đích xác là những gì đang diễn ra với 'mô hình kiểm duyệt thông tin mang màu sắc Trung Quốc' của Big Tech Mỹ. Hệt như cỗ máy kiểm duyệt tin tức, tư tưởng và chấm điểm tín nhiệm công dân đầy tai tiếng của Bắc Kinh, Big Tech Mỹ đã sử dụng quyền lực của mình để kiểm soát, kiểm duyệt những ý kiến mà những công ty này bất đồng, hoàn toàn có tính định hướng chính trị, phe phái và lợi ích kinh tế ngầm. Tỷ lệ nhân viên tại những công ty này theo tư tưởng cấp tiến của phe cánh tả chiếm đa số. Do vậy họ đã kiểm duyệt những người có ý thức hệ truyền thống bảo thủ, vốn phần lớn theo đảng Cộng hòa.

Theo báo cáo về quyên góp chính trị theo đảng phái, thì nhân viên trong các công ty công nghệ hầu hết chiếm tỷ trọng rất lớn là theo cánh tả của đảng Dân chủ. Tại Big Tech, Google có đến 88% nhân viên là ủng hộ đảng Dân chủ, tại Apple con số này là 84%, còn Amazon và Facebook có đến 77% theo đảng Dân chủ.

Dĩ nhiên, các hành động kiểm duyệt của Big Tech bị lên án gay gắt. Lúc này, để có căn cứ kiểm duyệt, bịt miệng khoa học, sự thật, chính kiến và tự do ngôn luận, chính Big Tech lại rót tiền thuê các tổ chức kiểm chứng tin, gọi là fact checker, vào cuộc. Tuy nhiên, các Fact checker này lại chẳng hề độc lập, hoạt động của họ vi phạm xung đột lợi ích trầm trọng khi họ vừa nhận tiền của các tổ chức chính trị cánh tả, của Big Tech, của Trung Quốc vừa kiểm chứng lại nguồn tin đúng, sai, phải, trái theo ý chí của cánh tả và thậm chí là của Bắc Kinh.

Pháp luật lỏng lẻo

Mục 230 của Đạo luật Chuẩn tắc Truyền thông: Chiếc ô bảo hộ cho những gã khổng lồ kiểm duyệt mà không phải chịu trách nhiệm về nội dung.

Đạo luật này coi những công ty công nghệ không phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng trên nền tảng của mình. Họ không được xếp vào Đơn vị xuất bản. Đơn vị xuất bản là những công ty truyền thông, nhà xuất bản, hoặc báo chí, gồm cả báo hình và báo giấy. Đơn vị xuất bản phải chịu trách nhiệm cho nội dung đăng trên nền tảng của mình. Nếu trường hợp nội dung không đúng và mang tính xúc phạm, những đơn vị này sẽ bị kiện.

Do vậy, khi có trong tay quyền lực và được bảo hộ bởi luật, những gã khổng lồ công nghệ này sẵn sàng đàn áp những tiếng nói dựa trên quan điểm chính trị theo đảng phái. Tổng thống Trump là một ví dụ điển hình nhất khi bị những gã khổng lồ công nghệ bịt miệng. Facebook ban đầu đã đình chỉ tài khoản của Tổng thống Trump vào ngày 7/1 sau sự kiện một đám đông bao gồm một số người ủng hộ ông đột nhập Điện Capitol, Twitter đã tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump. Tháng Năm vừa rồi, Facebook tuyên bố tiếp tục đình chỉ ông Trump trong thời hạn hai năm.

Không chỉ Tổng thống Trump bị những ông lớn công nghệ kiểm duyệt, các tiếng nói bảo thủ, như Mark Levin của Fox News hay người dẫn chương trình Radio cánh hữu Dan Bongino đều bị Twitter hay Facebook kiếm duyệt khiến họ phải từ bỏ những nền tảng này để sang những nền tảng khác không bị kiểm duyệt.

Big Tech không chỉ kiểm duyệt tiếng nói của những người nổi tiếng, họ còn kiểm duyệt cả những xu hướng, những trào lưu mà trái với tư tưởng cực tả của mình. Các chủ đề bị kiểm duyệt thường xuyên như phê phán vaccine, nguồn gốc virus Vũ Hán rò rỉ từ phòng thí nghiệm, chỉ trích toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân túy của Tổng thống Trump, nghi ngờ sự nóng lên toàn cầu, ổ cứng của Hunter Biden.v.v…

Thậm chí Big Tech khóa tài khoản còn khóa khi đưa tin bất lợi cho phe cánh tả và sau đó xin lỗi và khôi phục lại và nói đó là hành động nhầm lẫn. Vụ ổ cứng của Hunter Biden mà Twitter khóa bài báo của The New York Post là một trong những ví dụ điển hình như vậy.

Trước sự ngang nhiên của Big Tech, đã dẫn đến nhà lập pháp của của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ tiến hành điều tra về những hành vi kiểm duyệt của họ. Báo cáo điều tra kết luận rằng: “Những ông lớn Công nghệ liên tục nhắm vào những người truyền thống bảo thủ. Họ dùng quyền lực của mình để đàn áp và dập tắt tiếng nói của những người bảo thủ. Bằng chứng về sự kiểm duyệt, về định kiến sai lệch liên tục xuất hiện càng nhiều. Khuynh hướng này hiện đang định hình những chính sách và cách thức thực thi của những công ty này”.

WASHINGTON, DC - 28/5: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục trước khi ký một lệnh hành pháp liên quan đến việc điều chỉnh phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 28 tháng 5 năm 2020 tại Washington, DC. Lệnh hành pháp của Trump có thể dẫn đến nỗ lực trừng phạt các công ty như Twitter và Google vì đã cố gắng chỉ ra sự mâu thuẫn thực tế trong các bài đăng trên mạng xã hội của các chính trị gia. (Ảnh của Doug Mills-Pool / Getty Images)

Gần đây Tổng thống Trump đã phát đơn kiện Big Tech. Trong bài xã luận đăng trên The Wall Street Journal, ông đã nêu lý do tại sao khi cho biết rằng nếu Big Tech có thể kiếm duyệt một tổng thống Hoa Kỳ thì họ hoàn toàn có thể kiểm duyệt người dân.

Số phận Big Tech Trung Quốc ra sao khi ông Tập đã có cỗ máy kiểm duyệt khắc nghiệt nhất hành tinh?

Vào hồi tháng 11 năm ngoái, giới đầu tư háo hức với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, một công ty con của tập đoàn Alibaba. Giá trị ước tính khi lên sàn chứng khoán là khoảng hơn 300 tỷ USD, Niêm yết chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group có giá trị 37 tỷ đô la, là đợt IPO lớn nhất mọi thời đại.

Đột nhiên, vụ niêm yết này bị hủy bất ngờ. Sau đó, người sáng lập tập đoàn là tỷ phú Jack Ma đã biến mất khỏi công chúng trong vòng 9 tháng. Vào tháng 4 năm nay, Tập đoàn Alibaba bị phạt 2,8 tỷ đô la với lý do vi phạm luật chống độc quyền, và Học viện kinh doanh tinh anh của Ma - Trường Đại học Hupan buộc phải tạm dừng tuyển sinh.

Người ta bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao Jack Ma, một ngôi sao và thậm chí là niềm tự hào của Trung Quốc trong ngành công nghệ lại bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thanh trừng.

Lý do dễ giải thích nhất là Jack Ma đã chỉ trích các chính sách trong hệ thống tài chính của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh tài chính Thượng Hải 2020 vào tháng 10. Kể từ đó, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Ma đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy.

Khi nhìn sang Hoa Kỳ, quan sát thấy những ông lớn công nghệ của Hoa Kỳ làm mưa làm gió với quyền lực vô song khi kiểm duyệt cả đương kim tổng thống Trump, ông Tập có lý do để giật mình khi nhìn vào Big Tech của Trung Quốc vốn đang trên đà có ảnh hưởng cũng không kém Big Tech của Mỹ.

Liệu có một ngày những Big Tech của Trung Quốc có thể làm những điều Big Tech của Hoa Kỳ đang làm không?

Dĩ nhiên tại thời điểm hiện tại điều này gần như không thể xảy ra ở Trung Quốc dưới chế độ độc tài, nhưng ông Tập vẫn có những lý do để lo ngại. Hãy nhìn vào sự thâm nhập của nó Trung Quốc, thì Alibaba thậm chí có nhiều sức tác động hơn so với 1 trong 4 Big Tech của Hoa Kỳ khi tập đoàn này đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực.

Là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma và Ant Group ảnh hưởng đến cuộc sống của cả tỷ người Trung Quốc. Alibaba chiếm 80% thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc. Nó thống trị các nền tảng bán buôn, bán lẻ thông qua các cửa hàng trực tuyến như Taobao, Tmall. Alibaba cũng có ảnh hưởng trong lĩnh vực đầu tư, tiền gửi, cho vay, giải trí v.v..

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc của Jack Ma cũng đầu tư vào ngành truyền thông. Theo một báo cáo trên cổng thông tin sina.com của Trung Quốc, Alibaba sở hữu khoảng 30% cổ phần của Weibo, trị giá 3,5 tỷ đô la. Weibo, một nền tảng xã hội tương tự Twitter, định hướng khá nhiều đến dư luận tại Trung Quốc.

Năm 2015, Alibaba mua lại tờ South China Morning Post (Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng), tờ báo tiếng Anh lớn nhất ở Hong Kong, với giá trị lên đến 266 triệu đô la.

Các kênh truyền thông khác của Alibaba còn có Wujie News, China Business Network và trang web Huxiu.com. Vào tối hôm 4/3/2016, một thư ngỏ yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức đã xuất hiện trên trang web của Wujie News.

Kể từ đó, không chỉ Alibaba, mà những gã khổng lồ có khả năng thao túng thị trường đều bị cơ quan Trung Quốc cho vào tầm ngắm. Lý do mà Bắc Kinh dùng để trấn áp là chống độc quyền.

Kết quả cổ phiếu của Alibaba lao dốc khiến giá trị thị trường của tập đoàn này giảm thê thảm.

Không chỉ Alibaba, một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là Tencent vốn sở hữu nền tảng WeChat đình đám cũng đang bị chính quyền Bắc Kinh cho vào tầm ngắm.

Sức ảnh hưởng của Tencent tại Trung Quốc không kém gì Alibaba. WeChat của Tencent là siêu ứng dụng với khoảng 1,2 tỷ người dùng tích cực hàng tháng, hầu hết tại Trung Quốc. Ứng dụng này thu hút khoảng 74% lượng người dùng internet và chiếm đến ⅓ dung lượng internet ở Trung Quốc. Ứng dụng này là kết hợp của rất nhiều các ứng dụng khác liên quan đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc như gọi điện thoại, nhắn tin, mua sắm, thuê xe, xem phim, gọi đồ ăn, hẹn hò, chuyển tiền.... Ngoài ra Tencent thống trị ngành giải trí ở Trung Quốc, bao gồm ngành công nghiệp trò chơi điện tử, âm nhạc.

Mới đây, vào giữa tháng 7, Bắc Kinh đã chặn một vụ sáp nhập có trị giá 5.3 tỷ đô la giữa 2 trang web chuyên về game trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Douyu và Huya. Tencent đều nắm cổ phần khoảng ⅓ tại hai công ty này.

Ngoài ra Bắc Kinh cũng cấm Tencent mua một số hãng âm nhạc.

Trước đó vào hồi tháng 3, Mã Hoa Đằng, người sáng lập Tencent đã bị cơ quan giám sát chống độc quyền triệu tập.

Và tương tự như số phận Alibaba, giá trị thị trường của Tencent cũng lao dốc cùng thời gian.

Hồi đầu năm nay, ông Tập Cận Bình đã chủ trì một hội nghị có mặt các quan chức cấp cao phụ trách mảng giám sát tài chính quốc gia. Tại đây ông đã yêu cầu tăng cường giám sát các công ty công nghệ, xử lý tình trạng độc quyền.

Động thái này cho thấy ĐCSTQ đang siết chặt gọng kìm vào các gã khổng lồ công nghệ nội địa nhằm giảm tầm ảnh hưởng của những tập đoàn này.

Với việc siết chặt này, ĐCSTQ thực sự cho thấy rằng ai là ông chủ thực sự. Nó muốn nhấn mạnh thông điệp rằng: tại Trung Quốc thì quyền lực tối thượng thuộc về ĐCSTQ, không ai có thể vượt qua lằn ranh này. Bất kỳ một thực thế nào có nguy cơ gây với quyền lực này, thì sẽ chịu bị trừng phạt nặng nề.

Big Tech ở Hoa Kỳ đã trở thành công cụ của đảng phái chính trị, là cánh tay phải của phe cánh tả kiểm duyệt tiếng nói sự thật của người dân Mỹ và toàn thế giới, họ có thể để bịt miệng cả đương kim tổng thống của một quốc gia phát triển và hùng mạnh nhất thế giới, cũng như kiểm duyệt thông tin về gian lận bầu cử, dẫn đến cuộc bầu cử bị cướp.

Dưới con mắt của Bắc Kinh, đây là một cảnh báo nghiêm trọng cho chính quyền độc tài ĐCS Trung Quốc. Và từ bài học ở Hoa Kỳ, số phận của Big Tech của Trung Quốc đã trở nên hoàn toàn khác hẳn. Ở Trung Quốc, những gã khổng lồ công nghệ này trở thành những con tốt nhỏ bé, quỳ gối trước gã khổng lồ về độc tài toàn trị, sẵn sàng đàn áp và khống chế mọi mặt bất cứ ai dám thách thức quyền lực của nó - ĐCSTQ.

Minh Dũng



BÀI CHỌN LỌC

Dù bắt tay với Big Tech Mỹ, ông Tập không thể 'trơ mắt' nhìn Big Tech Trung Quốc đe dọa sự độc tôn của đảng