Đỉnh lũ đợt thứ 3 trong năm nay đã đến sông Trường Giang, Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 26/7, chính quyền Trung Quốc thông báo, đỉnh lũ đợt thứ 3 của mùa lũ năm nay đã đến khu vực thượng nguồn của sông Trường Giang, trong khi đỉnh lũ thứ 2 đang ở khu vực trung lưu.

Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 459 triệu người sinh sống trong lưu vực xả lũ của sông Trường Giang, với 51% số dân sống ở khu vực nông thôn, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc.

Kể từ đầu tháng Sáu, mưa lớn đã tấn công các khu vực dọc sông Trường Giang và khắp các khu vực ở miền nam và miền trung Trung Quốc. Lũ lụt và lở đất đã được báo cáo tại hơn 27 tỉnh và khu vực tại Trung Quốc.

Để bảo vệ các thành phố, chính quyền Trung Quốc đã cho phá đê và mở đập để xả nước lũ từ các sông hồ vào các vùng nông thôn, khiến hàng chục triệu người mất nhà cửa.

Đến tối 27/7, đỉnh lũ sẽ chạm tới đập Tam Hiệp, đập lớn nhất Trung Quốc.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng cho biết, do mực nước dâng cao ở sông Trường Giang - sông dài nhất ở Trung Quốc, các khu vực dọc theo sông này và các nhánh của sông bao gồm sông Chu và sông Jing, cũng như các khu vực quanh 2 hồ lớn nhất Trung Quốc là Bà Dương và Động Đình đối mặt với nguy cơ tiếp tục ngập lụt nghiêm trọng.

Sông Hoài, chảy qua miền trung Trung Quốc, cũng đang bị ngập lụt nghiêm trọng.

Ngày 26/7, Ủy ban chịu trách nhiệm về sông Hoài công bố, mực nước sông Hoài đã vượt qua mức cảnh báo. Sông này trải dài trên khoảng 998 km.

Vào ngày 20/7, chính quyền địa phương đã mở đập Wangjiaba để xả lũ từ sông Hoài trong hơn 76 giờ, khiến khu vực Mengwa ở tỉnh An Huy, nơi sinh sống của 195.000 cư dân, chìm trong biển nước lũ.

Hai ngày sau, giới chức cho xả nước lũ từ sông Hoài vào khu vực Jingshanhu, nơi sinh sống của 855 cư dân. Đây là khu vực thứ 8 dọc theo sông Hoài bị chìm trong biển nước do giới chức cố ý cho xả nước lũ.

Chính quyền Trung Quốc đã xác định 28 khu vực dọc theo sông Hoài phải chịu bị xả lũ vào do mưa lớn liên tiếp khiến mực nước các con sông dâng cao, theo truyền thông nhà nước tỉnh An Huy. Tổng diện tích bị xả lũ là khoảng 1.700 km2, trong đó bao gồm hơn 1.420 km2 diện tích đất nông nghiệp.

Giới chức cũng đã cho xả nước từ sông Trường Giang vào các vùng nông thôn. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các vùng cụ thể bị ảnh hưởng không được cung cấp.

Lũ lụt và lở đất

Chủ nhật (26/7), thành phố Nghi Tân ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên đã báo cáo một trận lở đất, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, các nhà máy và nhà ở tại thành phố này bị chôn vùi trong bùn đất. Nghi Tân nằm ở thượng nguồn sông Trường Giang.

Ngày 25/7, huyện Mao, cách thành phố Nghi Tân khoảng 644 km về phía bắc, báo cáo hai vụ lở đất xảy ra tại nơi này. Các vụ lở đất làm hư hại nhà cửa, trạm xăng, và đường sá.

Kể từ ngày 22/7, thành phố Trùng Khánh đã báo cáo lở bùn đất xảy ra ở quận Wulong. Ngày 26/7, một trận lở bùn đã chặn dòng chảy tại một sông địa phương và đe dọa sự an toàn của hơn 520 cư dân ở hạ lưu sông này. Trùng Khánh cũng ở khu vực thượng nguồn của sông Trường Giang.

Mặc dù truyền thông nhà nước và chính quyền không thông tin chi tiết về trận lụt kể từ đầu tháng Sáu, nhiều người dân trên khắp Trung Quốc đã chia sẻ các video về lũ lụt trên mạng xã hội. Từ các video được chia sẻ có thể thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, nước mưa khiến các thành phố bị ngập lụt. Đặc biệt là ở quận Jianshi, thành phố Oblhi, nước lũ đã ngập vào các khu dân cư.

Ở khu vực nông thôn, nhà cửa và trang trại chìm trong biển nước lũ. Tại trung tâm thành phố Jianshi, lũ lụt cuốn trôi xe ô tô và các tài sản giá trị khác của người dân. Ít nhất 2 người chết và 3 người mất tích ở Jianshi.

Nhà chức trách cho biết, lũ lụt ở Hồ Bắc là nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua.

Khi lũ gây ngập lụt ở thành phố Nam Kinh tại tỉnh Giang Tô ở phía đông Trung Quốc, chính quyền địa phương gần đây đã thừa nhận rằng một công ty xây dựng nhà nước, Jiangning Urban Construction, đã đào một con đập nằm trên nhánh sông Qinhuai của sông Trường Giang, để xây dựng khoảng 10 nhà hàng và quán bar. Công trình xây dựng cao bằng 1/2 chiều cao của đập, do đó đã làm hỏng cấu trúc và có thể gây ra vỡ đê nếu đập bị vỡ.

Thành phố Nam Kinh ở hạ lưu sông Trường Giang, có khoảng 10,31 triệu dân. Kể từ đầu tháng Bảy, nhiều khu vực của thành phố ngập chìm trong nước lũ. Vào ngày 18/7, thành phố báo cáo rằng lũ lụt ở mức cao nhất kể từ năm 1954.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đỉnh lũ đợt thứ 3 trong năm nay đã đến sông Trường Giang, Trung Quốc