Điều gì thúc đẩy ông Tập ‘đảo ngược’ cải cách kinh tế như Stalin đã làm với Liên Xô?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách kinh tế kiểu “phản thị trường” của ông Tập sẽ “thúc đẩy” kinh tế Trung Quốc đến bờ sụp đổ và sự cô lập trên trường thế giới, gần giống như Stalin đã làm với Liên Xô.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thường được so sánh với Mao Trạch Đông, điều này không phù hợp lắm. Ông Tập là một người có tổ chức, có ham muốn trật tự quá mức, khác hẳn với “tình yêu hỗn loạn” của Mao.

Sau khi dành thời gian xem tiểu sử về Stalin của Stephen Kotkin, Stalin : Nghịch lý quyền lực 1878-1928 , điều ngạc nhiên là nhiều người không so sánh Tập với Stalin. Cả hai người đàn ông đều vươn lên trong một hệ thống độc tài do một tập thể lãnh đạo chính thức điều hành và chuyển nó theo hướng cai trị cá nhân hóa hơn cho chính họ và kiểm soát chính trị chặt chẽ hơn đối với những người khác.

Tất nhiên, Stalin cũng đã gây ra một thảm họa kinh tế lịch sử cho Liên Xô, khi ông từ bỏ "Chính sách Kinh tế Mới" dung nạp thị trường và bắt tay vào một “lộ trình sụp đổ” của tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa cưỡng bức. Ông Tập đã không làm điều đó! Sự tán thành của ông đối với chính sách công nghiệp và ưu ái các doanh nghiệp nhà nước đã khiến nhiều nhà kinh tế tự do thất vọng.

Ông muốn một nhà nước mạnh mẽ, nhấn mạnh lại hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kìm hãm các cuộc tranh luận về chính sách công. Nhưng cũng cần nhớ rằng ông đã cho phép tự do hóa chế độ tỷ giá hối đoái và thắt chặt quy định tài chính, hai cải cách vốn cần thiết từ lâu.

Luận điệu hung hăng của chính quyền Tập và tốc độ tăng trưởng yếu

Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại gần đây đã khiến công chúng bất bình hơn với các chính sách của ông Tập. Xiang Songzuo, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, là một trong những người cho rằng “có mối liên hệ giữa luận điệu chủ nghĩa xã hội hung hăng của ông Tập và tốc độ tăng trưởng yếu”.

Ông cho rằng sự mất tự tin và lo sợ bị chiếm đoạt của các doanh nhân tư nhân đang làm trầm trọng thêm các vấn đề do nợ nần chồng chất và phân bổ sai đầu tư. Một số nhà bình luận nước ngoài cũng cảnh báo rằng có một “nguy cơ lớn là Trung Quốc sẽ tái quốc hữu hóa phần lớn nền kinh tế của mình”.

Vì vậy, câu hỏi cần đặt ra là: điều gì đã khiến Stalin từ bỏ các chính sách ủng hộ thị trường, và liệu các yếu tố tương tự có thể xảy ra ở Trung Quốc dưới thời ông Tập?

Hội nghị Tam quyền tại Cung điện Livadia, Yalta. Stalin và Winston Churchill gặp nhau trong phòng họp. (Ảnh của Hulton Archive / Getty Images)

Một hướng dẫn hữu ích cho câu hỏi này là của học giả người Đài Loan Yu-Shan Wu, tác giả cuốn sách So sánh chuyển đổi kinh tế năm 1994, với cả một chương so sánh sự đảo ngược Chính sách kinh tế mới (NEP) của Stalin với việc mở rộng “cải cách và mở cửa” dưới thời Đặng.

Trung Quốc trong những năm 1980 có nhiều điểm chung với Liên Xô vào giữa những năm 1920 dưới thời NEP: cả hai đều kết hợp chế độ cai trị độc tài với nền kinh tế công nghiệp hỗn hợp và phần lớn là nông nghiệp tư nhân. Tác giả Wu phân tích tại sao hai chính phủ này lại đi theo những hướng khác nhau như vậy.

Ông viết rằng vào thời điểm cam kết đổi mới của chính phủ Trung Quốc về cải cách kinh tế, sau năm 1989 vẫn còn ở giai đoạn đầu, và ý tưởng rằng Trung Quốc có thể khôi phục lại nền kinh tế không phải là điều hoàn toàn không tưởng.

Một yếu tố quan trọng mà Wu nhấn mạnh là việc bị cô lập quốc tế của Liên Xô và nỗi sợ xung đột quân sự. Để có thể tự vệ, chính phủ cần nhanh chóng xây dựng một ngành công nghiệp vũ khí và họ không thể tin rằng các hành động phi tập trung của các doanh nhân tư nhân sẽ làm được điều này:

“Tình trạng bị cô lập, sức mạnh quân sự và công nghệ áp đảo của các nước tư bản đang ‘bao vây’ Liên Xô, gây ra nỗi lo sợ về một cuộc xâm lược nước ngoài khác... Để bảo vệ cuộc cách mạng, công nghiệp hóa nhanh chóng được coi là một điều cần thiết. Hơn thế nữa, mối đe dọa từ nước ngoài đã xác định hướng công nghiệp hóa bằng cách ưu tiên hàng đầu cho công nghiệp nặng, vốn tạo cơ sở cho ngành công nghiệp vũ khí.

Một nỗi sợ khác là xung đột chính trị trong nước ở nông thôn:

“Mối đe dọa mà chế độ Liên Xô nhận thấy trong những năm 1920 không chỉ đến từ các lực lượng tư bản quốc tế, mà còn từ nông dân Nga - hơn 100 triệu nhà sản xuất tư nhân nhỏ trong nông nghiệp, những người chiếm 80% dân số... Ngay cả Bukharin, người bảo vệ trung thành nhất của NEP, cũng đồng ý rằng sự xuất hiện của một tầng lớp nông dân hùng mạnh, có đầu óc thương mại là mối nguy hiểm chết người đối với chế độ Xô Viết”.

Stephen Kotkin xác định động lực tương tự trong quyết định tập thể hóa nông nghiệp của Stalin, và tóm tắt một cách sâu sắc logic chính trị:

“Những người Bolshevik rất cần nông dân để tạo ra mùa màng bội thu, nhưng nông dân càng làm tốt thì họ càng trở thành kẻ thù giai cấp, tức là kulaks. Nói một cách khác, một vùng nông thôn phi tập thể chỉ đe dọa về mặt chính trị nếu nông dân nghèo, nhưng nếu nông dân nghèo, họ không sản xuất đủ ngũ cốc để nuôi các thành phố phía bắc hoặc Hồng quân và xuất khẩu”.

Những người nông dân thịnh vượng bị coi là mối đe dọa chính trị hơn là tài sản. Hệ tư tưởng cũng góp phần vào sự cô lập quốc tế của Liên Xô, vì nó không cho phép Liên Xô thỏa hiệp với các cường quốc tư bản.

Vào những năm 1950, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có cùng hệ tư tưởng và theo đuổi cùng một chính sách tập thể hóa nông nghiệp tai hại. Kotkin coi hệ tư tưởng độc tài toàn trị là lý do chính khiến Liên Xô không tiếp tục con đường NEP của một nền kinh tế thị trường hỗn hợp:

“Vấn đề nan giải của NEP không chỉ đơn thuần là tốc độ tăng trưởng công nghiệp dường như quá thấp, khiến mọi người tự hỏi sẽ mất bao lâu trước khi Liên Xô trở thành một nước công nghiệp thực sự”.

Tóm lại, hệ tư tưởng là vấn đề chính. Những lời kêu gọi của ông Tập nhằm tạo ra một Trung Quốc trong đó “ĐCSTQ lãnh đạo mọi thứ” thường được tiến hành trong lĩnh vực ý thức hệ và không liên quan đến các chính sách kinh tế cụ thể.

Nhưng thật ra, loại hệ tư tưởng này có tác động đối với chính sách kinh tế trong tương lai, vì nếu mọi người thực sự tin vào một hệ tư tưởng, họ sẽ cố gắng thực hiện nó. Bầu không khí chính trị dưới thời ông Tập dường như đã khuyến khích các quan điểm cánh tả cấp tiến hơn xuất hiện, chẳng hạn như ủng hộ làn sóng “chuyển đổi xã hội chủ nghĩa” (Thuật ngữ được sử dụng cho việc quốc hữu hóa doanh nghiệp tư nhân trong những năm 1950).

Sự cô lập quốc tế

Những động lực tiêu cực của sự cô lập quốc tế mà Liên Xô phải gánh chịu cũng có một số tiếng vang ở Trung Quốc ngày nay. Không thể so sánh về mức độ: Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu ở mức độ mà Liên Xô không bao giờ đạt được. Vào những năm 1920, nước Nga thời Bolshevik vô cùng nghèo nàn, bị tàn phá bởi nạn đói và nội chiến, có ít quan hệ ngoại giao và ít thương mại quốc tế. Trung Quốc đã không trải qua kiểu cô lập đó trong nửa thế kỷ.

Nhưng dù sao trên bình diện quốc tế, Trung Quốc vẫn đứng một mình: họ đã “mua” được lòng trung thành của một số quốc gia “khách hàng nghèo” thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhưng nước này vẫn có ít bạn bè và không có đồng minh thực sự.

Xung đột thương mại với Mỹ (được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh chiến lược lâu dài) có lẽ đã làm tăng cảm giác bị cô lập của Trung Quốc. Trong khi châu Âu, Nhật Bản và Úc có thể không muốn tham gia vào cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xuống, họ cũng không hài lòng với sự kết hợp của chính sách đối ngoại hiếu chiến và đàn áp chính trị trong nước của ông Tập.

Nhận thức của Trung Quốc về sự cô lập quốc tế có ý nghĩa đối với cách vận hành nền kinh tế. Rõ ràng là những lo ngại về an ninh đã thúc đẩy một số chính sách công nghiệp của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ, và xung đột thương mại với Mỹ chỉ làm gia tăng những lo ngại đó. Nếu Trung Quốc bị bao vây bởi các cường quốc thù địch, thì họ không thể dựa vào quyền tự do tiếp cận thị trường toàn cầu để mua các mặt hàng thiết yếu và phải cố gắng tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, điều đáng nói và khá bất thường là ông Tập đã phải phát biểu trước công chúng, về cơ bản, phủ nhận rằng ông sẽ làm điều đó. Vào ngày 1/11/2019, ông đã tập hợp một số doanh nhân "tiêu biểu" cho một cuộc họp với các cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, và nói với họ rằng:

“Vai trò và chức năng của kinh tế ngoài công lập [tức là khu vực kinh tế tư nhân] trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc không thay đổi; chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn phát triển kinh tế ngoài công lập của chúng ta không thay đổi; chính sách của chúng tôi về việc cung cấp một môi trường tốt và nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của kinh tế ngoài công lập không thay đổi”.

Cuộc họp này, cùng nhiều tuyên bố và biện pháp chính thức nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân diễn ra sau cuộc họp, nêu bật sự khác biệt chính giữa Tập và Stalin. Ông Tập không coi các doanh nhân Trung Quốc thịnh vượng là mối đe dọa cần phải loại bỏ, mà là một bộ phận cử tri cần được xoa dịu.

Ông Tập thực sự đã kêu gọi “tự lực cánh sinh” trong chuyến công du của ông đến vùng đông bắc Trung Quốc vào tháng 9/2019.

Vì vậy, có một mối liên đới giữa sự cô lập quốc tế gia tăng và sự can thiệp kinh tế nhiều hơn: khi những lo ngại về an ninh trở nên cấp thiết hơn, thì lý do biện minh cho việc áp đặt cơ chế thị trường trở nên mạnh mẽ hơn.

Trần Đức

Theo Andrew Batson's Blog



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì thúc đẩy ông Tập ‘đảo ngược’ cải cách kinh tế như Stalin đã làm với Liên Xô?