Dịch bệnh Tân Cương nghiêm trọng, thông tin bị phong toả nghiêm ngặt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã kéo dài ở Tân Cương gần hai tháng. Các nhà chức trách không chỉ áp dụng biện pháp quản lý phong bế bắt buộc mà còn tăng cường kiểm soát ngôn luận, khiến thông tin chân thực bị che đậy. Có người dân cho biết tình hình dịch bệnh ở Tân Cương đang nghiêm trọng và việc chính quyền áp chế thông tin cũng cực kỳ nghiêm ngặt, trên thực tế mức độ dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với báo cáo chính thức.

Kể từ khi chính quyền Tân Cương báo cáo trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) vào ngày 16/7, số ca nhiễm bệnh đã nhanh chóng tăng lên 550 người chỉ sau 14 ngày. Ngày hôm đó, các cơ quan chức năng bất ngờ “phong thành” mà không thông báo trước khiến cư dân không kịp trở tay. Vào ngày 18/7, Urumqi triển khai quản lý cộng đồng khép kín. Sáng ngày 28/7, tin tức về việc “phong thành” các thành phố ở phía bắc và phía nam của Tân Cương cũng lần lượt lan truyền. Đến ngày 7/8, lần lượt các khu vực nông thôn cũng bị quản lý khép kín. Hôm 12/8, chính quyền Tân Cương thông báo trong cuộc họp báo rằng vào ngày 11/8, số trường hợp được chẩn đoán mới lần đầu tiên giảm xuống một chữ số (9 người) và tốc độ gia tăng đã chậm lại.

Giá cả tăng cao khiến lòng người hoang mang

Hôm 11/8, ông Lý Cường (Li Qiang), một người dân ở thành phố Urumqi, nói với phóng viên của The Epoch Times rằng kể từ ngày 16/7 đến nay, Urumqi - khu vực có nguy cơ trung bình, đã lần lượt đóng cửa khu dân cư, phong bế các toà nhà rồi phong kín từng hộ gia đình; khu mà ông Lý ở đã làm xét nghiệm acid nucleic 2 lần.

Cuộc sống bị phong toả 27 ngày khiến mọi người cảm thấy rất bất an. Ông Lý Cường nói rằng: “Ngồi dưng ăn không, núi vàng cũng hết, mọi người đều rất hoang mang, nhưng điều chủ yếu nhất là không thể ra khỏi nhà nên lại càng nôn nóng”. Ông cho biết tháng Bảy và tháng Tám là mùa vàng ở Tân Cương, nhưng ngành du lịch và nông dân bị thiệt hại lớn.

Ngoài ra, ông Lý cũng chỉ ra rằng giá cả ở địa phương đã tăng lên, “biến động khá lớn và khẳng định là đắt hơn những năm trước”. “Vì không thể ra ngoài mua đồ nên các nhà hàng xóm sẽ lập một nhóm tình nguyện viên, họ sẽ đi mua rau củ quả thịt thà giúp, nhưng chất lượng lúc tốt lúc xấu, giá cả cũng biến động khá lớn".

Ông Lý Cường cho biết có 2 lần ông hoa quả với giá khá đắt, nho mua cách đây 10 ngày là 18 tệ/kg (khoảng 60.000 VNĐ), nhưng mấy ngày nay giá giảm xuống còn khoảng 10 tệ, ông còn từng mua một “quả dưa hấu giá trên trời”.

"Giá thịt tăng cao và vẫn rất khó mua. Sau khi phong thành khoảng 10 ngày, nếu mua theo nhóm thì sẽ có giá 68 tệ/kg thịt bò (khoảng 227.000 VNĐ), hai ngày nay nó lên giá 88 tệ nhưng cũng chẳng đến lượt mua, trên thời sự nói giá bình ổn của thịt bò và cừu là 70 tệ/kg nhưng tôi cũng chưa bao giờ mua được giá đó”. Ông Lý cho biết thêm: “Giá thịt thực sự đã tăng mạnh. Trước đây, giá thịt bò và thịt cừu ở mức 60-70 tệ/kg là tương đối bình thường ở Urumqi và đã duy trì trong một thời gian dài”.

Ngoại trừ thịt và hoa quả, giá rau cơ bản hàng ngày tương đối ổn định, ông Lý cho biết sẽ dự trữ thêm lương thực sau khi được dỡ bỏ phong tỏa.

Thủ đoạn chấp pháp thấp kém, tước đoạt sự tôn nghiêm của người dân

Sau khi dịch bùng phát ở Tân Cương, nhà chức trách đã áp dụng biện pháp quản lý đóng cửa bắt buộc, những người ra ngoài mà không xin phép sẽ bị phạt rất nặng như mắng nhiếc, đến tận nhà để cảnh cáo, thậm chí giam giữ, nhục hình... Một số khu vực thậm chí còn sử dụng loa phát thanh để cảnh báo cư dân: “ra ngoài đánh gãy chân, cãi lại đánh gãy răng", người dân không có được sự tôn trọng.

(Video tiếng loa thông báo: “ra ngoài đánh gãy chân, cãi lại đánh gãy răng")

Ông Lý Cường chỉ ra rằng một số quy định mà công an địa phương đưa ra là cảnh báo trước rồi sau đó phạt tiền và thậm chí giam giữ. "Có lẽ đây là một trong những phương pháp cảnh cáo, nhưng các phương pháp thực thi pháp luật quá vụng về! Hoặc là, liệu (họ) có quyền thực thi pháp luật chính thức?".

“Không ai dám chống lại luật pháp, chỉ có thể tuân theo sự sắp đặt”. Nói về sự thiếu tôn trọng nhân quyền này, ông Lý cho biết: “Tôi rất chán nản, không có tâm trạng để nói”.

Trên mạng cũng có rất nhiều bình luận:

“Phong thành bao nhiêu ngày rồi mà (số ca nhiễm) vẫn tăng. Xin hỏi là ca nhiễm đầu tiên xuất hiện khi nào và kết quả ra sao rồi, mọi người đều bị đóng cửa ở nhà, không làm lấy gì mà ăn, lo quá!!!”

“Đóng cửa 28 ngày rồi, không có nhân quyền, không có thu nhập".

"Tại sao một số người bị cách ly tại nhà hoặc cách ly tập thể mà không có lý do, không có quyền được biết sự thật sao?".

"Đúng là kêu khổ thấu trời, cái gì chúng tôi cũng hợp tác rồi, tháng nóng nhất mùa hè thì bị nhốt trong nhà, đúng là không biết phải nói gì".

(Video người dân tự ý ra khỏi nhà bị phạt đứng phơi nắng)

Đàn áp ngôn luận, phong tỏa thông tin dịch bệnh

Trong cuộc phỏng vấn, ông Lý Cường nhấn mạnh rằng vì tình hình đặc thù của Tân Cương, ông không dám tiết lộ thông tin cá nhân, nhưng ông cũng nói rằng Tân Cương quá đặc thù, nhưng là một công dân vẫn còn lương tâm, “những gì tôi nói là những gì tôi biết, tôi rất ủng hộ việc lên tiếng vì chính nghĩa. Việc nói lên sự thật một cách khách quan là điều cần thiết".

Ông Vu Minh (bí danh) ở thành phố Aksu (A Khắc Tô), Tân Cương cũng nói với các phóng viên rằng ông không dám tiết lộ thêm thông tin vì giám sát rất chặt chẽ.

“Dịch bệnh ở đây rất nghiêm trọng. Ở một số nơi, người dân được thông báo chuẩn bị thức ăn trong bốn hoặc năm ngày, và họ không được phép ra ngoài trong vòng bốn hoặc năm ngày.” “Trên cửa đều dán giấy niêm phong và nếu bạn mở cửa mà không được phép, bạn sẽ bị phạt nặng. Thực tế, tình hình dịch bệnh ở Tân Cương rất nghiêm trọng, chính quyền cũng phong tỏa thông tin cực kỳ nghiêm ngặt, mức độ nghiêm trọng của dịch khác rất nhiều so với thông báo chính thức”. Ông Vu nói rằng ngay cả các địa điểm xét nghiệm acid nucleic cũng bị cấm chụp ảnh.

Ông Lý Cường cho biết, sau khi Urumqi phong thành, họ đã xây một bệnh viện mới, tình hình thực sự thì không cách nào biết được. "Điều khó khăn nhất là thông tin minh bạch, vừa phải vượt qua khảo nghiệm về thời gian, vừa phải cân nhắc thông tin".

Thông tin của Ủy ban Y tế Tân Cương trong 5 ngày qua cho thấy, từ 0h đến 24h ngày 11/8, Tân Cương (bao gồm cả Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương - doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước) có 9 trường hợp mới được xác nhận, trong đó có 8 trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng;

Ngày 10/8, có 13 trường hợp mới được xác nhận, trong đó có 11 trường hợp không có triệu chứng;

Từ 0h đến 24h ngày 9/8, có 14 ca mới, 7 ca trong đó là nhiễm bệnh không có triệu chứng;

Từ 0h đến 24h ngày 8/8, có 15 ca mới và không có người nhiễm virus không có triệu chứng;

Từ 0h đến 24h ngày 7/8 có 25 ca mới, trong đó có 8 ca là nhiễm bệnh không có triệu chứng.

Các trường hợp nhiễm bệnh trên đều ở thủ phủ của Tân Cương - thành phố Urumqi.

Tính đến 24h ngày 11/8, Tân Cương có 535 trường hợp được xác nhận, trong đó, 532 trường hợp là ở Urumqi, và những trường hợp khác ở địa khu Kashgar, Châu tự trị dân tộc Hồi Xương Cát (Changji) và Binh đoàn; ngoài ra 14.569 người khác cũng đang được theo dõi y tế.

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dịch bệnh Tân Cương nghiêm trọng, thông tin bị phong toả nghiêm ngặt