Dịch bệnh ở Trung Quốc bất ngờ biến mất trong dịp Tết Nguyên Đán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng của Trung Quốc đột nhiên biến mất. Tuy nhiên, người dân đều cho rằng việc báo cáo số ca nhiễm “bằng 0” là nhằm phục vụ cho nhu cầu chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và có bằng chứng cho thấy ĐCSTQ tiếp tục che đậy và làm giả số liệu dịch bệnh.

Ngoại trừ 1 trường hợp mới được xác nhận ở Hà Bắc vào ngày mùng 3 Tết (14/2), tất cả các vùng khác của Trung Quốc đều báo cáo số ca nhiễm “bằng 0” trong 10 ngày liên tiếp trong khoảng thời gian trước và sau ngày 14/2.

Tính đến 15 giờ ngày 19/2, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng hiện nước này không có khu vực nguy cơ cao nào và có 3 khu vực có nguy cơ gồm: quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hồ Bắc; 5 khu chung cơ ở quận Đông Xương, thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm; và huyện Vọng Khuê, thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang.

Không ai bị lây nhiễm, người dân đặt nghi vấn ĐCSTQ che giấu dữ liệu

Nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc đã phát hiện ra chủng đột biến trong đợt dịch lần này, nhưng số ca nhiễm đột ngột “bằng 0” từ ngày 7/2.

Nhà văn chính luận Khương Phúc Trinh (Jiang Fuzhen) nói với The Epoch Times: "Dịch bệnh trong nước (Trung Quốc) không thể giảm ngay lập tức như vậy được. Nếu có thì đó là do nhu cầu chính trị. Họ thường làm theo yêu cầu của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo nói giảm, thì con số sẽ giảm".

"Bây giờ trong nước (Trung Quốc) vẫn còn một số nơi [dịch bệnh] nghiêm trọng, bao gồm vùng Đông Bắc và Thạch Gia Trang. Vài ngày trước còn nghiêm trọng như vậy, ngay lập tức không còn ca nhiễm nào, tôi nghĩ rằng đây là con số làm giả”, ông Khương nói.

Ông Ngô, một công dân Vũ Hán, cũng nói với The Epoch Times rằng đây là "con số 0 mang tính chính trị" của chính quyền ĐCSTQ. Nếu dịch bệnh không quá nghiêm trọng, ĐCSTQ sẽ không thể đưa ra yêu cầu “ăn Tết tại chỗ”, hơn nữa một số nơi ở thành phố Nam Cung thuộc Hình Đài, Hà Bắc và quận Đông Xương thuộc Thông Hóa, Cát Lâm đã được giảm cấp độ xuống thành khu vực nguy cơ thấp nhưng vẫn bị phong tỏa, và chỉ được phép ra ngoài mua đồ một tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ông Ngô nhấn mạnh: "Nhất định là có vấn đề. Những con số giả được làm ra để phục vụ cho nhu cầu chính trị, còn con số thật có lẽ chỉ có họ mới biết".

Các ca nhiễm của năm mới đều là ca bệnh nhập cảnh

Trong dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc thông báo không có ca nhiễm cộng đồng nào, nhưng các ca nhập cảnh được xác nhận nhiễm bệnh vẫn xuất hiện mỗi ngày.

Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ thông báo rằng, từ ngày 7-16/2, nước này có lần lượt 14, 14, 14, 2, 12, 12, 7, 9, 16, 7 ca nhiễm bệnh được xác nhận và đều là các ca bệnh nhập cảnh.

ĐCSTQ thậm chí còn phân chia các ca nhiễm nhập cảnh ra các địa điểm cụ thể. Ví dụ, 14 trường hợp được xác nhận vào ngày 8/2 đều là các nhiễm nhập cảnh, gồm: 7 ca ở Quảng Đông, 2 ca ở Thượng Hải, 1 ca ở Giang Tô, 1 ca ở Chiết Giang ,1 ca ở Phúc Kiến, 1 ca ở Sơn Đông và 1 ca ở Tứ Xuyên.

Tuy nhiên, ngoại giới lại đặt câu hỏi về biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt của ĐCSTQ đối với người nhập cảnh. Lấy Úc làm ví dụ, người nhập cảnh cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính kép, và thời hạn hiệu lực là kể từ ngày lấy kết quả + 2 ngày thì mới có giá trị khi lên máy bay. Ngoài ra, giấy chứng nhận âm tính kép này còn được dùng để xin mã sức khỏe "HS" (áp dụng cho công dân Trung Quốc) hoặc mã sức khỏe "HDC" (áp dụng cho công dân nước ngoài) ở Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Trung Quốc tại địa phương. Người dân sẽ không được phép lên máy bay nếu không có giấy chứng nhận âm tính kép và mã sức khỏe.

Ví dụ, sau khi những người này bay đến Thượng Hải, Trung Quốc, họ sẽ đi qua một đường dẫn chuyên dụng và đi thẳng vào khu vực cách ly được chuẩn bị sẵn để tiến hành kiểm tra và cách ly nghiêm ngặt. Họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Sau khi xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính, họ sẽ phải tiếp tục cách ly 7 ngày ở nơi cư trú tại địa phương.

Sau quá trình kiểm soát nghiêm ngặt như vậy, Trung Quốc lại vẫn xuất hiện nhiều ca nhiễm nhập cảnh được xác nhận, ngoại giới cho rằng ĐCSTQ đang đổ trách nhiệm cho nước ngoài.

Ông Khương Phúc Trinh nói rằng, ĐCSTQ đã bắt đầu cách làm này từ năm ngoái, và vì nhu cầu chính trị nên thông báo số ca nhiễm cộng đồng “bằng 0”, vậy ca nhiễm vẫn xuất hiện thì sao? Nó liền nói là do nhập cảnh từ nước ngoài, nói đến nhập cảnh từ nước ngoài thì lại liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn xét nghiệm axit nucleic, Trung Quốc có tiêu chuẩn của Trung Quốc và các nước khác cũng có tiêu chuẩn riêng của họ. Theo cách nói của nó (ĐCSTQ) thì các xét nghiệm của người ta (các nước khác) là không chuẩn. Một điều nữa là nó còn nói rằng các mẫu lấy từ thực phẩm đông lạnh ở nước ngoài và thực phẩm nhập khẩu có kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính.

Ông cũng nhấn mạnh rằng cả số liệu trong thời kỳ dịch SARS và số liệu hiện tại ở Trung Quốc đều không thể tin được.

Ông Ngô đến từ Vũ Hán cũng nói rằng, không thể loại trừ trường hợp những ca nhiễm nhập cảnh này là do ĐCSTQ làm giả để phối hợp với nhu cầu chính trị của nó và đổ nguyên nhân cho nước ngoài.

Nhiều nơi xuất hiện các ca nhiễm mới, những người liên quan bị đưa đi cách ly tập trung

Hôm 15/2 là lần thử nghiệm axit nucleic thứ bảy ở quận Hô Lan, Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang. Người dân địa phương tiết lộ với The Epoch Times rằng, chính quyền vẫn không thông báo kết quả gì, có rất ít tin tức về dịch bệnh trong các nhóm WeChat của Hô Lan. Tuy nhiên, một số video lan truyền trên Internet cho thấy quận Hô Lan bị nghi ngờ xuất hiện ca nhiễm mới, dân cư ở nhiều khu chung cư đã được đưa đi cách ly tập trung, nhưng không có báo cáo chính thức từ chính quyền.

Trong một đoạn video quay vào ngày mùng 2 Tết, người dân tiết lộ rằng ở tòa nhà số 5 của khu chung cư Di Viên thuộc quận Hô Lan, có người được chẩn đoán nhiễm bệnh nên nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ đang xử lý trong nhà, có xe cứu thương 120 đậu ở tầng dưới và có người đã bị đưa đi. Trong một video khác, một số cư dân của khu dân cư này đã được đưa lên xe buýt và đưa đi cách ly tập trung.

Phóng viên của The Epoch Times đã gọi điện cho một nhân viên của Văn phòng khẩn cấp quận Hô Lan và hỏi về sự việc cách ly tập trung trong video vào ngày mùng 2 Tết, trong khi đó trong thông báo chính thức vào ngày mùng 3 Tết chính quyền không hề đề cập đến. Người này không phủ nhận và chỉ lặp đi lặp lại rằng không rõ, không phải người chịu trách nhiệm.

Vào ngày 8/2, tại khu vực quận Hô Lan cũng xuất hiện một đoạn video cho biết, sau khi có người ở tòa nhà số 2-6 của khu chung cư Hạnh Phúc được xác nhận nhiễm bệnh, hơn 200 người đã bị đưa đi cách ly. Tất nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ đã không có bất kỳ lời giải thích công khai nào, vẫn thông báo số ca nhiễm cộng đồng “bằng 0”.

Các quan chức địa phương từng thông báo rằng tính đến 24 giờ ngày 7/2, Hắc Long Giang vẫn còn 350 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 320 ca nhiễm bệnh không triệu chứng. Câu hỏi đặt ra là trong thời gian mười ngày Tết Nguyên đán, chẳng nhẽ không có một ca nhiễm không triệu chứng nào được xác nhận nhiễm bệnh? Chính quyền không đưa ra lời giải thích nào về điều này.

Còn quận Cảo Thành ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, cũng bắt đầu niêm phong cửa nhà của các hộ gia đình trong ngày mùng 1 Tết. Phía chính quyền đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào vào thời điểm đó, và phải đến ngày mồng 3 Tết, tức ngày 14/2 dương lịch họ mới thừa nhận rằng có một trường hợp mới được xác nhận.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Dịch bệnh ở Trung Quốc bất ngờ biến mất trong dịp Tết Nguyên Đán?