Ứng dụng xếp hạng công dân của thành phố Tô Châu, Trung Quốc bị gỡ trước làn sóng phản ứng dữ dội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hệ thống xếp hạng độ tin tưởng xã hội của Trung Quốc thường bị chỉ trích vì lạm dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để tiến hành giám sát hàng loạt và cho điểm đánh giá hành vi của công dân. Kiểu cách kiểm soát này tạo ra một thế giới đầy bất công, tương tự như những gì tác giả George Orwell đã mô tả trong tiểu thuyết “1984”.

Trong đại dịch COVID-19, một ứng dụng “mã sức khỏe” đã được mạng xã hội WeChat tung ra, để các nhà chức trách theo dõi di chuyển của mọi người dân, với lý lẽ là để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán. Tuy nhiên, một số chuyên gia mạng lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể vũ khí hóa nền tảng này, để tiếp tục theo dõi và trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Vào ngày 3/9, chính quyền ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã giới thiệu một “quy tắc văn minh”, dùng để xếp hạng công dân theo mức độ văn minh của họ và sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt nếu họ đạt điểm thấp.

Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau nhiều ồn ào của dư luận, chính quyền thông báo sẽ trì hoãn kế hoạch lại khi nói rằng họ sẽ đợi “thời điểm thích hợp” để thực hiện nó.

Trong một bài đăng trên WeChat, văn phòng cảnh sát thành phố Tô Châu cho biết, tất cả cư dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được yêu cầu cài đặt ứng dụng của chính quyền thành phố; ứng dụng này sẽ hoạt động với chức năng như “mã văn minh” được bổ sung mới.

Ứng dụng này do cảnh sát Tô Châu cùng Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố phối hợp phát hành. Giới chức thành phố sử dụng ứng dụng này chủ yếu để tổng hợp các mã sức khỏe của các công dân ở Tô Châu.

Theo một báo cáo của tờ báo nhà nước Southern Metropolis Daily, mã nền văn minh sẽ hoạt động theo một quy trình chung. Đầu tiên, mỗi người dân bắt đầu với 1.000 điểm. Sau đó, họ sẽ bị trừ điểm nếu vi phạm nội quy và quy chế. Nếu một cá nhân đạt đến "giới hạn thấp hơn", họ sẽ bị trừng phạt, mặc dù chính quyền không giải thích rõ về các biện pháp trừng phạt.

Một nhân viên quét một ứng dụng điện thoại di động của hành khách để tạo ra mã sức khỏe cũng như kiểm tra thân nhiệt của hành khách này, trước khi anh ấy có thể đi taxi tại nhà ga Hán Khẩu ở Vũ Hán, ngày 12/5/2020. (HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)
Một nhân viên quét một ứng dụng điện thoại di động của hành khách để tạo ra mã sức khỏe cũng như kiểm tra thân nhiệt của hành khách này, trước khi anh ấy có thể đi taxi tại nhà ga Hán Khẩu ở Vũ Hán, ngày 12/5/2020. (HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Những người có điểm “văn minh” cao sẽ được ưu tiên và nhận được nhiều thuận lợi trong công việc, cuộc sống, việc làm, học tập và giải trí, theo chính quyền Tô Châu. Tuy nhiên, giới chức thành phố không giải thích chính xác điều đó sẽ xảy ra như thế nào.

Thành phố Tô Châu cho biết, ứng dụng sẽ được tích hợp với Hệ thống Xếp hạng Độ tin tưởng xã hội, theo đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cho điểm đánh giá tất cả công dân dựa trên một loạt các chỉ tiêu, bao gồm mua hàng trực tuyến, hành vi hàng ngày của họ và những người mà họ kết nối. Nhà kinh tế Trung Quốc He Qinglian trước đây đã nhận xét về hệ thống xếp hạng xã hội này như sau: “Hệ thống này được kiểm soát bởi chính phủ, có các tiêu chuẩn chính trị và bất kỳ bình luận nào chỉ trích chính phủ sẽ được đưa vào xếp hạng độ tin tưởng kém”.

Nhiều người dùng WeChat đã tỏ ra phẫn nộ khi biết tin về kế hoạch của thành phố Tô Châu. Một số người nói rằng, cứ như thể họ đang sống trong thế giới của loạt phim khoa học viễn tưởng của Anh “Black Mirror”. Một trong những tập của bộ phim tạo ra một thế giới giả tưởng, nơi mọi người có thể xếp hạng lẫn nhau cho mọi tương tác mà họ có, và điểm số đó sẽ ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế xã hội của mỗi người. Cư dân mạng cảm thấy đáng lo ngại khi những điểm “văn minh” sẽ tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ.

Một số người cho rằng, “quy tắc văn minh” là sự leo thang của hoạt động giám sát công dân nhờ nâng cấp hệ thống AI của ĐCSTQ. Đây đích thực là hành vi vi phạm quyền riêng tư của người dân.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Tian Yun coi “mã nền văn minh” như một công cụ khủng bố. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng bất kỳ ai công khai thách thức chính sách của nhà chức trách sẽ có thể bị trừng phạt với điểm số thấp.

Trước đó, vào ngày 3/9, thành phố Tô Châu đã cho ra mắt “mã văn minh Tô Châu”. Sự việc này làm dấy lên các cuộc bình luận sôi nổi cùng nhiều mối e ngại. Có người thốt lên rằng “mã y tế chưa qua, mã văn minh lại tới”, cũng có người chỉ trích gay gắt rằng ‘mã văn minh’ chẳng qua chỉ là phiên bản điện tử của ‘giấy chứng nhận công dân tốt’.

Theo dự kiến, mã này chủ yếu được chấm điểm dựa trên 2 chỉ số là “chỉ số văn minh giao thông” và “chỉ số văn minh tự nguyện”, với điểm số cơ bản là 1.000 điểm.

“Mã văn minh Tô Châu” còn có thể làm căn cứ điện tử để cảnh cáo hoặc trừng phạt những người có chỉ số văn minh dưới tiêu chuẩn, và để phục vụ cho việc cấp giấy phép cư trú cho những người đến từ ngoại tỉnh.

Có người nghi ngờ căn cứ pháp lý về việc Tô Châu phát hành mã văn minh này: “Động thái này vi phạm nghiêm trọng các tinh thần cơ bản như ‘dân chủ, pháp chế, bình đẳng, công chính, v.v.’ trong giá trị quan hạch tâm của chủ nghĩa xã hội, hơn nữa nó cũng là hành vi cưỡng chế thi hành, đi ngược lại với ý nguyện của người dân. Bản thân ‘mã văn minh’ chính là sự giải thích xuyên tạc của khái niệm ‘văn minh’, được chính quyền định nghĩa lại và nhuốm đậm sắc đỏ”.

Không chỉ dừng lại ở xếp hạng điểm văn minh của người dân, ĐCSTQ còn “sáng tạo” ra cái gọi là kết hợp hệ thống “theo dõi và truy tìm” virus Vũ Hán ở mỗi người dân để tính vào điểm độ tin tưởng xã hội khét tiếng của chính quyền này. Dựa theo điểm độ tin tưởng xã hội cao hay thấp kỳ quái này, ĐCSTQ sẽ ban thưởng hoặc trừng phạt người dân, như hạn chế tự do đi lại, không xin được việc làm, mua hay thuê nhà ở…

Theo ký giả Joshua Philipp của tờ The Epoch Times cho biết: “Chính quyền địa phương tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đã đưa ra một hệ thống kiểm soát xã hội mới, kết hợp chương trình mã sức khỏe của ĐCSTQ với hệ thống xếp hạng độ tin tưởng xã hội của chế độ này để tạo ra cái mà họ gọi là mã văn minh”.

Điều này cho thấy, ĐCSTQ lại “sáng tạo” ra thêm một hệ thống giám sát COVID-19 mới, sẽ được sử dụng để tiếp tục “giám sát xã hội toàn trị” đang được thực hiện trên khắp mọi miền của Trung Quốc.

Có thể nói, cứ mỗi khi có một sự kiện “đình đám” nào xảy ra, ĐCSTQ lại “chế” ra thêm một loại phương pháp kiểm soát mới, rồi kết hợp với vô số các loại kiểm soát cũ trước đó, khiến tình cảnh người dân Trung Quốc không khác gì “cá nằm trong rọ”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ứng dụng xếp hạng công dân của thành phố Tô Châu, Trung Quốc bị gỡ trước làn sóng phản ứng dữ dội