ĐCSTQ thúc đẩy tiền điện tử, ra mắt nền kinh tế kế hoạch kỹ thuật số

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 14/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông báo về “Chương trình thí điểm phát triển đổi mới toàn diện hóa thương mại dịch vụ”, để triển khai thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ở 28 khu vực ở Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong.

Kể từ cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan), cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Đại hội Nhân dân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông báo rằng nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã hoàn thiện, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Vào thời điểm dịch Viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng giữa Trung – Mỹ ngày một gia tăng, tốc độ phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số nhanh chóng của ĐCSTQ khiến mọi người lo ngại và đặt câu hỏi về động cơ đằng sau đó.

Ngoài các thành phố cấp một như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, v.v. các thí điểm triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng bao gồm Khu kinh tế đồng bằng sông Trường Giang, Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong – Ma Cao, và các thành phố ở Trung và Tây bộ như Urumqi và Tây An. Về mặt phần mềm ứng dụng, hồi đầu tháng Bảy, công ty dịch vụ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing (một ứng dụng gọi xe công nghệ) đã thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm chức năng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên nền tảng của mình. Bloomberg News đưa tin rằng, chưa đến một tháng sau, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lên kế hoạch thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên nền tảng Meituan.

Gần đây, cũng có tin đồn rằng nhiều công chức ở thành phố Tô Châu đã bắt đầu nhận lương dưới dạng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Tin tức mới nhất là các siêu thị ở Thâm Quyến yêu cầu một "hệ thống thanh toán tiền mặt bằng tên thật", ngoại giới cho rằng đây là để chuẩn bị cho việc thúc đẩy tiền kỹ thuật số.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là gì?

Trong khi ĐCSTQ khẩn trương thúc đẩy tiền kỹ thuật số thì điều công chúng quan tâm là rốt cuộc đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số là gì?

Theo các quan chức, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành khác với các loại tiền kỹ thuật số khác, trong tiếng Anh nó được gọi là "DC/EP". DC (digital currency) là tiền kỹ thuật số; EP (electronic payment) là thanh toán điện tử.

Ông Mục Trường Xuân (Mu Changchun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói rằng “các đặc tính chức năng của nó giống hệt như tiền giấy, nhưng chúng là các dạng kỹ thuật số” và “có các đặc trưng giá trị của một công cụ thanh toán kỹ thuật số”.

Khi được phát hành, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DC/EP) sẽ thay thế tiền tệ cơ bản – tiền giấy và tiền xu.

Một báo cáo tháng Tư của tờ National Business Daily cho biết, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không tính lãi suất và có thể được sử dụng trong các trường hợp kinh doanh nhỏ, bán lẻ, tần suất cao... Nó sẽ là đồng tiền pháp định nên không thể từ chối nhận tiền kỹ thuật số. Thanh toán điện tử truyền thống không thể giao dịch trong môi trường không có mạng, trong khi với DC/EP thì 2 bên đều có thể thực hiện "thanh toán ngoại tuyến kép" mà không cần mạng.

Chính phủ: Quản lý chính xác và giám sát của cải xã hội

Về chức năng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, kênh truyền thông của đảng China News Service dẫn lời ông Biện Vĩnh Tổ (Bian Yongzu), Phó Giám đốc kiêm nhà nghiên cứu của Viện Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân Dân của Trung Quốc, nói rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không chỉ cho phép Ngân hàng Trung ương và các cơ quan tài chính nắm bắt chính xác hơn xu hướng tiền tệ và đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp trong tương lai, mà nó còn giúp chính phủ nắm được tình hình thu nhập của công dân, giúp chính phủ quản lý chính xác và điều tiết hợp lý của cải xã hội.

Không khó để thấy rằng ĐCSTQ có kế hoạch kiểm soát hoàn toàn các hoạt động tài chính và giám sát của cải xã hội thông qua đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Có nhà phân tích đã đăng trên Internet nói rằng, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có thể được sử dụng kết hợp với một loạt công nghệ giám sát như mã sức khỏe, ID kỹ thuật số, nhận dạng khuôn mặt, tần số vô tuyến tầm ngắn, theo dõi và định vị GPS… và từng bước đạt được mục đích số hóa tài sản cá nhân. Tất cả các loại hồ sơ giao dịch của người dùng sẽ được ghi lại và có thể ghi lại nhiều chi tiết giao dịch hơn, bao gồm thời gian, địa điểm, người, số tiền, mặt hàng và số lượng, v.v.

Phân tích trên cũng đã được chứng thực bởi các nguồn tin chính thức.

Ông Diêu Tiền (Yao Qian), cựu Giám đốc Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã tóm tắt hệ thống đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là "một tiền tệ, hai kho lưu trữ và ba trung tâm". Về "ba trung tâm", ông giải thích rằng đó là chỉ trung tâm chứng nhận, trung tâm đăng ký và trung tâm phân tích dữ liệu lớn. "Trung tâm chứng nhận" được sử dụng để xác thực danh tính của người dùng; "Trung tâm đăng ký" chịu trách nhiệm đăng ký việc phát hành, chuyển nhượng, thu hồi tiền kỹ thuật số và công bố kết quả trên sổ cái phân tán; "Trung tâm phân tích dữ liệu lớn" chịu trách nhiệm quản lý rủi ro của toàn bộ hệ thống, bao gồm tìm hiểu và phân tích khách hàng, chống rửa tiền, v.v.

Ngoài chức năng giám sát, ĐCSTQ có vẻ như cũng đã thông báo kế hoạch xuất khẩu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ra thế giới. Vào tháng 5/2020, kênh truyền thông đại lục Tuần báo Kinh tế Trung Quốc (China Economic Weekly) đã trích dẫn bài báo của ông Hoàng Kỳ Phàm nói rằng, giá trị của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số không chỉ giới hạn ở việc thay thế tiền giấy truyền thống M0, mà còn có thể tham gia vào việc xây dựng hệ thống thanh toán kỹ thuật số cho thương mại quốc tế trong tương lai và cũng sẽ tạo một nền tảng của trật tự kinh tế mới trên mạng Internet.

Chuyên gia: Mục đích của ĐCSTQ là củng cố quyền lực trong nước và giám sát người Trung Quốc

Chuyên gia hệ thống tài chính và công nghệ thông tin (IT) Raymond nói với The Epoch Times rằng, từ quan điểm kỹ thuật tài chính và tiền tệ thì những tin đồn hiện tại về việc mở rộng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ra nước ngoài là không khả thi, “nhưng nếu để giám sát người dân trong nước và quét sạch tài sản của quan chức tham nhũng thì việc hủy bỏ lượng lớn tiền giấy Nhân dân tệ đã phát hành sẽ có tác dụng”.

Ông Raymond giải thích thêm rằng trên thực tế, việc ĐCSTQ dốc toàn lực thúc đẩy tiền kỹ thuật số căn bản là không thể đạt được sự mở rộng kinh tế ra bên ngoài, ngược lại, nó sẽ tăng cường giám sát tài chính trong nước. ĐCSTQ muốn củng cố quyền lực trong nước hơn là mở rộng ra bên ngoài. Và từ góc độ công nghệ thông tin, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hoàn toàn không thể mở rộng ra nước ngoài, vì các chính phủ châu Âu và Mỹ sẽ không kết nối với nó.

Chuyên gia ngân hàng: Tương đương với phiếu giảm giá (coupon)

Hôm 11/8, chuyên gia ngân hàng kỳ cựu người Hong Kong Victor Ng Ming Tak (Ngô Minh Đức) đã chỉ ra trong chương trình “Chính phủ thúc đẩy tiền kỹ thuật số, kinh tế nội địa biến thành ‘đại phú ông’” trên kênh YouTube của mình rằng, tiền kỹ thuật số khác với Alipay và WeChat Pay. Alipay, WeChat Pay… được ví như Bạch tuộc (Octopus) của Hong Kong, cả hai bên phải đồng ý thì giao dịch mới thành công, hơn nữa số tiền trong đó vẫn thuộc về người dân, và người dân được tự do kiểm soát. Nhưng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số thì khác và tương lai sẽ bị chính phủ trung ương kiểm soát.

Ông cũng đưa ra một ví dụ để giải thích rằng nếu nền kinh tế địa phương tương đối lạc hậu, Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ có thể trực tiếp vung tiền vào đó và thông qua đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể kiểm soát và đảm bảo khoản tiền này sẽ chỉ được sử dụng ở khu vực kinh tế lạc hậu này. Tức là trong tương lai, ĐCSTQ có thể thực hiện nền kinh tế kế hoạch và kiểm soát vĩ mô phù hợp với điều kiện kinh tế của các khu vực khác nhau.

Ông nói thêm rằng điều này cũng có nghĩa là đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tương đương với các phiếu giảm giá và trở thành một phương tiện để chính phủ kiểm soát tiêu dùng của công dân. Ví dụ: chính phủ quy định rằng các mã đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số khác nhau tương ứng với các loại vật tư khác nhau; Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát loại và thậm chí số lượng tiêu dùng của người dân theo các mã kiểm soát tiền kỹ thuật số.

Cư dân mạng Gary nói rằng, việc ĐCSTQ vội vã thúc đẩy tiền kỹ thuật số có liên quan đến việc khôi phục hệ thống phân phối theo tem phiếu không? Không có giới hạn nào khi sử dụng tiền mặt, có thể mua thực phẩm, thịt, rượu, mua gì cũng được. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số có thể hạn chế giới hạn sử dụng trong một lĩnh vực nhất định, tương đương với một hệ thống phân phối tem phiếu trá hình; hơn nữa nó lại càng linh hoạt, an toàn và hiệu quả hơn, tuyệt đối sẽ không xảy ra việc lấy phiếu lương thực để đổi trứng.

Bình luận: Việc mở rộng ra quốc tế là không thực tế

Nhà bình luận vấn đề thời sự Văn Chiêu (Wen Zhao) tuyên bố trên kênh YouTube của mình hôm 18/8 rằng, một trong những động cơ thúc đẩy ĐCSTQ phát triển tiền tệ kỹ thuật số là nhằm mục đích xóa bỏ sự lệ thuộc vào hệ thống chuyển khoản ngân hàng quốc tế trên cơ sở đồng USD. Nhưng tiền tệ là một biểu tượng tín dụng, nó là một loại tiền tệ chủ quyền trên quốc tế và được đảm bảo bởi sức mạnh kinh tế và chính trị tổng hợp của một đất nước. Cũng giống như đồng "Petro Coin" là tiền kỹ thuật số mã hóa của Venezuela, nhưng sẽ không có quốc gia nào sử dụng nó. Do đó, việc quảng bá đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ra quốc tế là không thực tế.

Ông Văn cũng chỉ ra rằng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ mang lại hai rủi ro lớn cho người dân Trung Quốc. Trước hết, tiền kỹ thuật số ràng buộc thông tin cá nhân của công dân, thuận tiện cho việc theo dõi nhưng cũng trở thành phương tiện để những kẻ cầm quyền vu oan và cướp đoạt tài sản của người dân. Thứ hai, việc lạm phát tiền giấy thì vẫn còn phải mất chi phí giấy in, mực in và nhân công, nhưng tiền kỹ thuật số có thể được phát hành mà không tốn chút vốn nào, tức là đang bước vào thời đại lạm phát phi giá. Nếu siêu lạm phát xảy ra, nó sẽ phá hủy nghiêm trọng sinh kế của người dân.

Thái độ quốc tế: Tiền kỹ thuật số là không cần thiết

Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ không hề đơn độc trong việc phát triển tiền kỹ thuật số mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đang nghiên cứu. Vào tháng 3/2018, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã tuyên bố trong một báo cáo rằng các ngân hàng trung ương phải xem xét nghiêm túc các rủi ro tiềm ẩn và tác động lan tỏa trước khi phát hành tiền điện tử.

Báo cáo cũng cho rằng, điều này có thể tác động đến tiền gửi của người dân, vốn là nguồn cung cấp vốn chính của các ngân hàng thương mại, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính khi thị trường gặp áp lực. Báo cáo cũng chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy so với các công cụ hiện có của ngân hàng trung ương, tiền tệ kỹ thuật số có thể giúp ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ tốt hơn.

Cách đây vài ngày, BBC đưa tin về việc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Norihiro Nakayama cho biết vào hồi tháng Hai năm nay rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác để nghiên cứu tiền kỹ thuật số. Ông cũng chỉ ra rằng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với hệ thống tiền tệ dự trữ toàn cầu hiện tại.

Ngày 14/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thông báo rằng họ đang thử nghiệm và phát triển một loại tiền kỹ thuật số tương đương với tiền mặt. Nhưng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Lael Brainard nhấn mạnh rằng họ không có kế hoạch phát hành đồng USD kỹ thuật số và đang tập trung nghiên cứu tác động của đồng tiền mã hóa và đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Vào ngày 12/11/2019, cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan đã tuyên bố tại Hội nghị Triển vọng Kinh tế Thường niên “Tài chính” lần thứ 17 rằng, ngân hàng trung ương không cần thiết phải phát hành tiền kỹ thuật số và những gì ngân hàng trung ương nên cung cấp là tín dụng chủ quyền.

Đông Phương

Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ thúc đẩy tiền điện tử, ra mắt nền kinh tế kế hoạch kỹ thuật số