ĐCSTQ lợi dụng công nghệ AI tạo nên 'nhà tù toàn cảnh' trên cả nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát người dân thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu hút sự chú ý của ngoại giới. Truyền thông Hoa Kỳ gần đây đã đăng một bài báo cho biết ĐCSTQ đang cố gắng biến toàn bộ Trung Quốc đại lục thành một "nhà tù toàn cảnh" để theo dõi mọi động thái của công dân Trung Quốc.

Ông Ross Andersen, Phó Tổng biên tập tờ The Atlantic, gần đây đã xuất bản một bài báo có tựa đề "Nhà tù toàn cảnh đang ở đây" (The Panopticon Is Already Here). Bài báo nói rằng ông Tập Cận Bình đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để củng cố chế độ toàn trị của ĐCSTQ và xuất khẩu công nghệ này đến khắp nơi trên thế giới.

Nhà tù toàn cảnh (panopticon), còn được gọi là nhà tù hình tròn, được một nhà triết học người Anh tên là Jeremy Bentham đề xuất thiết kế vào cuối thế kỷ 18. Ở đây, các tù nhân luôn bị giám sát, vì vậy họ phải điều chỉnh hành vi của họ mọi thời mọi lúc.

Theo bài báo, Tân Cương đã trở thành phòng thí nghiệm cho chính quyền Trung Quốc xây dựng nhà tù toàn cảnh. Ở đây, cứ cách vài khu phố thì lại có một trạm kiểm soát được trang bị camera giám sát. Hình ảnh thu được từ những camera này sẽ được so sánh với hình ảnh khuôn mặt của người Duy Ngô Nhĩ bị thu thập được trong quá trình "kiểm tra sức khỏe" của chính quyền để nhanh chóng xác nhận thân phận của người dân. Khi những người Duy Ngô Nhĩ này rời khỏi cộng đồng nơi họ sinh sống, các hệ thống tự động sẽ theo dõi hành tung của họ.

Bài báo chỉ ra rằng công nghệ giám sát Tân Cương (AI) cuối cùng sẽ được áp dụng cho tất cả các vùng của Trung Quốc.

Ông Tạ Điền (Xie Tian), ​​Giáo sư quản lý tại Đại học South Carolina, Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo chủ yếu dựa vào ứng dụng phần mềm máy tính và dữ liệu lớn, tuy nhiên "người Trung Quốc lại không cần một nền tảng công nghiệp lớn mạnh trong việc phát triển phần mềm này".

Hầu hết các công ty Trung Quốc có được công nghệ AI và các linh kiện cần thiết từ Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trợ giúp chính quyền Bắc Kinh theo dõi Tân Cương vào "danh sách thực thể", bao gồm các công ty công nghệ khởi nghiệp AI nổi tiếng nhất ở Trung Quốc như Megvii, SenseTime, iFlytek... Các công ty này sẽ không thể tùy ý mua các bộ phận linh kiện từ các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng không thể hoàn toàn hạn chế sự phát triển của những công ty Trung Quốc trên. Năm 2008, khi ông Lý Khai Phục (Li Kaifu), Chủ tịch của Công xưởng Sáng tạo Trung Quốc (Sinovation Ventures) quảng bá cho cuốn sách mới "AI - Tương lai" của mình đã nói rằng, Trung Quốc có một thị trường vốn khổng lồ và cơ sở dữ liệu khổng lồ, các chính sách lỏng lẻo của chính phủ Trung Quốc đã mang lại cho các công ty công nghệ cao một vùng đất bằng phẳng để khai phá.

Ông Ross Andersen, Phó Tổng biên tập tờ The Atlantic, đã dẫn lời ông Lý Khai Phục và nói rằng Trung Quốc là một xã hội theo "chủ nghĩa thực dụng công nghệ", nhưng điều này cũng sinh ra một số cơn ác mộng về đạo đức công nghệ.

Ông Andersen dự đoán rằng chính phủ ĐCSTQ có thể sẽ sớm xây dựng một cơ sở dữ liệu lưu trữ toàn quốc tự động điền thông tin của mọi người dân. Điều này có nghĩa là mọi ghi chép về sự xuất hiện, việc mua sắm và thư tín của mỗi một người dân ở nơi được giám sát, bao gồm cả mối đe dọa mà người đó đặt ra cho chính quyền, đều có thể được cập nhật theo thời gian thực.

Gần đây, trên mạng lan truyền một video cho thấy cách mà ĐCSTQ sử dụng công nghệ AI để theo dõi tình hình. Người đàn ông quay video đã giới thiệu các chức năng của nhiều thiết bị khác nhau trong hệ thống thu thập dữ liệu lớn được thiết lập trên đường cao tốc ở Trung Quốc và cảm khái: "Đứng trước dữ liệu lớn, một khi bạn đi qua đây, quét một cái là thấy hết mọi thứ, không có gì chạy thoát được".


Có cư dân mạng chế giễu ĐCSTQ: "Phải sợ hãi và chột dạ đến mức độ nào mà phải cần đến thủ đoạn theo dõi như vậy".

Cũng có cư dân mạng nhìn thấy mà sợ hãi: "Chúng ta cứ chạy khỏa thân như vậy qua dữ liệu lớn mà không tự biết."

Cộng đồng quốc tế lo lắng rằng chính phủ ĐCSTQ sẽ không chỉ sử dụng công nghệ AI để đàn áp người dân trong nước, mà còn mở rộng các xúc tu của mình đến Hong Kong, nơi hiện có thanh âm chống chính phủ lớn tiếng nhất. Jeff Kao, một nhà báo công nghệ tại ProPublica - một cơ quan điều tra tin tức của Hoa Kỳ chuyên báo cáo về ngành công nghiệp AI, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, giống như ở Tân Cương, Bắc Kinh tất nhiên sẽ thực thi "ổn định công nghệ cao" ở Hong Kong.

Ông Kao nói: "Chúng tôi để ý thấy rằng người Hong Kong đã làm hỏng các camera giám sát trong các cuộc biểu tình năm ngoái. Tôi nghĩ người Hong Kong có lý do để lo lắng về điều này".

Đông Phương
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ lợi dụng công nghệ AI tạo nên 'nhà tù toàn cảnh' trên cả nước