ĐCSTQ ca ngợi khả năng ‘gọt đỉnh lũ’ của đập Tam Hiệp, chuyên gia nói: Đánh lạc hướng dư luận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh gần đầy sông Trường Giang liên tiếp hình thành các đỉnh lũ, đập Tam Hiệp vốn gây tranh cãi một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Mỗi khi đỉnh lũ đi qua Tam Hiệp, các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhân cơ hội để tung hô vai trò của công trình Tam Hiệp trong việc “gọt” đỉnh lũ. Chuyên gia Thuỷ lợi cho rằng ĐCSTQ đang cố đánh lạc hướng dư luận.

Đỉnh lũ gần đây nhất trên sông Trường Giang - đỉnh lũ số 3 của năm 2020 đã đi qua đập Tam Hiệp vào ngày 27/7. Tân Hoa Xã đưa tin rằng vào lúc 14h ngày hôm đó, lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa đạt 60.000 m3/s và lưu lượng chảy ra là 38.000 m3/s, khả năng chặn và cắt đỉnh lũ đạt 36,7%. Theo lệnh điều phối của Ủy ban sông Trường Giang, công trình Tam Hiệp đã giảm bớt áp lực phòng lũ lụt ở trung và hạ lưu sông Trường Giang.

Về vấn đề này, chuyên gia Thủy lợi Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) nói với kênh truyền thông nước ngoài The Epoch Times rằng, để thấy được vai trò của công trình Tam Hiệp trong việc kiểm soát lũ, trước hết phải xem cách mà ĐCSTQ trước khi phê chuẩn Dự án Tam Hiệp đã tuyên truyền chức năng phòng lũ của công trình này cho người dân như thế nào. Chỉ bằng cách so sánh khả năng kiểm soát lũ thấy được trên thực tế với những tuyên truyền khi đó của Bắc Kinh, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác mục tiêu khi xây dựng công trình này đã đạt được tới mức độ nào.

Ông Vương đưa ra một ví dụ: “Vào thời điểm đó, Lý Bằng (Li Peng, Thủ tướng Trung Quốc đương thời) đã tuyên bố trong bài “Đại Giang Khúc" của mình rằng sau khi công trình Tam Hiệp hoàn thành, Trường Giang sẽ không còn nước lũ cuồn cuộn nữa, nhân dân cũng sẽ không phải chịu nỗi sầu bi nữa”.

"Phó Thủ tướng ĐCSTQ Trâu Gia Hoa (Zou Jiahua) khi đó đã giải thích lợi ích trong việc phòng lũ của Dự án Tam Hiệp với các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc. Ông Trâu nói rằng trong lịch sử, lưu lượng dòng chảy trên sông Trường Giang đã có 8 lần vượt quá mức 80.000 m3/s, lần lớn nhất vào năm 1860 và 1870 với gần 100.000 m3/s. Ông ấy nói rằng sau khi dự án Tam Hiệp hoàn thành, chúng ta sẽ không phải sợ lũ 100.000 m3/s nữa”.

"Ông Trịnh Thủ Nhân (Zheng Shouren), người đã qua đời cách đây không lâu và được đại lục gọi là cha đẻ của 'Công trình Tam Hiệp', vào thời điểm khi mà công trình Tam Hiệp vẫn đang được xây dựng, cũng từng viết một bài thơ trên tờ Nhật báo Công trình Tam Hiệp bày tỏ rằng, sau khi có đập Tam Hiệp thì nước lũ sẽ không thể hung ác điên cuồng được nữa, ý của ông ta là sẽ không còn lũ lụt nữa".

"Tổng giám đốc của Tổng công ty Tam Hiệp Lục Hựu My (Lu Youmei) cũng nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng nếu công trình Tam Hiệp được hoàn thành thì sẽ không có lũ lụt vào năm 1998".

Tuy nhiên ngày nay, công trình Tam Hiệp chỉ có một tác dụng duy nhất là “gọt đỉnh lũ".

Số liệu quan trắc chính thức cho thấy, sau khi đỉnh lũ số 3 sông Trường Giang đi qua đập Tam Hiệp, hồ chứa Tam Hiệp tiếp tục tăng cường xả lũ. Lúc 7h sáng ngày 29/7, lưu lượng xả nước hồ Tam Hiệp là 40.200 m3/s, đến 2h sáng ngày 30/7 đạt 40.300 m3/s. Khi đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đi qua đập Tam Hiệp và tiến về hướng trung và hạ lưu sông Trường Giang, việc đập Tam Hiệp tiếp tục tăng cường xả lũ chắc chắn làm tăng áp lực phòng lũ lên trung và hạ lưu sông Trường Giang.

Theo The Epoch Times, khi công trình Tam Hiệp lần đầu tiên được kiểm chứng, các chuyên gia của nhóm trầm tích đã từng nói rằng năng lực đê điều ở hạ lưu sông Trường Giang rất mạnh, và phải lợi dụng lũ để đẩy trầm tích ra khỏi hồ chứa nhằm giảm bớt lượng lắng đọng, giúp giải quyết các vấn đề do trầm tích gây ra ảnh hưởng đến sự an toàn của con đập.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Lý Nhuệ (Ly Yue) từng viết trong cuốn "Có trách nhiệm với lịch sử đến cùng: Hồi ức từ đầu đến cuối về quá trình khởi công công trình Tam Hiệp" rằng: khi mùa lũ đến, hồ chứa nước Tam Hiệp sẽ đóng các cửa xả để chứa lũ và giảm thiên tai lũ lụt ở hạ lưu, hay là mở cửa xả lũ để giảm lượng trầm tích trong lòng hồ và làm thiên tai lũ lụt ở hạ lưu nặng nề hơn? Việc xả lũ bảo tồn tuổi thọ của hồ chứa, vậy thì hồ chứa Tam Hiệp trên thực tế hoàn toàn không có khả năng kiểm soát lũ.

Chuyên gia Thuỷ lợi Vương Duy Lạc chỉ ra rằng đập Tam Hiệp là một công trình mâu thuẫn vì yêu cầu ở thượng nguồn và hạ lưu là khác nhau. "Trùng Khánh yêu cầu phải xả hết nước càng sớm càng tốt, còn yêu cầu của Vũ Hán là tốt nhất Tam Hiệp nên trữ đủ nước, đừng xả chút gì".

"Vì vậy, đập Tam Hiệp không thể đáp ứng cả Trùng Khánh và Vũ Hán, không thể đáp ứng yêu cầu của cả hai. Giáo sư Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) đã nói trước đó rằng không thể xây dựng một con đập giữa hai thành phố lớn".

Ông Hoàng Vạn Lý là chuyên gia Thuỷ lợi nổi tiếng và là Giáo sư của Đại học Thanh Hoa, từng dự đoán rằng việc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ gây ra 12 hậu quả thảm khốc:

1. Kè chính ở hạ lưu sông Trường Giang sụp đổ; 2. Cản trở vận tải đường thuỷ; 3. Vấn đề di dân; 4. Vấn đề trầm tích 5. Chất lượng nước xấu đi; 6. Sản xuất điện không đủ; 7. Khí hậu bất thường; 8. Thường xảy ra động đất; 9. Bệnh sán máng lây lan; 10. Suy thoái sinh thái; 11. Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn. 12. Cuối cùng sẽ buộc phải nổ tung.

Những năm gần đây, 11 hậu quả đầu tiên đều đã ứng nghiệm. Do đó, có người chất vấn rằng, so với những hậu quả mang tính tai hoạ này thì một chút tác dụng “gọt đỉnh lũ" của Tam Hiệp còn đáng để ca ngợi sao?

Đông Phương

Theo SOH

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ ca ngợi khả năng ‘gọt đỉnh lũ’ của đập Tam Hiệp, chuyên gia nói: Đánh lạc hướng dư luận