ĐCSTQ đổi giọng định tính lại người biểu tình Hong Kong, nghi để trải đường cho đàn áp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước đây tuyên bố rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Hong Kong là vì nguyên nhân kinh tế và dân sinh. Nhưng vào dịp kỷ niệm một năm người dân Hong Kong phản đối Dự luật dẫn độ, ông Trương Hiểu Minh - Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của ĐCSTQ đột nhiên thay đổi giọng điệu, gọi đó là "vấn đề chính trị". Phái dân chủ Hong Kong chỉ trích Trương Hiểu Minh là "kẻ sát khí đằng đằng", và nghi ngờ rằng phát biểu của ông Trương có thể là trải đường cho việc ĐCSTQ trấn áp Hong Kong.

Trương Hiểu Minh: Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong là vấn đề chính trị

Vào ngày 8/6, tại Hội thảo trực tuyến kỷ niệm 30 năm về việc ban hành Luật cơ bản Hong Kong do Chính phủ Hong Kong tổ chức, ông Trương Hiểu Minh đã tuyên bố: "Vấn đề chính ở Hong Kong không phải là vấn đề kinh tế, cũng không phải là vấn đề nhà ở, việc làm các vấn đề dân sinh, hay sự cố định lợi ích giai tầng, sự khó khăn trong lưu động của thanh niên và các vấn đề xã hội khác, mà là vấn đề chính trị".

Trước đây, ông Trương Hiểu minh là Giám đốc của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau, nhưng vì những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hong Kong năm ngoái, vào tháng 2 năm nay ông đã bị giáng chức xuống Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau.

Sau khi chính phủ Hong Kong đưa ra Dự luật Dẫn độ vào năm ngoái, người dân Hong Kong đã phát động một làn sóng phản đối chưa từng thấy, mục đích là để ngăn chặn việc chính quyền Hong Kong dẫn độ tội phạm người Hong Kong sang đại lục để xét xử. Năm ngoái, phong trào chống Dự luật dẫn độ của người Hồng Kông có quy mô chưa từng thấy: ví dụ, có 1,03 triệu người tham gia cuộc diễu hành vào ngày 9/6 và 2 triệu người tham gia cuộc diễu hành vào ngày 16/6 (đây là số lượng kỷ lục trong lịch sử diễu hành ở Hong Kong). Vào ngày 1/7, 550.000 người đã tham gia cuộc diễu hành, vào ngày 21/7 có 430.000 người đã tham gia cuộc diễu hành, vào ngày 18/8 cuộc biểu tình tại Công viên Victoria có 1,7 triệu người tham gia.

Trước sự gay gắt của dư luận, Chính phủ Hong Kong và chính quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục không rút bỏ Dự luật này. Thay vào đó, họ ra lệnh cho cảnh sát Hong Kong ra tay đối với người biểu tình Hong Kong dẫn đến việc Hong Kong toàn diện rơi vào hỗn loạn. Mặc dù chính phủ Hong Kong cuối cùng đã rút lại Dự luật, nhưng bốn trong năm yêu cầu chính khác của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Năm yêu cầu chính của người dân Hồng Kông là: rút lại Dự luật Dẫn độ, thành lập một ủy ban điều tra độc lập để điều tra sự lạm quyền của lực lượng cảnh sát, thu hồi việc gọi biểu tình của người dân là "bạo loạn", rút ​​lại các cáo buộc chống lại tất cả những người biểu tình; và thực hành cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp.

Truyền thông của ĐCSTQ năm ngoái nói rằng các cuộc biểu tình của người dân Hong Hong là một vấn đề dân sinh

ĐCSTQ đã phớt lờ các quyền của người dân Hong Kong đấu tranh cho nền dân chủ và tự do nói trên. Đảng này cũng từng quy kết các cuộc biểu tình của người dân Hong Kong cho vấn đề nhà ở, việc làm và các vấn đề dân sinh khác, lấy ông trùm thương mại và bất động sản - tỷ phú Lý Gia Thành đứng đầu làm mũi nhọn.

Ngày 12/9 năm ngoái, Tân Hoa Xã đã đăng một bình luận về "Bắt đầu từ việc giải quyết vấn đề nhà ở để giải quyết mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội Hong Kong". Bài báo nói rằng sự phát triển của luật sửa đổi cho đến nay đã phản ánh những xung đột sâu sắc trong xã hội Hong Kong cần được giải quyết. Trong số đó, "vấn đề nổi bật nhất, cấp bách nhất và bị chỉ trích nhiều nhất là vấn đề nhà ở", đã đến lúc phải được giải quyết.

Bài báo nói rằng người dân Hong Kong phản đối vì thế hệ trẻ ở Hong Kong "vọng lâu than thở", thật khó để thế hệ trẻ tìm thấy một "con đường đi lên”, "gia tăng khoảng cách giàu nghèo, củng cố giai cấp" và các lý do khác.

ĐCSTQ đổi giọng có nghĩa là trải đường đàn áp người Hong Kong

Trương Hiểu Minh, Phó giám đốc Văn phòng Hong Kong và Macau của ĐCSTQ, đã bất ngờ thay đổi giọng và đổ lỗi cho nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng ở Hong Kong vì "lý do chính trị", ngay lập tức đã gây sự chú ý của công chúng.

Ông Hồ Bình, một nhà bình luận chính trị ở Mỹ đã nói với BBC rằng ĐCSTQ đã chính thức đổi từ "vấn đề kinh tế" thành "vấn đề chính trị", nghĩa là "Bắc Kinh sẽ tăng cường hơn nữa sự kiểm soát và đàn áp Hong Kong".

Ông Hồ Bình nói rằng Bắc Kinh hiện nhận ra rằng Hong Kong chắc chắn có vấn đề kinh tế của riêng mình, nhưng chỉ dựa vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế không thể loại bỏ được những người phản đối về mặt chính trị.

Đảng Dân chủ: lời phát ngôn "đằng đằng sát khí” của Trương Hiểu Minh

Ông Trương Hiểu Minh cũng tuyên bố rằng "phe đối lập và các thế lực bên ngoài" đã cố gắng biến Hong Kong thành một "thực thể chính trị độc lập hoặc bán độc lập", một "đầu cầu chống Trung Quốc và chống Cộng", và các kênh truyền thông đưa tin tiêu cực về ĐCSTQ.

Đảng Dân chủ Hồng Kông chỉ trích ĐCSTQ vì đã không phản ánh tự suy xét về thất bại trong quản trị mà lại đi đổ lỗi một cách mù quáng cho người dân Hong Kong, khiến đặc khu này trở nên hỗn loạn bất an.

Tờ Apple Daily dẫn lời Chủ tịch Đảng Dân chủ Hong Kong, ông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai): Tình huống thực sự ở Đại lục phản ánh rõ ràng rằng nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bị ĐCSTQ thêu dệt tội danh, ‘lấy ngôn nhập tội’. Ông chỉ ra rằng sau khi ĐCSTQ thông qua Luật an ninh Quốc gia Hong Kong, ĐCSTQ sẽ bịa đặt tội danh để tấn công tiếng nói tự do của người dân Hong Kong.

Ông Dương Nhạc Kiều (Yang Yueqiao), lãnh đạo Đảng Công dân Hong Kong, mô tả bài phát biểu của Trương Hiểu Minh là "đằng đằng sát khí". Ông Dương chỉ ra rằng ĐCSTQ đã một mực định tính sai các cuộc phản kháng của Hong Kong trong vài năm qua - cho là chia rẽ đất nước và liên quan đến các thế lực nước ngoài - mà không hề tự suy xét nguyên nhân thực sự dẫn tới Hong Kong như ngày hôm nay. Đây là là vấn đề sai lầm của ĐCSTQ và chính quyền Hong Kong.

Ông Dương Nhạc Kiều đề cập rằng Trương Hiểu Minh nói rằng khi đối phó với cái gọi là "lực lượng độc lập Hong Kong" phải "lộ ra là đánh, đuổi tận cùng không buông", còn sử dụng việc Nga đối phó với phần tử Chechnya như một ví dụ. Ông Dương nói rằng đây là một ý tưởng rất nguy hiểm: “Mọi người cần biết là vào thời điểm đó, phương thức đối phó với Chechnya của Nga vô cùng đẫm máu. Liệu cách nói này có phải ngầm cho thấy Bắc Kinh sẽ sử dụng phương pháp như thế để đối phó với người Hong Kong?"

Ông Dương chỉ ra rằng lời phát biểu của Trương Hiểu Minh khiến ông nhớ đến bài xã luận ngày 26/4/1989 của Nhật báo Nhân dân Trung Quốc và bài phát biểu của ông Lý Bằng vào ngày 20/5, với mục đích là để mở đường cho một cuộc đàn áp quy mô lớn.

Minh Thanh

Theo Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ đổi giọng định tính lại người biểu tình Hong Kong, nghi để trải đường cho đàn áp