Chính quyền Trung Quốc đề xuất 'Tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật dữ liệu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến luật bảo mật của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã có sáng kiến về “tiêu chuẩn toàn cầu về ​​bảo mật dữ liệu” với hy vọng rằng tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng trên toàn thế giới, theo Breitbart. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã xuất hiện trong một video ghi hình một cuộc họp kín ở Bắc Kinh diễn ra hôm 8/9. Tại cuộc họp này, 8 phần mới về bảo mật dữ liệu đã được công bố và Trung Quốc coi đây là “Tiêu chuẩn toàn cầu mới cho bảo mật dữ liệu”, TechCrunch đưa tin.

Trong video, ông Vương nói: “Điều quan trọng là phải phát triển một bộ quy tắc quốc tế về bảo mật dữ liệu. Một quốc gia cụ thể liên tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại những người khác dưới danh nghĩa một mạng lưới ‘sạch’ và sử dụng bảo mật như một cái cớ để săn mồi các doanh nghiệp của các quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh. Phải phản đối và bác bỏ những hành vi ăn hiếp trắng trợn như vậy”, khi ông đề cập đến Hoa Kỳ.

Theo các quy tắc được đưa ra trong cuộc họp, Bắc Kinh sẽ không yêu cầu các công ty Trung Quốc chuyển dữ liệu ở nước ngoài cho chính phủ nữa nếu hành vi đó vi phạm luật của các quốc gia khác. Đồng thời ĐCSTQ kêu gọi các quốc gia khác phản đối việc giám sát hàng loạt đối với các nước đối thủ và yêu cầu các công ty không cài đặt phần mềm chạy ngầm trong các sản phẩm của họ để thu thập dữ liệu bất hợp pháp.

ĐCSTQ đưa ra các quy tắc này chỉ vài ngày trước khi ứng dụng truyền thông xã hội TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc có kế hoạch được bán cho một công ty Hoa Kỳ nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Hoa Kỳ, theo sắc lệnh hành pháp từ Tổng thống Donald Trump. Washington cho rằng TikTok gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia với Hoa Kỳ vì ứng dụng này có thể chuyển dữ liệu của công dân Hoa Kỳ về Bắc Kinh. Tuy vậy, TikTok liên tục phủ nhận khả năng này.

Bất chấp ngụ ý khá rõ ràng của Bộ trưởng Vương Nghị về sáng kiến Tiêu chuẩn bảo mật quốc tế là để nhắm vào Mỹ, Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc Li Haidong nói với tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc rằng, sáng kiến ​​này không nên được coi là nhắm mục tiêu đến Hoa Kỳ.

Ông Li nói: “Bảo mật dữ liệu là một vấn đề toàn cầu quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của thế giới. Với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc đang đưa ra một đề xuất nhằm tối đa hóa lợi ích của tất cả các nước. Còn các quốc gia sẽ đưa tự ra quyết định của họ”.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã hôm 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói Mỹ "không có quyền" thiết lập "mạng lưới sạch" và gọi các hành động của Washington là “một trường hợp bắt nạt kinh điển”, theo Reuters.

Mặc cho Bộ ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng phản đối, và các công ty viễn thông Trung Quốc quanh co như thế nào, Mỹ vẫn mạnh mẽ xúc tiến và đã có 30 quốc gia tham gia vào “mạng lưới sạch” để bảo vệ dữ liệu an ninh quốc gia và người dân Mỹ trước các công ty viễn thông Trung Quốc.

Hôm 5/8, chính quyền Trump cho biết họ đang tăng cường nỗ lực thanh lọc các ứng dụng Trung Quốc không đáng tin cậy từ các mạng kỹ thuật số của Mỹ, và gọi ứng dụng video ngắn TikTok cùng ứng dụng nhắn tin WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc là “những mối đe dọa lớn”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các nỗ lực mở rộng của Mỹ trong một chương trình “mạng lưới sạch” tập trung vào 5 lĩnh vực và bao gồm quy trình chặt chẽ ngăn chặn các ứng dụng khác nhau cũng như các công ty viễn thông Trung Quốc truy cập thông tin nhạy cảm về công dân và doanh nghiệp Mỹ.

“Với các công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, các ứng dụng như TikTok, WeChat và các ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Pompeo nói.

Nguyễn Minh
Theo Breitbart



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc đề xuất 'Tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật dữ liệu'