ĐCS Trung Quốc yêu cầu người dân báo cáo khi thấy những bình luận lịch sử 'bất hợp pháp' trên mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phó giáo sư nhận định, ông Tập biết rằng sẽ “khó kiểm soát quần chúng [Trung Quốc] nói chung” nếu các chương đen tối trong lịch sử của ĐCSTQ được công bố rộng rãi.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang yêu cầu người dân nước này chỉ điểm những người dùng internet trực tuyến không tuân theo đường lối của Bắc Kinh khi bình luận về lịch sử Trung Quốc, theo một thông báo gần đây của cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc.

Trong một thông báo vào ngày 9/4, cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, đường dây nóng 12377 hiện đã mở để cho phép người dân Trung Quốc báo cáo về những cư dân mạng “xuyên tạc” lịch sử của ĐCSTQ, công kích các nhà lãnh đạo Đảng này cùng những suy nghĩ, chính sách của họ, và bôi nhọ “các anh hùng dân tộc”. Đường dây nóng 12377 vốn tồn tại lâu đời, cho phép người dân Trung Quốc báo cáo về các hoạt động trực tuyến như lừa đảo và tin đồn

CAC tuyên bố, mục tiêu của động thái này là truy quét những người truyền bá “chủ nghĩa lịch sử hư vô” trước lễ kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ vào tháng 7 năm nay. Cơ quan này cáo buộc những “người theo chủ nghĩa hư vô” này là những cá nhân có “động cơ thầm kín”, muốn “xuyên tạc, bôi nhọ và phủ nhận lịch sử của [ĐCSTQ], của đất nước [Trung Quốc] và quân đội một cách ác ý”.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chế độ độc tài cầm quyền tại Trung Quốc đã tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại khái niệm “chủ nghĩa lịch sử hư vô”. Đây là một thuyết ám chỉ sự hoài nghi của công chúng về những gì mà ĐCSTQ kể về các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ, việc những người theo chủ nghĩa này thường đặt câu hỏi về di sản của các cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông được coi là một phạm trù hư vô lịch sử nguy hiểm, có thể đe dọa quyền cai trị của ĐCSTQ tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa lịch sử hư vô vẫn tiếp tục dưới thời nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình. Vào tháng 4/2018, chế độ Trung Quốc đã thông qua một đạo luật coi đây là tội vu khống các anh hùng của ĐCSTQ và các liệt sĩ cách mạng. Chưa đầy một tháng sau, văn phòng công tố ở tỉnh Giang Tô thuộc miền đông Trung Quốc đã viện dẫn luật trong một vụ kiện chống lại một người đàn ông. Người này bị cáo buộc vì những chỉ trích trực tuyến của mình về một lính cứu hỏa đã chết trong chiến dịch cứu hộ vài ngày trước đó.

Vào tháng 4 năm ngoái, ông Tập đã yêu cầu thanh niên Trung Quốc “chống lại những suy nghĩ sai lầm một cách có ý thức”, bao gồm chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa lịch sử hư vô.

Gần đây nhất, vào ngày 7/4, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin rằng, một cư dân mạng 19 tuổi đã bị giam giữ ở Giang Tô sau khi đưa ra những nhận xét "xúc phạm" trên mạng xã hội Trung Quốc đối với các nạn nhân của tội ác chiến tranh Nhật Bản trong thời gian Đế quốc Nhật chiếm đóng thành phố Nam Kinh của Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1937-1945).

Một buổi họp của dư luận viên huyện Phương Chính, một huyện nhỏ của Trung Quốc (Ảnh được cung cấp riêng cho The Epoch Times)

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Epoch Times tiếng Trung vào ngày 12/4, phó giáo sư Feng Chongyi trong ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ ở Sydney khẳng định, thời điểm CAC quyết định tung ra đường dây nóng chống lại “chủ nghĩa lịch sử hư vô” là rất quan trọng.

Phó giáo sư Feng giải thích, hẳn là ĐCSTQ đang ở trong tình trạng “nguy cấp”, phải đối mặt với những vấn đề thách thức tính hợp pháp của chế độ cai trị.

Ông nhận định thêm rằng, bản thân ông Tập phải nhận thức đầy đủ về một số chương đen tối trong lịch sử của ĐCSTQ về đấu đá chính trị, bao gồm cả việc cha ông là ông Tập Trung Hưng bị thanh trừng về mặt chính trị như thế nào sau khi bị cáo buộc lãnh đạo một “bè phái chống [ĐCSTQ]”.

Do đó, phó giáo sư Feng khẳng định, ông Tập biết rằng sẽ “khó kiểm soát quần chúng nói chung” nếu các chương đen tối này được công bố rộng rãi.

Đường dây nóng của CAC không phải là sáng kiến ​​mới duy nhất gần đây của chế độ Trung Quốc nhằm kiểm soát sự hiểu biết của người dân nước này về lịch sử của ĐCSTQ.

Vào ngày 24/3, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc là Tân Hoa xã đưa tin rằng, Bắc Kinh đã ra mắt một trang web chính thức để mọi người tìm hiểu lịch sử của ĐCSTQ.

Chưa đầy một tháng sau, CAC thông báo trên trang web của mình rằng họ đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 13/4, tập trung vào cách thực hiện các chương trình khuyến mãi trực tuyến về việc tìm hiểu lịch sử của ĐCSTQ. Cuộc họp có sự tham dự của những người đứng đầu CAC khu vực, những người đứng đầu cơ quan truyền thông nhà nước, bao gồm Tân Hoa xã, và những người đứng đầu các trang web tin tức khu vực.

Cuộc họp đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tạo nội dung trực tuyến sẽ tạo ra “bầu không khí mạnh mẽ trong không gian mạng để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập [ĐCSTQ]”. Ngoài ra, nó nói rằng nội dung phải sử dụng “ngôn ngữ internet” để các cư dân mạng trẻ tuổi của Trung Quốc sẽ “nghe lời [ĐCSTQ và] đi theo [ĐCSTQ]”.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc yêu cầu người dân báo cáo khi thấy những bình luận lịch sử 'bất hợp pháp' trên mạng