ĐCS Trung Quốc muốn quản chế người dân toàn cầu bằng cây gậy 'Luật An ninh Quốc gia Hong Kong'

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành muốn kiểm soát "tất cả mọi người trên thế giới”. Cách đây vài ngày, chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ có "hành động pháp lý" đối với hai nghị sĩ Đan Mạch vì đã giúp nhà dân chủ Hứa Chí Phong (Ted Hui Chi-fung) bỏ trốn. Trước đó hôm 6/1, Hong Kong cũng đã viện dẫn Luật này để bắt giữ 53 nhà dân chủ khác.

Tờ Politiken của Đan Mạch đưa tin ngày 8/1 rằng, chính phủ Hong Kong đang nghiên cứu việc dẫn độ và truy tố nghị sĩ Đảng Xanh Uffe Elbæk và nghị sĩ Đảng Bảo thủ Katarina Ammitzbøll của Đan Mạch, cáo buộc họ đã hỗ trợ cựu nhà lập pháp Hứa Chí Phong bỏ trốn sang châu Âu.

Nghị sĩ Đảng Xanh Uffe Elbæk (trái) và Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Katarina Ammitzbøll (phải) của Đan Mạch. (Ảnh từ Twitter)
Nghị sĩ Đảng Xanh Uffe Elbæk (trái) và Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Katarina Ammitzbøll (phải) của Đan Mạch. (Ảnh từ Twitter)

Bài báo nói rằng, động thái này được coi là một hành động pháp lý khác mà ĐCSTQ nhắm vào công dân nước ngoài dưới danh nghĩa “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”, việc này có thể gây ra một cuộc xung đột ngoại giao khác giữa ĐCSTQ và Đan Mạch.

Người phát ngôn của Cục An ninh Hong Kong trả lời rằng, bất kỳ ai liên quan đến việc tổ chức, lập kế hoạch hoặc hỗ trợ cho những người bỏ trốn khỏi Hong Kong, hoặc âm mưu phạm tội hình sự, thì phía cảnh sát sẽ điều tra, tìm kiếm bằng chứng và "xử lý theo quy định của pháp luật".

Nhà báo người Mỹ gốc Đan Mạch Justin Cremer tiết lộ trên Twitter rằng, chính quyền Hong Kong đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế (intl arrest warrants) đối với hai nhà lập pháp Đan Mạch. Bài tweet nói rằng đây là một "tin tức điên rồ".

Hai nghị sĩ Uffe Elbæk và Katarina Ammitzbøll cũng xác nhận trên Twitter rằng, ĐCSTQ đang chuẩn bị có những hành động pháp lý chống lại họ. Ngoài hai nghị sĩ này, hai người Đan Mạch khác có liên quan đến vấn đề này cũng đã bị chính quyền Hong Kong đe dọa truy tố.

Tuy nhiên, tờ Politiken dẫn lời Ngoại trưởng Đan Mạch cho biết, Đan Mạch sẽ không đồng ý việc dẫn độ các chính trị gia của Quốc hội nước này đến Hong Kong, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Đan Mạch được bảo đảm bởi Hiến pháp, và các nghị sĩ Đan Mạch có quyền gặp bất kỳ ai họ muốn mà không phải lo lắng về việc bị trả thù.

Nhà dân chủ Hứa Chí Phong trả lời tờ Apple Daily nói rằng, theo ông được biết thì bốn người Đan Mạch nói trên chưa nhận được bất kỳ lệnh bắt giữ nào. Nhưng ông Hứa cũng chỉ ra rằng ngay cả khi chính quyền Hong Kong thực sự đã phát lệnh bắt giữ, thì cũng không có gì là ngạc nhiên khi họ không thông báo cho ông.

Ông Hứa tiếp tục chỉ ra rằng việc Trung Quốc ban hành lệnh bắt giữ các chính trị gia nước ngoài là rất "điên rồ và vô lý", điều này phản ánh thói "ngoại giao chiến lang" và cách làm "phô trương thanh thế và tự lừa mình dối người" của ĐCSTQ.

Trước đó, hai nghị sĩ Đan Mạch đã mời ông Hứa Chí Phong tham gia một cuộc hội thảo về môi trường, nhờ vậy ông Hứa đã có thể rời khỏi Hong Kong. Ngay sau khi đến Đan Mạch, ông tuyên bố rút khỏi Đảng Dân chủ Hong Kong và sống lưu vong ở hải ngoại, sau đó chuyển đến London cùng gia đình.

Bắt giữ 53 nhà dân chủ Hong Kong

Hôm 6/1, "Sở An ninh Quốc gia" thuộc Lực lượng Cảnh sát Hong Kong (National Security Department of the Hong Kong Police Force) đã bắt giữ 53 người với tội danh "lật đổ quyền lực nhà nước" trong “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong".

Về vụ bắt giữ này, ông Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-ting), cựu Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, cho biết tình hình chính trị ở Hong Kong đã bước vào một mùa đông giá rét. Hiện tại, những người bị bắt đã lần lượt được tại ngoại, ngoại trừ ông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai). Đảng Dân chủ Hong Kong hiện đang dốc toàn lực để hỗ trợ họ.

Vụ bắt giữ hôm 6/1 là vụ bắt giữ lớn nhất kể từ khi ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong.

Cựu Phó giáo sư luật Đới Diệu Đình là một trong 53 người bị bắt giữ, ông đã được tại ngoại sau gần 40 giờ bị giam giữ. Ông nói rằng mặc dù tình hình dân chủ ở Hong Kong đã bước vào một mùa đông khắc nghiệt, nhưng ông tin rằng sẽ có người tiếp tục đấu tranh.

Ông Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-ting), cựu Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, bị bắt hôm 6/1. (Anthony Kwan/Getty Images)
Ông Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-ting), cựu Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, bị bắt hôm 6/1. (Anthony Kwan/Getty Images)

Sau khi được tại ngoại, Ủy viên Hội đồng quận Thuyên Loan là ông Sầm Ngao Huy (Lester Shum) nói rằng lý do ông bị bắt giữ rất nực cười.

Ông Sầm nói: "Tôi bị buộc tội lật đổ đất nước vì chúng tôi đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của phe dân chủ".

Ông cũng cho biết: "Hiện nay, trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi một người dân Hong Kong là liệu chúng ta còn có thể tiếp tục làm người tốt dưới sự thống trị của ĐCSTQ hay không".

Vào ngày 6/1, chính quyền Hong Kong đã cử hơn 1.000 nhân viên cảnh sát an ninh quốc gia lục soát hơn 70 địa điểm ở Hong Kong, bắt giữ 53 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và cáo buộc họ phạm tội “lật đổ quyền lực nhà nước" trong" Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” vì tham gia cuộc bầu cử sơ bộ "Kế hoạch trưng cầu dân ý 35+" của phe ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong vào tháng 7 năm ngoái. Vụ bắt giữ này đã bị cộng đồng quốc tế bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada và các nước khác lên án.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc muốn quản chế người dân toàn cầu bằng cây gậy 'Luật An ninh Quốc gia Hong Kong'