ĐCS Trung Quốc có ý đồ thay đổi cơ chế bầu cử Đặc khu trưởng Hong Kong và tiếp tục đàn áp các nhà dân chủ Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thi hành “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”, nó đã hủy bỏ tư cách của 4 nhà lập pháp Hong Kong. Hiện tại, ĐCSTQ lại đang cố gắng thay đổi các chính sách liên quan để làm suy yếu sức ảnh hưởng của phe dân chủ trong việc bầu cử Đặc khu trưởng.

Tờ South China Morning Post của Hong Kong đưa tin vào ngày 22/12 rằng, nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng để làm suy yếu sức ảnh hưởng của những người thuộc phe dân chủ ở Hong Kong trong cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hong Kong năm 2022, ĐCSTQ có kế hoạch hủy bỏ 117 ghế của ủy viên hội đồng cấp quận trong số tổng cộng 1.200 ghế của Ủy ban Bầu cử.

Theo bài báo, hiện nay tất cả 36 đại biểu của Hong Kong trong Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ (NPC) đều là thành viên của Ủy ban Bầu cử. Sau khi sửa đổi chính sách, số ghế của thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khu vực Hong Kong trong Ủy ban Bầu cử sẽ tăng từ 51 ghế lên gần 200 ghế, có nghĩa là hầu hết các thành viên CPPCC Hong Kong đều có thể có ghế trong Ủy ban Bầu cử.

Theo bài báo, ĐCSTQ hy vọng sẽ làm giảm cơ hội tiến vào và lãnh đạo Hội đồng Lập pháp Hong Kong của các nhà dân chủ Hong Kong. Đồng thời, phe kiến chế Hong Kong (phe thân ĐCSTQ) cũng đang vận động Bắc Kinh bãi bỏ 5 “siêu ghế” trong Hội đồng Lập pháp được bầu cử theo nghiệp đoàn (functional constituency). Cơ sở cử tri của một số khu vực bầu cử theo nghiệp đoàn cũng có thể bị thắt chặt.

Ông Chung Kiếm Hoa (Zhong Jianhua), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Đại học Bách khoa Hong Kong, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Á Châu Tự do (RFA) hôm 22/12, đã lên án ĐCSTQ vì không những không thực hiện lời hứa trong Luật Cơ bản, mà thậm chí còn làm cho lịch sử “lội ngược dòng”.

Ông Chung nói: "117 ghế của hội đồng quận chiếm gần 1/10 số ghế trong Ủy ban Bầu cử Đặc khu trưởng. Thêm nữa là phe dân chủ vốn có khoảng 300 phiếu trong các lĩnh vực dịch vụ xã hội và nghề nghiệp, tổng cộng có khoảng 400 phiếu nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh. Bây giờ Bắc Kinh hy vọng sẽ sử dụng phương pháp này (cải cách) để tăng cường thao túng kết quả bầu cử và khiến toàn bộ cuộc bầu cử trở nên dối trá hơn nữa”.

Ông Chung nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh sẽ chỉ khiến người dân Hong Kong thêm mất lòng tin vào kết quả bầu cử; uy tín và tính chính đáng về mặt chính trị của Đặc khu trưởng cũng sẽ suy giảm.

"Nếu Đặc khu trưởng không có đủ độ chính đáng về mặt chính trị, thì sẽ rất khó để lãnh đạo xã hội. Hãy nhìn vào tình hình mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đang đối mặt bây giờ, bà ấy căn bản là không thể làm dịu các tranh chấp xã hội, cũng như là xã hội không thể tin vào quyết định của bà ấy. Điều này sẽ làm cho việc ra quyết định của chính phủ trở nên rất khó khăn”. Ông Chung nói rằng Hội đồng Lập pháp, với tư cách là cơ quan thể hiện ý chí của người dân, sẽ đưa ra nhiều ý kiến ​​khác nhau vào quốc hội và đi đến quyết định cuối cùng thông qua các thủ tục. Do đó, thủ tục quốc hội là một quy trình chính trị quan trọng.

"Nếu cơ quan dân ý này bị (Bắc Kinh) kiểm soát hoàn toàn, thì một số ý kiến của nhân dân sẽ không được lắng nghe, và chính phủ sẽ rất dễ ra các quyết định sai lầm. Đó cũng không phải là điều tốt cho Bắc Kinh”, ông Chung nói.

Bài báo dẫn lời một ủy viên hội đồng quận ở Hong Kong yêu cầu giấu tên nói rằng, kể từ cuộc sóng gió chống sửa đổi năm ngoái, ĐCSTQ và chính quyền Hong Kong chưa bao giờ có thể thúc đẩy các cuộc đối thoại chính trị có ý nghĩa với người dân Hong Kong. Ông lo lắng rằng những thay đổi lớn trong hệ thống bầu cử của Hong Kong sẽ khiến xã hội Hong Kong bị chia rẽ.

Ông nói: "Người dân Hong Kong trông đợi vào hệ thống chính trị. Hành động này chắc chắn sẽ khiến người dân Hong Kong mất hết kỳ vọng về sự phát triển theo hướng dân chủ. Bắc Kinh và người dân Hong Kong sẽ mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, và cải cách chính trị trong tương lai sẽ càng khó khăn hơn. Chỉ có những cuộc đối thoại có ý nghĩa mới có thể duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong".

Sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ thông qua "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" vào ngày 30/6 năm nay và cưỡng chế thực thi tại Hong Kong trong cùng ngày, ĐCSTQ đã sử dụng luật này để bắt giữ một lượng lớn các nhà dân chủ, khiến nhiều người dân Hong Kong phải bỏ chạy khỏi Hong Kong.

Vào ngày 11/11, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ đã quyết định hủy bỏ tư cách của 4 nhà lập pháp Hong Kong, bao gồm ông Alvin Yeung Ngok-kiu (Dương Nhạc Kiều), ông Kwok Ka-ki (Quách Gia Kỳ), ông Dennis Kwok Wing-hang (Quách Vinh Khanh) thuộc đảng Công Dân ông Kenneth Leung Kai-cheong (Lương Kế Xương).

Các nghị sĩ phe dân chủ đã tổ chức một cuộc họp báo vào tối ngày 11/11, thông báo rằng 15 nghị sĩ dân chủ còn lại sẽ nộp đơn từ chức tập thể vào ngày 12/11. Các chuyên gia cho rằng, ĐCSTQ đã lợi dụng sự hỗn loạn trong cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ để cố gắng thoát khỏi các lệnh trừng phạt và muốn xóa sạch mọi tiếng nói đối lập ở Hong Kong trong thời gian này.

Vào ngày 7/12, Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt đối với 14 Phó Ủy viên trưởng của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ vì đã xâm phạm nhân quyền của Hong Kong và làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc có ý đồ thay đổi cơ chế bầu cử Đặc khu trưởng Hong Kong và tiếp tục đàn áp các nhà dân chủ Hong Kong