ĐCS Trung Quốc bắt giữ những người bất đồng chính kiến ​​trước Hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác đã xuất hiện trước công chúng trong vài ngày, trong khi cảnh sát ở thị trấn nghỉ dưỡng phía bắc Bắc Đới Hà gần đây bắt đầu thắt chặt an ninh. Các nhà quan sát dự đoán rằng hội nghị bí mật hàng năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ sớm diễn ra.

Gần đây, những người thỉnh nguyện kêu gọi chính quyền Trung Quốc lắng nghe những bất bình của họ cũng bị bắt giữ trong khu vực này. Trước các cuộc họp chính trị quan trọng, cảnh sát ĐCSTQ thường đàn áp các phe bất đồng chính kiến.

Theo thông lệ, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ sẽ đi nghỉ ở Bắc Đới Hà nằm ở phía bắc tỉnh Hà Bắc, trong khoảng 2 tuần. Kỳ nghỉ này thường bắt đầu vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Các phe nhóm của ĐCSTQ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức, thảo luận về các chính sách lớn của quốc gia và hoàn thiện các quyết định trong hội nghị, nhưng các chi tiết được giữ kín.

Trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, những người thỉnh nguyện đã nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng, cảnh sát ở Bắc Đới Hà đã bắt họ tại các nhà ga xe lửa địa phương hoặc trên đường phố và gửi họ về nhà. Tuy nhiên, những cảnh sát này không hề đưa ra lý do hoặc có văn bản chính thức của lệnh bắt giữ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có một số hoạt động vào cuối tháng 7 nhưng không tham gia vào các hoạt động công khai trong vài ngày qua. Năm thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, cũng chưa xuất hiện trước công chúng.

Nhưng đến tháng này, các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin về nhiều hoạt động của các nhà lãnh đạo chính quyền tỉnh, chẳng hạn như Bí thư Đảng tỉnh Hà Bắc.

Theo tờ báo nhà nước Hà Bắc Nhật báo, ông Vương Đông Phong (Wang Dongfeng) đã đến thăm Bắc Đới Hà vào ngày 12/6 và 13/6 để kiểm tra các sắp xếp an ninh tại địa phương.

ĐCSTQ cài đặt các hệ thống giám sát hàng loạt để thắt chặt kiểm soát xã hội và việc không tuân thủ các lệnh đề ra có thể dẫn đến mất việc làm, nhà ở, quyền tự do và quyền được đi học. 
ĐCSTQ cài đặt các hệ thống giám sát hàng loạt để thắt chặt kiểm soát xã hội và việc không tuân thủ các lệnh đề ra có thể dẫn đến mất việc làm, nhà ở, quyền tự do và quyền được đi học. (Tổng hợp)

Từ thời điểm đó, người dân địa phương nhận thấy tần suất xuất hiện của cảnh sát gia tăng đáng kể.

Cô Ma Bo là một người thỉnh nguyện ở Bắc Đới Hà. Cô nói rằng cảnh sát đã bố trí các trạm kiểm soát tại các ga đường sắt ở Bắc Đới Hà và Tần Hoàng Đảo (Qinhuangdao), thành phố nơi có thị trấn nghỉ dưỡng. Cảnh sát cũng kiểm tra danh tính người dân tại các ngã tư đường phố ở Bắc Đới Hà, trong nỗ lực tìm kiếm tất cả những người khiếu kiện và bất đồng chính kiến.

Cô Ma và con trai cô đã đến bãi biển cùng 2 người bạn là cảnh sát ở quê cô - thành phố Giai Mộc Tư (Jiamusi).

Trong khi họ đang lái xe ô tô riêng vào ngày 27/7, cảnh sát đã yêu cầu dừng phương tiện và không cho phép họ vượt qua trạm kiểm soát vì cô Ma được xác định là người khiếu nại khi cảnh sát thực hiện quét nhận dạng gương mặt cô bằng điện thoại giám sát của mình.

“[Cảnh sát địa phương] cuối cùng đã thả chúng tôi ra sau khi cảnh sát từ Giai Mộc Tư đã tranh luận với họ một thời gian lâu”, cô Ma cho biết.

Tại Công viên Núi Lianfeng trên đường đến bãi biển, cô Ma lại bị cảnh sát chặn lại. Cảnh sát đã quét số ID của cô và xác định cô là “mục tiêu”. Cô Ma sau đó bị buộc rời khỏi công viên và phải quay về nhà.

Cô Ma nói thêm rằng các nhà chức trách gần đây đã lắp đặt camera giám sát trong tất cả các xe taxi. Theo cô, các chức năng nhận dạng khuôn mặt của máy camera có thể xác định được những người bất đồng chính kiến ​​và cảnh báo về sự hiện diện của họ với lực lượng chức năng của ĐCSTQ.

Một cảnh sát Trung Quốc đứng trước camera giám sát tại quảng trường Thiên An Môn (Photo by STR / AFP) / (Photo credit should read STR/AFP via Getty Images)

Cô Xiao Jin là một người thỉnh nguyện đến từ tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc. Cô đến Bắc Đới Hà vào ngày 25/7 với hy vọng kêu gọi các quan chức hàng đầu lắng nghe cô khi họ ở trong khu vực này. Nhưng ngay sau đó, cô đã bị bắt giữ tại nhà ga xe lửa và gửi trở lại Vân Nam.

“Cảnh sát đã lấy một trong những chiếc điện thoại của tôi, vì họ sợ tôi sẽ vạch trần hành vi sai trái của họ”, cô Xiao nói.

Bắc Đới Hà là một thị trấn nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng hướng ra biển Bột Hải (Bohai).

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng như các chính khách đã nghỉ hưu của ĐCSTQ được triệu tập tại đây để thảo luận về các thách thức mà ĐCSTQ đang đối mặt, phân bổ quyền lực giữa các phe phái khác nhau và quyết định ai sẽ thăng chức hay bãi nhiệm.

Không một phóng viên nào được phép tham dự cuộc họp cũng như phỏng vấn các quan chức. Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng không phát hành bất kỳ thông báo hay đưa tin bài nào.

Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong và ngoài nước, bao gồm cả dịch virus Corona Vũ Hán và tác động của nó đối với nền kinh tế; lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác xảy ra trên cả nước đã ảnh hưởng đến hàng triệu người; và phản ứng dữ dội từ quốc tế chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh tại Tân Cương, việc kiểm soát chặt chẽ Hong Kong và những rủi ro an ninh liên quan đến các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ vẫn không suy giảm. Trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 9 quan chức có cấp bậc Chủ tịch tỉnh trở lên đã bị cách chức và bị giam giữ, theo tờ Nhật báo Kinh tế trực thuộc nhà nước Trung Quốc.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc bắt giữ những người bất đồng chính kiến ​​trước Hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà