Dấu vết dịch bệnh ‘trở về’ hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán: Khả năng virus Corona Vũ Hán đã bị rò rỉ từ đây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù không có bằng chứng nào về khả năng rò rỉ virus Corona Vũ Hán từ phòng thí nghiệm, chúng ta không thể chấp nhận sự chối bỏ trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc.

Có thể hiểu được tại sao nhiều người lại cảnh giác với ý kiến rằng một số nhà làm phim tài liệu từng sống ở Trung Quốc đã phát hiện được nguồn gốc của coronavirus. Matthew Tye, người tạo ra các video trên YouTube, cho biết anh đã xác định được nguồn gốc của loại virus này, và rất nhiều thông tin mà anh trình bày, được thu thập từ các hồ sơ công khai trên Internet, là đúng sự thật.

Ngày 18/11/2019, viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc đăng tin cần tuyển “một nhà khoa học để nghiên cứu về mối quan hệ giữa coronavirus và dơi”.

Thông báo tuyển người tạm dịch là: “Sử dụng dơi làm đối tượng nghiên cứu để xác định cơ chế sinh học phân tử của dơi có thể miễn nhiễm với coronavirus như thế nào. Các so sánh vật liệu di truyền, sinh học phân tử đã cho thấy Ebola và SARS đều có virus nguồn gốc từ dơi. Tuy nhiên, dơi mang virus corona trong thời gian dài mà lại không phát bệnh. Nghiên cứu viên cần giải quyết câu hỏi: cơ chế miễn nhiễm của dơi liên quan thế nào với khả năng bay lượn và và vòng đời của loài vật này? Virus học, miễn dịch học, sinh học tế bào và các kỹ thuật sinh học hiện đại (omics) được sử dụng để so sánh sự khác biệt (trong cơ chế này) giữa người và các động vật có vú khác”. (‘Omics’ là thuật ngữ cho một lĩnh vực sinh học, chẳng hạn như genomics hoặc glycomics.)

Ngày 24/12/2019, Viện Virus học Vũ Hán đã đăng quảng cáo tuyển người thứ hai, trong đó viết: “nghiên cứu dài hạn về sinh học gây bệnh của dơi mang virus quan trọng đã xác nhận nguồn gốc các bệnh truyền nhiễm mới của dơi ở người và gia súc như SARS và SADS, và một số lượng lớn virus mới của dơi và các loại loài gặm nhấm đã được phát hiện và xác định”.

Theo Matthew Tye, mẩu tin trên có nghĩa là: “Chúng tôi đã phát hiện ra một loại virus mới rất khủng khiếp và cần tuyển nhân viên khoa học để phát triển nghiên cứu”. Tye cũng cho rằng “mãi sau đó mới có tin tức về coronavirus chủng mới”. Các bác sĩ ở Vũ Hán biết rằng họ đang đối phó với cụm các ca nhiễm viêm phổi từ tháng 12/2019. Một điều chính xác là có rất ít người biết về chủng coronavirus mới này, và mức độ nghiêm trọng của nó tại thời điểm họ đăng tin tuyển nhân viên nghiên cứu. Đến ngày 31/12/2019, khoảng ba tuần sau khi các bác sĩ phát hiện các ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên, chính phủ Trung Quốc mới thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và truyền thông bắt đầu đưa tin về “bệnh viêm phổi bí ẩn” xuất hiện ở bên ngoài Trung Quốc.

Tạp chí Khoa học Mỹ Scientific American xác minh hầu hết thông tin mà Tye đề cập về Shi Zhengli, nhà virus học người Trung Quốc có biệt danh là “người dơi” bởi tính chất công việc của cô.

Shi là một nhà virus học thường được các đồng nghiệp gọi là “người dơi” của Trung Quốc vì sự nghiệp thám hiểm săn virus của cô trong hang dơi suốt 16 năm qua. Một ngày nọ, khi đang tham dự hội nghị ở Thượng Hải, cô phải bỏ giữa chừng để đáp tàu về Vũ Hán. Cô nói: “Tôi tự hỏi liệu cơ quan y tế thành phố có nhầm không. Tôi nghĩ điều này không thể xảy ra ở Vũ Hán, ở miền Trung của Trung Quốc”. Các nghiên cứu của cô cho thấy các khu vực cận nhiệt đới phía Nam, như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam mới có nguy cơ nhiễm coronavirus cao nhất từ ​​động vật sang người - đặc biệt là từ dơi, khi dơi là con vật mang nhiều loại virus. Nếu đúng là coronavirus đang gây bệnh ở Vũ Hán ... một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cô, “liệu có phải virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm không?”

Đến ngày 7/1/2010, nhóm các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán đã xác định rằng virus corona chủng mới thực sự là căn nguyên của các ca viêm phổi kia - kết luận này dựa trên kết quả phân tích phản ứng chuỗi polymerase, giải mã trình tự bộ gen đầy đủ, xét nghiệm kháng thể mẫu máu và khả năng lây nhiễm tế bào phổi của virus ở người. Trình tự bộ gen của virus - hiện được gọi chính thức là SARS-CoV-2 vì nó có liên quan đến mầm bệnh SARS, giống với coronavirus được xác định ở dơi móng ngựa Vân Nam tới 96%. Phát hiện này được báo cáo trên tạp chí Nature vào tháng 3/2020. Ông Daszak, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho rằng: “Một lần nữa chúng ta thấy rõ ràng rằng dơi là ổ virus tự nhiên”.

Một số nhà khoa học phủ nhận ý kiến virus này đã lây truyền thẳng từ dơi sang người, trong khi còn tồn tại một số vấn đề với giả thuyết rằng COVID-19 lây truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian:

Các phân tích về bộ gen của SARS-CoV-2 cho thấy động vật chỉ có thể lây truyền virus sang người duy nhất một lần. Tuy nhiên, từ trước tháng 12/2019 đã có các trường hợp virus lây truyền từ người sang người. Chuỗi lây truyền của virus chỉ có thể thực sự được khám phá khi có thêm nhiều thông tin về các loại động vật được bày bán tại chợ Vũ Hán. Tuy nhiên, còn có nhiều khả năng khác. Có thể một thợ săn dơi hoặc một người buôn bán động vật hoang dã nào đó đã mang virus đến khu chợ. Hoặc có thể loài tê tê đang mang trong mình virus corona bị nhiễm từ dơi nhiều năm trước, trong một phần quan trọng của bộ gen của nó có mang virus gần giống với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lại không có bằng chứng rằng ở chợ Vũ Hán có bán tê tê, cũng không có bằng chứng rằng thương lái ở chợ Vũ Hán buôn bán tê tê.

Ngày 4/2/2020 - một tuần trước khi WHO quyết định đặt tên chính thức cho loại virus này là COVID-19, - tạp chí Cell Research đã đăng một thông báo của các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán, rằng, “theo phát hiện nghiên cứu trong ống nghiệm của chúng tôi, thuốc remdesivir và chloroquine có hiệu quả cao trong việc kiểm soát nhiễm trùng 2019-nCoV. Các hợp chất này đã được sử dụng an toàn trên nhiều bệnh nhân và có hiệu quả đối với nhiều loại bệnh khác nhau, do đó chúng tôi đề nghị nên thử nghiệm cho bệnh nhân nhiễm coronavirus chủng mới”. Một trong những tác giả của thông báo đó là “người dơi” Shi Zhengli.

Video trên YouTube của Matthew Tye tập trung sự chú ý vào một nhà nghiên cứu khác của Viện Virus học Vũ Hán tên là Huang Yanling: “Hầu hết mọi người tin rằng cô ấy mang mầm bệnh (bệnh nhân số 0), và hầu hết mọi người tin rằng cô ấy đã chết”.

Có rất nhiều đàm luận liên quan đến những tin đồn về Huang Yanling trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Ngày 16/2/2020, Viện Virus học Vũ Hán đã phủ nhận rằng bệnh nhân số 0 là một trong những nhân viên của họ, cũng như cách đặt tên cô “rất đặc biệt” là “bệnh nhân số 0”: “Gần đây có thông tin giả mạo về Huang Yanling, một nghiên cứu sinh của viện chúng tôi, cho rằng cô là bệnh nhân số 0 mang virus corona chủng mới". Báo giới dẫn lời viện nghiên cứu: “Từ năm 2015 trở về trước, cô Huang là nghiên cứu sinh tại viện. Cô ấy đã rời đi và từ đó không quay lại. Cô Huang có sức khỏe tốt và không có bệnh”. Kể từ năm 2015, không thấy có thêm bất cứ nghiên cứu nào của cô Huang.

Trên trang web của Phòng thí nghiệm Vi sinh Chẩn đoán của Viện Virust học Vũ Hán vẫn còn tên “Huang Yanling” là nghiên cứu sinh năm 2012. Tuy nhiên, ảnh và tiểu sử của cô dường như đã bị xóa gần đây. Hai trường hợp khác cũng bị xóa là Wang Mengyue và Wei Cuihua, nghiên cứu sinh năm 2013.

Tên Huang Yanling vẫn dẫn đến một siêu liên kết, nhưng trang được liên kết trống, không có thông tin. Các trang cho Wang Mengyue và Wei Cuihua cũng tương tự.

Ngày 13/3/2020, tờ South China Morning Post - một tờ báo ủng hộ Bắc Kinh, đưa tin: “Theo dữ liệu của chính phủ, một người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc có thể là người đầu tiên nhiễm Covid-19 vào ngày 17/11/2019”.

Ngày 17/2/2020, Zhen Shuji, phóng viên đài phát thanh Radio France Internationale của Pháp tại Hong Kong cho biết: “Khi một phóng viên từ tờ Tin tức Bắc Kinh của Đại lục hỏi Viện virus về tin đồn bệnh nhân số 0, ban đầu họ phủ nhận rằng viện không có nghiên cứu sinh nào tên là Huang Yanling. Tuy nhiên, sau khi biết rằng trang web của viện vẫn đang lưu tên Huang Yanling, viện đã thừa nhận rằng Huang Yanling từng làm việc tại viện, nhưng hiện đã không còn là người của viện nữa”.

Matthew Tye nói: “Tất cả cư dân mạng ở Trung Quốc đang tìm kiếm Huang Yanling, mặc dù hầu hết họ đều cho rằng cô đã bị hỏa táng và rất có thể có những người làm việc tại nhà hỏa táng đã bị lây nhiễm vì họ không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về virus”. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, việc xử lý thi thể của các nạn nhân coronavirus - bao gồm cả chôn và hỏa táng - là không nguy hiểm, nếu quy chế an toàn được tuân thủ. Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ liệu các quy chế an toàn có được áp dụng đầy đủ ở Trung Quốc trước khi có thông báo chính thức về sự bùng phát dịch bệnh hay không.

Theo quan sát của Tye, sự xuất hiện công khai của Huang Yanling sẽ có thể đẩy lùi rất nhiều tin đồn trên mạng xã hội, và thông thường, chính phủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng thu xếp để Huang Yanling lên tiếng với công chúng nếu cô vẫn còn sống. Một số quan chức tại Viện Virus học Vũ Hán tuyên bố công khai rằng Huang có sức khỏe tốt và không có ai ở viện này bị nhiễm COVID-19. Trong mọi trường hợp, mọi bí ẩn xung quanh Huang Yanling đều có thể được thảo luận, nhưng điều này cho thấy có một điều gì đó về cô đang bị phòng thí nghiệm che giấu. Ngày 23/2/2020, Đài Truyền hình Toàn cầu của nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng về một tin đồn khác nhưng đồng thời cũng cố gắng lấp liếm nó trong một bản tin có tựa đề “Tin đồn nhảm đã được dừng lại với sự sáng suốt.

Ngày 17/2, một chủ tài khoản mạng Weibo tự xưng là Chen Quanjiao, một nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, đưa tin rằng coronavirus chủng mới bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm và người phải chịu trách nhiệm là vị Giám đốc của Viện. Tin này như một quả bom dội lên đầu cư dân mạng Weibo. Ngay sau đó, cô Chen đã bước ra tuyên bố rằng cô chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ thông tin nào và cảm thấy rất phẫn nộ về hành vi gian lận danh tính như vậy trên Weibo. Tài khoản Weibo này đã bị khóa nhiều lần do lan truyền tin sai lệch về COVID-19.

Bản tin của Đài Phát thanh Quốc tế của Pháp ngày 17/2 cũng đề cập đến một phần quan trọng nữa trong video trên YouTube của Tye. “Gần đây, Xiaobo Tao, một học giả từ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, đã đăng một báo cáo rằng các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán bị dính máu và nước tiểu của dơi, sau đó họ phải tự cách ly 14 ngày”. HK01, một trang tin tại Hong Kong, cũng đưa tin về báo cáo này.

Tên của bác sĩ được đánh vần bằng tiếng Anh là “Xiaobo Tao” hoặc “Botao Xiao”. Từ năm 2011 đến 2013, Botao Xiao là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Y Đại học Harvard và Bệnh viện Nhi đồng Boston. Tiểu sử của ông vẫn được đăng trên trang web của Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc.

Tháng 2/2020, Botao Xiao đã đăng bài nghiên cứu “Dự đoán nguồn gốc của coronavirus 2019-nCoV” lên ResearchGate.net. Đồng tác giả của Botao Xiao là Lei Xiao từ Bệnh viện Tian You (liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán). Bài viết nhanh chóng bị gỡ bỏ, tuy nhiên, hình ảnh lưu trữ các trang của bài viết vẫn có thể được tìm thấy.

Kết luận đầu tiên trong bài báo của Botao Xiao là những con dơi bị nghi nhiễm virus sẽ không thể được tìm thấy ngoài thiên nhiên ở Vũ Hán, và mặc dù có những câu chuyện về “súp dơi”, họ đã kết luận rằng chợ Vũ Hán không hề bán dơi và dơi không nhất thiết được dùng làm thức ăn.

Những con dơi mang virus CoVZC45 được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam hoặc Chiết Giang, cả hai đều cách chợ hải sản hơn 900 km. Dơi thường sống trong hang động và cây cối. Nhưng chợ hải sản lại nằm trong khu vực dân cư đông đúc của Vũ Hán, một thành phố lớn với khoảng 15 triệu người. Khả năng dơi bay ra chợ là rất thấp. Theo báo cáo của thành phố cùng lời khai của 31 cư dân và 28 du khách, không có ai ăn dơi và chợ không bán dơi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và WHO không thể xác nhận được có dơi bày bán ở chợ hay không.

Bài viết của Botao Xiao đưa ra giả thuyết rằng coronavirus có nguồn gốc từ loài dơi đang được nghiên cứu tại một trong hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Chúng tôi đã sàng lọc khu vực xung quanh chợ hải sản và xác định được hai phòng thí nghiệm làm nghiên cứu về dơi và coronavirus. Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán (WHCDC) nằm cách khu chợ khoảng 280 mét. WHCDC nuôi động vật trong các phòng thí nghiệm cho mục đích nghiên cứu, trong đó có việc thu thập và nhận dạng mầm bệnh. Trong một nghiên cứu của họ, 155 con dơi bao gồm Rhinolophus affinis là dơi từ tỉnh Hồ Bắc và 450 con dơi khác từ tỉnh Chiết Giang. Chủ nhân của Bộ sưu tập này đã được ghi nhận trong Tạp chí Đóng góp của tác giả (JHT). Hơn nữa, năm 2017 và 2019, vị chuyên gia này cũng được khen ngợi trên báo chí và các trang web trên toàn quốc vì đã thu thập được nhiều loại virus. Anh kể rằng anh đã từng bị dơi tấn công và bị máu của nó bắn vào da. Hiểu được sự nguy hiểm cao độ của việc bị lây nhiễm nên anh đã tự cách ly 14 ngày. Một lần khác, anh bị dính nước tiểu của dơi và cũng tự cách ly.

Phẫu thuật đã được thực hiện trên các động vật nuôi trong lồng và các mẫu mô được thu thập để trích xuất và giải mã trình tự DNA và RNA. Các mẫu mô và chất thải bị ô nhiễm là nguồn gốc của mầm bệnh. Phòng thí nghiệm của WHCDC chỉ cách chợ hải sản chưa đến 280 mét, và kế bên là Bệnh viện Liên minh, nơi có nhóm bác sĩ đầu tiên bị nhiễm trong dịch bệnh này. Rất có thể là virus đã rò rỉ xung quanh và ai đó trong số họ đã lây nhiễm sang những bệnh nhân đầu tiên. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong tương lai cần phải có bằng chứng vững chắc về vấn đề này.

Phòng thí nghiệm thứ hai cách chợ hải sản gần 12 km và là chi nhánh của Viện Virus học Vũ Hán, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Tóm lại, có người nào đó đã bị dính coronavirus 2019-nCoV. Ngoài giả thuyết về nguồn gốc tái tổ hợp tự nhiên, khuếch đại trong động vật trung gian, rồi gây bệnh cho người, coronavirus gây chết người này có lẽ có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mức độ an toàn cần phải được tăng cường trong các phòng thí nghiệm có mức độ gây nguy hiểm sinh học nguy cơ cao. Có thể cần đưa ra quy định để di dời các phòng thí nghiệm này ra khỏi trung tâm thành phố và các khu vực đông dân khác.

Tuy nhiên, ngày 26/2/2020, bác sỹ Xiao đã gửi email cho tạp chí Wall Street Journal thông báo rằng anh đã rút bài viết của mình. “Sự suy đoán khả năng về nguồn gốc của virus trong bài viết của chúng tôi chỉ dựa trên báo chí và truyền thông, mà không có bằng chứng trực tiếp”.

Nhà nghiên cứu dơi mà bài viết của bác sỹ Xiao đề cập đến là nhà virus học Tian Junhua, người làm việc tại WHCDC . Năm 2004, WHO đã xác định rằng sự bùng phát của virus SARS là do hai lần rò rỉ tại Viện Virus học Trung Quốc ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc nói rằng vụ rò rỉ là do sơ suất và các quan chức liên quan đã phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt.

Năm 2017, Tập đoàn truyền thông nhà nước ở Thượng Hải đã thực hiện một bộ phim tài liệu dài 7 phút về Tian Junhua, có tựa đề “Tuổi trẻ đến với thiên nhiên hoang dã: Người bảo vệ vô hình”. Các nhà quay phim đã theo bước chân của Tian Junhua vào hang động để bắt dơi. “Trong số tất cả các sinh vật được biết đến, dơi là loài vật mang trong mình nhiều loại virus”, Tian Junhua nói bằng tiếng Trung. “Bạn có thể tìm thấy ở dơi hầu hết các loại virus gây bệnh cho người, như bệnh dại, SARS và Ebola. Theo đó, các hang động mà dơi thường lui tới đã trở thành chiến trường của chúng tôi”. Anh nhấn mạnh, “dơi thường sống trong các hang động hiểm trở. Chỉ ở những nơi này, chúng tôi mới có thể tìm thấy các mẫu tác nhân truyền virus (virus vector) lý tưởng nhất”.

Một trong những tuyên bố cuối cùng của Tian Junhua trong video là: “Trong mười năm qua, chúng tôi đã đặt chân tới mọi ngóc ngách tỉnh Hồ Bắc. Chúng tôi đã khám phá hàng chục hang động nguyên thủy và nghiên cứu hơn 300 loại virus vector. Nhưng tôi hy vọng những mẫu virus này sẽ chỉ được bảo tồn cho nghiên cứu khoa học và sẽ không bao giờ được sử dụng trong cuộc sống con người. Bởi vì con người không chỉ cần vaccine mà còn cần được bảo vệ trước thiên nhiên”.

Tháng 5 năm 2017, Tân Hoa Xã có một bài viết về Tian Junhua và kể về việc tự cách ly của anh. Trang tin tức Trung Quốc JQKNews.com cũng lặp lại tin này:

“Môi trường để thu thập mẫu dơi là vô cùng đáng ngại. Hang dơi có mùi hôi thối. Cơ thể dơi mang nhiều loại virus. Nếu không cẩn thận, các nhà nghiên cứu có thể có nguy cơ bị lây nhiễm. Nhưng Tian Junhua đã không quản ngại khó khăn, cùng vợ đi đến các vùng núi để bắt dơi”.

Tian Junhua đúc kết kinh nghiệm rằng trong hầu hết các trường hợp, để bắt được dơi cần phải bắn súng canon lên trời và kéo lưới. Trong lúc mải mê công việc, anh đã sơ ý để nước tiểu dơi rơi trúng người. Nếu anh bị nhiễm bệnh, thì sẽ không có thuốc chữa.

Cánh dơi rất sắc và nhọn. Khi dùng công cụ bắt được dơi cỡ lớn, chúng thường phun máu. Đã nhiều lần Tian Junhua bị máu dơi phun lên da, nhưng anh không hề lùi bước. Sau khi trở về nhà, anh đã chủ động cách ly trong nửa tháng. Qua thời gian ủ bệnh 14 ngày này, anh đã may mắn không bị nhiễm, bài báo cho biết.

Nước tiểu và máu dơi có thể mang virus. Liệu có khả năng một nhà nghiên cứu tại WHCDC hoặc Viện Virus học Vũ Hán đã bị dính nước tiểu hay máu dơi? Hoặc, biết đâu một số chất thải y tế hoặc vật liệu khác từ dơi đã không được xử lý đúng cách, và đó là tác nhân truyền bệnh sang người?

Các nhà virus học đã vô cùng nghi ngờ giả thuyết COVID-19 là sản phẩm nhân tạo của phòng thí nghiệm. Viện trưởng Viện Y tế Quốc gia cho biết rằng kết quả nghiên cứu bộ gen gần đây “đã làm sáng tỏ nghi ngờ này bằng những bằng chứng khoa học rằng coronavirus chủng mới này có nguồn gốc từ tự nhiên”. Và không có giả thuyết nào đề cập ở trên có bằng chứng chắc chắn rằng COVID-19 có nguồn gốc từ dơi nuôi trong phòng thí nghiệm của WHCDC hoặc Viện Virus học Vũ Hán. Tuy nhiên, để có được bằng chứng xác thực, các nhà khoa học cần được truy cập nhiều thông tin hơn nữa về những gì đã xảy ra trong các cơ quan này vào khoảng thời gian trước khi bùng phát dịch bệnh trong thành phố.

Nhưng có một sự trùng hợp đáng chú ý là Viện Virus học Vũ Hán đã nghiên cứu các coronavirus ở dơi liên quan đến Ebola và SARS trước khi đại dịch bùng phát, và vào tháng 12/2019, khi các bác sĩ Vũ Hán đang điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên, Viện Virus học công bố trong một thông báo tuyển dụng rằng, “một số lượng lớn virus mới ở dơi và chuột đã được phát hiện và xác định”. Và việc chính phủ Trung Quốc phải mất 6 tuần để khẳng định rằng COVID-19 không thể lây truyền từ người sang người đồng nghĩa với việc chừng nào chưa được xác minh độc lập, chúng ta không thể chấp nhận những phủ nhận của họ về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Nguyên Hương

-Theo The Epoch Times

-Tác giả: Jim Geraghty



BÀI CHỌN LỌC

Dấu vết dịch bệnh ‘trở về’ hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán: Khả năng virus Corona Vũ Hán đã bị rò rỉ từ đây