Đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới ở Trung Quốc đi vào hoạt động, chuyên gia cảnh báo hệ sinh thái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 28/6, "Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than sông Kim Sa" trên thượng nguồn sông Trường Giang, Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động. Các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo, dự án đập quy mô lớn trên sông Trường Giang không những phá hủy môi trường sống của các loài động thực vật địa phương, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân vùng hạ du.

Theo thông tin tổng hợp, tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) đã chính thức vận hành vào khoảng 6h55 sáng ngày 28/6, và phát điện sau 72 giờ vận hành thử liên tục có phụ tải. Theo Tập đoàn Tam Hiệp, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than là một trong những dự án lớn nhất và thách thức nhất của Trung Quốc, và là một trong những công trình quốc gia "Truyền tải điện từ Tây sang Đông" của Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa (Jinsha) tại giao giới của huyện Ninh Nam ở tỉnh Tứ Xuyên và huyện Xảo Gia ở tỉnh Vân Nam. Nó bao gồm 16 tổ máy tua-bin thủy điện do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Nhà máy thủy điện này cao 289 mét và có tổng công suất lắp đặt 16 triệu KW, chỉ đứng sau nhà máy thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới. Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than cũng do Tập đoàn Tam Hiệp phát triển và thi công với tổng vốn đầu tư 220 tỷ NDT (khoảng 784,3 nghìn tỷ VNĐ).

Toàn bộ tổ máy của Bạch Hạc Than sẽ chính thức vận hành từ tháng 7/2022, và lượng điện được tạo ra trong một ngày sẽ có thể cung cấp điện cho 100 triệu dân của Trung Quốc.

Trước sự việc này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có thông điệp chúc mừng đặc biệt vào ngày 28/6. Ông bày tỏ hy vọng rằng các nhà máy thủy điện có thể "đạt được mức độ trung tính carbon và đạt được những đóng góp lớn hơn".

Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi trường đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trong nhiều năm qua, rằng việc xây dựng con đập này sẽ phá hủy môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm ở địa phương, bao gồm cả loài cá heo không vây Trường Giang đang bị đe dọa nghiêm trọng, và sẽ phá hủy đồng bằng phù sa tự nhiên.

Trong tháng này, nhiều nhà khoa học đã viết chung một bài báo và đăng trên tạp chí "Khoa học về Môi trường Tổng thể của Elsevier" (Elsevier's Science of the Total Environment). Trong đó viết rằng, dự án đập trên sông đã làm thay đổi thành phần trầm tích trong nước, từ đó sẽ "gây tác động quy mô lớn đến sức khỏe của người dân vùng hạ lưu sông Trường Giang”.

Thông tin công khai cho thấy, Dự án Thủy điện Bạch Hạc Than bao gồm các công trình chính như đê ngăn sông, công trình xả lũ, hệ thống dẫn nước và phát điện. Công trình xả lũ gồm 6 lỗ thoát nước từ mặt hồ, 7 lỗ thoát nước từ thân đập, vùng đập đệm, 3 lỗ xả lũ thẳng không áp phía tả ngạn. Tổng công suất là 16 triệu KW với 16 tổ máy, sản lượng điện bình quân hàng năm là 64,1 TWh. Mực nước tích trữ của đập là 825 mét, mực nước chết là 765 mét. Tổng dung tích hồ chứa là 20,6 tỷ mét khối, dung tích chứa điều tiết là 10,4 tỷ mét khối, dung tích ngăn lũ là 7,5 tỷ mét khối. Tổng thời gian xây dựng là 144 tháng.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới ở Trung Quốc đi vào hoạt động, chuyên gia cảnh báo hệ sinh thái