Đăng lại phát biểu của Tập Cận Bình, Trung Quốc muốn chuyển sang nền kinh tế kế hoạch hóa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài phát biểu của người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây 5 năm về việc đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn vừa được đăng lại trên gần như tất cả các kênh truyền thông thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả tạp chí lý luận. Một số nhà phân tích coi đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và ĐCSTQ đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch.

Kinh tế kế hoạch hóa (còn được gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chỉ huy) là một nền kinh tế trong đó Nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập

Trong bài phát biểu vào tháng 11/2015, ông Tập nhắc lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu kinh tế chính trị Mác-xít trước tình hình kinh tế vô cùng phức tạp ở cả trong và ngoài nước. Bài phát biểu này của ông Tập mới đây được đăng lại trên Qiushi - một tạp chí chính trị chính của ĐCSTQ xuất bản 2 tháng một lần - và trên các phương tiện truyền thông nhà nước khác.

Nhà kinh tế học Li Hengqing thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua của Đài Loan nhận định rằng điều này cho thấy Trung Quốc đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch hóa trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khó khăn hiện nay.

Một nhà phân tích khác - giáo sư kinh tế Huiling Wu tin rằng ý tưởng cũ nhưng mới được hình thành lại này (về một nền kinh tế kế hoạch) là một sự chuẩn bị của ĐCSTQ cho việc tách khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ để thích nghi với chủ nghĩa biệt lập. Ông Wu nói rằng mục tiêu của hệ thống kinh tế quốc doanh của ĐCSTQ vẫn không thay đổi và đang tiếp diễn nhằm loại bỏ và cướp từ nền kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, ĐCSTQ không còn giữ quyền phát biểu trên trường quốc tế.

Việc quay trở lại nền kinh tế cô lập

Vào ngày 23/11/2015, ông Tập đã có bài phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị về những nguyên tắc cơ bản và phương pháp luận của kinh tế chính trị Mác-xít. Vào ngày 16/8/2020, gần như tất cả các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã đăng lại bài phát biểu của ông Tập.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà kinh tế Li Hengqing cho biết một nền kinh tế chính trị Mác-xít có nghĩa là lật đổ hệ thống tư bản và lật đổ quan hệ người chủ/người lao động. Ông nói, cốt lõi của kinh tế chính trị Mác-xít là học thuyết giá trị thặng dư. Trước sự chênh lệch giàu nghèo và sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc hiện tại, ông Li đặt ra câu hỏi: “Điều này có nghĩa là một cuộc cách mạng vô sản khác sẽ xảy ra? Không phải là rất nguy hiểm khi [sống] dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ sao?"

Ông Li nói rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế cả ở trong và ngoài nước. Nền kinh tế thiếu động lực để tăng trưởng. Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu đã tăng trưởng âm và đầu tư chỉ cho kết quả là nợ cao. Vì vậy, ông Tập hy vọng chuyển hướng phát triển kinh tế thông qua thúc đẩy “lưu thông nội địa”, nghĩa là phụ thuộc vào nhu cầu và tiêu dùng trong nước.

“Điều này tương đương với việc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch hóa mà Lenin đã tiên phong,” ông Li nói.

Việc trở lại áp dụng nền kinh tế kế hoạch thì sẽ như thế nào?

Ông Li tóm tắt lịch sử của Trung Quốc theo nền kinh tế kế hoạch hóa từ năm 1949 đến năm 1976, khi ĐCSTQ loại bỏ tất cả các doanh nghiệp tư nhân và tịch thu tài sản của họ. Nền kinh tế nông thôn được thành lập dưới hình thức các hợp tác xã. Nhưng hình thức này khiến người nông dân thiếu động lực làm việc và năng suất thấp. Không chỉ bị lãng phí tài nguyên, vật liệu mà người dân còn bị thiếu ăn.

Ông Li nói, những ngày tháng người dân đứng xếp hàng chờ được phát phiếu mua hàng ngũ cốc, dầu, đường, v.v. và quản lý theo kiểu quân sự có thể sẽ trở lại. Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà bất ổn và sụp đổ. Ông Tập có thể đang chuẩn bị đưa đất nước bước vào trạng thái kinh tế của quản lý quân đội thời chiến.

Ông Li nhận định việc các kênh truyền thông đăng lại như vậy dường nhằm nhắc nhở những người ủng hộ ông Tập rằng về mặt lý thuyết, việc áp dụng nền kinh tế thời chiến là đúng và mọi người phải chuẩn bị cho điều này.

Tương lai không chắc chắn của các doanh nghiệp tư nhân

Hai năm trước, khẩu hiệu “Quốc Tiến Dân Thoái” đã được truyền thông của ĐCSTQ công bố rộng rãi, có nghĩa là “các doanh nghiệp nhà nước phải dẫn dắt nền kinh tế và các ngành công nghiệp tư nhân phải rút lui”.

Nhưng với sự suy thoái kinh tế chưa từng có trong năm 2020, ông Tập đã nói 2 lần trong năm nay rằng các ngành công nghiệp tư nhân phải phát huy tốt vai trò của mình trên thị trường, và một nền kinh tế kế hoạch thời trước không được xem xét lại, khi ông phát biểu trong cuộc họp của “lưỡng đảng” hàng năm vào Tháng Năm và tại một cuộc họp với các doanh nghiệp vào tháng Bảy. “Lưỡng đảng" đề cập đến các cuộc họp chính trị hàng năm của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm ban hành các chính sách và chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, bài báo tái bản trên tờ Qiushi nhấn mạnh rằng “vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh không được thay đổi”.

Ông Li cho biết, ông Tập đã thay đổi kế hoạch một lần nữa, tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế kế hoạch để thay thế nền kinh tế thị trường bằng nền kinh tế quốc doanh.

Giải thích của ông Li về sự thay đổi này là: “Cho dù đó là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, hay thậm chí là doanh nghiệp tự do, thì đều phải bị loại bỏ”.

Ông Li cho biết, điều này thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo chỉ đạo của Đảng ủy Trung ương, thành lập chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, thành lập chi bộ địa phương để lãnh đạo tập thể các doanh nghiệp nhỏ.

“Nó hoàn toàn trở thành một hệ thống Đảng-Nhà nước, đó là bản chất của “Quốc Tiến Dân Thoái– nhà nước tiến, còn người dân rút lui”, ông Li nói.

“Mọi người có thể thấy hiện nay việc rút khỏi nền kinh tế thị trường tự do là hướng đi chung ở Trung Quốc. Nhưng đây là một sự đảo ngược hoàn toàn của lịch sử, và sẽ không có kết quả tốt ”, ông Li nói thêm.

Chế độ ‘bất hảo’ chuyên đi cướp bóc từ thế giới

Ông Wu khẳng định, ĐCSTQ đã gây ra chiến tranh, nạn đói, tàn sát, bạo quyền, và làm virus Corona Vũ Hán lây lan ra khắp toàn cầu, trở thành đại dịch toàn cầu thảm khốc.

Theo ông Wu, lý do tại sao Tổng thống Trump chủ trương chống lại ĐCSTQ là vì ĐCSTQ đã không thực hiện được cam kết sau khi Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ tiếp cận các nguồn lực thị trường quốc tế từ năm 2001. Đó là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với tư cách là một nước đang phát triển và được hưởng các chính sách miễn thuế và các chính sách ưu đãi khác.

Ông Wu cũng nói thêm rằng: “Là một chế độ bất hảo, mục đích của nó là cướp bóc thế giới”, đó là một chế độ dựa trên nền kinh tế quốc doanh - nền kinh tế kế hoạch do ĐCSTQ lãnh đạo.

“Ngược lại, hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ thay đổi bản chất bằng cách cho phép chế độ này gia nhập WTO đã dẫn đến việc ĐCSTQ tấn công phương Tây bằng những lời tuyên truyền và những căn bệnh của nó. Virus ĐCSTQ hiện đang hủy diệt thế giới”.

Về khả năng kinh tế Mỹ - Trung bị tách rời, ông Wu nói rằng ĐCSTQ không có lựa chọn nào khác. Thương mại công bằng là 2 bên cùng có lợi, giống như thương mại công bằng do cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ủng hộ - đó là việc loại bỏ tất cả các trở ngại hạn chế, từng cái một.

Ông Wu kết luận rằng: "Mục tiêu cuối cùng của tất cả các cuộc xung đột Mỹ - Trung là sự thay đổi cấu trúc thể chế của Trung Quốc, sự sụp đổ của ĐCSTQ để tự do và dân chủ xuất hiện".

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Đăng lại phát biểu của Tập Cận Bình, Trung Quốc muốn chuyển sang nền kinh tế kế hoạch hóa?