Đảng Cộng Sản Trung Quốc ‘cứu’ hay ‘giết' người trong đại dịch toàn cầu viêm phổi Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu trả lời tìm thấy qua những gì Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm từ lúc viêm phổi Vũ Hán chỉ khởi phát ở Vũ Hán cho đến khi lây lan ra khắp toàn cầu.

Khi dịch mới chỉ xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc

Che đậy sự xuất hiện của virus giết người

Khi dịch xuất hiện tại Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã cố tình che đậy dịch. Chính quyền Trung Quốc đã luôn phủ nhận nó.

Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ cho rằng cách ứng phó của ĐCSTQ ở giai đoạn đầu của dịch đã đặt Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới vào tình trạng nguy hiểm.

Ít nhất có hai dịp 1/1 và 3/1, các quan chức y tế quốc gia và tỉnh Hồ Bắc đã chỉ đạo các phòng thí nghiệm Trung Quốc dừng thử nghiệm và phá hủy bằng chứng hiện có (về virus Corona Vũ Hán), theo báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc Caixin.

Mặc dù các chính quyền y tế liên bang Hoa Kỳ đã liên tục đề nghị cử chuyên gia nghiên cứu tới Trung Quốc từ 6/1 nhưng chỉ có 2 người được phép nhập cảnh – sau đó hơn một tháng.

Một nghiên cứu cho thấy, nếu Trung Quốc đưa ra cảnh báo trước đó 1, 2 hoặc 3 tuần, thì số ca nhiễm có thể đã giảm đến 66%, 86% và 95%. Theo đó, sự lây truyền địa lý cũng sẽ được hạn chế đáng kể.

Trừng phạt bất kỳ ai thông tin về dịch bệnh.

Khi dịch bệnh khởi phát, các bác sỹ có lương tâm đã nỗ lực cảnh báo cho cộng đồng về sự nguy hiểm này, nhưng cảnh sát ĐCSTQ đã theo dõi nhiều bác sỹ - những người bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông xã hội, và cáo buộc họ phạm tội lan truyền tin đồn nhảm và kích động sự lo sợ của công chúng.

Bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong 8 bác sĩ đã phát hiện ra nguy cơ dịch bệnh vào tháng 12/2019 và thông báo cho nhiều người biết. Tuy nhiên bác sĩ Lý bị chính quyền thành phố cáo buộc "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

"Chúng tôi cảnh cáo anh: Nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục hoạt động phi pháp này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật," cảnh sát Trung Quốc viết trong biên bản buộc tội.

Sau bác sĩ Lý Văn Lượng, một anh hùng’ khác từng lên tiếng về dịch virus tại Vũ Hán đã bị 'mất tích'.

Chen Qiushi, một nhà báo công dân, người đã đưa ra báo cáo quan trọng về tình hình dịch virus Corona từ Vũ Hán - tâm chấn của vụ dịch, đã mất tích vào tối ngày 06/02, khi mà hàng trăm ngàn người dân Trung Quốc bắt đầu yêu cầu tự do ngôn luận trực tuyến.

Chen Qiushi, một nhà báo công dân, người đã đưa ra báo cáo quan trọng về tình hình dịch virus Corona từ Vũ Hán - tâm chấn của vụ dịch, đã mất tích vào tối ngày 06/02
Chen Qiushi, một nhà báo công dân, người đã đưa ra báo cáo quan trọng về tình hình dịch virus Corona từ Vũ Hán - tâm chấn của vụ dịch, đã mất tích vào tối ngày 06/02.

Bác sĩ Ai Fen , giám đốc đơn vị cấp cứu thuộc bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã trả lời phỏng vấn với một tạp chí Trung Quốc và công khai chỉ trích lãnh đạo bệnh viện vì đã bỏ qua những cảnh báo sớm về virus corona. Kể từ sau cuộc phỏng vấn, không ai thấy bác sĩ Ai Fen.

Phủ định việc virus có thể lây lan từ người sang người

Chính quyền Trung Quốc đã không công khai thừa nhận rằng virus có thể lây truyền giữa người với người cho đến ngày 20/01, mặc dù thực tế là nước láng giềng châu Á Đài Loan đã cảnh báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguy cơ lây truyền từ người sang người vào ngày 31/12.2019.

Đài Loan sau đó đã cử hai chuyên gia y tế đến Vũ Hán để điều tra. Sau khi trở về, họ đã tổ chức một cuộc họp báo ở Đài Bắc vào ngày 16/01, khi cho biết rằng họ không thể loại trừ khả năng lây truyền của con người.

Ban đầu, WHO cũng lặp đi lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh về việc Bắc Kinh không có bằng chứng rõ ràng về việc lây nhiễm virus từ người sang người.

Vào ngày 13/1, Thái Lan đã xác nhận ca nhiễm virus Corona Vũ Hán bên ngoài Trung Quốc. Một ngày trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trích dẫn các cuộc điều tra của Trung Quốc, và tuyên bố rằng không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của loại virus này.

“Rõ ràng, Trung Quốc đã cố tình dàn dựng một kịch bản che đậy công phu khiến virus lây lan trên diện rộng đến vậy, và dẫn đến cái chết của hàng ngàn người, bao gồm hàng trăm công dân Hoa Kỳ và còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới”, Dân biểu Elise Stefanik của Hoa Kỳ nói.

Khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và Trung Quốc

Trì hoãn việc phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng

Theo New York Times, đến ngày 22/1, Trung Quốc mới ban hành lệnh hạn chế giao thông vào Vũ Hán. Trước thời điểm này, đã có khoảng 7 triệu người rời Vũ Hán, lan truyền virus khắp Trung Quốc và trên toàn thế giới, chi tiết xem tại NTDVN.com.

Thị trưởng Vũ Hán, ông Chu Tiên Vượng từng nói với truyền thông của Đại lục rằng hơn 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán trước khi thành phố này đóng cửa vào ngày 23/1.

Vào giữa tháng 2/2020, nhóm dữ liệu lớn Worldpop của Đại học Southampton, đã sử dụng phần mềm máy tính để phân tích các dữ liệu điện thoại di động và hàng không của gần 60.000 người Vũ Hán đã “chạy trốn” trước khi Vũ Hán đóng cửa. Phân tích này phát hiện ra rằng những người này đã di tản rải rác đến khắp 382 thành phố bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc và những nơi khác. Trong những người bỏ trốn này có ít nhất 834 bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus Corona Vũ Hán.

Hình ảnh đường phố thành phố Vũ Hán vắng vẻ sau khi đóng cửa (STR / AFP via Getty Image)

Nhóm Worldpop đã chỉ ra rằng do dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn, nên nó có thể lan rộng hơn nữa ra bên ngoài, vì vậy tất cả các quốc gia cần phải chuẩn bị. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, các thành phố có nguy cơ nhiễm dịch cao ở Trung Quốc và các trung tâm lớn trên thế giới nên tăng cường kiểm dịch để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, do sự che đậy thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hướng dẫn sai lệch từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia khác không cách nào biết được thông tin thật về tình hình dịch bệnh. Do đó, dòng người từ Vũ Hán (bao gồm cả những người được chẩn đoán nhiễm dịch) đã có cơ hội “chạy trốn” sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, cuối cùng điều này dẫn đến việc toàn cầu “vỡ trận” và dịch bệnh bị mất kiểm soát.

Che giấu về sự lây truyền, và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh

Chính quyền Trung Quốc công bố số người tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở nước này là 3.300 và số người nhiễm bệnh hơn 81.000. Tuy nhiên, người dân Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bùng phát đầu tiên, tin rằng chỉ riêng thành phố này đã có 42.000 người tử vong

Các tài liệu được South China Morning Post xem xét cho thấy: hơn 40.000 bệnh nhân không có triệu chứng không được thống kê trong tổng số hơn 80.000 ca nhiễm virus Corona của Trung Quốc.

Bạn có tin vào những con số chính thức mà Trung Quốc công bố? Có phải mọi thứ đã thực sự nằm trong tầm kiểm soát như chính quyền Bắc Kinh tuyên bố không?
Bạn có tin vào những con số chính thức mà Trung Quốc công bố? Có phải mọi thứ đã thực sự nằm trong tầm kiểm soát như chính quyền Bắc Kinh tuyên bố không? (Ảnh: Getty)

Vào ngày 1/4 ĐCSTQ tuyên bố sẽ bắt đầu báo cáo các trường hợp người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Điều này tiết lộ rằng số liệu về các trường hợp này đã không được đưa vào các báo cáo trước đó.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng thừa nhận rằng những người mang mầm bệnh không có triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác và gây ra dịch bệnh. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục bỏ qua những thông tin này.

Ngoài ra, theo tin từ hãng tin Bloomberg đưa tin, vào cuối tuần trước cơ quan tình báo Mỹ đã gửi một báo cáo mật cho Tổng thống Trump, nói rằng số liệu của chính quyền Trung Quốc về các ca nhiễm virus Vũ Hán được xác nhận cũng như số liệu tử vong là không chính xác một cách có chủ đích.

Thực hiện chiến dịch bóp méo thông tin gây ra nỗi sợ hãi

Vào cuối tháng 2, ĐCSTQ đã ra lệnh cho đặc vụ tại nước ngoài và dư luận viên trên internet quảng bá một tài liệu tới nhiều trang web và nền tảng truyền thông xã hội trên khắp thế giới. Mục tiêu là đưa thông tin sai lệch và gây ra nỗi sợ hãi về virus ĐCSTQ trong dân chúng Trung Quốc.

Các dư luận viên trên internet ở Trung Quốc, còn được gọi là ‘đội quân 50 xu’ (mỗi 1 bài đăng được trả 50 xu), kiểm duyệt thông tin trên internet bằng cách xóa những thông tin được coi là “nhạy cảm hoặc có hại” cho chế độ Bắc Kinh. Họ cũng tích cực đăng các bài tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh và hướng dư luận ra khỏi những cuộc tranh luận có nội dung phê phán chính quyền trong việc ứng phó dịch bệnh bùng phát.

Báo New York Times nói virus Vũ Hán tàn phá thế giới đã đánh thức giới trẻ Trung Quốc và đe dọa chế độ ĐCSTQ. (HECTOR RETAMAL / AFP via Getty Images)

Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng tại Hoa Kỳ vào tháng 3, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chiến dịch bóp méo thông tin quyết liệt nhằm buộc tội quân đội Hoa Kỳ đã mang virus tới Vũ Hán.

Theo GEC, một tố chức chuyên chống thông tin sai lệch, trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc tập trung vào 4 thông tin tuyên truyền chính. Một là Trung Quốc đã ngăn chặn thành công virus. Hai là kêu gọi hợp tác quốc tế. Ba là Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi Trung Quốc. Và thứ tư là khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã ra quyết định trục xuất các nhà báo Hoa Kỳ đang cư trú tại Trung Quốc, những người làm việc cho các báo The New York Times, The Wall Street JournalThe Washington Post. Điều này càng thể hiện rõ sự kiểm soát và ngăn chặn liên tục của ĐCSTQ đối với tự do báo chí và ngôn luận. Trong báo cáo về Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2019 của tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB), Trung Quốc xếp hạng thứ 177 trên 180 quốc gia.

Khi Viêm phổi Vũ Hán trở thành đại dịch toàn cầu

Trục lợi từ cuộc khủng hoảng đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Thiếu tướng đã nghỉ hưu của Mỹ, ông Robert Spalding, trả lời trong một cuộc phóng vấn với The Epoch Times rằng, trong khi thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng y tế ngày càng lan rộng, thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại lợi dụng đại dịch này để mở rộng ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc.

Vị thiếu tướng mô tả miêu tả đây là “cuộc chiến không giới hạn” trên mọi phương diện. Một âm mưu mà các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc vạch ra vào cuối những năm 1990 – cuộc chiến tranh không giới hạn - như ông giải thích trong cuốn sách của mình có tên “Stealth War: How China Took Over While America's Elite Slept” (Tạm dịch: “Chiến tranh tàng hình: Trung Quốc bành trướng ra sao khi giới tinh hoa của Mỹ đang ngủ”). Trong đó đề cập đến việc sử dụng hàng loạt thủ thuật chiến tranh phi truyền thống để đạt được mục tiêu của chiến tranh, mà không cần phải tham gia vào một cuộc chiến thực sự.

“Rất khó để mọi người có thể nắm bắt được sức mạnh của loại hình chiến tranh này bởi vì chúng ta đã quen hình ảnh chiến tranh truyền thống với máy bay, tàu chiến, bom đạn và xe tăng”, Robert Spalding nói.

“Mục tiêu của họ [ĐCSTQ] là nắm giữ quyền bá chủ thế giới và họ sử dụng virus ĐCSTQ để duy trì một cách căn bản, đẩy mạnh và củng cố sâu sắc hơn quyền lực này”, Vị Thiếu tướng nói với The Epoch Times.

“Họ xem sự bùng phát của virus corona là cơ hội để thực hiện việc đó, đặc biệt là các nước sẽ phải lệ thuộc họ về nguồn cung vật tư y tế vì họ có các nhà máy chuyên sản xuất các mặt hàng này”, ông Spalding cho biết. “Họ đang cố gắng chứng tỏ cho Tây Âu thấy ĐCSTQ là vị cứu tinh của họ”.

Tân Hoa Xã, cơ quan phát ngôn chính thống của Trung Quốc, trong một đe dọa ngầm đầu tháng 3 đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ “rơi vào biển lớn toàn virus corona” nếu Trung Quốc quyết định trả đũa bằng cách kiểm soát việc xuất khẩu nguồn cung vật tư y tế.

Trung Quốc đã tồn trữ khẩu trang N95 bằng cách áp đặt hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, theo Chuyên gia tư vấn kinh tế cho Nhà Trắng, ông Peter Navarro phát biểu với Fox Business.

Chính quyền thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, nói với một tờ báo địa phương rằng “có thể biến khủng hoảng thành cơ hội để củng cố niềm tin và sự lệ thuộc của tất cả các nước trên khắp thế giới vào sản phẩm “Sản xuất tại Trung Quốc”.

Cung cấp thiết bị y tế lỗi cho thế giới trong phòng chống dịch

Nhằm tô vẽ hình ảnh mình là nước "trợ giúp thế giới" trong đại dịch, chính quyền Trung Quốc đã viện trợ thiết bị y tế cho một số quốc gia, tuy vậy, các nước Châu Âu, gồm có, Séc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan gần đây đã thông tin về vật tư y tế bị lỗi được nhập từ Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại virus.

chất lượng khẩu trang Trung Quốc
Hình ảnh công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Photo by STR/AFP via Getty Images)

Bộ Y tế Hà Lan cho biết hôm thứ Bảy (28/3) rằng, giới chức nước này đã thu hồi hàng chục nghìn mặt nạ y tế trong một lô hàng gồm 1.3 triệu mặt nạ được nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi phân phối cho các bệnh viện dã chiến vì các mặt nạ này không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, theo The Telegragh.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được phát triển bởi một công ty Trung Quốc. Bởi vì Những bộ kit xét nghiệm nhanh trên chỉ có độ nhạy 30%, nghĩa là với 10 người nhiễm virus corona chủng mới thì chỉ có 3 người cho kết quả xét nghiệm dương tính (7 người còn lại vẫn âm tính), theo báo SCMP.

"Thật nguy hiểm nếu cách xét nghiệm này được áp dụng trên quy mô lớn vì có thể không phát hiện được các bệnh nhân dương tính với virus" - Giáo sư Leo Poon Lit-man từ khoa y của Đại học Hong Kong nói.

Quan chức y tế ở vùng Moravia-Silesia của Cộng hòa Séc cho biết 80% kết quả xét nghiệm từ các bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc đã có vấn đề.

Tiếp tục mổ cướp nội tạng trong đại dịch

Trong khi cố gắng thể hiện sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lại virus, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại “ngẫu nhiên” đề cập đến chủ đề thu hoạch nội tạng.

“Ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán đã thắng lợi ở Trung Quốc”, tờ Global Times vui mừng đưa tin, kèm theo các bản tin tiếng Anh trên Xinhuanet, tờ China Daily, và một số kênh khác của chính phủ Trung Quốc. Trong các thông tin được cung cấp về ca phẫu thuật, bệnh án của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật... có một sự thật đã vô tình phơi bày sự tàn bạo của ĐCSTQ.

“Lá phổi được một bệnh nhân không phải là người dân địa phương hiến tặng sau khi người này chết não, và được vận chuyển đến Vô Tích bằng đường sắt cao tốc trong bảy giờ đồng hồ”, tờ Global Times cho biết.

Tuy nhiên, làm thế nào để tìm được một người hiến phổi bị chết não có tất cả các đặc điểm phù hợp, chẳng hạn như nhóm máu và loại mô nhanh đến như vậy, để phục vụ kịp thời cho việc thực hiện ca cấy ghép đối với bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán?

ntdvn_200328-post01-a
Ảnh chụp màn hình của "Davids and Goliath", một bộ phim tài liệu về việc mổ cướp nội tạng từ những tù nhân lương tâm còn sống. Bộ phim đã giành giải Phim Tài liệu Hay nhất tại Liên hoan phim Hamilton ở Canada vào ngày 9/11/2014. (Epoch Times)

Và thực sự có phải người hiến tạng bị chết não?

Điều này đã đặt ra một nghi vấn từ hàng chục năm nay về tình trạng ghép tạng theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.

Đối với nhiều ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc hiện nay, nếu không muốn nói là hầu hết, các nội tạng đều được thu hoạch từ người hiến tạng còn sống và không tự nguyện. Họ là những người bị cấm thực hành đức tin của mình, như các học viên Pháp Luân Công và nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà điều tra cho biết rằng, tốc độ cung ứng nội tạng cấy ghép ở Trung Quốc là nhanh bất thường và chưa từng có trong các hệ thống cấy ghép thông thường. Theo nguồn tin từ endtransplantabuse.org, cho biết:

“Tại các quốc gia có hệ thống y tế cộng đồng tân tiến và hệ thống hiến tạng có tổ chức, bệnh nhân thường phải chờ đợi nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để được cấy ghép.

Trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, việc cho tặng các bộ phận cơ thể là điều cấm kỵ, và hệ thống hiến tạng ở đất nước này vẫn chưa đạt hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân cấy ghép lại có thể tìm thấy các bộ phận phù hợp theo yêu cầu. Điều này cho thấy rằng đã có sẵn số lượng lớn các nguồn nội tạng để sẵn sàng cung cấp cho bệnh nhân phù hợp”.

EndTransplantAbuse.org là bản cập nhật của hai cuốn sách điều tra viết về thu hoạch nội tạng: cuốn Thu hoạch đẫm máu của hai tác giả David Kilgour và David Matas; và cuốn “Kẻ đồ tể” của tác giả Ethan Gutmann.

Toà án Trung Quốc - một tòa án độc lập được thành lập để xét xử tội ác mổ cướp nội tạng trên cơ thể các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, đã tổ chức các phiên điều trần chứng cứ tại London vào năm 2018 và 2019. Báo cáo cuối cùng của Hội đồng xét xử, được phát hành vào ngày 1/3/2020, đã viết rằng một trong số những phát hiện của Tòa là “thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã xảy ra nhiều lần và tại nhiều nơi ở Trung Quốc trong khoảng thời gian ít nhất là 20 năm, và điều đó vẫn đang tiếp tục ở hiện tại”.

Tòa án đã quan sát về cách thức cung ứng nội tạng cho bệnh nhân cụ thể một cách nhanh chóng ở Trung Quốc, Tòa tuyên bố:

“Ngay cả ở các quốc gia có chương trình cấy ghép lâu đời và được công bố rộng rãi, nói chung, thời gian chờ đợi ghép tạng có thể là vài tháng hoặc nhiều năm. Ví dụ, thời gian chờ đợi trung bình để ghép gan ở Anh là 135 ngày đối với người trưởng thành. Đối với các ca ghép tim, thời gian chờ đợi là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đối với các ca ghép phổi, thời gian chờ đợi thậm chí còn lâu hơn”.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được danh tính của người hiến phổi “bị chết não” cho bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán vào ngày 29/2/2020. Nhưng chúng ta có thể suy luận về người hiến tạng đó, dựa trên thời gian thực tế chờ đợi ghép tạng ở các quốc gia có hệ thống hiến tạng tốt nhất thế giới; dựa trên các bằng chứng tích lũy cho thấy rằng, việc mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống vẫn đang xảy ra ở Trung Quốc với số lượng lớn; và dựa trên rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng hầu hết nguồn tạng cấy ghép ở Trung Quốc đều từ học viên Pháp Luân Công.

“Mổ cướp nội tạng từ lâu đã tồn tại ở Trung Quốc. Thực sự, các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của tội ác này”, tòa tuyên bố.

AUSTRIA-CHINA-DEMO-ORGANS
Các học viên Pháp Luân Công diễn lại khung cảnh tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ tại Áo. (Ảnh: Getty)

Pháp Luân Công là một môn tu luyện cổ xưa ở Trung Quốc theo nguyên lý đạo đức Chân-Thiện-Nhẫn, kết hợp với việc luyện tập các bài công pháp. Môn tu luyện này đã phát triển rất nhanh, đến năm 1999, ở Trung Quốc đã có hơn 100 triệu học viên theo học. Tháng 7/1999, ĐCSTQ bắt đầu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công một cách có hệ thống, với các hành động phi pháp như là: bắt giữ, tra tấn, tuyên truyền phỉ báng, gây tổn thất tài chính, bức hại và giết chết vô số học viên.

Tiếp tục đàn áp các tôn giáo trong đại dịch

Trong khi thế giới đang phải vật lộn chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán, các tổ chức giám sát tự do tôn giáo đã tố cáo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán như một cơ hội để tăng cường đàn áp tôn giáo, phá hủy và kiểm soát nhiều nhà thờ Cơ Đốc giáo.

“Trung Quốc đang thể hiện là một hình mẫu của thế giới trong cuộc chiến chống lại virus Corona Vũ Hán. Tuy nhiên, trận chiến chống lại đại dịch không thể ngăn các quan chức cộng sản tiếp tục đàn áp Cơ Đốc giáo”, Todd Nettleton, phát ngôn viên của tổ chức phi lợi nhuận Voice of the Martyrs (VOM), nói với Fox News ngày 24/3.

Bob Fu, một nhà hoạt động xã hội của tổ chức China Aid, đã chia sẻ một đoạn video cho thấy các quan chức Trung Quốc đang phá hủy một nhà thờ ở huyện Nghi Hưng, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô.

Ông cho biết: Cuộc đàn áp tôn giáo vẫn tiếp tục trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ngày 11/3, Nhà thờ Xiangbaishu thuộc huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá hủy.

Với những thông tin được đưa ra ở trên, câu hỏi ĐCSTQ đang "cứu" thế giới hay "giết" người trong đại dịch này hẳn đã rõ. Thượng nghị sĩ Ben Sasse, trong một tuyên bố vào ngày 01/04, có nói rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lừa dối, đang lừa dối và sẽ tiếp tục lừa dối về virus corona nhằm bảo vệ chế độ này”.

Lý Minh

 



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng Sản Trung Quốc ‘cứu’ hay ‘giết' người trong đại dịch toàn cầu viêm phổi Vũ Hán?