Dân làng Trung Quốc vật lộn để sinh tồn sau khi bị chính quyền cưỡng chế di dời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc cưỡng chế di dời của chính quyền đã làm mất đi lối sống truyền thống của họ. Ngoài ra, dân làng còn phải trả chi phí tái định cư - một khoản tiền quá lớn đối với những gia đình mà nhiều thế hệ đã sống ở vùng sâu vùng xa trên những vách đá.

“Làng vách đá” ở huyện Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong nhiều ngôi làng ở khu vực tây nam Trung Quốc, nơi người dân tộc thiểu số Yi sinh sống.

Người Yi vẫn bảo tồn cách làm nhà và sinh sống của tổ tiên truyền lại, đó là xây dựng nhà bằng bùn, và sống dựa vào thực phẩm tìm được trên núi hoặc những mảnh ruộng nhỏ mà họ canh tác.

Tên của ngôi làng được đặt dựa theo đặc trưng khu vực người Yi sinh sống, thường là những khu vực có vách đá dốc gần như thẳng đứng. Để đi đến thị trấn bên dưới, dân làng sử dụng những chiếc thang mây chông chênh được xây dựng rất lâu đời.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách di dời dân làng Yi đến nhà ở hiện đại hơn trong thị trấn, theo mục tiêu chung của chính phủ là: đưa cả nước thoát khỏi nghèo đói vào năm 2020. Chính quyền Bắc Kinh gọi kế hoạch này là dự án “xóa đói giảm nghèo”.

Những người dân làng cho biết, việc cưỡng chế di dời của chính quyền đã làm mất đi lối sống truyền thống của họ. Ngoài ra, dân làng còn phải trả chi phí tái định cư - một khoản tiền quá lớn đối với những gia đình mà nhiều thế hệ đã sống ở vùng sâu vùng xa trên những vách đá.

Theo báo cáo của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, chính quyền địa phương đã bắt đầu di dời dân làng đến các căn hộ mới xây bên dưới vách đá từ tháng Năm.

Tuy nhiên, nhiều người dân trong làng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm trong khu dân cư mới và không đủ khả năng chi trả phí di dời; điều này càng khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn.

Cuộc sống khó khăn

Akemoya (bí danh) và 5 thành viên gia đình của anh đã bị buộc chuyển đến sống trong một căn hộ trong năm nay, rộng khoảng 100m2. Tuy nhiên, anh phải trả cho chính quyền 2.500 nhân dân tệ (gần 8 triệu VNĐ) cho mỗi thành viên trong gia đình - đây là phí di dời.

Như vậy tổng số tiền anh Akemoya phải trả là hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng gần 40 triệu VNĐ), đây quả thật là một gánh nặng cho gia đình anh. Akemoya cho biết anh đã phải vay số tiền này.

Anh nói: "Tôi đã không thể trả khoản tiền nợ".

Akemoya hiện mới chỉ 27 tuổi. Giờ đây, anh luôn lo lắng về cách kiếm sống ở thị trấn mới, vì anh chưa bao giờ đi học và không có kỹ năng hay kỹ thuật về bất kỳ một công việc nào trong xã hội hiện đại. Anh có vợ và 2 con.

Anh cho biết tổ tiên của anh đã sống trên những ngôi làng ven núi từ nhiều đời nay.

Anh nói: “Chúng tôi sống bằng nghề nông và tự cung tự cấp”.

Gia đình anh từng chăn nuôi và có một đàn gà, lợn và bò.

“Nếu không có chuyện gì lớn xảy ra trong làng, chúng tôi thường đủ ăn và đủ mặc”.

Chalier (bí danh) cũng không vui về cuộc sống mới của mình, nhưng không có lựa chọn nào khác.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông cho biết: “Chúng tôi không sẵn lòng di chuyển, nhưng mọi người phải làm theo những gì chính phủ nói”.

Chính quyền địa phương cũng giao cho ông và gia đình gồm 4 người của ông một căn hộ rộng 100m2. Để chi trả phí di dời, ông đã phải bán hết gia súc và dê chăn nuôi được khi còn ở làng.

Ông Chalier hiện đang làm việc bán thời gian tại các công trường xây dựng địa phương.

“Họ chỉ trả 100 nhân dân tệ (khoảng 300 nghìn VNĐ) cho một ngày làm việc trên công trường. Thời gian còn lại, tôi không thể tìm được việc làm nào khác, vì vậy tôi chỉ ở nhà. Vì đại dịch, chúng tôi không được ra ngoài. Bây giờ chúng tôi sống qua ngày. Không có cách nào khác".

Trước đây, gia đình ông luôn có đồ ăn. Không có thu nhập cố định, nhưng luôn có đủ đồ ăn.

Tuy nhiên, giờ đây, ông không kiếm đủ tiền từ công việc xây dựng để mua rau, vì các loại rau đã tăng giá gần đây, ông cho biết.

Ông nói: “[Khi còn được] ở nhà [ở làng], ra đồng là có đủ thứ. Không tốn bất kỳ khoản tiền nào”.

Ngôi làng bị biến thành địa điểm du lịch

Akemoya cho biết chính quyền địa phương đang có kế hoạch xây dựng một địa điểm du lịch tại ngôi làng cũ của anh.

"Có thể tất cả dân làng sẽ phải di dời", anh nói và cho biết, có khoảng 70 đến 80 hộ gia đình hiện vẫn đang được sống trên sườn núi.

Anh cho biết thêm rằng, hiện chính quyền cấm dân làng xây dựng những ngôi nhà truyền thống bằng bùn của họ và bắt đầu cho phá dỡ những ngôi nhà cũ của những người đã bị buộc di dời.

Anh chắc chắn rằng cuộc sống sẽ khó khăn trong tương lai và gọi kế hoạch của chính quyền là một “dự án để cho đẹp mặt” chứ không thực sự giúp cải thiện cuộc sống của người dân Yi.

“Tôi chỉ mong muốn không phải nợ tiền mọi người. Khi các con tôi đi học trong tương lai, tôi không muốn nợ học phí. Đó là tất cả những gì tôi mong ước bây giờ", anh nói.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dân làng Trung Quốc vật lộn để sinh tồn sau khi bị chính quyền cưỡng chế di dời