Dân làng Giang Tây nhớ lại thời khắc đê vỡ: Chạy bán sống bán chết 5 km, hai chân run rẩy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc đã kéo dài hơn một tháng nay, những tin tức về tràn đê và thậm chí vỡ đê liên tục xuất hiện. Gần đây, lưu vực hồ Bà Dương của tỉnh Giang Tây đã lần lượt có 3 trạm thủy văn phá vỡ mực nước kỷ lục lịch sử và nhiều nơi đê bị vỡ. Có dân làng ở Giang Tây nhớ lại khoảnh khắc đê vỡ chạy thoát thân trong tích tắc: Chạy bán sống bán chết 5 km, hai chân run rẩy!

Theo tờ Cover News của Trung Quốc đưa tin, vào lúc 21h ngày 11/7, mực nước của trạm Bà Dương, huyện Nhiêu Hà (Raohe), tỉnh Giang Tây đạt 22,65 mét, phá vỡ mức lịch sử là 22,61 mét vào năm 1998. Tính đến 7h ngày 12/7, mực nước của trạm Bà Dương đã lên tới 22,74 mét, vượt 13 cm so với mực nước lịch sử năm 1998, và hiện vẫn đang tăng.

Tình hình lũ lụt ở làng Song Phong (Shuangfeng) và làng Song Cảng (Shuanggang) thuộc thị trấn Song Cảng nằm ngay sát lưu vực sông Nhiêu Hà, hồ Bà Dương rất nghiêm trọng. Đê bao Song Phong Nam (Shuangfengnan) nằm ở rìa hồ Bà Dương là con đê đầu tiên bảo vệ làng Song Phong, làng Song Cảng và các ngôi làng khác. Trong trận lũ năm 1998, con đê này đã chống cự được.

Ngày 12/7, anh Bành Phương Lạp (Peng Fangla), một người dân ở làng Song Phong - người đã giúp dân làng chống lũ trong nhiều ngày kể lại rằng, anh bắt đầu đứng trên con đê Song Phong Nam làm nhiệm vụ "bảo vệ đê" từ hai hôm trước, cho đến tận thời điểm trận lũ phá vỡ con đê hoàn toàn.

Thời điểm vỡ đê là hơn 4h sáng ngày 11/7, anh Bành nhớ lại lúc đó càng lúc càng có nhiều lỗ rò rỉ trên đê, và mực nước của dòng sông đang tiến gần đến độ cao của đê, “đột nhiên một cơn gió mạnh thổi đến, nước tràn khỏi đê, máy hút nước không hoạt động kịp, lỗ rò rỉ cũng đột nhiên to ra, và nước ào ra ngoài…”.

Trong tiếng nước ầm ầm, anh Bành nghe thấy một người chỉ huy hét lên: "Tìm chỗ cao mà đứng, chỗ này không xong rồi, bảo vệ bản thân trước đi!”.

Nhờ quen thuộc với địa hình, anh Bành Phương Lạp cùng những người xung quanh chạy bán sống bán chết, chạy một mạch 5 km.

Khi Châu Hồng Linh (Zhou Hongling), phó thị trưởng của thị trấn Song Cảng nhìn thấy anh Bành, câu đầu tiên nói với anh là: "Bây giờ tôi rất sợ hãi, chân tôi đang run rẩy, nếu chậm chân một chút thôi là tất cả chúng ta có thể bị cuốn trôi rồi".

Anh Bành cho biết: "Tình hình lúc đó là người ta càng muốn chạy lại càng không chạy nổi", cho đến bây giờ chân anh vẫn còn đang ê ẩm.

Con đê đầu tiên đã thất thủ chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, trận lụt đã làm ngập hơn 20.000 mẫu đất nông nghiệp và một số nhà cửa của dân làng.

Sau khi tràn qua đê Song Phong Nam, cơn lũ đã dừng lại trước đập của hồ chứa Bác Sĩ ở thị trấn Song Cảng, huyện Bà Dương. Nơi này ban đầu là đập bảo vệ hồ chứa nước tưới tiêu, và giờ nó đã trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng để ngăn chặn lũ lụt.

Anh Bành chỉ vào hồ chứa Bác Sĩ rồi nói: "Có 5 ngôi làng bên dưới hồ chứa, và xa hơn là thị trấn Song Cảng", trước kia khi lũ lụt chưa đến, vị trí đất nông nghiệp bị ngập bây giờ thấp hơn bề mặt nước trong hồ chứa này, và dùng nước trong hồ để tưới tiêu. Bây giờ thì mực nước lũ còn cao hơn cả mực nước hồ chứa.

Anh Bành đánh giá độ sâu của trận lụt là "ít nhất 5 mét".

Nhà của Bành nằm ở vùng hạ lưu của hồ chứa, theo cách nói của anh thì "bề mặt nước lũ cao hơn mái nhà ít nhất là 2 tầng”.

Đông Phương
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dân làng Giang Tây nhớ lại thời khắc đê vỡ: Chạy bán sống bán chết 5 km, hai chân run rẩy