Đại sứ quán Trung Quốc uy hiếp báo Pháp, đòi gỡ bài về người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối tháng trước, tờ báo Mon Quotidien của Pháp đã đăng một chuyên san về việc những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc bị xâm phạm nhân quyền. Đại sứ quán Trung Quốc đã ngay lập tức viết thư cho tòa soạn của tờ báo và yêu cầu gỡ bài viết này. Tuy nhiên, Phó Tổng biên tập của Mon Quotidien nói rằng, ông tuyệt đối sẽ không khuất phục trước sự đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và từ chối gỡ bài báo.

Vào ngày 30/6, Mon Quoprisen, tờ báo dành cho trẻ em nổi tiếng của Pháp đã đăng một bài viết có tên "Người Trung Quốc đang lấy đi tự do của chúng ta". Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã gửi một bức thư đến tòa soạn của tờ báo này, bày tỏ bất mãn mạnh mẽ.

Ông Andre Gasselin, Phó Tổng biên tập của Mon Quoprisen cho biết: “Đây là một kiểu đe doạ. Nhưng chúng tôi sẽ không hối hận về những gì chúng tôi đã làm, không xin lỗi và tuyệt đối không gỡ bài báo này".

Ông Gasselin cho biết: "4 hoặc 5 ngày trước, tôi đã nhận được một bức thư chính thức từ Đại sứ quán Trung Quốc, họ chỉ trích và lên án bài báo của chúng tôi và cuối cùng muốn chúng tôi gỡ bài báo này. Sau đó tôi tiếp tục nhận được một email dài 14 dòng từ Đại sứ quán, cáo buộc bà Gulbahar, người phụ nữ được nhắc đến trong bài báo là phần tử khủng bố và đã làm những gì vào thời điểm nào. Họ cố gắng gửi cho thêm tôi 2,3 bức thư kiểu này, trong đó buộc tội những người Duy Ngô Nhĩ khác đều là phần tử khủng bố”.

Đối tượng của tờ Mon Quoprisen là trẻ em từ 10 đến 13 tuổi. Bài viết về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được đăng tải vào ngày 30/6, với tiêu đề trang đầu là “Người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc bị đưa đến trại lao động cưỡng bức", kèm theo đề phụ "Bởi vì tôn giáo của mình, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị ngược đãi”. Dưới đề phụ là một cuộc đối thoại hoạt hình, trong đó một tù nhân nói với tù nhân bên phải trong trại tập trung rằng, "Họ không muốn chúng ta là người Duy Ngô nhĩ, họ muốn chúng ta trở thành người Trung Quốc như họ”. Tù nhân bên phải trả lời: “Tôi không muốn làm người Trung Quốc, cũng không muốn làm như họ: tra tấn, tống giam người, lao động cưỡng bức…”

Phó Tổng biên tập Andre Gasselin của Mon Quoprisen giới thiệu nội dung của chuyên san. Ngoài việc mô tả các thông tin cơ bản như vị trí địa lý và dân số của Tân Cương, chuyên san còn trích dẫn một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống tại Pháp là bà Gulbahar, người đã bị chính quyền ĐCSTQ lừa quay trở lại Tân Cương và bị tẩy não trong trại cải tạo 3 năm.

Tờ Mon Quoprisen cũng phỏng vấn nhà báo công dân Kazakhstan Meiirbek Salanbek. Ông Salanbek đã sử dụng video, tranh, ảnh để đưa tin về việc gần 1.000 phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ngược đãi trong các trại cải tạo. Ông còn gửi những bằng chứng này cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Do đó, ông đã bị chính phủ thân ĐCSTQ đe dọa và phải lưu vong đến Pháp với tư cách người tị nạn chính trị vào 2 năm trước.

Phó Tổng biên tập Gasselin nhấn mạnh rằng, các độc giả trẻ rất mong đợi chủ đề này. "Đằng sau các chuyên san này là sự ủng hộ của độc giả. Họ muốn biết thêm về người Duy Ngô Nhĩ và những vấn đề mà nhóm người này đang gặp phải. Tân Cương là chủ đề nằm trong Top 3 mà độc giả muốn tìm hiểu".

Ngoài Đại sứ quán Trung Quốc và gần 15 phụ huynh Trung Quốc gửi thư đến tòa soạn phản đối, trên mạng Internet còn đăng tải hàng loạt đơn kiến nghị. Các đơn này yêu cầu Mon Quoprisen gỡ bỏ bài viết, cho rằng dưới vỏ bọc của tranh hoạt hình, những bài viết kiểu này có thể kích động thù hận đối với trẻ em Trung Quốc trong trường học, khiến chúng phải chịu những bình luận kỳ thị, bạo lực và cô lập.

Phó Tổng biên tập Gasselin nói rằng, kiểu đe dọa của Đại sứ quán Trung Quốc có thể có hiệu quả ở Trung Quốc, nhưng ở Pháp thì không thích hợp. Ông Gasselin nói, họ không biết họ đang ở nước nào, nhưng ở Pháp thì không thể yêu cầu tòa soạn gỡ bài chỉ vì việc không hài lòng với bài báo.

Mai Hạ

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Đại sứ quán Trung Quốc uy hiếp báo Pháp, đòi gỡ bài về người Duy Ngô Nhĩ