Tổng thống Đài Loan nhiễm COVID-19 hay 'chiến tranh nhận thức' của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang thúc đẩy “chiến tranh nhận thức” nhắm vào Đài Loan. Hiện nay trên mạng Internet Đài Loan xuất hiện một số thông tin giả như Tổng thống Thái Anh Văn nhiễm virus, v.v. Chuyên gia chỉ ra rằng, Bắc Kinh đang lợi dụng số ca nhiễm tăng vọt ở Đài Loan để tuyên truyền rằng: "cuộc chiến chống dịch bệnh của Trung Quốc đã thành công, vaccine của Trung Quốc rất tuyệt vời, chính vì không nhận vaccine của Trung Quốc nên dịch bệnh ở Đài Loan mới lây lan".

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang bùng phát ở Đài Loan. Từ hôm 15/5 đến 24/5, số ca nhiễm cộng đồng ở nước này đã tăng vọt từ 164 lên 3.748 ca.

Chính phủ Đài Loan phản hồi về tin giả

Gần đây, trên mạng Internet của Đài Loan liên tục xuất hiện một số tin giả như: Tổng thống Thái Anh Văn được chẩn đoán nhiễm COVID-19; Viện trưởng Hành chính viện (tương đương Quốc Hội) Tô Trinh Xương liên quan đến đầu cơ cổ phiếu phòng dịch; vì để bán vaccine nên chính phủ [Đài Loan] khiến dịch bệnh lan rộng, v.v., theo The Epoch Times.

Về vấn đề này, trong buổi họp báo hôm 22/5, ông Trần Tông Ngạn, Phó chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương của Đài Loan (CECC), một lần nữa kêu gọi người dân “hãy nghi ngờ, xác minh thêm và không phát tán [thông tin] một cách bừa bãi”; trong thời gian này, đừng để thông tin sai lệch phá hoại nhịp độ phòng chống dịch bệnh của Đài Loan và gây rối loạn các biện pháp phòng chống.

Ông cũng nhắc nhở rằng, thông tin phòng chống dịch bệnh chủ yếu do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Đài Loan và trang web chính thức của chính phủ xác nhận, những thông tin giả trên mạng đang cố gắng làm rối loạn tâm lý người dân để tạo ra khủng hoảng.

Trung tâm chỉ huy CECC nhấn mạnh rằng việc phát tán thông tin sai lệch sẽ cấu thành phạm tội và sẽ bị kết án tới 3 năm tù giam hoặc/và phạt tiền lên tới 3 triệu Đài tệ (khoảng 2,5 tỷ VNĐ). Công chúng cần xác minh các thông tin có nguồn gốc không rõ ràng và không chuyển tiếp chúng để tránh vi phạm pháp luật.

‘Chiến tranh nhận thức’ là gì?

“Chiến tranh nhận thức" là một chiến thuật tổng hợp tích hợp chiến tranh thông tin, chiến tranh dư luận và chiến tranh tuyên truyền. Nó thuộc về loại "chiến tranh gây ảnh hưởng", tập trung vào việc gây ảnh hưởng và can nhiễu đến nhận thức, tâm lý và khả năng phán đoán. Phần lớn là lợi dụng truyền thông và các nền tảng mạng xã hội có thể cập nhật tin tức tức thời để tác động đến đối tượng mục tiêu.

Trong buổi họp báo hôm 22/5, phóng viên đặt câu hỏi rằng, có người thuộc Quốc dân Đảng đề xuất mua vaccine từ Trung Quốc, liệu nó có liên quan đến mặt trận thống nhất hay chiến tranh nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không?

Ông Trần Tông Ngạn cho biết, vaccine được mua thông qua chương trình COVAX và các công ty dược phẩm khác nhau, "đều có liên hệ và ký hợp đồng mua bán, đều đạt được một số lượng nhất định". Ông chỉ ra rằng, gần đây có thể cảm nhận rõ cuộc chiến nhận thức của ĐCSTQ đối với Đài Loan, chúng đang liên tục xuất hiện và gây ra một số đe dọa. "Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục giải thích về thông tin sai lệch cho mọi người, đó là để công chúng nhắc nhở lẫn nhau".

Ông Trần nhấn mạnh rằng, về những thông tin sai sự thật này, "chúng ta phải ngay lập tức ngăn chặn chúng, và không để cuộc chiến nhận thức của ĐCSTQ ảnh hưởng đến xã hội Đài Loan".

‘Rải truyền đơn’ thời nay của Bắc Kinh

Theo Vision Times, tờ Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan đã có cuộc phỏng vấn với ông Tô Tử Vân (Su Ziyun) - Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng Đài Loan. Ông Tô chỉ ra rằng, kể từ khi ĐCSTQ được thành lập, nó đã áp dụng phương pháp "một tay cầm súng và tay kia rải truyền đơn". Rải truyền đơn chính là một loại chiến tranh nhận thức, chỉ có điều hiện nay họ đã dùng công cụ khác.

Ông Tô cho biết, làn sóng chiến tranh nhận thức này sử dụng cách tiếp cận "tường thuật chiến lược" để tuyên truyền rằng "cuộc chiến chống dịch bệnh của Trung Quốc đã thành công, vaccine của Trung Quốc rất tuyệt vời, chính vì không nhận vaccine của Trung Quốc nên dịch bệnh ở Đài Loan mới lây lan". Và các nền tảng khác nhau sẽ sửa đổi nó theo đặc điểm của đối tượng tiếp nhận thông tin để tấn công một cách chính xác.

Đài Loan chưa có luật xử lý tương xứng

Trong một cuộc phỏng vấn, ông La Thừa Tông (Luo Chengzong), Giáo sư tại Học viện Tài chính và Luật thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Đài Loan, chỉ ra rằng “thiên hạ càng đại loạn, tình thế càng tuyệt hảo” là chiến lược từ trước tới nay của ĐCSTQ. Thậm chí một số cá nhân ở Đài Loan còn xướng hoạ cho ĐCSTQ. Điều này cho thấy Đài Loan cần sớm ban hành “Luật Đại diện cho nước ngoài”.

Về thông tin sai sự thật, ông La cũng nói thẳng rằng so với các nước khác thì các luật hiện hành của Đài Loan "kém hiệu quả và chậm chạp", các bị can bị truy tố theo các đạo luật hình sự như “Luật Duy trì Trật tự Xã hội”, nhưng sau khi bị đưa ra tòa cũng không biết năm nào tháng nào mới có kết quả. Ví như năm 2017, Đức đã ban hành luật và giao trách nhiệm kiểm soát thông tin sai lệch cho các nền tảng Internet; vào năm 2018, Pháp cũng ra luật rằng bất kỳ tin tức giả mạo nào liên quan đến bầu cử sẽ bị thẩm phán ra lệnh gỡ bỏ trong vòng hai ngày.

Công chúng nên đề phòng thế nào trước 'chiến tranh nhận thức'?

Ông La Thừa Tông nhấn mạnh rằng, chỉ có thể nhắc nhở công chúng nên nghi ngờ khi nhìn thấy bất kỳ thông tin nào. Có những người rất dễ bị "dắt mũi", ai nói sao nghe vậy, thế nên phải cẩn thận khi thấy "cách dùng từ kỳ lạ" trong tin tức.

Còn ông Tô Tử Vân thì cho rằng, các giáo viên có thể đưa các trường hợp liên quan vào làm chủ đề giảng dạy, hoặc theo gương Ukraine khuyến khích các tổ chức dân sự tổ chức các lớp đào tạo để giúp người dân phân biệt được tin tức.

Phân tích: Bắc Kinh muốn bôi nhọ nền dân chủ

The Epoch Times đã có một cuộc phỏng vấn với ông Hà Trừng Huy (He Chenghui) - nhà nghiên cứu cấp cao về chiến lược quốc tế của Đài Loan. Ông Hà phân tích rằng, ĐCSTQ sẽ không bỏ qua cơ hội này, sẽ lợi dụng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Đài Loan để tiến hành chiến tranh nhận thức, sẽ xuất hiện rất nhiều thông tin vu khống chính phủ Đài Loan để khiến người dân tin rằng nền dân chủ là vô dụng.

Tuy nhiên, thành tích phòng chống dịch bệnh của Đài Loan trong năm vừa qua đã chứng minh rằng tự do, dân chủ, an ninh và phòng chống dịch bệnh có thể được đồng thời coi trọng, khiến cho ý đồ tuyên truyền, rằng “chế độ của ĐCSTQ vượt trội hơn chế độ dân chủ”, của ĐCSTQ bị thất bại.

Ông Hà cho rằng, ĐCSTQ rất giỏi trong việc sử dụng các mối đe dọa không chính thức, chẳng hạn như tấn công bằng “chiến tranh nhận thức” cũng là một trong những đặc điểm của nó. Kể từ khi ĐCSTQ đưa ra khái niệm "chiến tranh không giới hạn”, nó vẫn luôn đi công kích các nước khác theo cách này.

Sự khác biệt lớn nhất giữa "chiến tranh nhận thức" và chiến tranh truyền thống trước đây là nó đã làm mờ đi ranh giới giữa "chiến tranh quân sự" và "chiến tranh phi quân sự". Nó dùng phương thức tuyên truyền và dư luận thường nhật để tiến hành các cuộc tấn công trên diện rộng và mưu đồ kiếm chác lợi ích chính trị. Đây là thủ đoạn thường thấy bấy lâu nay của ĐCSTQ, ông Hà cho biết.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng ngoài việc khắc phục tình hình dịch bệnh trong nước, chính phủ cũng cần nhanh chóng, kịp thời làm rõ các tin tức giả cho công chúng, vì “vũ khí phòng thủ tốt nhất chống lại cuộc chiến chính trị [phát tán thông tin] giả chính là sự thật”. Đây là ưu tiên hàng đầu.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Đài Loan nhiễm COVID-19 hay 'chiến tranh nhận thức' của Trung Quốc?