Đại học Trier của Đức chấm dứt hoạt động của Viện Khổng Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại học Trier của Đức sẽ chấm dứt mọi hoạt động của Viện Khổng Tử (CI) do Bắc Kinh kiểm soát trong khuôn viên của trường. Quyết định này được đưa ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện lệnh trừng phạt các cá nhân và tổ chức của châu Âu vốn bày tỏ sự ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trong một tuyên bố gần đây, trường đại học này đã bày tỏ quan ngại về các động thái vừa qua của chính quyền Trung Quốc “nhằm hạn chế quyền tự do bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều học giả trên khắp châu Âu và cả Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS)”.

“Quyền tự do nghiên cứu và giảng dạy là một tài sản vô giá,” tuyên bố viết. “Điều 5, Luật Cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức nhấn mạnh rõ ràng quyền tự do này”.

Trường đại học này mô tả quyết định chấm dứt hoạt động của CI là " một tín hiệu của sự phản đối chính quyền Trung Quốc cũng như sự đoàn kết đối với các đồng nghiệp trong và ngoài nước vốn bị ảnh hưởng của lệnh trừng phạt".

Vào tháng 3/2021, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố các biện pháp trả đũa đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức châu Âu ngay sau khi Liên minh châu Âu quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ và các cơ quan phải chịu trách nhiệm về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Tân Cương.

Bốn tổ chức mà ĐCSTQ nhắm tới là Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Liên minh Châu Âu, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) của Đức, và Tổ chức Liên minh các nền dân chủ (AoD) ở Đan Mạch.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước sự bắt nạt của các quốc gia độc tài”, ông Anders Fogh Rasmussen người sáng lập AoD cho biết trong một phản ứng ngày 22/3 về các lệnh trừng phạt của chính quyền Trung Quốc.

“Công việc của chúng tôi nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được triển khai”.

Ông nói thêm rằng động thái gần đây của Trung Quốc đã “một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của sự chung tay giữa các nền dân chủ trong việc ngăn chặn làn sóng chuyên quyền trên thế giới”.

Hiện có 22 Viện Khổng Tử đang hoạt động trong các trường cao đẳng và đại học của Đức, bao gồm cả Đại học Trier, theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI).

Tranh cãi vẫn còn xung quanh mạng lưới các Viện Khổng Tử vì chúng được giám sát bởi Bộ Giáo dục của ĐCSTQ.

Các viện này bị cáo buộc là hạn chế quyền tự do ngôn luận và các hoạt động nghiên cứu bằng cách loại bỏ các chủ đề nhạy cảm như nhân quyền và tín ngưỡng tôn giáo. Theo bà Doris Liu, một nhà làm phim và nhà báo độc lập, những viện này cũng đang có hành vi phân biệt đối xử trong chính sách tuyển dụng. Do đó, họ đã vấp phải sự phản kháng ngày càng tăng ở nhiều nước dân chủ.

Vào tháng 6/2014, Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các trường đại học Hoa Kỳ ngừng hợp tác với Viện Khổng Tử,ngoại trừ các trường đại học có thể đơn phương kiểm soát các vấn đề học thuật. Hiệp hội cũng khuyến nghị rằng các trường đại học phải đảm bảo các giáo viên trong Viện Khổng Tử có quyền tự do học thuật ngang hàng với các giảng viên khác của trường, và rằng các thỏa thuận giữa các trường và các Viện Khổng Tử là công khai cho cộng đồng.

Tuyên bố của AAUP đã được truyền thông Hoa Kỳ đưa tin rộng rãi và đã thúc đẩy cuộc tranh luận rộng rãi ở Hoa Kỳ.

Theo một báo cáo của Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ (NAS), tính đến cuối tháng 3/2021, có 74 Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ đã bị đóng cửa hoặc đang trong quá trình đóng cửa, . Trong số 50 Viện Khổng Tử hiện vẫn còn hoạt động, có 8 Viện hiện đã lên kế hoạch đóng cửa.

Bà Liu, một nhà làm phim, trao đổi với The Epoch Times vào ngày 12/4 rằng “động thái này đánh dấu xu hướng thế giới loại bỏ các Viện Khổng Tử”.

Bà nhấn mạnh rằng các Viện Khổng Tử của ĐCSTQ không chỉ đơn thuần là các cơ quan giảng dạy ngôn ngữ hoặc văn hóa.

“Mặc dù chúng tôi không thể nói rằng tất cả các giảng viên làm việc cho họ đều là gián điệp của ĐCSTQ, nhưng họ thực sự là một công cụ của Mặt trận Thống nhất và đang làm việc cho lợi ích của ĐCSTQ thông qua mạng xã hội ở phương Tây”.

Bà Liu cũng tiết lộ rằng các cơ quan tình báo ở nhiều quốc gia đã báo cáo các hoạt động đáng ngờ của các giảng viên Viện Khổng Tử cho chính phủ của họ.

Phim tài liệu của bà Liu mang tên “Nhân danh Khổng Tử”, tập trung vào ảnh hưởng đang lan rộng của ĐCSTQ đến các trường cao đẳng và đại học phương Tây. Bộ phim đã được phát hành bằng 12 thứ tiếng và công chiếu ở khoảng 20 quốc gia.

Bà Liu cũng cảnh báo rằng với ảnh hưởng hiện tại của ĐCSTQ đối với các trường học ở Mỹ, các nền dân chủ nên đề phòng sự xâm nhập của nó thông qua các kênh không thuộc Viện Khổng Tử.

Thùy Minh
Theo The Epoch Times tiếng Anh

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Đại học Trier của Đức chấm dứt hoạt động của Viện Khổng Tử