Đại Cách mạng Văn hóa tái diễn ở Trung Quốc: Mọi thứ liên quan đến tôn giáo đều bị thanh trừng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 2 năm qua, cuộc đàn áp các tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắc nhở những người thế hệ trước ở Trung Quốc về sự đàn áp áp dưới thời cai trị của Mao Trạch Đông, đặc biệt là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.

Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, bất cứ điều gì thậm chí hơi liên quan đến tôn giáo đều bị đàn áp vì thuộc về “Tứ Cựu”, gồm có tập quán cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và tư tưởng cũ. Các tăng nhân và tu sĩ bị buộc phải hoàn tục, các bức tượng và biểu tượng tôn giáo bị phá hủy, và các doanh nghiệp với tên liên quan đến tôn giáo buộc phải đổi tên.

Bắt ép các Đạo sĩ phải cắt búi tóc truyền thống

Vị đạo sĩ tóc bạc phơ ở thành phố Tây An (Xi’an), phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây đã phải bỏ đi búi tóc của mình, vốn là truyền thống đặc trưng của các đạo sĩ. Kiểu tóc được gọi đùa là “mũi bò” vì nó giống với mũi của một con bò. Người đàn ông lớn tuổi nói rằng các quan chức chính quyền địa phương ép buộc tất cả các đạo sĩ Đạo giáo phải cắt búi tóc đi. Những vị đạo sĩ này là những người không được nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Ngày càng có nhiều tu sĩ Phật giáo và đạo sĩ trên khắp Trung Quốc bị trục xuất khỏi các đạo quán và chùa chiền; họ buộc phải hoàn tục, trở về với cuộc sống của người thường. Trao đổi với báo Bitter Winter, một vị Đạo sĩ ngụ tại huyện Bảo Phong thuộc thành phố Bình Đỉnh Sơn ở tỉnh Hà Nam nói rằng, vào tháng Tư năm ngoái, các quan chức đã đóng cửa đạo quán nơi ông sống. Họ tuyên bố rằng đạo quán này được “thành lập bất hợp pháp, và các hoạt động tôn giáo được tiến hành mà không được cấp phép”. Vị Đạo sĩ bị buộc phải bỏ áo choàng truyền thống, cắt tóc và rời khỏi đền để tiếp tục cuộc sống thế tục. Ông là một Đạo sĩ trong phần lớn cuộc đời của mình và không còn nơi nào để đi.

Một tăng nhân tại chùa Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh vào ngày 24/10/2012. Nhiều quan chức Trung Quốc vì để tìm kiếm lời khuyên cho sự nghiệp của họ, đã xây dựng mối quan hệ với các nhà sư và thầy khí công trong giai đoạn này. (Wang Zhao / AFP / Getty Images)
Một tăng nhân tại chùa Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh vào ngày 24/10/2012. Nhiều quan chức Trung Quốc vì để tìm kiếm lời khuyên cho sự nghiệp của họ, đã xây dựng mối quan hệ với các nhà sư và thầy khí công trong giai đoạn này. (Wang Zhao / AFP / Getty Images)

Đổi bảng hiệu các môn phái khí công võ thuật

Theo một nhân viên chính phủ từ thành phố Đăng Phong thuộc tỉnh Hà Nam, đoàn thanh tra công tác tôn giáo trung ương yêu cầu tất cả các môn phái võ thuật trong khu vực phải “hoàn tục”, trong đợt kiểm tra năm ngoái. Kết quả là, hơn 20 võ đường đã buộc phải bỏ các từ liên quan đến tôn giáo khỏi bảng tên, và tất cả các học viên phải thay đổi trang phục tu sĩ Phật giáo của họ thành trang phục thể thao.

Thiếu Lâm Tự vốn nổi tiếng về tinh hoa võ thuật Trung Quốc, đã kích thích sự bùng nổ của việc học võ thuật trên khắp Trung Quốc và thế giới do một loạt các video liên quan đến Thiếu Lâm Tự. Vì sự phổ biến của nó, nhiều trường phái võ thuật bắt đầu thêm chữ Thiếu Lâm Tự vào tên của họ. Sau khi Quy định mới về các vấn đề tôn giáo có hiệu lực vào năm 2018, các trường này đã buộc phải thay đổi tên của mình.

“Cơ sở đào tạo võ sư Thiếu Lâm Tự Tùng Sơn” tại Đặng Phong phải đổi tên thành “Võ đường Thiếu Lâm Diên Lỗ”. Trong một thông báo chính thức, trường này cho biết: “Việc thay đổi tên là biện pháp chiến lược của võ đường chúng tôi sau khi đánh giá tình hình chung. Võ đường Thiếu Lâm Diên Lỗ cũng hứa hẹn sẽ “triệt để thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn các tôn giáo xâm nhập vào [ngôi trường này]”.

Một khách du lịch đi bộ đến một ngôi đền tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tùng Sơn, tỉnh Hà Nam, vào ngày 25/8/2006. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 sau Công nguyên và được coi là nơi ra đời của môn võ học Kung Fu Thiếu Lâm. (Ảnh Trung Quốc / Ảnh Getty)
Một khách du lịch đi bộ đến một ngôi đền tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tùng Sơn, tỉnh Hà Nam, vào ngày 25/8/2006. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 sau Công nguyên và được coi là nơi ra đời của môn võ học Kung Fu Thiếu Lâm. (Ảnh Trung Quốc / Ảnh Getty)

Một học viên của trường nói với Bitter Winter rằng: “Huấn luyện viên bảo chúng tôi không được đeo chuỗi hạt, hoa tai, hoặc dây chuyền của Phật giáo, và không sử dụng những từ như Thần, Phật, chùa, nhà sư, giảm thiểu việc chúng tôi nói chuyện bất cẩn dẫn đến rắc rối. Một số bạn học của tôi đã phải chịu phạt trên người vì võ phục của các bạn ấy có chữ ‘đền chùa’”.

Đập phá bia tưởng niệm và bia mộ có hình thánh giá

Vào ngày 22/2/2019, các quan chức chính phủ từ thị trấn Kongling thuộc huyện Ninh Lăng ở thành phố Thượng Hải, tỉnh Hà Nam, đã dùng máy xúc để hất một tấm bia tưởng niệm xuống sông. Đây là tấm bia dành riêng cho Lưu An Sơn, một bác sĩ Kitô giáo địa phương quá cố. Tấm bia này được các bệnh nhân của ông tạo ra từ 10 năm trước, trên đó có hình thánh giá màu đỏ và các Hán tự mang ý nghĩa “Đức Chúa yêu thế giới”. Các quan chức nói rằng phải loại bỏ các tấm bia tưởng niệm vì “các biểu tượng tôn giáo được trưng bày ngay chốn công cộng”.

Một người dân phẫn nộ lên tiếng: “Ngay cả những tín đồ Kitô giáo đã chết cũng không được tha. Đây là sự tái diễn của Đại Cách mạng Văn hóa”.

Vào ngày 29/4 năm nay, 176 ngôi mộ có hình thánh giá đã bị giới chức chỉ đạo phá hủy trong một nghĩa trang ở quận Hà Phố tại thành phố cấp tỉnh Ninh Đức, thuộc tỉnh Phúc Kiến ở phía đông nam Trung Quốc. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận.

Du Miên

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Đại Cách mạng Văn hóa tái diễn ở Trung Quốc: Mọi thứ liên quan đến tôn giáo đều bị thanh trừng