Cựu sĩ quan Trung Quốc: hơn 40 binh lính Trung Quốc thiệt mạng, xung đột Trung-Ấn chưa thể kết thúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 10 vòng đàm phán cấp chỉ huy giữa quân đội Ấn Độ và quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cả hai bên tuyên bố cuối cùng đã đạt được "đồng thuận hoà hoãn”. Tuy nhiên, một cựu sĩ quan của ĐCSTQ đã tiết lộ với đài Sound Of Hope (SOH) rằng, con số thương vong mà quân đội ĐCSTQ tuyên bố là giả, và tiết lộ đã có 40 binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong vụ xung đột Trung-Ấn, đồng thời nói rằng vụ xung đột này vẫn chưa thể kết thúc.

Sau khi xảy ra cuộc xung đột đẫm máu vào tháng 6/2020, Ấn Độ tuyên bố đã có 20 binh lính bị thiệt mạng. Sau hơn 8 tháng, đến tận ngày 19/2/2021, Trung Quốc mới công bố tổng cộng có 4 binh lính thiệt mạng và 1 người bị thương nặng trong vụ xung đột này. Tuy nhiên, tính xác thực của những con số này khiến cư dân mạng Trung Quốc liên tục đặt nghi vấn.

Trong một cuộc phỏng vấn với SOH, cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ Diêu Thành cho biết, số người thiệt mạng mà ĐCSTQ công bố chắc chắn là con số giả. Phía quân đội Trung Quốc đã có người tiến hành điều tra về số người thiệt mạng trong vụ xung đột này, và kết luận có 42 binh lính đã thiệt mạng, con số này là khá chính xác.

Ông Diêu Thành nói: "Ví dụ, trong điều kiện khắc nghiệt ở biên giới Trung-Ấn, thể chất của các binh lính Ấn Độ sẵn đã thích nghi với môi trường cao nguyên mà vẫn thiệt mạng 20 người, trong khi ĐCSTQ thì chỉ có 4 người chết? Chắc chắn số người chết còn nhiều hơn Ấn Độ. Do đó chúng tôi đã hỏi một số người, mặc dù ĐCSTQ cũng phong tỏa những thông tin này rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn có thông tin nói là 42 người đã thiệt mạng. Tôi cho rằng con số này khá chính xác. Bởi vì chúng tôi cũng đã nhìn thấy bia mộ của những binh lính sau khi họ hy sinh ở chiến khu miền Tây. Những người chết đều được chôn trong bia mộ của các liệt sĩ, có người cũng từng đếm được là hơn 40 người”.

Ông Diêu Thành cho biết, sau khi quân đội ĐCSTQ tiến vào Quảng trường Thiên An Môn để dọn sạch hiện trường bằng vũ lực vào ngày 4/6/1989, rất nhiều báo cáo điều tra cho thấy hàng chục nghìn sinh viên đã chết trong vụ thảm sát đẫm máu này. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn nói rằng không có ai chết và gần như không nổ phát súng nào ở Quảng trường Thiên An Môn. Từ đó có thể thấy, nói dối chính là bản chất của ĐCSTQ".

Ngoài ra, ông Diêu còn phân tích rằng, việc rút quân ở biên giới Trung-Ấn chỉ là tạm thời đình chỉ do yếu tố thời vụ, hiện tại là thời điểm lạnh giá khiến quân đội của cả hai bên đều không thể chịu đựng được; ngoài ra, vì ĐCSTQ muốn giải quyết vấn đề Đài Loan, đồng thời Ấn Độ nhận thấy Hoa Kỳ cũng không kiên quyết ủng hộ họ như trước đây nên cũng có chút do dự.

Ông Diêu nói rằng: “Việc rút quân ở biên giới lần này chủ yếu có 3 nguyên nhân: Một là từ phía Ấn Độ mà nói, họ phát hiện rằng sau khi Joe Biden lên nắm quyền, mối quan hệ giữa ông ta và ĐCSTQ đang dần “ấm lên”, họ cũng không có sự hỗ trợ vững chắc để đánh với Trung Quốc như dưới thời của chính quyền Tổng thống Trump. Tức là bây giờ nếu họ đánh với ĐCSTQ, Mỹ có thể sẽ không hỗ trợ họ, nên họ cũng cảm thấy lo ngại và đã rút quân. Hai là ĐCSTQ cũng không muốn hao tổn binh lính ở khu vực biên giới Trung-Ấn nữa, họ muốn chuyển toàn bộ sức lực sang chiến đấu ở eo biển Đài Loan. Ba là một khu vực ở đó hiện tại đang bước vào mùa đông khắc nghiệt. Hàng nghìn binh sĩ đã bị chết cóng ở khu vực đó, và rất khó bảo đảm (hậu cần) về mọi mặt. Vì vậy, chủ yếu là vì những lý do này, nên họ đã cho rút quân để cả hai bên cùng có lợi. Nhưng vấn đề biên giới Trung-Ấn vẫn chưa kết thúc, và cũng không thể kết thúc! Sự thay đổi của hình thế quốc tế hiện nay đã khiến họ tạm thời đình chiến, chính là tình huống này".

Cho đến nay, ít nhất đã có 7 cư dân mạng Trung Quốc bị giam giữ hình sự hoặc giam giữ hành chính vì các phát biểu "xúc phạm và phỉ báng các anh hùng". Vào ngày 19/2, tài khoản Weibo có hơn 2,5 triệu người theo dõi @辣笔小球 (Lạp Bút Tiểu Cầu), đã đăng bài viết đặt nghi vấn về số người chết ở Trung Quốc, và bị một lượng lớn "cư dân mạng yêu nước" và các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ “vây quét”.

Ngày 20/2, Công an thành phố Nam Kinh thông báo, vào tối ngày 19/2, một người họ Cừu (nam, 38 tuổi, quê ở Nam Kinh, tên trên mạng là "Lạp Bút Tiểu Cầu") đã bị cảnh sát tạm giữ hình sự vì “bị nghi ngờ gây kích động và gây rối loạn”.

Ngoài ra, vào ngày 22/2, tờ Nhân dân Nhật báo đã chuyển tiếp nội dung của tài khoản Weibo chính thức của Văn phòng Công an quận Tân Hải, thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, viết rằng "Lại thêm một người nữa! Một cư dân mạng Quảng Đông đã bị giam giữ vì xúc phạm và vu khống anh hùng bảo vệ biên cương".

Nội dung của Weibo cho thấy, cảnh sát địa phương nhận được báo cáo vào ngày 21/2 rằng “một cư dân mạng đã đăng lời lăng mạ và vu khống các binh sĩ anh hùng bảo vệ tổ quốc và biên cương trong một nhóm WeChat”. Đêm đó, cư dân mạng này đã bị “truy bắt” và hiện đang bị tạm giữ hình sự.

Cùng ngày, nhiều kênh truyền thông của đại lục cũng đăng tải một tin tức với tiêu đề "Người thứ năm! Một cư dân mạng ở Quý Dương đã xúc phạm anh hùng bảo vệ biên cương và đã bị giam giữ!".

Mai Hạ

Theo SOH

 



BÀI CHỌN LỌC

Cựu sĩ quan Trung Quốc: hơn 40 binh lính Trung Quốc thiệt mạng, xung đột Trung-Ấn chưa thể kết thúc