Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: Vatican có thể đã nhận một số tiền lớn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt nghi vấn về việc Vatican nhận một số tiền lớn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một cuộc Hội thảo khoa học lớn và công khai.

Vào ngày 18/10 vừa qua, Viện Hudson, một tổ chức tư vấn nổi tiếng ở Washington, Mỹ, đã tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề "ĐCSTQ tuyên chiến với tôn giáo".

Giáo sư luật, ông Robert Destro, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Các vấn đề Lao động, đã phát biểu tại Hội thảo rằng: "Cách ĐCSTQ hoạt động ở phương Tây là nếu họ không thể đạt được mục tiêu kiểm soát bằng cách ly khai hoặc ép buộc, trấn áp thì họ sẽ bỏ tiền ra mua”.

"Tôi thực sự khuyên bạn nên theo dõi dòng tiền".

Giáo sư luật Robert Destro, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Các vấn đề lao động. (Ảnh chụp màn hình video về Hội thảo của Viện Hudson vào ngày 18/10/2021)

"Bạn có thể nghĩ rằng Vatican không nhận được nhiều tiền từ ĐCSTQ. Tôi nghi ngờ rằng Vatican có thể đã nhận được một khoản tiền lớn từ Trung Quốc. Đây sẽ không thể là một giao dịch công khai, nó có thể là một giao dịch ‘hậu trường’ ", ông nói.

Về quan điểm này của cựu Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ, phóng viên của The Epoch Times đã liên hệ với Văn phòng Báo chí Vatican để hỏi về nhận định của họ. Đến thời điểm hoàn thành bài báo này, The Epoch Times vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Ông Quách Bảo Thắng (Guo Baosheng), một mục sư Cơ đốc giáo người Mỹ gốc Hoa, nhà văn và nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, ông đồng ý với quan điểm rằng có một lượng lớn giao dịch tiền tệ giữa Trung Quốc và Vatican.

Toà Thánh Vatican thường khiến Trung Quốc hài lòng

Mục sư Quách cho biết, “Là một quốc gia, Vatican cần rất nhiều chi phí và tiền bạc. (Nó) không có bất kỳ doanh nghiệp nào, hoàn toàn dựa vào việc nhận tiền hiến tặng từ các đoàn thể tôn giáo. Nhưng Vatican cũng là một quốc gia duy nhất nơi việc nhận tiền quyên góp không bị giám sát bởi bất kỳ chính phủ quốc gia nào".

Ông nói, "Chính phủ Trung Quốc đã trực tiếp đưa tiền cho Vatican, số tiền quyên tặng mà Giáo hội Công giáo của chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả các tín đồ Công giáo, các nhóm thân Trung Quốc (ĐCSTQ) và các cá nhân đổ về Vantican, tôi nghĩ con số này phải rất lớn".

"Khoản tài trợ kinh tế khổng lồ như vậy có tác động ngoại giao lớn đối với Vatican. Vì vậy, nó (Vatican) thường khiến ĐCSTQ hài lòng. Nhưng cũng vì thế, Vatican đã bỏ qua tự do tôn giáo và các quyền cơ bản của con người".

Lối vào Vatican. (Ảnh: do Nông Sinh cung cấp)

Ông Tom Farr, Chủ tịch Hiệp hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ, đã tuyên bố tại buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2020 rằng, thỏa thuận mà Vatican ký với ĐCSTQ là một vụ làm ăn với "ma quỷ".

Vào tháng 9/2018, ĐCSTQ và Vatican đã bí mật ký một thỏa thuận bổ nhiệm Giám mục, nhưng chi tiết của cuộc thỏa thuận trước nay chưa bao giờ được công khai. Thỏa thuận này cho phép Vatican công nhận ĐCSTQ có quyền phát biểu trong việc bổ nhiệm các giám mục. Không những thế Giáo hoàng Francis còn công nhận 8 giám mục đã được ĐCSTQ bổ nhiệm trước đó mà không cần sự chấp thuận của Tòa thánh. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng tới, nhưng dự kiến ​​sẽ được gia hạn.

Các quan chức trong Tòa thánh nói rằng thỏa thuận này không hoàn hảo nhưng gọi nó là một bước tiến, sau nhiều thập kỷ mà những người Công giáo Trung Quốc, những người công nhận Giáo hoàng đã phải thực hành đức tin của mình một cách bí mật.

Rất nhiều nhà quan sát đã chỉ trích Vatican vì thoả thuận này. Động thái này của Vatican được xem như hành động quỳ gối trước ĐCSTQ và khiêu vũ với "ma quỷ".

Khi còn tại nhiệm, cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo đã chỉ trích Vatican, nói rằng Vatican nên phát huy sức ảnh hưởng của mình để vạch trần những vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và rằng việc gia hạn thỏa thuận Trung Quốc - Vatican với ĐCSTQ sẽ làm suy yếu “uy tín đạo đức”, theo The Epoch Times tiếng Anh.

Mục sư Quách Bảo Thắng nói, "Thỏa thuận bí mật Trung Quốc - Vatican có lợi cho việc ĐCSTQ kiểm soát Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc và tiếp tục đàn áp Công giáo ở nước này".

Xuất khẩu thành công chi bộ ĐCSTQ đội lốt Giáo hội Công giáo sang Toà thánh Vatican

Tại Trung Quốc, do đàn áp dã man tín ngưỡng, trong đó có Công giáo, những người công giáo chân chính đã hình thành nên một Giáo hội Công giáo ngầm (còn gọi là Giáo hội hầm trú), những người thực sự tín Chúa và trung thành với Toà thánh Vatican. Sở dĩ những người có niềm tin tôn giáo này buộc phải hình thành một Giáo hội ngầm là bởi vì chính quyền ĐCSTQ đã đưa những người cộng sản vô thần của họ vào nhà thờ, lấy danh nghĩa nhà thờ để thành lập nên Giáo hội công giáo do ĐCSTQ chỉ huy và kiểm soát.

"Việc tiến cử giám mục Công giáo Trung Quốc hoàn toàn do chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát. Giám mục là thành viên của nhà thờ chính thức và Hiệp hội Công giáo Yêu nước. Giáo hội Công giáo ngầm thực sự trung thành với Tòa thánh, thì bị ném sang một bên", mục sư Quách nói.

Cờ ĐCS Trung Quốc tung bay trước Nhà thờ St Joseph, còn được gọi là Nhà thờ Công giáo Vương Phủ Tỉnh, ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, ngày thỏa thuận bí mật năm 2018 giữa Bắc Kinh và Vatican được gia hạn thêm hai năm. (Nguồn ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)
Cờ ĐCS Trung Quốc tung bay trước Nhà thờ St Joseph, còn được gọi là Nhà thờ Công giáo Vương Phủ Tỉnh, ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, ngày mà thỏa thuận bí mật năm 2018 giữa Bắc Kinh và Vatican được gia hạn thêm hai năm. (Nguồn ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Như vậy, bằng cách ký thỏa thuận ngầm với Vatican, ĐCSTQ đã và sẽ xuất khẩu thành công chi bộ ĐCSTQ đội lốt Giáo hội Công giáo sang Toà Thánh Vatican.

Theo báo cáo, có khoảng 10 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, và khoảng một nửa trong số họ là thành viên của Giáo hội Công giáo ngầm, họ từ chối công nhận "Giáo hội Yêu nước" đã được ĐCSTQ chấp thuận.

Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, cũng đã tuyên bố trong cuộc Hội thảo trên rằng, vị giám mục Công giáo mới được bổ nhiệm bởi ĐCSTQ là điển hình của việc ĐCSTQ đã xuất khẩu thành công mô hình chi bộ đảng đội lốt Kitô giáo sang Vatican.

Hiển nhiên, vị giám mục do ĐCSTQ bổ nhiệm sẽ là một người có trách nhiệm thúc đẩy CNXH mang màu sắc Trung Quốc. Nói cách khác vị giám mục ấy sẽ phụng sự ĐCSTQ chứ không thể phụng sự Chúa. Mà ĐCSTQ vốn luôn không công nhận, thậm chí phỉ báng sự tồn tại của Chúa.

Hiệp ước với 'ma quỷ'

Mục sư Quách Bảo Thắng tuyên bố rằng vì Vatican đã nhận được số tiền tài trợ khổng lồ từ ĐCSTQ, nên họ đã hoàn toàn thỏa hiệp với ĐCSTQ, bao gồm một loạt các vấn đề như Pháp Luân Công, mổ cướp nội tạng sống, Hồng Kông và Duy Ngô Nhĩ.

Năm 2017, Hội nghị Chống buôn bán Nội tạng do Học viện Khoa học Giáo hoàng của Vatican tổ chức đã mời ông Hoàng Khiết Phu, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế của ĐCSTQ. Ông Hoàng Khiết Phu thậm chí đã có bài phát biểu quan trọng tán dương thành quả của ngành công nghiệp ghép tạng phi nhân tính ở Trung Quốc, lờ đi các câu hỏi về tội ác mổ cướp tạng và diệt chủng lạnh những người tu luyện Pháp Luân Công, người Công giáo, người đạo Hồi Duy Ngô Nhĩ. Sự xuất hiện của ông Hoàng Khiết Phu, trong một sự kiện của Vatican, người bị nghi ngờ là đồ tể tham gia mổ cướp tạng từ người còn sống ở Đại lục, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng khoa học và dư luận.

Ông Hoàng Khiết Phu, Chủ tịch Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (China Organ Transplantation Development Foundation), đã tham dự một diễn đàn khoa học về ghép tạng tại Bắc Kinh vào ngày 20/11. (Ảnh từ Transplantation Science Symposium 2020)
Ông Hoàng Khiết Phu, Chủ tịch Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (China Organ Transplantation Development Foundation), đã tham dự một diễn đàn khoa học về ghép tạng tại Bắc Kinh vào ngày 20/11/2020. (Ảnh từ Transplantation Science Symposium 2020)

Các tờ báo lớn của Ý gồm "La Repubblica" (Báo Cộng hòa), "Quotidiano Sanita" (Báo Sức khỏe), "La Nuova Bussola Quotidiana" (La bàn Tin tức) và các phương tiện truyền thông khác đã đăng các bài báo, trích dẫn ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia, nói rằng Vatican đã bị ĐCSTQ sử dụng để che đậy tội ác ‘vô tiền khoáng hậu' mổ cướp nội tạng từ người còn sống của họ.

Mục sư Quách Bảo Thắng: Vatican đã làm ngơ trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1999. Theo một thống kê từ Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc, có hơn 70 triệu học viên Pháp Luân Công tại thời điểm đó. Con số này gây ra nỗi sợ hãi vô căn cứ cho người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ là cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người phát động cuộc đàn áp đẫm máu lên những người tu luyện pháp môn này.

Về việc Vatican mời ông Hoàng Khiết Phu, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế của ĐCSTQ, phát biểu tại cuộc họp chống buôn bán nội tạng, Mục sư Quách tuyên bố, đây rõ ràng là đang thỏa hiệp với ĐCSTQ.

"Vì số tiền lớn của ĐCSTQ cũng như mức độ ảnh hưởng của ĐCSTQ trên quốc tế, (Vantican) đã thỏa hiệp toàn diện với ĐCSTQ. Nhất là trong sự việc Pháp Luân Công (những người bị bức hại) và nạn mổ cướp tạng, thì Vatican, với tư cách là nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu, phải lên án [Trung Quốc vì đã đàn áp tôn giáo đẫm máu], nhưng họ đã không nói lời nào. Đây rõ ràng là thỏa hiệp với tà ác”.

Không chỉ im lặng trước tội ác, bằng cách mời Hoàng Khiết Phu, Vatican dường như còn muốn giúp Trung Quốc tẩy trắng tội ác này.

Việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, như các học viên Pháp Luân Công, lần đầu tiên được phơi bày trong cộng đồng quốc tế vào năm 2006. Trong hơn một thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều báo cáo xác nhận rằng ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng sống.

Vào tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân Độc lập (còn được gọi là "Tòa án Trung Quốc") ở London, Anh đã đưa ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản, kết luận như sau:

"Hoạt động mổ cướp nội tạng sống đã diễn ra trên quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công là một trong số các nạn nhân và có thể là nguồn cung cấp chính nội tạng người còn sống".

"Các cuộc đàn áp và kiểm tra y tế nhắm vào người dân Duy Ngô Nhĩ diễn ra khá gần đây".

Về phán quyết của "Tòa án Trung Quốc", phóng viên The Epoch Times đã liên hệ với Văn phòng Báo chí Vatican vào ngày 19/10/2021. Vào thời điểm bài báo này hoàn thành, Vatican chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Đàm Thanh

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: Vatican có thể đã nhận một số tiền lớn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc